Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên, năm A, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên, năm A, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Đồng Bạc Nước Trời

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM – A

(Mt 20, 1 – 16a)

Mt 20, 1 – 16a1Dụ ngôn những người làm thuê được mướn làm việc trong vườn nho qua những giờ khác nhau, tất cả lãnh lương giống như nhau là một đồng, đã gây nên một khó khăn cho những người đọc và người nghe Tin Mừng. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì tiêu chuẩn trả công của ông chủ. “Những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng” (Mt 20,9-10). Nhất là những người làm công cho ông chủ, họ vừa nhận vừa lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao“? (Mt 20,12). chúng ta tự hỏi : Cách hành xử và trả công của của ông chủ có chấp nhận được không?

Đọc xong, ai cũng cảm thấy ông chủ làm vườn nho đối xử như thế với những người làm thuê là không công bằng: người làm ít cũng như người làm nhiều đều nhận một mức lương bằng nhau. Vì theo suy nghĩ bình thường của người đời, người làm nhiều phải hưởng lương cao hơn người làm ít. Nghĩ như thế là hoàn toàn đúng và hợp lý.

Không, Thiên Chúa nhân lành, Ngài có cách tính không giống chúng ta: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55, 8). Thiên Chúa ban cho con người cái mà Ngài cho là tốt nhất. Chúa Giêsu không cung cấp chúng ta một bài học về đạo đức xã hội, nhưng là bài học về tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta. Một đồng ông chủ trả cho người làm công là đồng bạc Nước Trời, là đồng có tên sự sống đời đời, nên dụ ngôn này diễn tả Nước Trời, vì nó khởi đầu bằng câu : “Nước Trời giống như…” (Mt 20,1), chứ không phải nó áp dụng cho thế gian này.

Câu chuyện lấy bối cảnh trong cuộc sống hằng ngày nhưng ngụ ý về Nước Chúa. Vườn nho được hiểu là Hội Thánh, có Chúa làm chủ. Người làm công là hình ảnh tượng trưng cho tất cả những ai đáp lời Chúa gọi mời. Thời gian làm việc trong ngày là đời người, và tiền công là sự sống vĩnh cửu. Lời mời gọi vào làm vườn nho cho Chúa gửi đến với mỗi người vào những thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời. Có người đến sớm, có người đến muộn, số khác chỉ đáp lời lại tiếng Chúa vào lúc cuối đời. Nhưng bất cứ ai chấp nhận lời mời đều sẽ được hưởng một đồng sự sống đời đời.

Thông điệp của dụ ngôn này thật rõ ràng. Trong khi chúng ta vẫn mặc định rằng người làm việc khó nhọc hơn xứng đáng với tiền công lớn hơn, ông chủ vườn nho hành động ngược lại ; do đó một số người xem đó là không công bằng. Nhưng chủ vườn bảo với họ rằng : “Chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về” (Mt 20,13-14).

Không ai bị xử tệ cả, bởi vì họ đã đồng ý với chủ vườn về số tiền họ sẽ nhận cho ngày làm việc của họ (một đơ-ni-ê cho một ngày công là tiền lương khá hậu hĩnh vào thời đó). Ông cũng bảo cho họ biết ông đang sử dụng tài sản của ông theo ý ông muốn : “Tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?” (Mt 20,15).  

Luật lệ Nước Trời do Thiên Chúa thiết lập: sự cứu rỗi dành cho loài người hoàn toàn phụ thuộc vào tình thương và lòng nhân lành của Chúa, không do công đức, nỗ lực cá nhân hoặc nếp sống khổ hạnh của bất cứ ai, bởi vì không ai có thể đáp ứng những chuẩn mực đạo đức của Đấng Chí Thánh.

Ai là người làm công được nhận vào giờ thứ mười một? Có thể là những người đón nhận ơn Chúa lúc lâm chung, cũng có thể là những người bị rẻ rúng dưới mắt những người sống đạo lâu năm. Nhưng chớ vội vàng kết luận. Trong ý nghĩa sâu xa hơn, tất cả chúng ta đều là người làm công giờ thứ mười một, và chúng ta đều được Chúa mời vào vương quốc của ngài cách vinh dự. Vì vậy, không cần phải đoán định ai là người làm công giờ thứ mười một. Thông điệp của dụ ngôn là chúng ta được cứu rỗi chỉ do ân ban của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người.

Phản ứng của một vài người trong số những người làm công trong vườn nho đối với điều họ cho là bất công, tượng trưng cho sự tự mãn dễ thấy trong cộng đoàn tín hữu sống đạo lâu năm. Họ tin rằng phần thưởng dành cho họ phải tương xứng với thời gian họ phụng sự Thiên Chúa. Đó là kết quả của cách suy nghĩ cho rằng sự cứu rỗi đến từ công đức, và đó là điều mà dụ ngôn này muốn bác bỏ.

Điều chúng ta gán cho Thiên Chúa là không xứng đáng với Thiên Chúa, và điều Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt quá công trạng của chúng ta: “từ người đến sau hết tới người đến trước hết đều lãnh mỗi người một đồng” (Mt 20,9). Chúng ta không thể trách lòng tốt của ông chủ, vì không thấy gì sai trái trong cách ông hành xử. Ông trả cho mỗi người theo như thỏa thuận và thể hiện lòng thương xót như ông.

Sau cùng, nên nhắc lại “điểm chính” trong dụ ngôn để chúng ta qui chiếu về một tình huống cụ thể. Đồng bạc duy nhất được trả cho cả và nhân loại là nước Chúa, Chúa Giêsu đã mang xuống thế vì yêu thương thế gian. Không có ai là quá muộn để vào Nước Trời. Tất cả những ai chưa khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn được mời gọi trong mọi giờ và ở mọi lứa tuổi đi làm vườn nho của Chúa! Đây là lời kêu gọi phổ quát. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về ơn cứu độ đời đời của chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …