Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 27A TN

NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN

(Mt 21: 33-43)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Mt 2133-43cNhững tá điền giết người (Mt 21:33-46; Mc 12:1-12; Lc 20:9-19)

1.Nghe những dụ ngôn Người kể, các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ

Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ đám đông, vì đám đông cho Người là một ngôn sứ. Khi giải thích dụ ngôn, nguyên tắc bình thường là dụ ngôn chỉ có một điểm chính cần nhấn mạnh, còn những chi tiết không cần. Cố gắng tìm nghĩa của mỗi chi tiết là sai lầm, làm dụ ngôn thành ngụ ngôn. Nhưng trường hợp bài Tin Mừng này lại khác. Những chi tiết đều có ý nghĩa mà những Thượng Tế và Biệt Phái hiểu ngay là chỉ về họ vì gồm những chi tiết rất quen thuộc.[1]

2.Do Thái là vườn nho của Thiên Chúa (Is 5,7)

Mỗi vườn nho đều có dậu chung quanh, máy ép rượu gồm hai tảng bằng đá hay gạch, trên dưới… khi ép nho, nước nho chảy từ tảng trên xuống tảng dưới qua mạch. Tháp canh vừa để canh khi nho chín, vừa là nơi trú cho thợ làm. Việc làm của chủ hoàn toàn tự nhiên. Vào thời Chúa, Palestin là đất loạn lạc, ít xa hoa, vì thế các chủ nhân thường vắng xa. Hoa lợi có thể nộp bằng ba hình thức, bằng tiền, số lượng hoa trái đã định, hay tùy theo phần trăm. Hành động của thợ cũng thông thường. Đất nước bất ổn về kinh tế, thợ làm bất mãn, nổi loạn; âm mưu giết con ông chủ cũng là điều không thể không xẩy ra. Như đã biết, nghe dụ ngôn, người ta cũng dễ nhận diện các nhân vật. Dân Ítraen là vườn nho, Chủ là Thiên Chúa, người làm là giới lãnh đạo, đầy tớ thu lợi là các Tiên tri, con là Chúa Giêsu.[2]

3.Đây là dụ ngôn Chúa Giêsu nói một cách sống động về lịch sử và thời ảm đạm của dân Ítraen. Dụ ngôn cho biết

3.1.Thiên Chúa

3.1.1.Thiên Chúa tin tưởng

Ông chủ trao phó vườn nho cho những tá điền. Ông không canh chừng như cảnh sát. Ông đi vắng, để thợ làm tùy ý. Thiên Chúa cũng phó thác công việc cho con người. Mỗi công việc đều được Thiên Chúa trao phó.

3.1.2.Thiên Chúa kiên nhẫn

Ông chủ kiên nhẫn bằng cách sai hết toán này đến toán khác. Ông không nổi giận, đến bất thình lình để trị tội những tá điền làm loạn. Ông cho các tá điền dịp may này đến dịp may khác để họ đáp lại lời kêu gọi của ông. Thiên Chúa chịu nhịn con người tội lỗi, không loại trừ họ.

3.1.3.Thiên Chúa phán xét

Sau cùng, ông chủ lấy vườn nho trao cho người khác. Phán xét nặng nề nhất Thiên Chúa làm cho con người là cất công việc, nhiệm vụ. Con người chìm đắm xuống vực thẳm nhất là khi trở nên vô dụng đối với Thiên Chúa.[3]

3.2.Con người

3.2.1.Được đặc ân

Vườn nho được trang bị mọi thứ cần thiết, như hàng rào, máy ép rượu, tháp canh… giúp cho thợ làm đỡ vất vả hơn, đem lại kết quả hơn. Thiên Chúa không những cho ta công việc để làm mà còn cho ta những phương thế để thực hiện.

3.2.2.Được tự do

Chủ vườn nho để thợ làm thế nào tùy ý. Thiên Chúa không phải là ông chủ độc đoán; Người như vị chỉ huy khôn ngoan, phân chia công tác rồi để con người thực hiện.

3.2.3.Phải trả lời

Sẽ có ngày mọi người phải trả lời. Ta phải trả lời về cách ta thực hiện công việc Thiên Chúa trao.  3.2.4.Tính cách cố tình của tội

Những tá điền tự do, cố ý làm loạn. Tội là cố ý chống lại Thiên Chúa, đó là cứ làm theo ý mình trong khi biết rõ đường lối của Thiên Chúa.[4]

3.3.Chúa Giêsu

3.3.1.Xưng mình là Con Thiên Chúa

Dụ ngôn cho biết rất rõ Chúa Giêsu cho mình trên các tiên tri. Những vị trước Chúa là những sứ giả của Thiên Chúa, không ai chối cãi, nhưng họ chỉ là những đầy tớ. Còn Chúa Giêsu là người Con. Dụ ngôn cho biết một trong những lời tuyên bố rõ ràng nhất Chúa Giêsu đã tuyên bố, Người là người Con duy nhất, người Con một, khác hẳn những tiên tri.

3.3.2.Hy sinh

Chúa biết rõ những gì sẽ xẩy ra. Dụ ngôn nói những tá điền giết người con. Chúa Giêsu không hề hồ nghi những gì sẽ xẩy đến. Người chết không vì bắt buộc mà là tự ý. [5]

4.Dụ ngôn kết thúc với hình ảnh một viên đá

Hai hình ảnh

4.1.Hình ảnh thứ nhất thật rõ ràng, đó là viên đá bị loại bỏ lại trở nên viên đá góc tường

Hình ảnh thứ nhất thật rõ ràng, đó là viên đá bị loại bỏ lại trở nên viên đá góc tường ‘tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường’ (Tv 118:22). Hình ảnh này, đầu tiên chỉ về Ítraen. Ítraen đã bị chê trách và loại bỏ. Người Do Thái bị mọi người ghét bỏ. Họ đã thành tôi tớ và nô lệ cho nhiều nước; tuy vậy dân bị mọi người ghét bỏ lại là dân được chọn của Thiên Chúa. Con người có thể từ bỏ Chúa Giêsu, từ chối, tìm cách loại trừ Người, nhưng họ sẽ thấy Chúa mà họ muốn loại bỏ, lại là Đấng quan trọng nhất trên thế giới. Julian hoàng đế Rôma muốn quay lại đồng hồ khi cố tình tiêu diệt Kitô giáo, đem lại các thần ngoại giáo xưa. Nhưng Julian đã thất bại, và thất bại hoàn toàn. Cuối cùng ông phải thốt lên ‘loại bỏ Chúa Kitô khỏi ngai chóp đỉnh không phải là việc của tôi’. Đấng trên Thập Giá đã trở thành Quan Án và là Vua của thế giới.

4.2.Hình ảnh thứ hai, đá trong câu 44 mà vài bản bỏ hẳn

Đây là hình ảnh khó hiểu hơn, viên đá sẽ đập nát ai đạp lên nó, nghiền nát ra tro, nếu ngã trên nó. Đây có hình ảnh kép từ Cựu Ước. Từ Isaia 8:14-15 “Người sẽ là một thánh điện, và một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho sẩy chân đối với người dân Giêrusalem. Nhiều người sẽ vì đó mà sẩy chân, té ngã, nát tan, sẽ mắc bẫy và bị bắt” và Isaia 28:16 “bởi thế, Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau: ‘này đây Ta sẽ đặt ở Xion một phiến đa, phiến đá hoa cương, phiến đá góc vô giá làm nền móng vững bền, ai tin tưởng sẽ không hề nao núng” và Đanien 2:34.44.45, viên đá không được đẽo bằng tay, đã đập bể từng mảnh những kẻ thù của Thên Chúa. “Ngài đang mải nhìn thì bỗng có một tảng đá tách ra, dù không có bàn tay nào đụng tới, nó đập vào pho tượng trúng hai chân nửa sắt nửa sành, khiến hai bàn chân vỡ tan ra. Bấy giờ tất cả cùng vỡ tan: cả sắt, sành, đồng, bạc lẫn vàng, giống như rơm rác trên sân phơi lúa mùa hè bị gió cuốn đi không để lại dấu vết gì. Còn tảng đá làm vỡ pho tượng thì trở thành một hòn núi lớn choán hết mặt đất. Trong thời đại các vua này, Đức Chúa Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đập tan và tiêu diệt tất cả mọi vương quốc này, đến muôn đời nó sẽ đứng vững; cũng như ngài đã thấy tảng đá bị tách khỏi núi dù không có bàn tay nào đụng tới, tảng đá ấy đập tan cả sắt, đồng, đất sét, bạc và vàng…” Tất cả đều nói lên hình ảnh một viên đá gói ghém trong Chúa Kitô. Chúa Giêsu là đá tảng mọi sự được xây lên và là đá góc liên kết mọi phần với nhau. Từ chối đường lối của Chúa là đập đầu vào tường lề luật của Thiên Chúa. Coi thường Chúa Giêsu, sau cùng sẽ bị nghiền nát. Dầu đó là những hình ảnh lạ lẫm với ta, nhưng với dân Do Thái lại đều quen thuộc, vì họ biết những lời tiên tri.[6]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG


Dụ ngôn những người tá điền sát nhân (Mt 21,33-43) là một trong ba dụ ngôn Ðức Giêsu dùng để đối đáp với nhóm người tới hạch hỏi Người trong khi Người đang giảng dạy dân chúng nơi Ðền Thờ. Ðó là nhóm thượng tế và kỳ mục trong dân. 

Họ đòi Ðức Giêsu phải cho họ biết Người dựa vào quyền lực nào để giảng dạy cũng như xua đuổi người buôn bán ra khỏi khuôn viên Ðền Thờ. 
Ðức Giêsu nêu điều kiện là họ phải trả lời Người trước đã, thì Người mới trả lời họ về câu hỏi vừa nêu. Câu hỏi mà Người buộc họ phải trả lời là “Phép Rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21,25). 
Nhóm thượng tế và kỳ mục rơi vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ trả lời rằng Phép Rửa ấy do Thiên Chúa, họ sẽ bị Ðức Giêsu vặn hỏi: “sao các ông không tin?” Còn, ngược lại, nếu họ nói “Phép Rửa ấy do loài người,” thì họ lại sợ đi ngược lại với niềm tin của dân chúng, vì ai nấy đều kể ông Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ. Cho nên nhóm thượng tế và kỳ mục cực chẳng đã, phải trả lời rằng “chúng tôi không biết” (c.27).  
Thế là Ðức Giêsu liên tiếp nói với họ ba dụ ngôn: 
– Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (cc. 33-46) và dụ ngôn

  tiệc cưới (Mt 22,1-14). 
– Dụ ngôn thứ nhất nhắm thẳng nhóm thượng tế và kỳ mục. 
– Dụ ngôn thứ hai và thứ ba có thêm cả một số người pharisêu trong đám thính giả. Vì hiểu rõ Ðức Giêsu có ý lên án họ, nên họ tìm cách bắt Người. Ðó là điều họ không dám thực hiện trước đám đông vì đám đông kể Người là một ngôn sứ (Mt 22,45-46). 
Vậy nội dung dụ ngôn những tá điền sát nhân là gì khiến đối phương phật ý muốn sai người đi bắt Ðức Giêsu? 
Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục khai triển chủ đề “vườn nho” của bài đọc 1 (Is 5,1-7), với những ám chỉ sau đây: 
    1. Vườn nho ám chỉ dân Do Thái; 
    2. Ông chủ đất: Thiên Chúa; 
    3. Bọn tá điền: Các lãnh tụ tôn giáo Do Thái; 
    4. Các tôi tớ của chủ đất: Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến; 
    5. Người con trai của ông chủ: Đức Giêsu; 
    6. Các tá điền khác: Dân ngoại.
Toàn bài dụ ngôn nói lên diễn tiến trong lịch sử dân Do Thái: Thiên Chúa chọn Do Thái là dân riêng của Ngài giữa mọi dân tộc.
Ngài muốn họ là cầu nối giữa Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại. 
Để thực hiện mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, sửa trị nhưng các ngôn sứ đều bị đánh đập hoặc ném đá. 
Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của mình, thì cũng bị họ giết chết một cách thảm hại, nên Thiên Chúa đã giao cho các tá điền khác canh tác, đó là dân ngoại. 
Như lịch sử đã minh chứng: tháng 9 năm 70, Titus, lúc ấy làm thống soái quân đội Rôma (sau làm hoàng đế năm 79-81), đã bao vây và chiếm Giêrusalem, giết rất nhiều người Do Thái. Kể từ đó, Do Thái bị mất nước, và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi trên thế giới. 
Đến thế chiến thứ hai, dân Do Thái tại Đức đã bị Hitler giết tới 6 triệu người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất nước, Do Thái đã lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ đó, họ phải chiến tranh liên tục với dân Palestin và Ai Cập cho đến nay.
Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm nom săn sóc. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp trả bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Ho giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, không những Chúa cảnh báo giới lãnh đạo Do Thái, nhưng cũng cảnh báo mỗi người chúng ta.
Mỗi người chúng ta cũng là những tá điền mà Thiên Chúa trao cho một vườn nho, đó là những tài năng tinh thần, đó là những của cải vật chất, để ta sinh lợi cho Chúa cũng như cho phần rỗi linh hồn của ta. 
Sẽ đến ngày ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó cho ta. Sẽ đến ngày ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Ngài trông đợi. Bội thu hay mất trắng hoàn toàn tùy thuộc vào ta. Nếu ta không biết sử dụng ơn lành Chúa ban, thì Ngài sẽ cất đi và trao cho người khác. Thật là bất hạnh nếu ngày ấy lại xảy đến với ta.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại dụ ngôn “người thợ làm vườn nho”. Vườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để giúp người nghe dễ hiểu điều Ngài muốn nói về Nước Trời.
Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thoạt tiên được dùng để chỉ dân Do Thái. Dân Do Thái được Chúa chọn là dân riêng. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Thiên Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai phái các tiên tri đến dạy dỗ họ.
Một cách quyết liệt, dụ ngôn đã đưa ra câu hỏi sau đây: làm sao giới hữu trách của dân Do Thái lại đi tới chỗ loại bỏ Đấng Thiên Sai? 
Chính vì họ đã buông thả theo bản năng chiếm hữu của họ. Vì ham lợi nên họ đã loại bỏ Đức Giêsu là chính nguồn sự sống, nên họ đã mất cả chì lẫn chài như câu chuyện con ngỗng đẻ trứng vàng kể rằng:
Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói:”ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. 
Rồi người đó bỏ đi. 
Ông già nghèo đưa con ngỗng về nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. 
Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. 
Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. 
Hôm sau ông được thêm một quả trứng ngỗng bằng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. 
Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái.  Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho hết tuần  mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. 
Khi đó người lạ mặt kia trở lại và nói: ”trước đây đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao? 
Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”. 

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.277

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.277

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.277

[4] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.278

[5] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.278

[6] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.279

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN