Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIV Thường niên, năm B, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIV Thường niên, năm B, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B

Is 50,5-9a ; Gc 2,14-18 ; Mc 8,27-35

TỪ BỎ MÌNH VÀ VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO CHÚA 

I-HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG : Mc 8,27-35

mc82735(27) Đức Giê-su và các môn đệ của người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ? (28) Các ông đáp : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. (29) Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô”. (30) Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (31) Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại. (32) Người nói điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. (33) Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Sa-tan! Lui lại đằng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người. (34) Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (35) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

  1. Ý CHÍNH :

Sau khi lắng nghe dư luận quần chúng, Đức Giê-su đòi các môn đệ phải xác định niềm tin vào Người : “Anh em bảo Thầy là ai ?” Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin : “Thầy là Đấng Ki-tô”. Từ đây Đức Giê-su bắt đầu cho các ông biết con đường Người sắp trải qua là : “Qua đau khổ để vào trong vinh quang”. Người trách Phê-rô khi ông cản Người theo con đường này. Người đòi môn đệ phải chấp nhận “Bỏ mình và vác thập giá mình mà đi theo Người”.

  1. CHÚ THÍCH :

C 27-28 : + “Người ta nói Thầy là ai ?” : Qua các môn đệ, Đức Giê-su muốn biết người ta nghĩ gì về Người. + Là Gio-an Tẩy Giả tái sinh : Đây là ý tưởng của đảng Hê-rô-đê (x. Mt 14,2). + Là Ê-li-a : Ngôn sứ Ma-la-ki-a đã từng tuyên sấm về sứ mệnh của ngôn sứ Ê-li-a là đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai : “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). + Là một trong các vị ngôn sứ : Dân chúng tin Đức Giê-su ít ra là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến để giáo huấn dân Người.

C 29-30 : + Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? : Đức Giê-su đặt câu hỏi này với các môn đệ để xem nhận thức của các ông về Người ra sao. + Ông Phê-rô trả lời : Thầy là Đấng Ki-tô” : Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Ki-tô hay Đấng Cứu Thế. Đây là lời tuyên xưng chính xác về sứ mệnh của Đức Giê-su. Do lời tuyên xưng này mà Phê-rô đã được Người khen có phúc (x. Mt 16,16-17). Chính Đức Giê-su cũng thừa nhận Người là Đấng Ki-tô trước tòa án tôn giáo (x Mc 14,61-62). Lời tuyên xưng của Phê-rô tuy đúng, nhưng chưa rõ ràng, vì người nghe có thể hiểu sai về sứ mệnh cứu thế của Người và gán cho Người sứ mệnh Thiên Sai trần tục, đến để giải phóng dân Do thái bằng bạo lực, thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Rô-ma. + Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người : Đức Giê-su cấm nói ra không phải để phủ nhận lời tuyên tín của Phê-rô, nhưng vì muốn tránh sự cuồng nhiệt của dân Do Thái đang thao thức muốn sử dụng bạo lực để lật đổ nhà cầm quyền Rô-ma. Người cấm các môn đệ nói ra Người là Đấng Ki-tô vì Người cần có thêm thời gian để rao giảng về sứ mệnh cứu thế thiêng liêng theo thánh ý Thiên Chúa. Cuối cùng, Người cấm nói ra vì “Giờ của Người chưa đến”, vì cần phải có Thần Khí tác động, thì người ta mới chấp nhận được chân lý này.

C 31-33 : + Người bắt đầu dạy các ông biết… : Đây là lúc Đức Giê-su loan báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà Người sắp trải qua. + Con Người : Khi tự nhận là Con Người, Đức Giê-su vừa khiêm tốn xưng mình là : “kẻ hèn này”, lại vừa theo ý nghĩa biểu tượng của văn chương khải huyền Do Thái về Con Người là Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Tv 110,1) và sẽ đến trên mây trời (x. Đn 7,13-14). Đức Giê-su đã dùng tước hiệu Con Người nhiều hơn tước hiệu Mê-si-a, đã bị người Do Thái tục hóa khi hiểu theo nghĩa quyền lực thống trị. Trong Tân Ước, từ ngữ Con Người được lặp đi lặp lại tới 70 lần. Con Người có nghĩa là “Người Tôi tớ Đức Gia-vê, bị loại bỏ và bị giết chết và sau đó mới được tôn vinh và sẽ ban ơn cứu rỗi cho muôn người” (x. Mc 8,31). Trước khi xuất hiện trong vinh quang vào ngày sau hết, Con Người phải tự hạ, sống cuộc đời trần thế, bị nghèo khó (x. Mt 8,20), bị khinh dể (x. Mt 11,19), bị xúc phạm (x. Mt 12,32), bị tử hình thập giá (x. Ga 3,14), rồi mới vào vinh quang Phục Sinh (x. Dt 2,6-9). Cuối cùng trong ngày tận thế, Con Người sẽ lại đến ngự trên ngai uy quyền mà xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). + Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : Tuy tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, nhưng Phê-rô vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của tước hiệu này. Ông chưa hiểu rằng theo thánh ý Thiên Chúa thì “Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang” (x Lc 24,26). Ông đã thay mặt anh em can trách Đức Giê-su đừng chấp nhận chịu thất bại trước rồi mới chiến thắng. Các môn đệ bấy giờ đều hy vọng Thầy lên làm vua Mê-si-a để các ông được chia sẻ quyền hành (x. Lc 22,24), được ngồi bên tả bên hữu Thầy (x. Mt 20,21). + Người trách Phê-rô : Xa-tan ! Lui lại đằng sau Thầy ! : Khi kéo riêng Đức Giê-su ra can trách, ông phê-rô đang làm công việc của Xa-tan, là cám dỗ Đức Giê-su đi theo con đường khác với thánh ý Chúa Cha. Nhưng Đức Giê-su ra lệnh cho Phê-rô quay về chỗ của môn đệ ở phía sau và phải đi theo đường lối của Thầy (x. Mc 1,17.20; 8,34). + Vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” : Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm : ”Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Ông Phê-rô đã không hiểu thánh ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su cứu thế bằng con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” và mời gọi mọi người theo con đường này (x. Mt 16,21-23).

C 34-35 : + “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” : Đức Giê-su đòi người ta tự nguyện đi theo con đường này. + Từ bỏ chính mình : “Từ bỏ” ở đây đồng nghĩa với “ghét” hay “yêu ít hơn” hoặc “coi thường” bản thân mình (x. Lc 14,26; Ga 12,25). + Vác thập giá mình : Thành ngữ “vác thập giá mình” gợi lên thói tục quân lính bắt tử tội phải tự vác cây thập giá của mình đi đến nơi hành hình. Ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su, cũng phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người. + “Cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Liều mạng sống mình vì Đức Giê-su và vì Tin Mừng thì cứu được mạng sống ấy”: Câu nói nghịch lý này mời gọi người nghe quan tâm đến giá trị đích thực của cuộc sống ở đời sau. Một người sống ích kỷ đời này, thì sẽ mất đời sống vĩnh hằng đời sau. Nhưng nếu ai sẵn sàng chịu thiệt, chịu chết vì đức tin ở đời này, thì sẽ được sống đời đời do Chúa ban cho ở đời sau.

  1. CÂU HỎI : 

1) Khi được hỏi, các môn đệ đã thuật lại cho Đức Giê-su nghe dư luận quần chúng nói về Người như thế nào ?

2) Phê-rô tuyên xứng Đức Giê-su là ai ? Lời tuyên xưng ấy đúng hay sai ? Người Do thái thời đó có hiểu tước hiệu ấy đúng như ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su thi hành không ?

3) Tại sao Đức Giê-su cấm nói ra tước hiệu Ki-tô mà Phê-rô vừa tuyên xưng ?

4) Khi xưng mình là “Con Người”, Đức Giê-su ngầm dạy điều gì về vai trò và sứ mệnh của Người ?

5) Tại sao Đức Giê-su thích xưng mình bằng tước hiệu “Con Người” hơn tước hiệu “Mê-si-a” hay “Ki-tô” nghĩa là “Đấng Thiên Sai” ?

6) Trong Tân Ước, từ “Con Người” được nói tới bao nhiêu lần và mang ý nghĩa gì ?

7) Tại sao Phê-rô can Đức Giê-su đừng đi đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” ?

8) Đức Giê-su đã mắng Phê-rô ra sao và đòi ông lui lại vị trí nào ?

9) Ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su phải cứu độ thế gian bằng con đường nào ?

10) Đức Giê-su đòi kẻ muốn theo làm môn đệ của Người phải làm gì ?

11) “Từ bỏ mình” có ý nghĩa ra sao ?

12) “vác thập giá mình mà theo Thầy” nghĩa là gì ?

II-SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34):
  2. CÂU CHUYỆN :

1) “QUO VADIS ?” – THẦY ĐI ĐÂU ? :

Thời hoàng đế NÊ-RON của Đế quốc Rô-ma, theo thông lệ, các nước chư hầu đều phải gửi một người trong hoàng tộc sang Rô-ma để làm con tin. Đây là một cách bảo đảm sự tùng phục của các chư hầu. Trong số các con tin ấy có một nàng con gái đẹp tuyệt vời làm cho người cháu của hoàng đế Néron si mê. Anh chàng này vừa có địa vị thế lực trong triều đình, lại vừa giàu có và thông thái. Anh tin mình sẽ chinh phục được trái tim của người đẹp đạo công giáo. Lúc đó bạo Chúa Nê-ron đang ra tay giết hại các tín hữu theo đạo Ki-tô. Tông đồ Phê-rô đang ở trong thành Rô-ma lãnh đạo một cộng đoàn tín hữu. Trước cơn bách hại ngày một tàn khốc. Phê-rô phải nghe lời góp ý của các tín hữu là ông hãy chạy trốn ra ngoài thành để Hội Thánh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng sau khi trốn được ra ngoài thành, Phê-rô lại gặp Thầy Giê-su vác thập giá từ ngoài đi vào thành. Ông hỏi “Quo vadis ?”, tiếng Latinh nghĩa là “Thầy đi đâu ?” Đức Giê-su trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đinh một lần nữa” rồi Người biến mất. Phê-rô hiểu được ý Chúa nên đã quay vào trong thành Rô-ma. Sau đó ông đã bị bắt và cuối cùng chịu đóng đinh ngược đầu để nêu gương can đảm chết vì đức tin cho các tín hữu. Tấm gương anh dũng chết vì danh Chúa của tông đồ Phê-rô và các tín hữu công giáo đã khiến anh chàng hoàng gia nói trên cảm phục và cuối cùng anh đã quyết định theo Chúa Giê-su để nên giống như cô gái người yêu đã tin theo Chúa.

Hôm nay chúng ta sẽ trả lời thế nào trước câu hỏi của Chúa: “Còn anh em bảo Thầy là ai ?”.

2) TRẢI QUA THỬ THÁCH ĐỂ ĐƯỢC THÀNH CÔNG:

Bà GÔN-ĐA MÊ (Golda Meir), nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Ít-ra-en, khi còn là thiếu nữ đã cảm thấy thất vọng về nhan sắc của mình. Bà đã thuật lại giai đoạn thiếu thời ấy như sau : “Mỗi lần nhìn vào khuôn mặt của mình trong gương, tôi lại thầm trách sao Ông Trời quá bất công, khi ban cho tôi một khuôn mặt thô ráp chứ không thanh tú duyên dáng như các bạn gái đồng trang lứa. Mãi về sau tôi mới nhận ra rằng : Chính khuôn mặt không mấy đẹp đẽ của tôi lại là điều may mắn và mang lại sự thành công cho tôi sau này. Bởi vì điều ấy buộc tôi luôn phải cố gắng khám phá ra các tài năng ẩn giấu nơi bản thân và làm chúng phát triển ngày một tốt hơn. Cuối cùng tôi rút ra được bài học này là : Một phụ nữ đáng quí trọng không phải do có sắc đẹp trời cho, vì sắc đẹp đó sẽ mau bị phai tàn theo năm tháng. Giá trị đích thực của một phụ nữ ở chỗ cố gắng phấn đấu làm việc, để khám phá ra khả năng Chúa ban, rồi phát huy biến các tài năng đó nên phương tiện giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội…”. 

GÔN-ĐA MÊ đã không còn than khóc phản kháng hay chán nản, nhưng vui vẻ chấp nhận thập giá đời mình, vác nó lên vai mà bước tới và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước It-ra-en.

3) BÀI THƠ “DỌC ĐƯỜNG”:

Thi sĩ RÔ-BỚT BAO-NING HA-MINH-TƠN (Robert Browning Hamilton) trong bài thơ “Dọc đường” (Along the Road), đã tóm lược nội dung Tin Mừng hôm nay bằng những lời thơ đầy ý nghĩa như sau: “Tôi đã cùng bước đi một quãng đường với Nữ Thần Hoan Lạc. Dọc đường, nàng đã cho tôi được sung sướng bằng những lời ve vuốt tự ái của tôi. Nhưng rồi cuối cùng tôi chẳng thấy khôn ngoan hơn bao nhiêu. Sau đó, tôi lại bước đi với Nữ Thần Đau Khổ. Dọc đàng, nàng chẳng nói một lời. Nhưng cuối cùng tôi lại thấy mình lớn lên về kinh nghiệm sống, về sự khôn ngoan, nhờ trải qua các đau khổ trong suốt thời gian bước đi bên nàng…”.

4) ĐỨC KI-TÔ BỊ CHỐI BỎ:

Vào năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm, trong đó họa sĩ Cô-xê (Smith Kosse) đã trưng bày một bức ảnh mang tựa đề: “Người bị khinh chê chối bỏ”. Họa sĩ vẽ Đức Giê-su đang đứng trước nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô, trong một khu phố đông đúc tại trung tâm thành phố Luân đôn, nhưng không một ai quan tâm tới Người:

Một ông nọ vừa đi vừa đọc báo, suýt đụng phải Người.

Một khoa học gia bận bịu với những chiếc ống nghiệm, nên không nhìn thấy Chúa.

Một vị chức sắc thuộc hàng giáo phẩm đang hiên ngang tiến bước mà không thấy Đức Ki-tô.

Có một nhà thần học đang hăng say thuyết minh về Đức Ki-tô nhưng không nhìn biết Người.

Duy chỉ có một nữ tu là nhìn về Chúa, nhưng vẫn tiếp tục đi con đường riêng của mình.

Ông BÁC-ĐÊ (William Barclay), một học giả Kinh Thánh nổi tiếng đã bình luận về bức họa như sau: “Những điều này vẫn luôn xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Nếu Đức Ki-tô tái xuất hiện, sẽ chẳng có ai chú ý tới Người. Người ta còn phải bận tâm về đủ thứ chuyện họ coi là quan trọng khác, hơn là quan tâm tới Chúa hoặc lắng nghe Lời Chúa dạy”.

  1. THẢO LUẬN :

Mỗi khi gặp được những điều may lành như ý, chúng ta thường dâng lời tạ ơn Chúa. Nhưng khi gặp rủi ro trái ý, chúng ta nên làm gì để thực hành lời Chúa dạy : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ?

  1. SUY NIỆM :

1) “Thầy là Đấng Ki-tô”:

– Dư luận dân Do thái coi Đức Giê-su là Gio-an Tẩy giả tái sinh, là ngôn sứ Ê-li-a hay một vị ngôn sứ thời xưa. Còn ông Phê-rô khi được hỏi đã thay anh em tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô Thiên Sai”. Sau đó Đức Giê-su đã mặc khải cho ông sứ mệnh của Người là cứu độ nhân loại bằng con đường thập giá: “qua đau khổ vào trong vinh quang” (x Mt 16,21).

– Lời Đức Giê-su cho biết về việc Người sẽ phải trải qua cuộc Tử Nạn rồi mới vào trong vinh quang đã làm cho Phê-rô bất ngờ. Ông đã kéo Người lại mà can trách Người. Nhưng Đức Giê-su đã mắng ông : “Xa-tan, hãy lui lại đằng sau Thầy. Vì anh không nghĩ những điều của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ những điều của loài người”. “Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người” (1 C 1,25).

2) “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24) :

Tất cả mọi thành phần dân Chúa là hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đều được mời đi theo Chúa. Đức Giê-su đòi những ai muốn theo làm môn đệ của Người phải từ bỏ: bỏ nghề chài lưới, bỏ tình cảm gia đình là cha già, vợ con, nhà cửa ruộng nượng… Hôm nay Người còn đòi môn đệ phải từ bỏ chính mình, và vác thập giá mình mà theo Người. Vậy vác thập giá nghĩa là gì ?:

– Là từ bỏ “cái tôi” tự ái, ích kỷ; lòng ham mê tiền bạc, danh vọng, quyền hành và các đam mê bất chính khác. Là nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giê-su Con Thiên Chúa (x Rm 8,29).

– Vác thập giá mình là biết tự chủ, vượt lên những đòi hỏi bản năng, nỗ lực nên hoàn thiện, là quyết tâm lọai bỏ con người “thuộc thể”, để mặc lấy con người “thuộc linh” được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x Stk 1,26). Như vậy: “vác thập giá mình” là sẵn lòng chấp nhận những đau khổ và rủi ro thất bại trong cuộc sống, noi gương Đức Giê-su đã chịu đau khổ trong cuộc khổ nạn của Người. 

– “Vác thập giá mình” cụ thể là nhờ Thần Khí giúp chúng ta thanh luyện khỏi các thói hư xác thịt như : “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy…” để đón nhận hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ… Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).

 3) Vui lòng đón nhận những đau khổ gặp phải:

– Từ xưa đến nay, có một vấn đề nan giải làm cho nhiều người chán nản thất vọng là vấn đề đau khổ. Người ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống với tiếng khóc của người thân. Cho nên, Kinh Thánh nói: “Đời là thung lũng nước mắt”. Chỉ có Lời Chúa mới cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng: nguyên nhân gây đau khổ là tội lỗi. “Vì ngươi đã phạm tội thì trái đất sẽ sinh gai góc, ngươi phải làm ăn vất vả, đổ mồ hôi mới có ăn và ngươi là tro bụi thì sẽ hoàn về tro bụi”. Từ đó, đời là vũng châu lệ.

– Chúa Giê-su được sai đến trần gian gánh lấy tội lỗi nhân loại. Nhờ sự chết và sống lại, Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Người dùng đau khổ làm phương thế để cứu chúng ta và dạy chúng ta phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người. Chúa cũng dạy chúng ta khi gặp đau khổ trái ý cũng đừng thất vọng, than trời trách đất mà hãy chạy đên với Người để được bổ sức: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”. Sắn sàng chấp nhận bỏ ý riêng mình để vâng theo ý Chúa Cha noi gương Chúa Giê-su.

4) Đau khổ sẽ thanh luyện chúng ta nên thánh:

– Thiên Chúa thường sử dụng khổ đau để rèn luyện con người nên tốt hơn. Các vĩ nhân trên thế giới, các thánh nhân trong Giáo hội, đều đã trải qua muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống… Nhưng các ngài không nản chí buông xuôi, mà quyết tâm vượt qua để trở nên vĩ đại, như Chúa Phục Sinh đã nói với hai môn đệ làng Em-mau: “Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26).

– Người tín hữu chúng ta hôm nay cũng phải chấp nhân chịu thử thách rồi mới được thành công. Từ đây thập giá đối với chúng ta không còn là hình khổ ghê sợ, nhưng là phương tiện để vào trong vinh quang. Con người ngày nay thường ngại hãm mình, không muốn từ bỏ và ngại vất vả hy sinh… Nhưng nếu ai muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa thì phải chấp nhận thử thách như người đời thường nói : “Có công mài sắt có ngày nên kim” “Lửa thử vàng gian nan thử đức”. Một khi hiểu được ý nghĩa cao cả của đau khổ thập giá, chúng ta sẽ hãnh diện nói như thánh Phao-lô: ”Vinh dự của tôi là thập giá Đức Ki-tô” (Gl 6,14). Từ đây thập giá trở thành chiếc cầu duy nhất nối liền giữa đất với trời, là phương tiện dẫn đưa chúng ta về tới quê trời đời sau.

  1. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay nếu con được Chúa hỏi : “Về phần con, con bảo Thầy là ai ? ” Con sẽ phải tuyên xưng thế nào đây ? Xin Chúa đừng để con chỉ tuyên xưng tin Chúa ngoài môi miệng, nhưng là tin bằng hành động : Bằng việc cầu nguyện kết hiệp với Chúa; luôn chu toàn bổn phận với lòng yêu mến Chúa; Biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng; Biết tạ ơn Chúa khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại… Vì biết rằng tất cả những gì Chúa để xảy đến, đều là hồng ân của Chúa, và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của con. Xin giúp con năng nhìn lên thánh giá của Chúa, để học sống tình thương hiến thân quảng đại của Chúa, như Chúa đã dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

  1. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. – Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …