Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Am 6,1.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)

“Cuộc sống hôm nay định đoạt cuộc sống ngày mai”

lazaroTin Mừng Luca 16,19-31:

19 “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”

Suy Niệm:

          Dụ ngôn ông phú hộ và Lagiarô nghèo khổ trong tin mừng hôm nay phản ánh thực trạng của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa: “hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo quá lớn” 20% thành phần giàu và 80% dân nghèo. Người giàu thì quà giàu, người nghèo quá nghèo “Người ăn không hết, kẻ lần không ra”.

          Ông phú hộ dư ăn dư mặc “ngày ngày yến tiệc linh đình”. Lagiarô nghèo đói “mình đầy ghẻ chốc, nằm trước cỗng ông nhà giàu” chẳng ai xót thương. Cả hai đều thiếu tình thương. Ông  phú hộ thì không thương ai, Lagiarô nghèo không ai thương! Thật là cảnh đắng cay và xót xa trong xã hội hôm nay.

          Sau cùng ai cũng phải chết. Cái chết đến làm thay đổi tất cả. Mọi người giàu nghèo đều bình đẳng trước mặt Chúa, chỉ còn tội và phúc. Lagiarô được hưởng hạnh phúc thiên đàng; ông phú hộ phải trầm luân hỏa ngục. Cuộc sống hôm nay định đoạt số phận mai sau.

          Giàu có không phải là tội. Nghèo khổ không phải là giấy thông hành vào Thiên Đàng. Sứ điệp trọng tâm của bài tin mừng  là hãy biết sống yêu thương và chia sẻ cho anh em mình ngay hôm nay để đưa đến một tương lai tốt đẹp. Chỉ có cuộc sống hiện tại là thời gian để cứu chữa, sửa đổi lỗi lầm và sống tốt, sống yêu thương. Sống trên đời cần có một tấm lòng nhân ái giữa con người với nhau.

          Người giàu có mà không có tình thương mới bị phạt. Người giàu biết dùng của cải đời này để phụng sự Thiên Chúa và anh  em đồng loại trong tình thương sẽ được phúc cả đời này và đời sau.

          Tại sao ông phú hộ lại bị trầm luân hỏa ngục? Tội của ông phú hộ: hờ hững, vô cảm trước khổ đau, đói nghèo của anh  em. Sống thụ hưởng ích kỷ, không chút xót thương người nghèo… Đó là tội thiếu sót bổn phận. Vì thế, dửng dưng  trước nỗi khổ của người khác không phải là thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác.

          Mẹ Têrêxa Calcutta đã cảnh giác thế giới hôm nay:

          “Căn bệnh to lớn trên thế giới hôm nay là cảm thấy thừa thãi (Như Lagiarô trước cửa nhà phú hộ). Sự dữ lớn nhất thế giới ngày nay là thiếu tình thương và sự hờ hững khủng khiếp đối với người hàng xóm đang tràn lan khắp nơi nơi”.

          Thông điệp Rerum Novarum số 19 của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII dạy:

          “Chúa khoan nhân ban dư dật mọi ân huệ xác hồn cho ai, thì kẻ ấy phải dùng để thánh hóa bản thân và cấp đủ mọi sự cần dùng cho đời sống mình trước, rồi sau đó phải đóng vai trò quản lý của Chúa Quan Phòng để cứu kẻ khác. Kẻ giàu có nhiều tiền thì chớ để sự nhân từ tê cóng trong lòng họ. Đó là bổn phận bác ái”.

          Phúc âm Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về số phận ông phú hộ và Lagiarô nghèo khổ. Nếu là người phú hộ, chúng ta hãy quan tâm đến những nhu cầu anh  em nghèo khó quanh ta. Nếu là Lagiarô nghèo, chúng ta phải kiên trì trong đức tin và phó thác vào Thiên Chúa giữa bao đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, bị quên lãng… Vì biết rằng chúng ta sẽ được phần thưởng Nước Trời.

          Trong thế giới văn minh với nền kinh tế thị trường, của cải vật chất phong phú. Nhưng lại có rất nhiều Lagiarô nghèo đói của thế kỷ XXI đang đứng chờ chúng ta ngoài cửa, xin bố thí, xin giúp đỡ. Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc hằng năm có khoảng 15 triệu – 20 triệu người chết đói hay thiếu lương thực sinh bệnh mà chết, khoảng 12 triệu trẻ em chết trước khi lên 5 tuổi. Khoảng 250.000 trẻ em  bị mù vì suy dinh dưỡng, thiếu sinh tố trong các bữa ăn. Còn vô vàn vô số trẻ em bụi đời vô gia cư lang thang đó đây… Chúng ta đã làm gì để giúp những Lagiarô trong thời đại hôm nay?

          “Nếu có của cải thế gian và thấy anh  em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” ( 1 Ga 3,17).

          Sự giàu có thật được đo không phải bởi những gì người ta thu tích, mà bởi những gì người ta cho đi. Sự giàu sang quí giá nhất là giàu trong tâm hồn. Khi chúng ta đóng cửa lòng mình lại là lúc chúng ta bắt đầu chết. Khi ta mở lòng ra là lúc ta bắt đầu sống.

          Như thế, ngày hôm nay, thời gian hiện tại này, cuộc sống hôm nay định đoạt cho số phận đời đời trong tương lai.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …