Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

Chữa Người Câm Điếc

(Mc 7, 31-37)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Ngữ cảnh

tải xuốngSau khi Đức Giêsu bị dân Nadarét loại trừ (6,1-6a), các môn đệ được sai đi rao giảng sự sám hối và trừ quỷ (6,7-13). Nhưng khi Người đề nghị cho đám đông ăn (6,37), thì các môn đệ sửng sốt, cũng ý như khi họ thấy Người đi trên mặt biển (6,51). Những người nghe đọc Tin Mừng có nắm được tương quan giữa khả năng đi trên mặt nước và khả năng nuôi sống đám đông chăng? Việc Đức Giêsu đi vào vùng Dân ngoại, tại đó Người đã chữa con gái một bà gốc Phênixi xứ Syri (7,24-30) và chữa người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37) cũng như hóa bánh nhiều lần thứ hai (8,1-10) hẳn là khích lệ các độc giả gốc Dân ngoại nhiều.

2.Ý nghĩa của bản văn

2.1.Hoàn cảnh (31)

Có lẽ câu truyện bắt đầu từ c. 32, còn tác giả Maccô đã tạo ra c. 31 để cung cấp một cái khung địa lý cho bản văn, vì chúng ta biết rằng Siđôn đã được nói đến ở 3,8, còn Thập Tỉnh đã được nhắc đến ở 5,20. Vậy c. 31 là câu nối bản văn với phần đi trước. Các chi tiết gom lại ở đây muốn nói đến các miền đất ngoại giáo chung quanh Galilê và nêu bật chủ trương phổ biến Tin Mừng sang đất Dân ngoại.

2.2.Đức Giêsu chữa người tàn tật (32-35)

Cuộc chữa bệnh có những cách thực hành quen thuộc trong các truyện phép lạ thời đó. Đức Giêsu đưa anh bệnh ra riêng. Tất cả chuyện này có ý là giữ bí mật cách trị liệu của vị thầy. Các cơ quan có bệnh được chạm đến. Vị thầy ấn ngón tay trên hai tai điếc, rồi bôi nước miếng lên cái lưỡi ngọng. Ngước mắt lên trời là để xin sức mạnh siêu phàm; thở dài hay rên cũng nhắm như vậy. Tiếng epphatha trong bối cảnh phép lạ Hy Lạp là lời phù chú không ai hiểu được; nhưng trong Maccô, từ này đã được dịch ra rõ ràng (tương tự 5,41). Đức Giêsu cho người ta biết rõ ràng quyền lực của Người. Đây là lời Người nói với anh bệnh cho đến lúc này vẫn chưa có khả năng nghe được, chứ không phải là nói với các cơ quan bị bệnh. Tức khắc, anh này được lành; sự kiện anh được lành được nêu ra như một điệp khúc đáp lại lời vừa được truyền ra. Rất có thể chi tiết “lưỡi bị buộc” có ý nói đến tên quỷ của bệnh, mà nay anh này đã được giải thoát khỏi.

2.3.Lệnh Đức Giêsu cấm phổ biến và phản ứng của dân chúng (36-37)

Đức Giêsu truyền cả anh bệnh đã lành cũng như những người có mặt phải giữ im lặng. Nhưng những người đã đón nhận được mạc khải trong phép lạ này không thể giữ kín được. Tác giả Maccô muốn nhắc độc giả vừa phải giữ làm sao để người ta khỏi hiểu sai thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu, vừa phải nhận ra và giới thiệu Người là Đấng Cứu Thế. Phản ứng hứng khởi của dân cho ta lời giải nghĩa thần học của phép lạ. Nhờ hoạt động của Đức Giêsu, cuộc tạo thành đã hư hỏng nay được tái thiết (x. St 1,31).

2.4.Kết luận

Đọc lướt qua, chúng ta thấy đây là một bài tường thuật về một phép lạ chữa bệnh về thể lý. Thật ra, bài này, cùng với các bài tường thuật về việc chữa người mù (8,22tt; 10,46tt) là một lời cam kết rằng Đức Giêsu có thể mở tai, tháo lưỡi, mở mắt cho các môn đệ, và là một lời mời gọi các ông tin tưởng vào Người, và để Người giúp các ông. Hãy nhìn nhận sự giải thoát mà Người đã mang lại cho chúng ta. Cũng hãy cố gắng đón nhận sự giải phóng mà Người đang muốn ban cho chúng ta, trên nẻo đường Người đang mở ra trước mắt chúng ta, xuyên qua những ngờ vực và những nỗi sợ hãi, mà tiến về vinh quang của Người.

3.Gợi ý suy niệm

3.1. Các môn đệ của Đức Giêsu cũng phải có tâm tình tha thiết của Người là đưa Tin Mừng đến cho các Dân ngoại. Nếu ngại ngùng vì đường dài, e dè vì những khó khăn có thể gặp về mọi phương diện, các ông sẽ không đi xa được, và sẽ phản bội bản chất của Tin Mừng vì Tin Mừng là ánh sáng cứu độ được Thiên Chúa ban cho mọi người qua trung gian của các ông.

3.2. Các môn đệ đã không hiểu bản thân và sứ mạng của Đức Giêsu nên đã bị Người trách (7,18; 8,17-21). Sự kiện Đức Giêsu đã mở tai của người điếc cho hiểu rằng Người có thể ban sự hiểu biết cần thiết để người ta sống đức tin. Và chính các môn đệ cũng cần được Người mở tai cho, hầu nghe được và hiểu được những giáo huấn của Đức Giêsu, và nghe ra tiếng kêu la của những con người khốn khổ hôm nay.

3.3. Theo thánh Bêđa (PL 92,203t), người Kitô hữu nào không lắng nghe Lời Chúa là người điếc và kẻ nào không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho kẻ khác là người câm. Nước miếng mà Đức Giêsu bôi vào lưỡi anh câm có nghĩa là “sapor Domini sapientiae” (hương vị của sự khôn ngoan của Chúa); còn ngón tay mà Đức Giêsu ấn trên tai anh điếc, tượng trưng ân huệ Thánh Thần (x. Lc 11,20).

3.4. Giai thoại Đức Giêsu chữa người vừa điếc vừa ngọng này có thể được coi như một dụ ngôn nói về biết bao hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật của chúng ta hôm nay. Đây là những hoàn cảnh ngặt nghèo khiến chúng ta ở xa rất nhiều “điều”, nhưng đồng thời lại cho chúng ta gặp được Chúa tể sự sống. Khi đó, đã được tháo cởi tai và miệng, chúng ta có thể nói: “Ngài làm điều gì cũng tốt cả”, với sự kinh ngạc thấm đẫm tâm tình biết ơn.

3.5.Khi Đức Giêsu nói “hãy mở ra”, tai anh ta mở ra lập tức và “anh ta nói được rõ ràng”. Đức Giêsu nói ra và điều ấy xảy ra. Hôm nay Đức Giêsu cũng nói Lời Người trên chúng ta, “hãy mở ra!”. Với đôi tai đã được mở ra, chúng ta không những lãnh nhận lời Người, mà lòng chúng ta cũng được mở ra để đón lấy nữa. Nghe Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta.

“Hãy mở ra!”. Những lời này mở chúng ta ra với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Những lời đó cũng mở ra cho chúng ta thấy Thiên Chúa đang ở trong chúng ta, từng ngày, trong các liên hệ giữa chúng ta và các loài thọ tạo. Đó chẳng phải là một bí nhiệm sao: một người trông thấy và nghe được Thiên Chúa trong những biến cố nhỏ bé, thậm chí không đáng kể thuộc đời sống hằng ngày?[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Một phụ nữ kia có người bạn bị điếc. Ngày nọ bà ta hỏi người bạn muốn được tặng gì vào ngày sinh nhật. Người bạn ấy đáp lại thật bất ngờ: “xin bạn hãy vui lòng viết thư cho Ann Landers yêu cầu bà ta in lại bảng kinh cầu nguyện cho người điếc. Bà ấy đã từng in nó trước đây vào mục của bà trong một tờ báo, nhưng tôi đã đánh mất bản sao mục đó rồi!”

Thế là người phụ nữ đã viết thư cho Ann Landers. Và vào ngày 1/6, ngày sinh nhật của cô bạn, bà Ann đã in lại lời cầu nguyện đó trong cột báo của mình như sau: “lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là nhiều người xem họ như những người chuyên làm phiền người khác. Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc. Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín”[2]
Lời kinh trên cho chúng ta thấy những nỗi khổ tâm của người điếc. Đa số chúng ta đều cho rằng mù thì tệ hại hơn điếc. Thế nhưng Helen Keller vừa bị mù vừa bị điếc thì lại cho rằng bị điếc không nghe được, thì những cánh cửa cuộc đời hầu như bị khép lại, chẳng hạn: mở radio thì chẳng hiểu gì, xem truyền hình cũng thế, và hầu như không thể trò chuyện được với ai cả. Vì thế, sau một thời gian họ cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi.
Câu chuyện về người điếc nói trên giúp ta hiểu rõ bài Phúc Âm hôm nay. Nó giúp ta hiểu được người câm điếc vui sướng như thế nào sau khi được Chúa Giêsu chữa lành. Lần đầu tiên trong cuộc đời anh ta cảm nếm được một phần nào vui thú của cuộc sống.[3]

Điếc và ngọng về thể chất thì ai cũng biết, thiết tưởng chúng ta chỉ cần bàn tới bệnh điếc và ngọng về tinh thần và tâm linh. Nhiều người thính tai về thể chất, nhưng lại điếc về tinh thần và tâm linh. Họ rất thính tai khi nghe những gì liên quan đến tiền tài, của cải, lạc thú, danh vọng, quyền lực, địa vị, nhưng lại điếc khi nghe những điều hay lẽ phải, những chân lý đem lại sức mạnh tinh thần hay tâm linh. Nhiều người nói năng rất hùng biện về kiến thức, triết lý, khoa học, về đủ mọi thứ trên đời, nhưng lại hành xử như người câm, hoặc ấp úng, mắc cỡ khi phải nói lên điều hay lẽ phải, những lời chân thành yêu thương, những lời đem lại bình an, hòa thuận cho những người đang cần tới.

Chúng ta có thể bị điếc khi lặn ngụp trong tội lỗi, không còn lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta qua lương tâm, qua thiên nhiên, cũng như qua những biến cố xảy đến trong cuộc sống. Chúng ta có thể bị câm khi không còn dâng lên Chúa lời chúc tụng và cảm tạ tình thương Ngài đã dành cho chúng ta. Chúng ta có thể bị câm điếc khi con tim đã trở nên chai đá, không còn biết rung động trước nỗi khổ đau của người khác. Chúng ta có thể bị câm điếc khi không còn lắng nghe, cũng như không còn nói được những lời an ủi và khích lệ người khác. Chúng ta có thể bị câm điếc khi tự coi mình là một ốc đảo, chỉ biết sống cho riêng mình và tệ hơn nữa, coi người khác như hỏa ngục, hoặc như là một sự quấy rầy phiền nhiễu. Bởi đó, xin Chúa hãy mở môi miệng chúng ta, để chúng ta biết lắng nghe và loan truyền lời Chúa, cũng như biết chia sẻ nỗi khổ đau với những người chung quanh. Dù là bị điếc, ngọng hay câm thế nào đi nữa, Đức Giêsu cũng có thể chữa lành, miễn là chúng ta tin vào quyền năng của Chúa và quyết tâm cộng tác với Ngài. Chỉ cần Ngài rờ vào cái tai tâm linh và cái miệng tâm linh của ta và truyền cho chúng: «Épphatha, hãy mở ra!» là bệnh điếc, ngọng, câm tâm linh của chúng ta sẽ được chữa lành.

Điều quan trọng là chúng ta phải công nhận mình đang thật sự bị điếc và ngọng về tâm linh thì Ngài mới chữa lành chúng ta được! Nếu bị bệnh mà lại cứ nói mình chẳng bệnh gì cả, thì Chúa cũng đành bó tay.

Lạy Chúa, xin Chúa hãy mở môi miệng chúng con, để chúng con biết lắng nghe và loan truyền lời Chúa, cũng như biết chia sẻ nỗi khổ đau với những người chung quanh chúng con. Amen.

LM. Giuse Đỗ Văn Thụy

[1]  Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM. 

 https://catechesis.net/mc-731-37-duc-giesu-chua-nguoi-vua-diec-vua-ngong/

[2] William Barclay

[3] Cha Mark Link, S.J.

Xem thêm

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL

Lịch Sử   Thuật ngữ Thánh Kinh dùng để gọi các thiên thần đều có …