Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIV Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIV Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

Câu chính yếu của bài Phúc âm hôm nay có lẽ chính là câu hỏi của Chúa Giêsu: «Người ta bảo Thầy là ai?» và câu thứ hai cũng có ý nghĩa tương tự: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Hai câu hỏi tương tự vì cùng một mục đích. Theo Phúc âm thánh Marco, sứ vụ của Chúa Giêsu ở trần gian sắp kết thúc. Hình như Chúa Giêsu muốn kiểm tra xem hoạt động của Người tác động đến dân chúng như thế nào ? Cái nhìn của dân chúng về Người như thế nào? Vì thế từ hai câu hỏi trên, chúng ta có thể nêu câu hỏi chính yếu là : “Con người là ai ?” hay “Đức Giêsu là ai ?”
Phúc âm cho thấy ở nơi dân chúng, câu trả lời thật đa dạng. Thế nhưng dù sao những câu trả lời ấy cũng cho thấy rằng có một điểm chung: Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa giao cho sứ mạng thần thiêng, Chúa Giêsu được kể vào số những nhân vật nổi bật trong lịch sử dân Do thái như Gioan Tẩy Giả, như Êlia hay như một vị tiên tri nào đó. Còn đối với các môn đệ, những người theo Chúa Giêsu, thì có Thánh Phêrô đại diện thưa: “Thầy là Đức Kitô”. Câu trả lời nầy cho thấy những năm tháng ở bên Chúa Giêsu không phải là vô ích. Sự giáo dục của Chúa Giêsu không đi vào trong quên lãng nhưng đã sinh hoa trái qua việc Phêrô xưng tụng Chúa Giêsu là Messia, là Đấng Cứu Thế.
Thế nhưng sự hiểu biết nầy chưa phải là chính xác bởi vì khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn, chết và phục sinh thì xem ra Phêrô chưa thể tiếp thu hết được. Hình ảnh vị Vua Messia trong dân Do thái và trong tâm tư của thánh Phêrô rất khác xa với những gì mà Chúa Giêsu loan báo tiếp theo về Đấng Messia. Nếu Dân Do thái tưởng tượng đến Đấng Messia là một ông vua trần gian uy nghi, vinh quang, thì Chúa Giêsu lại loan báo một ông vua Messia chịu thương khó. Kết quả là Phêrô kéo Chúa Giêsu ra để can gián.
Thực ra hành động của thánh Phêrô cũng không khó hiểu lắm. Trước khi Đức Giêsu đặt câu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?”, Người đã từng làm nhiều dấu lạ trước mặt các môn đệ. Tại Galilê, Người đã hai lần làm cho bánh hoá nhiều để nuôi đám đông dân chúng (Mc 6,30-44; 8,1-10). Người đã từng đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (6,45-52). Người cũng đã trừ quỷ cho một bé gái (7,24-30), chữa một người câm điếc (7,31-37), và một người mù (8,22-26). Tất cả những điều đó tạo nên niềm xác tín nơi Phêrô rằng Đấng Messia là một Đấng oai phong lẫm liệt, không hề biết đến thất bại. Thế nhưng, như chúng ta đã thấy trong Phúc âm, Chúa Giêsu cho biết Đức Kitô mà thánh Phêrô tuyên xưng không phải là Đức Kitô mà Thiên Chúa gởi tới cho nhân loại. 
Đức Giêsu cho biết : Thiên Chúa gởi tới cho nhân loại một Đức Kitô chịu đau khổ. Sự đau khổ đó đã được báo trước khi người ta thấy những phản ứng dữ dội chống đối lời giảng dạy và những việc làm của Người, nhất là những phép lạ Chúa Giêsu làm trong ngày Sabbat. Chúa Giêsu biết mình phải đương đầu với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, và Người thấy bóng dáng của cái chết đang rình rập mình. Nhưng Đức Giêsu không thoái lui, dù Người có thể thoái lui. Người không đi tìm cái chết, nhưng Người muốn tiếp tục trung tín với Cha và phục vụ loài người, dù phải trả giá bằng mạng sống. Đó là sự lựa chọn của Giêsu, lựa chọn của một người có lòng tin. Đức Giêsu chứng minh cho những kẻ theo Người thấy rằng dù kẻ thù có cướp được sinh mạng ở đời này thì Thiên Chúa Cha cũng chẳng bao giờ bỏ rơi những kẻ trung tín với Người vì như Kinh thánh đã nói Thiên Chúa chẳng “để cho Ngài phải thấy sự hư nát” (Tv 16,10 bản LXX). Đức Giêsu mang tâm tình của một chứng nhân hiên ngang ra pháp trường. Cái chết là giá phải trả cho sự trung tín của một tình yêu.
Những câu cuối cùng của đoạn hôm nay nhắm vào cả dân chúng lẫn môn đệ hay nói đúng hơn, nhắm đến mọi Kitô hữu. “Nếu ai muốn đi sau Ta”. Đi theo Đức Giêsu là hành động hoàn toàn tự do và chung của mọi Kitô hữu nghĩa là từ Đức Giáo Hoàng đến các giáo dân, tất cả đều là môn đệ đi theo Thầy Giêsu, với một lòng tự nguyện. Bất cứ ai muốn thì đều được mời gọi đi theo, và muốn đi theo thì phải từ bỏ. Các môn đệ đầu tiên đã bỏ chài lưới, bỏ cả thân phụ cùng những người làm công để theo Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu còn đòi hỏi một sự từ bỏ căn bản hơn nữa : vì không phải chỉ bỏ một vật nào đó, mà là từ bỏ chính mình. Căn bản vì từ bỏ này là gốc rễ của mọi từ bỏ khác. 
Từ bỏ chính mình là không còn sống cho chính mình nữa, là vác lấy thập giá của mình mà theo Đức Giêsu. Như thế Đức Giêsu cho chúng ta một hình ảnh về Kitô hữu. Kitô hữu là người vác thập giá mình đi theo Đức Giêsu vác thập giá. Vác thập giá là công việc dành cho chính tử tội trên đường đi đến nơi chịu đóng đinh. Vì thế hằng giờ hằng phút trong cuộc đời, chúng ta chấp nhận mang lấy khổ giá, để đi tới cái chết thiêng liêng, cái chết cho chính mình để rồi sống cho Thiên Chúa. Con đường Khổ Nạn – Phục Sinh của Đức Giêsu là con đường Phêrô không thể hiểu được trong lúc nầy và cũng chưa thể chấp nhận được, nhưng rồi đó cũng sẽ là con đường của ông, nếu ông muốn đi đến cùng con đường theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói : “Khi đã về già, con sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho con và lôi con đến nơi con không muốn.” (Ga 21,18). Dĩ nhiên đó cũng là con đường của tất cả chúng ta, những người quyết tâm theo Đức Giêsu Kitô. Thập giá của Đức Giêsu là do Người gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Còn thập giá của chúng ta là do chúng ta lãnh lấy sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu và muốn làm chứng cho Người. 
Hành động của Phêrô giúp chúng ta cảnh giác nhiều hơn về chính mình, bởi vì nhiều khi đó cũng là hành động của chúng ta. Nếu ngày xưa Phêrô làm “cố vấn” cho Chúa khi khuyên can lẫn trách Chúa thì ngày nay nhiều khi chúng ta cũng trở thành cố vấn cho Chúa khi đề nghị Chúa phải làm thế nầy, Chúa phải làm thế khác nghĩa là chúng ta muốn Chúa theo ý mình thay vì mình làm theo ý Chúa. Chính vì thế câu hỏi : Đức Giêsu là ai ? vẫn là câu hỏi khó trả lời. Chúng ta có thể trả lời như Phêrô nhưng biết đâu chúng ta lại chẳng có một hình ảnh một Đấng Cứu thế sai lạc với ý muốn của Thiên Chúa. 
Đức Kitô mời gọi chúng ta đi đến cùng con đường yêu mến, con đường làm chứng tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Xin cho chúng ta biết can đảm vác thánh giá khi dành trọn cuộc đời để phục vụ cho người khác, cho cộng đoàn.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …