Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 24A TN

Tha Thứ Không Giới Hạn

(Mt 18,21-35)

mt182135cTin Mừng hôm nay thuật lại: “bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Điều đó có nghĩa là phải tha thứ hoài, tha thứ mãi, tha thứ không giới hạn. Đó là nét mới trong dung mạo của Đức Giêsu. Người đã chiếu tỏa nét cao quý ấy ngay trên Thập Giá, khi các kẻ thù hành hạ, chế nhạo, và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Nhưng tại sao phải tha thứ? Phải tha thứ cho anh em vì đó là điều kiện để được Chúa thứ tha. Đức Giêsu đã nói: “nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”. Tha thứ là một lệnh truyền khó thực hiện nhưng lại là nghĩa cử cao cả nhất. Chúng ta có thể cho đi tiền của, trao ban thì giờ, hiến dâng mạng sống, nhưng các điều đó xem ra còn dễ hơn là tha thứ cho kẻ thù, yêu thương kẻ ngược đãi mình, và làm ơn cho kẻ oán ghét chúng ta.

Tha thứ là một điều rất dễ nói nhưng lại rất khó thực hiện. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, gia đình của cô Coritanbum sinh sống ở Amsterdam, Hòa Lan, sống nhờ cửa tiệm làm và bán đồng hồ. Khi quân đội Đức Quốc Xã chiếm Hòa Lan thì gia đình cô dấn thân trợ giúp người Do Thái, và hậu quả là có người chỉ điểm làm cho toàn gia đình cô bị bắt vào trại tập trung, chỉ còn một mình cô sống sót. Sau thế chiến thứ hai, cô đi khắp Âu Châu để giảng thuyết về sự tha thứ và hòa giải. Một hôm sau buổi thuyết trình tại Munich, Miền Nam nước Đức, một người đứng lên cám ơn cô về bài thuyết trình thật hay, nhưng cô chết điếng người khi nhận ra người đàn ông đó chính là người lính Đức Quốc Xã trước kia đã giam giữ cô và gia đình cô.

Bỗng chốc cô nhớ lại tất cả những hành động bỉ ổi của người lính đã xúc phạm đến con người, nhất là phẩm giá của những nữ tù nhân trong trại mà anh lính này đã làm trước mắt cô ngày trước. Cô Coritanbum lúng túng không kịp đưa tay ra bắt tay người đã hành hạ mình, và lúc đó cô mới hiểu thấm thía nói thì dễ nhưng làm thì thật là khó. Chính lúc bấy giờ cô khám phá ra mình cũng chưa thực sự tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình trước đây. Kinh nghiệm của cô Coritanbum cũng chính là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta hôm nay, dù hình thức có thể khác, nhưng tựu trung nội dung vẫn giống nhau.

Khi nói về sự tha thứ, thường thì khuyên kẻ khác tha thứ rất dễ, nhưng khi trực tiếp đối diện với kẻ xúc phạm đến mình, phải thực hành một việc tha thứ cách cụ thể cho người đang đứng trước mặt mình thì quả thật khó khăn vô cùng.

Có thể chúng ta cũng khó vượt qua được  những cảm xúc như cô Coritanbum. Nhưng nếu chúng ta không tha thứ thì chính chúng ta sẽ tự làm khổ chúng ta như văn hào Nga Leon Tolstoi kể câu chuyện như sau: có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ đó. Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”. Đi đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục, ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch nỗi nhục hằng đeo đẳng. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ:

“tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.[1]

Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất mà Kitô giáo đã cống hiến cho con người. Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình là điều xem ra dễ làm hơn trao ban lòng tha thứ. Nhưng tha thứ lại là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên giống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng. Tha thứ là nét cao đẹp nhất của con người, bởi vì càng tha thứ con người càng nên giống Thiên Chúa. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Câu chuyện người ăn xin trích trong R.VERITAS, Lẽ Sống, trg.176-177

Xem thêm

JESUS, BRIGHT ROAD

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

CON ĐƯỜNG SÁNG “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. “Người chọn nơi bắt đầu …