Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIX Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIX Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Chúa Nhật Truyền Giáo

(Mc 10, 35-45)

 

Hôm nay là Chúa Nhật truyền giáo. Giáo Hội muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem tin mừng cứu độ của Chúa đến cho muôn dân để làm cho họ nên môn đệ của Người.

Nói đến truyền giáo chúng ta thường nghĩ đến những người đi bôn ba khắp nơi để rao giảng tin mừng. Cũng có người thì nói rất hay về truyền giáo nhưng chỉ dừng lại ở lý thuyết mà thôi. Thế nhưng dù sao chúng ta đừng quên là ơn gọi làm Kitô hữu đồng nghĩa với ơn gọi làm Tông đồ. Tông đồ là được sai đi như Chúa Giêsu đã nói: “Như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai họ vào thế gian”. Vì thế công đồng Vat 2 đã xác định: “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội gồm những người được sai đi và như thế truyền giáo là lẻ sống của Giáo Hội. Không truyền giáo là không thi hành ơn gọi Kitô hữu của chính mình. Ơn gọi truyền giáo gắn liền với danh hiệu Kitô hữu, nghĩa là hết mọi Kitô hữu phải trở nên Tông đồ là người được Thiên Chúa sai đi.

Khi nói tới người được sai đi tức là vị Thừa sai thì chúng ta phải nhớ rằng vị Thừa Sai tuyệt hảo là chính Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đi truyền bá tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại. Các bài Kinh thánh trong Chúa Nhật hôm nay có thể cho chúng ta thấy rõ nét hơn chân dung của vị Thừa Sai Tuyệt hảo ấy.

Trước tiên chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉnh lại cái nhìn của các Tông đồ về Người. Các Tông đồ nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ mang lại cho các ông vinh quang trần gian. Bài Phúc âm hôm nay cho thấy hai anh em trong nhóm 12, tức Giacôbê và Gioan, đã xin được ngồi bên hữu bên tả Đức Giêsu khi người thiết lập Vương quốc. Và “Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan” (Mc 10:41). Hình như các ông “nổi cơn ghen”, các ông lên cơn sốt đòi hỏi quyền lực thống trị. Vì thế những lời Chúa Giêsu nói với hai anh em Giacôbê và Gioan thì cũng nói với mười người còn lại trong nhóm Mười Hai. Hơn nữa những lời ấy cũng nói với tất cả chúng ta những người mang danh hiệu thừa sai.

Chúa Giêsu nói: “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Chân dung đích thực của vị Thừa sai tỏ lộ ra khi người ấy chịu những thử thách kinh khủng như Chúa Giêsu sắp phải chịu. Chúa Giêsu có ý nói tới cơn hấp hối và cái chết mà Người sẽ chịu. Hai anh em được thách đố để theo Đức Giêsu đến cùng. Ngai vàng duy nhất, uy lực duy nhất, quyền bính duy nhất mà Đức Giêsu đã hứa cho Giacôbê và Gioan, là hãy yêu mến như Chúa Giêsu, hãy uống chén đắng và thí mạng sống vì yêu người khác như Người. Chúa Giêsu nói: “Chén Thầy sắp uống, phép rửa Thầy sắp chịu, chúng con cũng sẽ chịu”. Các Tông đồ, kể cả Giacôbê, sẽ cùng chung số phận như Đức Kitô.

Thế nhưng các điều mà các Tông đồ nghe hôm nay không phải là điều mới vì Kinh thánh đã từng tiên báo. Trong bài đọc thứ nhất Tiên tri Isaia đã cho biết: “Chúa đã muốn hành hạ người tôi tớ trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn.” Đức Kitô đã uống cạn chén đắng Đức Chúa Cha đã trao, nhờ đó Người đã hoàn thành nhiệm vụ cứu chuộc loài người. Thân phận của Chúa Giêsu, vị Thừa Sai tiên khởi là chịu khổ giá. Cũng vậy thân phận của các tông đồ và các vị thừa sai khác, sau này, cũng phải là khổ giá. Chịu thử thách, gian lao khốn khổ để phụng sự những kẻ mình có phận sự truyền bá tình yêu Thiên Chúa. Con đường lên vinh quang Chúa là “phụng sự”. Càng làm lớn càng phải phụng sự. “Các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em.” Đức Kitô đi trước trên con đường phụng sự ấy. Chúa Giêsu nói: “Con Người đến không để được phục vụ mà để phục vụ, và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Như thế, trở thành vị thừa sai thì trước tiên phải nên giống vị thừa sai thứ thiệt là Đức Kitô. Đó là những người đầu tiên “uống chén đắng” bằng cách phục vụ nhu cầu của anh chị em, bất cứ là nhu cầu nào họ nhận thấy và bất cứ trong hoàn cảnh nào họ nhận ra. Bài đọc thứ hai, trích thư gửi tín hữu Do Thái, cho thấy điều đó. Thánh Phaolo viết: “Chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa… Không phải chúng ta có Vị Thượng Tế không cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi”. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật mà cũng là người ta thật. Người là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, đem tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại. Người đã biết rõ, đã chịu qua, đã từng trải các thử thách loài người chúng ta. 

Thực ra, Thiên Chúa Cha đã không trực tiếp muốn Con mình phải chết, tuy nhiên Thiên Chúa Cha đã giao cho Con Một mình một sứ mạng chết người. Thiên Chúa Cha đã sai Con Một mình đến trong một thế giới đầy quyền lực kiêu căng, ích kỷ và giả hình để giảng dạy tình huynh đệ và sự thật về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thấy điều đó sẽ dẫn mình đến khổ nạn và cái chết. Tuy vậy Người đã chẳng từ chối chén đắng và cái chết của Người là hậu quả của lòng trung thành trọn vẹn với sứ mệnh. Cái chết ấy chứng tỏ cuộc sống trọn vẹn dâng hiến của Chúa Giêsu. Cái chết đó là dấu chỉ và đỉnh cao của sự hiến dâng: “Vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Đức Giêsu đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). 

Theo gương Chúa Giêsu, các thừa sai cũng dấn thân vào những nơi khó khăn để tìm cách rao giảng tin mừng, để dấn thân phục vụ cho con người tại nơi mà mình đang sinh sống hay tại những nơi còn thiếu vắng tình yêu thương. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa Tình yêu nghĩa là được tạo dựng để yêu thương nhưng biết bao người đã bị trói buộc bằng đủ loại xiềng xích thí dụ như: ích kỷ, hận thù, tính dục bừa bãi, nô lệ tiền bạc, đủ mọi thứ sợ hãi… con người sống xa lìa hình ảnh Thiên Chúa và sống như Thiên Chúa Cha trên trời không hiện hữu. Ích kỷ và ghen tương đã làm tiêu tan các gia đình, gây chia rẽ nơi cộng đoàn, và làm cho “chết” biết bao nhiêu con người. Vì thế Truyền giáo trước tiên là đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến với cộng đoàn thiếu vắng tình yêu thương. Truyền giáo là giới thiệu cho người ta biết Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa yêu thương con người. Truyền giáo là cố gắng giúp con người thoát ra khỏi những nô lệ tiền bạc, tính dục, tiện nghi vật chất. Truyền giáo là giúp cho người khác tìm thấy niềm vui khi phục vụ cho hạnh phúc người khác, những người đang đau khổ. 

Phục vụ người khác là một thách đố lớn. Phục vụ cho những người trong gia đình, cộng đoàn đó là ý nghĩa đích thực và là ơn gọi của các Kitô hữu. Điều đó đòi hỏi những hy sinh, hy sinh của cải, thời giờ, sức lực, không quản ngại vất vả lao nhọc, để luôn hăng hái sẵn sàng phục vụ. Đó là một đòi hỏi căn bản và to lớn nên hầu như không bao giờ vị thừa sai có thể cảm thấy mình đã chu toàn nhiệm vụ. 

Xin Chúa cho chúng ta biết dấn thân vào việc rao giảng tin mừng để con người nhận biết Thiên Chúa và sống trong tình yêu thương nhau, mang lại hạnh phúc cho nhau.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …