Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXV Thường niên, năm B, của LM Trần Minh Đức Bảy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXV Thường niên, năm B, của LM Trần Minh Đức Bảy

 

1. Bài Đọc

“Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua Galilê (1) và Chúa Giêsu không muốn cho ai biết. Vì Chúa Giêsu đương dạy bảo các môn đệ và nói rằng: ‘Con Người sắp bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Sau khi Người bị giết, qua ngày thứ ba, Người sẽ sống lại’. Nhưng các ông không hiểu lời ấy và sợ không dám hỏi lại. Đến Capharnaum, khi đã vào nhà, Người mới hỏi các ông: ‘Dọc đường anh em tranh luận nhau về việc gì thế?’. Các ông làm thinh, vì dọc đường, họ đã tranh luận nhau xem ai là người lớn nhất. Chúa Giêsu ngồi xuống, gọi 12 người đến và nói: ‘Ai muốn làm đầu thì hãy làm người cuối cùng và tôi tớ cho mọi người’. Rồi đưa một em bé (2) đặt ra giữa, Người ôm nó và nói với các ông: ‘Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thì không phải chính Thầy mà họ đón tiếp, nhưng là Đấng đã cho Thầy đến”.

2. Chú Thích

    (1) Qua Galilê: Để đi lên Giêrusalem, vì gần đến ngày thụ nạn.

    (2) Một em bé: Tiếng Hy Bá Lai (Hébreux), ‘talya’ có nghĩa ‘em bé’, cũng có nghĩa khác là ‘tôi tớ’.

3. Suy Niệm

     (1) Không hiểu tại sao, cũng không dám xét đoán, vì đâu trong lúc Chúa Cứu Thế sắp thụ nạn, các Tông Đồ lại tranh luận với nhau về việc người nào làm lớn nhất? Phúc Âm có nói các ngài không hiểu lời Chúa Giêsu và không dám hỏi. Có lẽ các ngài bàn riêng với nhau: Ngộ giả Chúa Giêsu có ra đi, thì ai kế vị Người để hướng dẫn anh em. Không phải các ngài không buồn sầu, nhưng theo tính tự nhiên, cũng lo sắp đặt ngày tương lai. Câu chuyện này có thể giải thích một phần nào những điều chia rẽ trong các đoàn thể xưa nay. Chỉ nói riêng về Giáo Hội, tuy Chúa Giêsu đã có những lời rõ ràng đặt Thánh Phêrô làm đầu; nhưng chính các Tông Đồ cũng còn phân vân. Vẫn hay theo nguyên tắc, cả tập thể thì hơn một người, nhưng bao giờ cũng phải có một người cầm quyền quyết định chung thẩm, không thể hoàn toàn như nhau. Có người nói khi có ý khác nhau, thì phải bỏ phiếu hay là bắt thăm. Nhưng chân lý hay là Chúa Thánh Thần không ở bên đa số hay là việc tình cờ do tay người ta, mặc dù có thể tin Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện để dùng tấm thăm trả lời. Giáo Hội Công Giáo xưa nay vẫn tin Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô thì đứng đầu, có quyền quyết định, ngay cả trong những hội nghị Công Đồng. Theo siêu nhiên, có thể tin đó là điều hợp với ý Thiên Chúa. Còn theo thiên nhiên, thì nhận thấy nhờ đó mà Giáo Hội Công Giáo vẫn giữ được tính cách duy nhất và thống nhất, một điều kiện thiết yếu cho đoàn thể.

    (2) Tuy Chúa Giêsu đã biết, nhưng cũng làm theo cách người ta, Chúa Giêsu đã hỏi các Tông Đồ tranh luận nhau về điều gì. Các ngài không thưa lại, nhưng Chúa Giêsu cũng giải đáp về điều kiện để làm cấp trên hay là đứng đầu. Theo luật Thiên Chúa,  đứng đầu là để mưu cầu hạnh phúc chung cho đoàn thể và riêng cho mỗi phần tử. Vì đó, phải có yêu mến để hy sinh, khôn ngoan để sắp đặt và điều khiển; các phần tử đều phải yêu kính và vâng lời. Các điều kiện này ràng buộc lấy nhau theo trật tự như thế. Ngay như Thiên Chúa đối với thụ sinh, Thiên Chúa chí minh chí thiện, lo cho cả vạn sự vạn vật, và chính vạn sự vạn vật phải yêu kính và vâng lời Thiên Chúa. Những vật vô tri vô giác chỉ biết theo bản tính và bản năng. Con người có lý trí và tâm tình, dần dần lại sai lầm, người đứng đầu không còn lo cho đoàn thể và phần tử, trở lại chỉ lo cho mình, chỉ biết người ta phải yêu kính và vâng lời mình. Rồi chính người dưới cũng sai lầm, chỉ lo dua nịnh mua chuộc cấp trên; khiến cho ai cũng muốn được chức quyền để cho người khác tôn kính và vâng lời, có quyền thế để lo sung sướng cho mình. Người ta đã quên mục đích và đã lầm lẫn trật tự các phương thế. Đó là một nguyên nhân gây nên bao nhiêu tai họa đau khổ trong lịch sử nhân loại và xã hội. Chúa Giêsu đã nhắc lại rõ ràng định luật của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc là người ta đã không chịu lưu ý để tìm tòi học hỏi, không chịu để ý tìm hiểu cho thấu đáo rõ ràng.

    (3) Cũng như lời Chúa Giêsu phán về việc đón nhận người ta vì danh Chúa Cứu Thế. Lời này nói với hai hạng người, MỘT là bên đón nhận, HAI là bên được đón nhận. Nhưng trong đoạn Phúc Âm này, có nói rõ Chúa Giêsu gọi 12 Tông Đồ lại rồi Người phán dạy. Hình như không có người ngoài, hay là Chúa Giêsu không có ý trực tiếp nói với người ngoài. Vậy ý chính là nói về điều kiện của người đáng được đón nhận. MỘT là phải nhân danh Thiên Chúa, HAI là phải xem như người ta đón nhận chính Chúa Cứu Thế và Đức Chúa Cha. Nếu không có những điều kiện này, người ta có quyền không đón nhận mà chẳng mắc lỗi gì. Vậy người môn đệ của Chúa Giêsu, bất cứ lúc nào, nhất là những lúc đến cùng người ta, phải giữ ý tưởng, tâm tình, đến ngôn ngữ, cử chỉ, làm thế nào cho người ta nhận mình là người nhân danh Thiên Chúa mà đến, không phải nhân danh mình hay nhân danh một người nào khác, hay là tổ quốc chủng tộc của mình. Nói được là phải giữ gìn hết sức mình, làm thế nào cho kẻ khác nhận được họ đón tiếp Thiên Chúa chứ không phải đón tiếp người ta, mặc dù mình không thể nào bằng Thiên Chúa hay giống Thiên Chúa hoàn toàn, nhưng không ai đòi hỏi đến thế. Người ta chỉ có quyền đòi hỏi nơi mỗi con người làm thế nào để cho họ biết họ là tôi con của Thiên Chúa, đại diện Thiên Chúa mà đến với họ, đem hạnh phúc đến cho họ, tuyệt đối không tìm danh lợi cho mình. Không phải chỉ có học mấy năm, có chức phận nào, hay là có biết một vài cách thức lễ nghi chữ đỏ chữ đen là đủ, nhưng còn phải lưu ý lưu tâm suy nghĩ và tập luyện đức độ hằng ngày.

LM Trần Minh Đức Bảy

 

Xem thêm

LeVongChuaTT

Suy Niệm Tin Mừng THÁNH LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

CHÚA THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ SÁNG TẠO VÀ HIỆP NHẤT SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG …