Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXV Thường Niên, năm B, của LM Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXV Thường Niên, năm B, của LM Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Làm Lớn Là Để Phục Vụ

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXV – B

(Mc 9, 30 – 37)

mc93037bQuyền lực là gì? Quyền lực là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc các cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình. Tâm lý con người nói chung ai chẳng thích quyền lực, không có gì hấp dẫn, cám dỗ con người bằng quyền lực. Thích làm lớn, hay thích quyền lực là thứ “gây nghiện” bằng tất cả những thứ “gây nghiện” khác cộng lại. Bởi quyền lực làm cho người chưa có khao khát có nó, có chút quyền lực rồi lại muốn quyền lực lớn hơn. Thích quyền, có thể biến người ta thành kẻ tán tận lương tâm, chia rẽ và giết chết nhau. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng không nằm ngoài qui luật thông thường ấy. Các ông có tranh giành nhau cũng là chuyện bình thường. Quyền lực khiến cho hai anh em Gioan và Giacôbê xin được ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu (x.Mc 10 37) và làm cho “Mười môn đệ kia đâm ra tức tối” (Mc 10, 41) sinh ra chia rẽ, bất hòa.

Tranh giành quyền lực

Chuyện xảy ra vào chính lúc Chúa Giêsu loan báo cho các ông về cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, đàng này các ông lại ích kỷ, vụ lợi; tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia sắp đến và ngày tể tướng triều chính phải được cắt đặt đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Hiểu rõ nhân tình thế sự nơi người môn đệ, Chúa Giêsu nói với họ : “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi mọi người” (Mc 9, 35).

Đã ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ, nhưng họ đâu có muốn Chúa nói với họ về khổ đau và thập giá. Họ càng không muốn biết về những thử thách và lo âu. Vì thế, họ tranh luận với nhau xem ai hơn ai, ai là người xuất sắc nhất, thanh sạch nhất, người có quyền được hưởng đặc ân nhiều hơn so với người khác. Thái độ tranh biện về quyền lực và danh vọng là thái độ vô ích, khiến người ta từ tránh khó, ngại khổ, không dấn thân vào việc chung vì ích chung.

Chúa Giêsu đặt em bé ở giữa

Chúa Giêsu biết rõ tư tưởng của các môn đệ, nên Người đề nghị một thuốc giải cho cuộc tranh giành quyền lực và sự từ khước hy sinh của họ;  để mang lại tính chất long trọng cho điều Người sắp nói, Chúa “đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 37). Bài học khiêm nhường như đứa trẻ nhỏ họ vẫn chưa thuộc.

Trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu dạy họ một bài học mà họ sẽ không bao giờ quên được. Chúa đã làm gì?

Trong lúc mọi người đang dùng bữa chung, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ngoài ra, lấy một chiếc khăn và quấn ngang thắt lưng rồi đổ nước vào chậu. Các môn đệ lúc ấy ngỡ ngàng sửng sốt lăm, Thầy sắp làm gì đây. Trong khi họ quan sát thì Chúa Giêsu đi đến từng người trong trong các ông, cúi xuống rửa chân cho họ. Người dùng khăn lau khô chân họ. Họ cảm thấy bối rối, còn Phêrô thì không muốn để Thày làm công việc phục vụ thấp kém này cho mình (x. Ga 13,1-15).

Ngày nay chúng ta thường không rửa chân cho nhau. Chúa Giêsu đã làm như vậy. Khi làm điều này, Chúa Giêsu dạy các môn đồ một bài học quan trọng là phục vụ lẫn nhau. Người không muốn họ chỉ nghĩ đến mình, cho mình là quan trọng đến độ luôn phải được người khác phục vụ. Người muốn họ sẵn sàng phục vụ người khác.

Phục vụ người khác không khó đâu. Vậy chúng ta đừng bao giờ do dự phục vụ người khác. 

 Giáo Hội được Chúa Giêsu thiếp lập để phục vụ

Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Giáo hội cũng không được miễn nhiễm khỏi căn bệnh tìm kiếm chức quyền danh vọng. Não trạng thế gian thì tìm kiếm danh vọng chức quyền, còn tư tưởng của Thiên Chúa là phục vụ và trao ban sự sống.

Những người làm lớn trên thế gian xây dựng những ngai vàng cho quyền bính của họ, Thiên Chúa lại chọn một ngai không tiện nghi, là Thánh Giá, từ ngai đó Người cai trị khi ban tặng sự sống của Người: Chúa Giêsu nói : “Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người” (Mc 10, 45).

Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại căn bệnh tìm kiếm địa vị chức quyền. Giáo Hội phải cúi xuống mà rửa những bàn chân của những người rốt hết, để phục vụ họ bằng tình yêu, đơn giản và chân thành.

Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Người Nữ khiêm nhường luôn gắn bó với thánh ý  Chúa, giúp chúng ta vui vẻ bước theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, con đường chính dẫn đến Thiên Đàng.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN