Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIX TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIX TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

TÒA ÁN LƯƠNG TÂM

toa-an-luong-tamQuốc gia nào cũng có tòa án, ngay cả tôn giáo cũng có tòa án. Đó là cơ quan phân xử những gì liên quan pháp luật.

Nhân chi sơ tính bổn thiện. Con người tốt thì không cần pháp luật. Nhưng theo thời gian, con người bị thoái hóa hoặc “biến chất”, thế nên mới có phátp luật, nghĩa là luật có sau. Do đó, luật vị nhân sinh, nhằm bảo vệ con người , không nên câu nệ mà luật. Bất cứ luật nào của con người  cũng bất toàn, thế nên có những sửa đổi cho phù hợp thực tế. Chỉ có Thánh Luật của Thiên Chúa là bất biến.

Có các cấp tòa án, nhưng tòa án quan trọng nhất vẫn là Tòa Án Lương Tâm. Nhà vật lý Albert Einstein (1879-1955, người Đức, đoạt giải Nobel Vật Lý năm 1921), nói: “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu bạn”. Nhà cải cách tôn giáo Martin Luther (1483-1546, người Đức, tu sĩ Dòng Augustinô) nói: “Người ta không chỉ phải chịu trách nhiệm với những gì mình nói, mà cả những gì mình không nói”. Điều “không nói” đó liên quan lương tâm, chỉ mình biết chứ không ai biết.

Đề cập luật pháp, ông Mahatma Gandhi (1869-1948), chính trị gia và lãnh đạo tinh thần dân Ấn Độ, xác nhận: “Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực”. Còn ông Benjamin Franklin (1706-1790, chính trị gia, khoa học gia, triết gia, tác giả, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao, và là một trong những người lập quốc của Hoa Kỳ), phân tích: “Luật pháp nghiêm khắc nhất đôi khi là sự bất công trầm trọng nhất”. Tất cả chỉ là tương đối – tương đối tuyệt đối, và tuyệt đối tương đối.

Trình thuật Xh 17:8-13 cho biết cuộc giao chiến giữa dân Israel với người A-ma-lếch, và có liên quan việc cầu nguyện. Khi quân A-ma-lếch đến đánh Israel tại Rơ-phi-đim, ông Mô-sê bảo ông Giô-suê chọn một số người đi đánh. Còn ông Mô-sê sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa.

Ông Giô-suê đã giao chiến với A-ma-lếch, còn các ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua lên đỉnh đồi. Kinh Thánh cho biết điều thú vị này: khi nào ông Mô-sê giơ tay lên thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống thì quân A-ma-lếch thắng thế. Ông Mô-sê mỏi tay, người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên. Và điều kỳ diệu đã xảy ra: ông Giô-suê dùng lưỡi gươm đánh bại A-ma-lếch và dân của ông ta.

Đoạn Kinh Thánh ngắn gọn này cho chúng ta biết lý do Giáo Hội vẫn dang tay khi cầu nguyện (xem thêm: 2 Mcb 14:34, 2 Mcb 15:12, 2 Mcb 15:21, Tv 68:32, G 11:13-15). Cầu nguyện không chỉ là việc cần thiết mà còn là hơi thở đối với các Kitô hữu. Thật vậy, Tiến sĩ Thomas Aquinas (1225-1274) xác định: “Chúng ta cầu xin Chúa, không phải để Ngài biết nhu cầu và ước muốn của chúng ta, mà để chúng ta biết cần phải đến với Chúa để xin ơn phù trợ. Ai không cầu nguyện thì giống như người lính ra trận không có vũ khí”. Đặc biệt là chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (x. Mt 6:9-13; Lc 11:2-4).

Thiên Chúa hết mực yêu thương và bảo vệ chúng ta, không có Ngài thì chắc chắn chúng ta không thể sống an toàn. Tác giả Thánh Vịnh tự vấn và trả lời: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:1-2). Ngài là Đấng duy nhất (Đnl 6:4; Nkm 9:6; Es 4:17; Xh 20:3; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Gđt 8:20; Kn 12:13; Is 43:10; Is 45:6; Is 46:9; Đn 3:28-29; Đn 14:41; Hs 13:4), không có bất cứ một thần lình nào khác. Ngài biết chúng ta là những kẻ lẻo mép, hứa lèo, nhưng lòng thương xót của Ngài vẫn không hề suy giảm. Tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề” (Tv 121:3-5).

Thiên Chúa quan tâm chăm sóc và cụ thể bằng cách trao ban cho mỗi người (kể cả người vô thần) có một thiên thần bản mệnh luôn cận kề, mọi nơi và mọi lúc: “Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:6-8). Chúng ta không thể mô tả niềm hạnh phúc này!

Vô tri bất mộ. Biết rồi thì không thể không tin. Thánh Phaolô đã nói với Thánh Timôthê về sự hiểu biết và đức tin: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã HỌC được và đã TIN chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 3:14-15). Nhận thức dẫn tới đức tin, đức tin dẫn tới sự sống đời đời. Một hệ lụy tuyệt vời!

Căn nguyên sự hiểu biết về đức tin nhờ đâu? Từ Kinh Thánh. Dù người ta tìm mọi cách bách hại Kitô giáo, nhưng không thể vẫn không ngừng phát triển. Từ cổ chí kim, Kinh Thánh là cuốn sách luôn được sử dụng nhiều nhất trên thế giới (*). “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” (Thánh Giêrônimô, 347-420), vì Kinh Thánh là chính Ngài, tác giả là chính Ngài chứ không là ai khác: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3:16-17).

Không chỉ vậy, Thánh Phaolô còn thiết tha khuyên nhủ Thánh Timôthê: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4:1-2). Và đó cũng là lời khuyên dành cho mỗi chúng ta vậy, ngay hôm nay và bây giờ.

Trình thuật Lc 18:1-8 nói về dụ ngôn “quan toà bất chính và bà goá quấy rầy”. Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để dạy các ông chúng ta phải cầu nguyện luôn, cầu nguyện liên lỉ, kiên nhẫn cầu nguyện chứ không được nản chí.

Ngài nói về một ông quan toà không kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng coi ai ra gì. Ông có “quyền” nên không sợ ai, và ông ta có thể “hành” bất cứ ai. Trong thành đó cũng có một bà goá, bà này đã nhiều lần đến xin ông thương hại mà minh xét cho bà. Ông ta không chịu, nhưng cuối cùng cũng phải xử cho bà vì bà goá này cứ quấy rầy mãi. Ông ta xử không vì tội nghiệp bà ta, mà vì sợ nhức đầu nhức óc, tức là chỉ vì ích kỷ. Ông ta miễn cưỡng xét xử để bà góa kia không đến làm phiền nữa.

Rồi Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi?”. Cuối cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Câu hỏi này khiến chúng ta phải đau đầu vì thật khó trả lời. Mỗi người phải tự “liệu hồn” đấy! Nhưng hãy ghi nhớ điều này: Thiên Chúa rất muốn chúng ta “quấy rầy” Ngài bằng lời cầu nguyện.

Tại Indonesia, có một câu chuyện thật liên quan tòa án. Câu chuyện “Phiên tòa Lương tâm và Công lý” như sau:

Tại phòng xử án, thẩm phán trầm ngâm suy nghĩ trước lời cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà phạm tội ăn cắp khoai mì (sắn). Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà về lý do ăn cắp: Gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu suy dinh dưỡng vì đói khát. Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng khoai mì nói rằng bà ta phải bị xử nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài: “Xin lỗi, thưa bà…”. Ông ngưng giây lát, nhìn bà cụ đói khổ, rồi nói: “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi”.

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo? Ông thẩm phán nói tiếp: “Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật”. Nói xong, ông lấy mũ của mình đưa cho cô thư ký và nói: “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng, và tiền thu được thì cô hãy đưa cho bị cáo”.

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vô cùng vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà. Tất cả mọi người đều mãn nguyện và hạnh phúc.

Đây là một phiên tòa xử NGHIÊM MINH nhất và thật CẢM ĐỘNG, vì tất cả chúng ta đều PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM với cuộc sống xung quanh chúng ta. Vị thẩm phán đã không chỉ dùng LUẬT PHÁP mà còn dùng cả TRÁI TIM để phân xử. Tại Việt Nam cũng đã có những trường hợp tương tự, nhưng lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Tội nặng mà “thân thiết” thì được giảm án, hưởng án treo, miễn trừ, hoặc cho “chìm xuồng”; tội nhẹ mà không “quen biết” thì phải vô tù. Thẩm phán mà còn nhận hối lộ của người giàu để “chạy án” thì còn gì là công lý? Thật tồi tệ!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con can đảm bảo vệ công lý và chân lý dù bị người ta ghét, xin giúp con duy trì tòa án lương tâm luôn đúng đắn, đừng bao giờ lệch lạc mà đối xử kẻ trọng, người khinh. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

(*) Kinh Thánh là sách được in đầu tiên trên thế giới, ước tính đã có hơn 3 tỷ cuốn Kinh Thánh được in ra, được dịch ra 2.800 ngôn ngữ, mỗi phút có 50 cuốn Kinh Thánh được bán, mỗi năm có khoảng 100 triệu cuốn được bán; Kinh Thánh gồm 73 cuốn (46 cuốn Cựu Ước, 27 cuốn Tân Ước), được viết bởi 40 tác giả, trải qua 1.600 năm. Theo thống kê, trong Kinh Thánh có 6.468 huấn lệnh, 1.260 lời hứa, 3.294 câu hỏi, 3.268 lời tiên tri; trong Kinh Thánh có tên dài nhất là Mahershalalhashabaz (Ma-he Sa-lan Khát Bát – Is 8:1 và 3); sách có nhiều chương nhất là cuốn Thánh Vịnh (150 chương), sách có ít chương nhất của Cựu Ước là sách Ôviđia (21 câu), sách ngắn nhất của Tân Ước là Thư thứ III của Thánh Gioan (15 câu); câu dài nhất là Er 8:9, câu ngắn nhất là Ga 11:35.

Cựu Ước gồm tất cả 46 quyển, xếp theo 4 loại: [1] Năm cuốn Luật Mô-sê (Ngũ Kinh): Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, Ðệ Nhị Luật; [2] Mười sáu cuốn Lịch Sử: Giô-suê, Thủ Lãnh (Thẩm Phán), Rút, 2 sách Sa-mu-en, 2 sách các Vua, 2 sách Sử Biên niên, Ét-ra, Nơ-khe-mi-a, Tô-bi-a, Giu-đi-tha, Ét-te, 2 sách Ma-ca-bê; [3] Bảy cuốn Khôn Ngoan: Gióp, Thánh vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca; [4] Mười tám cuốn Ngôn Sứ: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ai Ca, Ba-rúc, Ê-dê-ki-en, Ða-ni-en, Hô-sê, Gio-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Gio-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi.

Tân Ước gồm 27 cuốn: Bốn cuốn Tin Mừng (Phúc Âm): do các thánh Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và thánh Gio-an ghi chép; một sách Công Vụ Tông Ðồ; mười ba thư của thánh Phao-lô gởi cho các giáo đoàn tại Rô-ma, Cô-rin-tô (2), Ga-lát, Ê-phê-xô, Phi-líp-phê, Cô-lô-xê, Thê-xa-lô-ni-ca (2), cho ông Ti-mô-thê (2), ông Ti-tô, ông Phi-lê-môn; thư gởi tín hữu Do-thái; bảy thư của các thánh Gia-cô-bê, Phê-rô (2), Gio-an (3), Giu-đa; và một sách Khải Huyền.

Kinh Thánh là cuốn truyện tình hay nhất, nói về tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người, vẫn luôn phù hợp với mọi thời đại, có sức thuyết phục mạnh mẽ; Kinh Thánh có giá mắc nhất vì là giá máu của Đức Giêsu Kitô, và Kinh Thánh bảo đảm sự sống đời đời.

Theo Anh ngữ, chữ Bible (Kinh Thánh) gồm 5 mẫu tự, tạo thành 5 từ: BASIC (cơ bản), INFORMATION (thông tin), BEFORE (trước khi), LEAVING (leave, rời khỏi), EARTH (trái đất, thế gian). Ghép lại thành câu: Basic Information Information Before Leaving Earth – Thông Tin Cơ Bản Trước Khi Rời Khỏi Thế Gian. Thật thú vị biết bao!

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG