Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

TÍNH TOÁN

Tính ToánNgười ta nói: “Làm không biết tính, thính không có mà ăn”. Quả thật, dù điều to hay nhỏ, dù việc bình thường hoặc quan trọng, thì cũng đều phải tính toán – dù mức độ có khác nhau. Tính toán chứ không mưu mô, lọc lừa, lươn lẹo, ranh ma, vụ lợi hoặc thực dụng…

Thế nhưng người ta cũng nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Còn Thánh Phaolô xác định: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3:6). Đó mới là vấn đề! Với Thiên Chúa, tính toán không nhằm tư lợi mà là từ bỏ chính mình. Cách tính toán của Thiên Chúa thật là độc đáo! Đúng vậy: “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toáncân nhắc cả rồi” (Kn 11:20).

Chuyện đời sống, chuyện sinh hoạt hằng ngày, ai cũng phải biết tính toán đã đành, lớn tính chuyện lớn, nhỏ tính chuyện nhỏ. Chuyện tâm linh cũng cần biết tính toán sao cho hợp Ý Chúa, hợp với hoàn cảnh của mỗi người. Sống đúng bậc mình trong hoàn cảnh hiện tại là biết tính toán để nên thánh, là biết làm đẹp lòng Chúa.

Tính toán có thể là cộng, trừ, nhân hoặc chia. Nhưng phải tính toán sao có lợi cho tha nhân: CỘNG lại tình người, TRỪ đi hận thù, NHÂN lên yêu thương, CHIA sẻ lòng thương xót, và đừng bao giờ CHIA rẽ. Tác giả sách Khôn Ngoan thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững” (Kn 9:13-14). Và rồi tác giả nhận định: “Thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề” (Kn 9:15).

Thực tế quá phũ phàng, nhưng sự thật là vậy, không ai có thể chối cãi. Có lần Chúa Giêsu cũng nói: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38). Phàm nhân là cát bụi, quá mỏng dòn, quá yếu đuối, thế nên mới phải cố gắng tỉnh thức kẻo sa chước ba thù – ma quỷ, thế gian, và xác thịt. Thứ nào cũng ghê gớm, dữ tợn, đủ sức làm chúng ta đắm chìm trong vũng lầy tội lỗi. Do đó mà luôn phải cẩn trọng, tỉnh thức. Tỉnh thức cũng là một cách tính toán vậy!

Tác giả sách Khôn Ngoan đại diện chúng ta thân thưa với Chúa: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng? Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh? Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ” (Kn 9:16-18).

Quả thật, cuộc đời là thế. Có những điều tưởng chừng dễ như trở bàn tay, ấy vậy mà chúng ta phải vất vả lắm mới may ra làm được; và có những điều tưởng như trong  tầm tay, thế mà lại vuột khỏi tầm tay khiến chúng ta buồn não lòng. Tính toán chi li, tính toán rất kỹ, thế mà chẳng nên công cán gì, y như “dã tràng xe cát biển Đông” vậy! Vì thế, dù chuyện to hay nhỏ đều phải nhờ ơn Chúa: Tất cả đều là Hồng ân.

Thánh Gióp nhận định: “Chúa có thể giết tôi, tôi chẳng còn gì để hy vọng, nhưng trước nhan Người, cách sống của tôi, tôi phải biện hộ. Đó chính là điều sẽ cứu tôi, vì trước nhan Người, ác nhân sẽ không dám xuất đầu lộ diện” (G 13:15-16). “Tâm phật, khẩu xà” đúng là Pharisêu chính hiệu. Cách sống thường nhật của chúng ta đối với tha nhân quan trọng hơn động thái khúm núm trong nhà thờ. SỐNG ĐẠO quan trọng hơn GiỮ ĐẠO. Từ cửa nhà thờ trở ra mới chứng tỏ ai là môn đệ đích thực của Đức Kitô, chứ không phải chỉ từ cửa nhà thờ tới bàn thờ.

Tác giả Thánh Vịnh nói rằng “Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi” khi Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3). Đối với Thiên Chúa chỉ có hiện tại, không có quá khứ hoặc tương lai, không có khái niệm thời gian hoặc không gian, không có khái niệm dài hoặc ngắn: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:4).

Thời gian là của Chúa, ngay cả sự sống và những gì chúng ta sở hữu cũng không thuộc quyền của chúng ta, mà chúng ta chỉ là người được Chúa trao cho quyền quản lý. Tất nhiên chúng ta phải chịu trách nhiệm. Khoảng trăm năm đời người xem chừng dài lắm, nhưng cũng chỉ như thoáng chiêm bao, tựa bóng câu qua cửa sổ, không khác đóa phù dung hoặc con thiêu thân: “Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn” (Tv 90:5-6). Quả thật, tuổi đời càng tăng thì người ta càng cảm thấy thời gian như ngắn hơn trước, dù một giờ vẫn đủ 60 phút, một thực tế bất biến. Qua đó, chúng ta hiểu và chắc chắn rằng Thiên Chúa bất biến, chỉ tại nhân loại biến thiên mà thôi.

Tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90:12). Đó là tỉnh thức, là biết lo liệu, là biết tính toán. Sẵn sàng như vậy nên người ta khát khao được ngụp lặn trong Biển Tình Yêu của Chúa: “Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca” (Tv 90:13-14).

Chúng ta quản lý cuộc đời mình một cách tốt đẹp nếu biết cầu xin Chúa phù trợ: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (Tv 90:17).

Chắc hẳn vì thế mà Thánh nữ Faustina xác định: “Tôi không tìm hạnh phúc ngoài nội tâm nơi Chúa cư ngụ. Tôi hạnh phúc khi Chúa ở trong tôi. Tôi ở với Ngài mãi mãi. Đó là nơi thân mật của Ngài và tôi. Tôi an toàn ở bên Ngài. Đó là nơi không bị loài người dò xét. Đức Mẹ khuyến khích tôi giao tiếp với Chúa bằng cách này” (Nhật Ký Thánh Faustina, số 454). Hay quá! Nhưng chúng ta thường LỢI DỤNG CHÚA hơn là TÍN THÁC vào Ngài – mà miệng lưỡi hoặc bề ngoài chúng ta vẫn oang oang: “Con tín thác vào Chúa”. Hãy cẩn trọng kẻo bị ảo tưởng, vì sự lợi dụng và lòng tín thác rất “gần” nhau, khá giống nhau. Có lẽ nhiều người đang lâm tình trạng này mà không biết đấy!

Trong thư gởi cho Philêmôn, Thánh Phaolô viết: “Tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi là một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô” (Plm 1:9-10). Thánh Phaolô PHẢI kêu gọi BÁC ÁI vì người ta thường lầm lẫn các cạnh của “tam giác yêu thương”. Đó là Bác Ái, Công Bình, và Bố Thí. Ba cạnh có vẻ “giống” nhau và “đều” nhau, nhưng thực tế không phải vậy. Ví dụ, trong âm nhạc, “nửa cung” có vẻ giống nhau, dù gọi là bán-cung-dị hoặc bán-cung-đồng (có vẻ rất giống nhau khi dùng piano – thực tế rõ ràng với phím ĐEN và TRẮNG – theo bán cung Tây Phương, nhưng thực tế hai nửa cung ấy hoàn toàn khác nhau, nếu xét theo kiểu bán cung của Ấn Độ, và bán cung Việt Nam cũng tương tự).

Chuyện có vẻ riêng tư khi Thánh Phaolô gởi thư riêng cho Philômôn, nhưng thực sự vẫn là chung, cái riêng ở trong cái chung, và cái chung ở trong cái riêng: “Tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện. Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi”. Thiết tưởng không cần nói gì thêm, vì quá rõ ràng rồi!

Bác ái là yêu thương. Yêu thương bằng hành động chứ không thể nói suông bằng đầu môi chót lưỡi. Dễ hay khó? Vừa khó vừa dễ. Tùy. Cái từ “TÙY” này mới thật là “đáng sợ” đấy! Vấn đề là đừng “đội trên”, đừng “đạp dưới”. Nghĩa là đừng mặc hai loại áo, một loại vạt trước dài và một áo vạt trước ngắn. Nói thẳng ra là đừng nịnh trênhù dưới. Kiểu này nhiều người “mắc” lắm!

Một hôm nọ có vẻ “đẹp trời”, thấy có rất đông người cùng đi đường, Đức Giêsu quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26-27). Nghe “choáng” quá, vì “sốc” ghê đi. Người ta chỉ thích “vội vàng vơ vét về” (5 V) thế mà Đức Giêsu lại bảo phải “BỎ”, phải “BIỆT” dù “BIẾT” – toàn là mẫu tự B (chữ bê, âm bờ). Chán chết được! Ấy thế mà có “chết” được đâu!

Chúa Giêsu rất khoái dụ ngôn, cái gì cũng dụ ngôn, nhưng ngụ-ngôn-thực-tế chứ không ngụ-ngôn-bịa-đặt. Ngài vừa truyền thống vừa tân kỳ, cứ thản nhiên “bổn cũ soạn lại” khi phân tích: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà” (Lc 14:28-32).

Chúa Giêsu chỉ là thợ mộc, đục đẽo thôi, chứ không hề là thợ xây, không là thầu khoán, thế mà lại nói chuyện xây dựng. Nghe mà “chói tai”. Mà “chói” thật, vì bọn thầu khoán cũng phải tâm phục khẩu phục chứ nói chi lũ thợ xây, thợ hồ.

Còn nữa, Chúa Giêsu cũng chẳng kinh nghiệm làm vua ngày nào, thế mà lại tính chuyện giao chiến như một tướng quân. Thủ tướng hoặc đại tướng quân sự cũng phải tôn Ngài làm Đại Sư thôi. Lạ thật!

Cuối cùng, Đức Giêsu Kitô nói thẳng: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:33). Cái chữ B này “to” lắm. Nó có thể là BIÊN GIỚI (bờ cõi quốc gia), là BIỆT DANH (cõi riêng tư), là “bới bèo ra bọ” (bề trên tìm cách triệt hạ bề dưới, bề dưới tìm cách hạ bệ bề trên), là BAO CHE (phe cánh), là BƯỚNG BỈNH (kiêu ngạo, tôi luôn là “số dzách”). Nếu vậy thì… BỎ!

Nhưng lưu ý: Chữ BỎ của Chúa là “bỏ mình”, mang nghĩa khiêm nhường, còn chữ BỎ của chúng ta là “vứt bỏ” mang nghĩa kiêu ngạo, là mặc kệ. Ranh giới giữa hai chữ BỎ ấy chỉ nhỏ bằng sợi tóc. Hãy nhớ câu này: Cẩn tắc vô ưu. Cẩn trọng cũng là một dạng tính toán vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết sống đúng ý nghĩa tích cực của chữ BỎ mà Chúa Giêsu đã sống, BỎ MÌNH chứ không BỎ NGƯỜI KHÁC. Xin giúp chúng con biết tính toán cho đúng Phép Tính của Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …