Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên, Năm B, Của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên, Năm B, Của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 (Mc 9, 30-37)

 Sau trận tấn công Paris bị thất bại, một vị tướng nói với bà thánh Jeanne d’Arc, vị thánh anh hùng của Nước Pháp, như sau: “Thưa Bà, Bà không biết nói với quân sĩ vì tôi nghe Bà nói về Chúa, về các thánh trên thiên đàng, về dòng tu và cả chuyện hòa bình. Họ là những người sống nhờ chiến tranh nên nói như vậy là sai”.

Thánh nữ hỏi lại: “Vậy thì phải nói như thế nào?”

Vị tướng đáp: “Phải nói như thế này: Hỡi các binh sĩ, các anh ăn mặc đói rách. Nhà vua rất mang ơn các anh, nhưng chưa thể giúp được gì vì ngay cả lương bổng cũng chưa đủ. Nhưng rất may, các anh đang đứng trước một thành phố rất giàu. Ở đây có đủ hết: vinh dự, vàng bạc, vải vóc, nhậu nhẹt vui chơi. Anh em có can đảm tiến lên không?”

Câu chuyện đó cho thấy danh lợi thú là những thứ có thể thu hút con người như nam châm hút sắt. Thu hút đến nỗi người ta có thể hy sinh tính mạng để hy vọng được những thứ đó. Vì thế, để động viên người khác xả thân làm một công việc gì, người ta thường dùng danh lợi thú.

Từ câu chuyện đó sang bài Phúc âm hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu làm chuyện ngược đời. Chúa Giêsu chọn các môn đệ, Người muốn cho các môn đệ tiếp nối sứ mạng của Người. Thế nhưng Người cho thấy sứ mệnh đó là phải vác thánh giá vì Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”. Chuyện ngược đời là ở chỗ Chúa Giêsu không dùng vinh quang vật chất để lôi cuốn các Tông đồ hy sinh tính mạng cho công cuộc rao giảng tin mừng của Người. Trái lại Người báo trước một tương lai khá u tối: “Con người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người”.

Tuy nhiên những lời báo trước của Chúa Giêsu không làm các Tông đồ tắt đi ảo vọng của họ. Đó là ảo vọng của một Đấng Messia được Thiên Chúa sai đến để triệu tập dân chúng nổi lên chống lại người Roma đánh đuổi họ ra khỏi đất nước mang lại vinh quang cho Israel. Vì thế, các môn đệ tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ trở nên vị Hoàng đế đánh Nam dẹp Bắc và thiết lập vương quốc đó, vương quốc vinh quang hùng cường mà mọi dân nước trên trái đất phải qui phục. Trong vương quốc đó hẳn là các Tông đồ những người theo Chúa phải có vị trí đặc biệt quan trọng. Các ông sẽ được ăn trên ngồi trước và chính tư tưởng đó khiến các ông không còn có thể tiếp nhận được những gì Chúa Giêsu loan báo về sự đau khổ của Người cho nên các ông vẫn “tranh luận xem ai là người lớn nhất”.

Chắc hẳn Chúa Giêsu biết hết những tham vọng của các ông nhưng vẫn không công khai trách mắng họ. Người chỉ đặt cho họ một câu hỏi khi dừng chân nghỉ ngơi: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Tuy nhiên như chúng ta đã thấy, chỉ câu hỏi đó cũng đủ làm cho các Tông đồ lúng túng, lúng túng vì nếu các ông nói lên sự thật thì sẽ bộc lộ cho Chúa Giêsu thấy tham vọng của từng người. Khi người ta tranh luận về thứ bậc trên dưới thì đồng nghĩa là người ta đã bộc lộ ra bên ngoài tính ham danh lợi thú của mình. Câu hỏi của Chúa Giêsu vì thế như ngọn đèn soi rọi lương tâm của từng Tông đồ, làm cho họ thấy được tính xấu hay tội lỗi của chính mình.

Tuy nhiên không chỉ làm cho các ông thấy sự sai trái của mình, Chúa Giêsu còn dạy cho các Tông đồ biết cách trả lời cho câu hỏi: Ai là người lớn nhất? Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm người lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Lời nói của Người được kèm theo một hành động: Người đặt một em nhỏ giữa các ông, rồi ôm lấy nó. Người đồng hóa mình với trẻ nhỏ khi nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em nầy vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy”. Câu nói đó làm đảo lộn bậc thang giá trị mà các Tông đồ và chúng ta tin tưởng.

Thời xưa cũng như thời nay, trẻ con thường ít hay là không được coi trọng. Trẻ con được coi là chưa thành toàn, chưa đầy đủ, yếu đuối và cần được che chở, bảo vệ. Như thế, bài học của Chúa Giêsu là Người nói về chính mình để nêu lên cái lớn lao cao trọng thực sự của con người. Con người cao trọng không do việc họ tự đặt mình trên hay trước người khác. Trái lại chính do việc họ tự hạ mình xuống để đón nhận những kẻ bé nhỏ, thấp hèn, như Chúa Giêsu đã làm gương. 

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đã trở thành người hèn mọn, trở thành một Thiên Chúa bị đánh đập, bị nhiều thương tích. Vì yêu thương, Người trở thành kẻ phục vụ và nhờ gương Chúa Giêsu, những người bị coi là thấp hèn và nhỏ bé không bị thua kém người khác. Trái lại khi đứng vào vai những người thấp bé là đã giống Đức Giêsu hơn bao giờ hết.

Trong mỗi con người chúng ta đều có nhu cầu được đánh giá cao, được nhìn nhận mình có giá trị nào đó. Người lớn thường thường chứng tỏ giá trị của mình bằng khả năng và thành quả, bằng tiền bạc và của cải. Chúa Giêsu dạy một con đường khác và Người đặt trẻ con làm tiêu biểu. Trẻ con chưa có ảnh hưởng, thế lực và thành quả. Người dạy các môn đệ nhìn đến bản chất trẻ con của mỗi con người, để khám phá lại bản chất thật của mình trước mặt Thiên Chúa. 

Khi sống như trẻ con, chúng ta đón nhận cuộc sống như là quà tặng của Thiên Chúa ban. Nhờ đó, trước mặt Thiên Chúa chúng ta còn yếu đuối và chưa hoàn thành như trẻ con; chúng ta không cần phải chứng tỏ giá trị trước bản thân mình và trước mặt người khác, vì chính Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận chúng ta.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ như người nô lệ có nghĩa là mời gọi chúng ta giống Người; bị bán như một nô lệ. Theo gương của Chúa Giêsu, phục vụ có nghĩa là nhìn nhận mình là người đón nhận tất cả từ Thiên Chúa và người nào đón nhận tất cả từ Thiên Chúa như trẻ con thì người ấy có khả năng làm lớn tức là chia sẻ kho tàng của Thiên Chúa mà mình đã nhận được cho tất cả những người nhỏ bé và yếu hèn trong tinh thần liên đới. Nghĩa là người ấy có khả năng phục vụ người khác như Chúa Giêsu.

Giáo huấn Đức Giêsu dạy cho các tông đồ xưa, còn lưu truyền cho Kitô hữu hôm nay. Phương pháp tuy đơn giản, nhưng cần đến đức mến và cố gắng liên lỉ mới thực hiện được. Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai viết: “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đấy có hỗn độn và tệ đoan!” (Giacôbê 3:16) Thánh Giacôbê nhận xét rất đúng với tình trạng của mọi cộng đoàn. Cộng đoàn dân Chúa phát triển được là nhờ tinh thần khiêm nhường phục vụ. Nơi đâu có tham vọng, ở đấy có nhiều tranh chấp dẫn đến chia rẽ, tan rã. Vì thế xin cho chúng ta biết trở nên bé nhỏ và phục vụ cho những người bé nhỏ.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

18-5-2024 7-51-30 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B 19/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN