Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên- KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO , năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên- KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO , năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 29A K.N.TRUYENGIAO

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

          KhanhnhattruyengiaoVới ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha đã chọn một chủ đề được gợi hứng từ câu chuyện các môn đệ trên đường Emmaus, trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. 24:13-35): lòng bừng cháy, chân bước nhanh”. Hai môn đệ đã hoang mang và mất tinh thần, nhưng cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô trong lời nói và trong việc bẻ bánh đã khơi dậy trong họ niềm khao khát nhiệt thành lên đường trở lại Giêrusalem và loan báo rằng Chúa đã sống lại thật rồi. Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta nhận thấy sự thay đổi này nơi các môn đệ qua một vài hình ảnh bộc lộ nhiều điều: lòng các ông bừng cháy khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh, mắt các ông mở ra khi nhận ra Người và cuối cùng, chân các ông rảo bước lên đường. Bằng cách suy niệm về ba hình ảnh phản ánh hành trình của tất cả các môn đệ truyền giáo này, chúng ta có thể đổi mới lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay.[1]

Sau khi được mở mắt và nhận ra Chúa Giêsu “khi bẻ bánh”, các môn đệ “hối hả lên đường và trở về Giêrusalem” (x. Lc 24:33). Việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa chứng tỏ rằng “niềm vui của Tin Mừng lấp đầy trái tim và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Ai để cho mình được Ngài cứu thì được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn rầu, khỏi trống rỗng nội tâm, khỏi cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh” (Evangelii Gaudium) [2]

          Trong sứ điệp năm nay, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến niềm vui Chúa cho các môn đệ cảm nghiệm được tình thương của Chúa và cũng cho họ khả năng để chia sẻ tình thương đó. Đây chính là cốt lõi của việc truyền giáo, vì chính trong tình thương này Thiên Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của chúng ta như thế nào? Thiên Chúa đã chi phối cuộc sống của chúng ta ra rao?

          Chúng ta phải cảm nghiệm ra rằng: rời xa tình thương của Chúa là chúng ta không thể tồn tại, hay nếu có tồn tại thì chúng ta cũng chỉ sống như một thây ma, một cái xác không hồn. Phải có cảm nghiệm như thế thì chúng ta mới có thể đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha: truyền giáo chính là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Làm sao có thể biểu dương niềm vui được khi chúng ta không có niềm vui đó trong tâm hồn. Để có thể biểu dương niềm vui, tất nhiên chúng ta phải có niềm vui đã rồi mới biểu dương ra bên ngoài. Nghĩa là chúng ta phải có Tin Mừng đã rồi mới biểu dương, loan báo Tin Mừng đó. Và nếu đã là Tin Mừng, Tin Vui thì chúng ta không thể giữ kín mà tất nhiên chúng ta sẽ chia sẻ Tin Mừng Tin Vui  ấy cho những người chung quanh chúng ta. Cảm nhận được tình thương của Chúa, chính là Tin Vui, Tin Mừng đích thực của chúng ta. Cảm nhận được tình thương Chúa, đó cũng chính là nền tảng để ra đi truyền giáo.

Sau đây là cảm nghiệm của một người tân tòng đã cảm nhận được Tin Vui đích thực và ông đã chia sẻ như sau

Người Công Giáo là kẻ có cảm thức được Thiên Chúa yêu thương, được yêu thương một cách sâu thẳm và được mời gọi đáp trả lại tình yêu thương đó. Có cái gì như một kẻ si tình. Si tình ở đây bắt nguồn từ sự điên rồ của màu nhiệm Khổ Giá (la folie de la croix); và như chữ Thương Khó, Khổ Nạn (passion) không phải không có âm hưởng của cái gì như là đam mê (cũng là passion). Sự so sánh giữa các thánh của Kitô Giáo với các thiền sư, các đạo gia, thì một bên có cái gì da diết, đầy đam mê (passion), một bên thì thanh thản, đầy minh triết (sagesse)”.

Và người tân tòng chia sẻ tiếp: “cuộc đời của Đức Giêsu trước hết gợi lên lòng thương của tôi đối với một người vô tội bị oan khiên, sau đó là sự hấp dẫn của một người dịu dàng, đơn sơ, bình dị. Có thể nói tình cảm đầu tiên đối với Ngài là lòng thương mến hơn là lòng tôn kính đối với một bậc tôn sư: có một cái gì như tình bạn ít nhiều bình đẳng giữa hai người cùng hội cùng thuyền. Ấn tượng đầu tiên đối với Ngài có cái gì tương tự như sự an ủi của người mẹ hiền, người bạn quí, hàn gắn thương đau, khuyết điểm, khuyến khích về mặt cảm tính khi chán nản; sưởi ấm cõi lòng khi cô đơn – nhiều hơn là một vị tôn sư dạy một giáo thuyết”.

Ông cho rằng “sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài từ việc sinh ra trong máng cỏ, qua 30 năm âm thầm lặng lẽ, ba năm nay đây mai đó, trà trộn với dân chúng, rồi bị giết oan, nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy.

Bởi vì, xét về mặt tâm lý đạo đức thì các bài dạy của Ngài cũng chẳng có gì là cao siêu tuyệt vời, nhưng điều làm cho tôi cảm mến Ngài chính là “con người” và “cuộc sống”của Ngài (sa “personne” et sa “vie”). Đã có cảm tình với Ngài rồi thì khó quên, khó phai và hình như càng lâu càng thắm thiết hơn… đối với các bậc thánh hiền khác, thì có thể nhớ bài dạy của Ngài mà quên đi con người và cuộc đời của các ngài. Đối với Đức Giêsu thì khác hẳn: đôi khi quên lời Người dạy, nhưng chính Ngài thì không thể quên được. Và có lẽ càng hay sống trái lời Ngài dạy, thì hình ảnh Ngài lại càng thêm xoáy vào tâm khảm… nhớ quay nhớ quắt, nhớ quằn quại đến độ không chịu được!… thông minh, tài trí, dũng cảm…có lẽ nhiều người hơn Đức Giêsu, nhưng đáng yêu nhất thì chỉ duy nhất có một mình Ngài mà thôi!”[3]

Cũng như hai môn đệ Emmaus đã thuật lại cho những người khác những gì đã xảy ra dọc đường (x. Lc 24:35), cũng vậy, lời loan báo của chúng ta sẽ là một lời hân hoan kể về Chúa Kitô, cuộc đời, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người, và những điều kỳ diệu mà tình yêu thương của Người đã hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta.

Vì vậy, chúng ta hãy lên đường một lần nữa, hãy để mình được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh và được Thần Khí của Người thúc đẩy. Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng ta chuyển động. Chúng ta hãy lên đường để làm cho những trái tim khác bừng cháy Lời Chúa, mở mắt cho những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường bình an và cứu độ mà, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho toàn thể loài người.[4]

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2023

[2] Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2023

[3] Vũ Văn An, Nguyễn Khắc Dương: một người trí thức Việt Nam nhập đạo nói về cảm nghiệm “đi tìm Giáo Hội”

[4] Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2023

Xem thêm

18-5-2024 7-51-30 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B 19/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN