Mở và Đóng
Mở ra ngược với đóng vào, khép lại. Đơn giản và dễ hiểu. Nhưng chỉ những gì bị đóng mới cần được mở ra. “Vừng ơi, mở ra!”, đó là câu thần chú đã được Kasim sử dụng để mở cửa hang trong truyện “Nghìn Lẻ Một Đêm” – truyện cổ dân gian của Ai Cập và Ba Tư, nói về Ali Baba và bốn mươi tên cướp. Kasim là anh của Ali Baba, giàu có và tham lam, nhưng không mở được cửa hang khi niệm các câu thần chú khác: “Đậu ơi, mở ra!”, “Kê ơi, mở ra!”, “Ngô ơi, mở ra!”, “Lúa ơi, mở ra!”, “Gạo ơi, mở ra!”,…
Mắt mù cần mở. Miệng câm cần mở. Tai điếc cần mở. Thậm chí đôi khi tim cũng cần mở (chẳng hạn, mở van tim). Các cơ phận rất cần mở để cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tâm linh còn cần được mở hơn: Mở ra với Thiên Chúa, mở ra với tha nhân, mở ra với đức tin, mở ra với đức khôn ngoan, mở ra với điều tốt lành, mở ra với đức ái, mở ra với lòng thương xót,…
Đức Khổng Tử nhận xét: “Đạo làm quân tử có bốn điều đúng: Mạnh dạn khi làm điều nghĩa, nhũn nhặn khi nghe lời can gián, lo nghĩ khi nhận bổng lộc, và cẩn thận đối với việc sửa mình; đời có bốn cái lo: Lo đức ít mà được sùng ái nhiều, lo công lập được ít mà được hưởng nhiều bổng lộc”. Câu nói này thực sự khiến chúng ta rất đáng quan ngại! Đôi khi cứ tưởng mình đang “mở toang” mà thật ra lại vẫn “đóng kín”.
Trình thuật Is 35:4-7a cho biết: Sau khi xử tội Ê-đôm và Giêrusalem toàn thắng, Thiên Chúa sai ngôn sứ Isaia nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em”. Thiên Chúa đã ra tay cứu thoát những bần dân khốn khổ vì bị thế lực trần gian áp bức.
Thật vậy, bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, người què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm reo hò. Mọi sự hoàn toàn khác hẳn, thế cờ đảo ngược: Kẻ yếu nên mạnh, chuyển bại thành thắng. Con người biến đổi, thiên nhiên cũng biến đổi: Nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu, miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra. Tại sao vậy? Vì mọi thứ đều được chính Thiên Chúa “mở ra”.
Chắc hẳn ai cũng đã có kinh nghiệm về việc bị ma quỷ “đóng chặt” khi phạm tội – tức là bị nó xiềng xích, và rồi lại có kinh nghiệm được Thiên Chúa “mở ra” khi biết ăn ăn sám hối. Không chỉ vài lần mà rất nhiều lần. Vì thế, chúng ta phải luôn tự nhủ: “Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” (Tv 146:2). Dù hoàn cảnh (cả chung và riêng) có thế nào, Thiên Chúa vẫn mãi là nơi ẩn náu và sức mạnh của các tín hữu: “Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay, tiếng Người vang lên là trái đất rã rời. Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta” (Tv 146:7-8).
Hòn đá mà Thiên Chúa còn “hô biến” để trở nên con cái của Tổ phụ Áp-ra-ham thì mọi thứ chỉ là “chuyện nhỏ” đối với Ngài mà thôi. Vô tri bất mộ. Càng trải nghiệm về Ngài thì không ai có thể câm miệng, mà phải công khai nói với người khác: “Đến mà xem công trình của Chúa, Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu. Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế, cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan, còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa” (Tv 146:9-10). Tụi IS dù có tàn ác và mạnh miệng hù dọa dân lành thì cũng chỉ là rơm rác, Thiên Chúa chưa ra tay vì Ngài còn kiên nhẫn cho họ hưởng nhờ lòng thương xót mà đấm ngực đấy thôi.
Thánh Giacôbê bảo chúng ta “phải kính trọng người nghèo”. Nghèo không chỉ về vật chất mà cả về tâm linh nữa. Người nghèo khổ là đối tượng của Lòng Chúa Thương Xót, luôn được Ngài động lòng trắc ẩn và ra tay cứu trợ.
Thánh Giacôbê lịch sự nhắn nhủ: “Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư” (Gc 2:1). Rồi Thánh Giacôbê đặt vấn đề: “Giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc 2:2-4). Có lẽ lời nói thẳng nói thật như vậy đang “chạm” vào tự ái của mỗi chúng ta. Cái mà người ta vẫn gọi là bình đẳng thì có thể lại không hề bình đẳng, chẳng hạn trong hệ lụy giàu – nghèo. Người ta ví von: “Miệng nhà giàu có gang có thép”. Họ có thể “xoay chuyển” đủ kiểu!
Quả thật, thực tế cho chúng ta thấy những cách cư xử đối lập với Thiên Chúa, không chỉ ở giáo dân, mà đáng buồn là ở ngay những người mệnh danh là mục tử. Thật chứ không đùa, không bịa đặt! Vì họ chỉ thích “chiên béo” và chỉ “chơi thân” với các giáo dân có “máu mặt”, không có “máu” thì đừng hòng gặp gỡ hoặc nói chuyện.
Linh mục H. ở xứ B. (hạt T., GP X.) nhận một phong bì tiền xin lễ từ một ông trong ban hành giáo, linh mục này liền xé phong bì, và nói với giọng gắt gỏng: “Xin lễ có một trăm ngàn à. Từ nay ông H. đừng nhận phong bì xin lễ của ai nữa nhé!”. Được biết rằng linh mục này thường xuyên “gần gũi” với những người có máu mặt trong xứ. Thật đáng buồn biết bao! Rồi giáo dân sẽ là những con chiên như thế nào khi họ cứ phải chứng kiến các động thái như vậy? Một linh mục trẻ khác (chưa được ba năm), hàng tháng gởi tiền vào ngân hàng, người ta nói là “sướng quá”, linh mục này nói một câu xanh rờn: “Vì tôi là linh mục mà!”. Một câu nói xem chừng rất ư bình thương nhưng lại chứa đầy vẻ cao ngạo! Lạy Chúa tôi, đáng thương hay đáng trách?
Cứ cái “thói” phân biệt đối xử và kỳ thị như họ thì người nghèo không bao giờ được vào Thiên Đàng, vì họ “mở toang” với người giàu có, sang trọng, chức quyền,… nhưng lại “đóng kín, khép chặt” với người hèn mọn, yếu đuối, nghèo khổ,… Tuy nhiên, thật may là Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với họ, Ngài phê bình nặng nề và rõ ràng từng chi tiết, vì Ngài là người luôn nói thẳng nói thật, “không vị nể ai” (1 pr 1:17). Kẻ nào lộng hành, ỷ thế cậy quyền, mạo nhận mình “ngon lành” hơn người khác, chắc chắn Thiên Chúa sẽ “đóng kín” đối với họ! Làm sao Ngài có thể “mở” với những người đối lập với Ngài chứ?
Người ta thường nói: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Quả là chẳng sai tí nào! Có lẽ ngày xưa Thánh Giacôbê cũng thấy trái tai gai mắt nên mới tiếp tục nhắn nhủ: “Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (Gc 2:5). Cách đặt vấn đề không hề dễ trả lời chút nào. Ai có thể trả lời ngay thì mới xứng đáng là môn đệ của Thầy Chí Thánh Giêsu, nếu không thì chỉ là “đồ giả” mà thôi! Mà “đồ giả” thì Chúa Giêsu rất ghét (xin chịu khó đọc lại Mt 23:1-33; Lc 6:24-26; Mt 11:21-24; Lc 10:13-15; Mt 18:7; Mc 9:42-48; Lc 17:1-2; Pl 3:2; Kh 22:15; Mt 23:33).
Nếu đọc lại mấy đoạn Kinh Thánh vừa nêu, có thể chúng ta sẽ bị điếc và ngọng đấy!
Trình thuật Mc 7:31-37 cho biết việc Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa ngọng. Hôm đó, Ngài rời vùng Tia để đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Ngài, và xin Ngài đặt tay trên anh ta. Ngài kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Ui da, kể ra Chúa Giêsu cũng chơi “sốc” thật. Thế nhưng đó là “cách” của Ngài, dùng động thái bề ngoài để người ta dễ hiểu thôi, chứ Ngài đâu cần phải làm vậy.
Sau đó, Ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha!” (Εφφαθα – Hãy mở ra!). Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Rồi Ngài truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Thế nhưng phàm nhân vốn hiếu kỳ, khoái làm ngược lời căn dặn. Thật vậy, Chúa Giêsu càng cấm họ thì họ lại càng đồn ra. Mà cũng không nên trách họ, vì họ hết sức kinh ngạc khi chính họ “mục kích sở thị” tỏ tường chứ chẳng phải nghe ai nói lại, thế nên họ bàn tán với nhau: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.
Tác giả Thánh Vịnh cầu xin chân thành: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Ước gì chúng ta cũng luôn biết cầu nguyện như vậy. Xin được mở miệng để chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa chứ không để “mỉa mai” hoặc “chửi rủa” người khác. Đó cũng là một dạng khiêm nhường. Nhưng cũng nên lưu ý cách triết lý của Lev Tolstoy (người Nga): “Khi bạn ý thức được mình là người khiêm tốn nghĩa là bạn không còn khiêm tốn nữa”.
Trường nữ sinh Công giáo SJB (St. Jean Baptiste High School – Trường Trung Học Thánh Gioan Tẩy Giả), thuộc GP New York, có khẩu hiệu: “Parare Domino plebem perfectam” (chuẩn bị cho Thiên Chúa một dân tộc hoàn hảo). Một cách “mở ra” cho tương lai thật tuyệt vời. Ước gì nền giáo dục của Việt Nam cũng biết “mở ra” hướng như vậy!
Lạy Thiên Chúa, xin mở lòng con và giúp con biết mở lòng ra với tha nhân, xin siết chặt con bằng sợi tình yêu và buộc chặt mọi người bằng sợi thương xót của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU