(Mc 9, 38 -43. 45. 47-48)
GIÁ TRỊ TUYỆT ĐỐI CỦA LINH HỒN!
Vâng, thưa quý vị, các bạn! Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một bậc thang giá trị của linh hồn. Nhưng, khi nghe những Lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay, người nghe có vẻ lấy làm khó chịu và có vẻ chướng tai, khó chấp nhận. Vì, Nước Trời toàn là những người què quặt, đui mù, khuyết tật thân thể sao?! Khi nghe những Lời ấy, nếu chúng ta không dùng con mắt đức tin mà suy luận, hay hiểu như nghĩa đen, thì hoàn toàn không thể biết được về Nước Trời.
Nhưng, trước khi chia sẻ phần Tin Mừng trên, chúng ta cùng suy tư Tin Mừng (Mc 9, 38 – 43. 45. 47-48) Chúa Nhật XXVI hôm nay gồm có hai phần:
– Phần thứ nhất: Chúa Giêsu khẳng định thành phần đi theo Chúa, và công lao của những kẻ hợp tác vì Nước Trời (Mc 9, 38–41).
– Phần thứ hai: Muốn vào Nước Trời phải hy sinh cuộc sống trần gian. Bậc thang giá trị của linh hồn (từ câu 42–43. 45. 47–48)
Theo đó, xin cùng chia sẻ phần hai của đoạn Tin Mừng hôm nay.
Qua phần thứ nhất, sự đối đáp giữa Chúa Giêsu và thánh Gioan, chúng ta thấy ý nghiã Nước trời hoàn toàn đối lập với trần thế. Bởi vì, Nước Trời không có phe phái, không có biên giới, không có thiên tư tây vị, không có cao thấp, không có địa vị, không có sang hèn, không có hơn thua. Hiểu về Nước Trời qua phần thứ nhất của Tin Mừng hôm nay. Chúng ta mới dễ hiểu phần hai của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.
Vâng, thân thể là sự hữu hình, là phần cấu tạo sự sống nơi thân xác con người. Sự sống mà ta nhình thấy, có các bộ phận bên ngoài, gọi là ngoại khoa, ngoại hình, mắt, mũi, tay, chân. Về mặt ngoại hình, nếu thiếu đi một trong các bộ phận ấy, thì thật là khó coi. Nhưng, ý nghĩa Lời Chúa hoàn toàn không theo nghĩa đen, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa đen thì linh hồn chúng ta chưa chắc đã hưởng được giá trị tuyệt đối. Vì khi ta phạm tội, thì linh hồn ta phạm tội, chứ thân xác ta không thể phạm tội, nếu linh hồn thánh thiện. Vậy, khi phạm tội, thì linh hồn sa ngã, chứ tay chân ta không sa ngã. Thân xác được linh hồn chi phối, tuy linh hồn siêu nhiên, nhưng sống động, hiện hữu và hằng hữu, còn thân xác tuy hữu hình, nhưng không hằng hữu, tuy hiện hữu nhưng hữu hạn. Từ đó suy ra, Lời giáo huấn trên của Chúa Giêsu không quy về thân xác, nhưng là giá trị tuyệt đối đoạn tuyệt với tội lỗi. Vì tội lỗi là do linh hồn, chứ không do thân xác. Nhưng, qua hình ảnh hữu hình, Chúa Giêsu muốn con người nhận thức về sự siêu nhiên tuyệt đối, đó là linh hồn. Chúa Giêsu dùng hình ảnh thân xác của con người để nói lên sự đoạn tuyệt nơi thân xác, là dịp tội, là cớ làm cho con người vấp phạm. Thân xác con người là gồm những bộ phận của cơ thể làm nên một con người. Nhưng, để đền tội, thì con người không thể cứ mỗi lần phạm tội thì chặt tay, chặt chân của mình. Và suy rộng ra, trên Nước Trời, không thể toàn là những vị thánh bị tàn tật.
Nhưng, Chúa Giêsu muốn mượn hình ảnh dứt khoát với tội. Và điều nầy, minh chứng sự siêu nhiên bất tử của linh hồn nữa. Để cho giá trị tuyệt đối của linh hồn, thì con người cần hy sinh, đứng sau linh hồn thì điều gì giá trị hơn thân xác của chúng ta.
Sự so sánh tận cùng của Lời Chúa cho thấy giá trí tuyệt đối của linh hồn, vì thà rằng linh hồn què quặt, mà được ở trong Nước Trời, còn hơn một linh hồn nguyên vẹn mà phải ở trong hỏa ngục.
Theo đó, khi Chúa Giêsu nói: “Nếu mắt ngươi nên dịp tội cho ngươi, thì hãy móc mắt ném nó đi. Vì thà mất một mắt mà được vào Nước Trời, còn hơn đủ cả hai mắt, mà bị ném vào hỏa ngục” (c 47).
Điều nầy cho thấy, phải biết đoạn tuyệt với trần gian khi nó làm cớ vấp phạm cho ta. Như vậy, cũng có thể hiểu: “Thà làm một người quét vườn trong Nước Trời, còn hơn làm một tên cướp trên trần gian”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận thức được Lời giáo huấn của Chúa, hầu bước theo Chúa, cho dù chúng con có phải hy sinh mọi thứ nơi trần thế nầy. vì, thà hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống thân thể, chứ không thể mất Nước Trời. Vì Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
27/09/2015
P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN