Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIII Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIII Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

(Mc 7, 31-37)

 

Các Phúc âm là những sách ghi lại việc Chúa Giêsu ra đi rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa. Người rao giảng khắp nơi, rao giảng cách không mệt mỏi, đồng thời Người cũng làm nhiều phép lạ. Và Người làm tất cả là vì tình thương xót. Vì thương dân trong cảnh thiếu thốn, không biết đâu là chân lý, nên Người rao giảng Lời chân lý, vì thương dân đang đói của ăn vật chất, Người làm bánh ra nhiều và trong bài Phúc âm hôm nay, thánh Mc cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu thương dân đang đau khổ vì bệnh tật, nên đã chữa bệnh điếc và câm. Thay vì lên án, thay vì coi tật câm điếc như một hình phạt của Thiên Chúa trên người tội lỗi như những người Do thái cùng thời, Chúa Giêsu tìm cách chữa lành cho con bệnh.

Khi chữa bệnh, Chúa Giêsu đã hoàn thành điều mà trước đó khá lâu, tiên tri Isaia đã nói tới: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được”. Tiên tri Isaia báo trước sẽ có một thời kỳ Thiên Chúa ra tay cứu độ dân Người, thời kỳ mà Thiên Chúa giải thoát con người khỏi mọi đau khổ. Những việc làm của Chúa Giêsu cho thấy thời đại ấy đã đến và đang được thực hiện bằng tình thương của Người. Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu thương của Thiên Chúa, và trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu thương ấy qua việc chữa lành người câm điếc.

Chúa Giêsu thương xót người bệnh như Chúa Giêsu thương xót tất cả những người đau khổ. Người không lựa chọn người bệnh nghĩa là không chọn người nầy bỏ người kia, nhưng chữa con bệnh do người ta đem đến. Nhận xét đó giúp chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu cứu chữa tất cả những người chạy đến với Người.

Bệnh câm điếc làm cho người ta không thể tiếp xúc với nhau bằng lời nói. Bệnh câm điếc còn có thể hiểu rộng hơn. Hai người không cùng một ngôn ngữ muốn giao tiếp với nhau, người ta thường sử dụng chủ yếu tay chân vì ngôn ngữ không còn có thể giúp hiểu nhau được nữa. Họ trở nên như câm và điếc với nhau. Bệnh câm điếc cũng mang môt ý nghĩa tượng trưng: đó là tất cả những ai không thể giao tiếp với người khác qua ngôn ngữ, qua đối thoại. Người câm điếc trong Phúc âm là người không thể nghe được sứ điệp của Chúa Giêsu: sứ điệp Thiên Chúa yêu thương và giàu lòng thương xót. Người câm điếc hiện diện trong số những người nghe Chúa Giêsu cho thấy rằng: trong số những thính giả của Chúa Giêsu, có những người có thể tiếp thu được lời giảng của Đức Kitô, nhưng cũng có người hoàn toàn không có khả năng, không thể đối thoại với Chúa Giêsu. 

Chúa Giêsu muốn sửa chữa khuyết điểm nầy nên Người không đợi người ta phải năn nỉ lâu. Tuy nhiên vì muốn việc ấy không gây ồn ào cho những người chung quanh, nên Người đã muốn làm việc ấy một cách kín đáo, xa khỏi đám đông ồn ào. Tin mừng nước Thiên Chúa không thể được tiếp nhận khi con người đang ở trong sự ồn ào của phố chợ. Trái lại tin mừng chỉ được nghe hay chỉ được tiếp nhận khi tiếng Chúa vang thấu tận con tim của người ấy, trong thinh lặng và hồi tâm, trong suy niệm. Chính vì thế Chúa Giêsu “đem anh ta ra khỏi đám đông” và dùng phương pháp đăc biệt để chữa cho người câm điếc.

Cách Chúa chữa bệnh cũng cho thấy Người “hơi vất vả” bởi vì Người không phán một lời, cũng không chỉ đụng đến mà thôi nhưng lấy ngón tay xỏ vào tai, lấy nước bọt đụng vào lưỡi. Chưa hết, Người còn ngữa mặt lên trời, rên lên một tiếng và bảo: “Ephata” nghĩa là Hãy mở ra. Có lẽ thánh Marco muốn trình bày cho chúng ta một ý nghĩa tượng trưng qua hành động chữa bệnh của Chúa Giêsu: các hành động đó nói lên rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu độ. 

Thật vậy, người ta có thể hiểu rằng ngón tay là quyền năng của Thiên Chúa còn nước miếng và hơi thở là thần khí cô đọng lại. Những cử chỉ ở đây rất gần với những cử chỉ khi Thiên Chúa tạo dựng con người. Lúc đó Thiên Chúa dùng bùn đất nắn con người và thổi hơi vào đó. Càng gần hơn nữa, khi những người chung quanh nêu lên nhận xét : “Người làm mọi sự tốt đẹp” vì đây cũng là nhận xét của Chúa sau khi tạo dựng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 31) 

Chúa Giêsu mở tai, mở miệng là để cho người bệnh đón nhận tin mừng cứu độ của Thiên Chúa, mà chính Chúa Giêsu là hiện thân của tin mừng đó. Giáo Hội đã hiểu phép lạ nầy theo ý nghĩa tượng trưng, khi đưa nghi thức Hãy mở ra vào trong nghi thức Rửa tội cho trẻ em. Giáo Hội muốn lấy lại những cử chỉ tượng trưng mà Chúa Giêsu đã làm hôm nay trong vì về mặt thiêng liêng người chưa chịu Rửa tội giống như người điếc và câm trước Lời Chúa. Giáo Hội xin Chúa mở tai để em bé sớm nghe Lời Chúa và mở miệng để em sớm biết tuyên xưng đức tin và ca tụng danh Chúa.

Ngày hôm nay chúng ta cũng gặp không ít những người điếc và câm. Hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói chỉ vì của cải và tài nguyên không được chia đồng đều cho công bằng, chỉ vì tệ nạn phân biệt xã hội, màu da và chính trị. Khắp nơi, sự sống và nhân phẩm của con người bị chà đạp. Cho dầu ngày nay người ta nắm trong tay những phương tiện kỹ thuật cao, nhưng càng ngày càng thấy rõ con người chưa sẵn sàng muốn nghe tiếng nói yêu thương chia sẻ để kiến tạo một xã hội công bình và nhân đạo hơn.

Nói như thế không phải chỉ để than van rên rỉ, nhưng để cố gắng đóng góp một chút gì đó cho cuộc đời, vì thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn là nguyền rủa bóng tối. Kitô hữu chúng ta được mời gọi để đóng góp phần mình cho sứ điêp tin mừng được tỏa sáng, tình yêu được loan truyền. Kitô hữu chúng ta được mời gọi thoát ra khỏi cảnh điếc để biết đến với Chúa Giêsu, nghe và sống Lời Chúa đồng thời cũng được mời gọi thoát ra khỏi cảnh câm để biết rao giảng tin mừng tình yêu cho mọi người.

Chắc chắn để thoát ra khỏi cảnh điếc và câm nầy cần phải có nhiều cố gắng. Tuy nhiên bài Phúc âm cho thấy với Đức Kitô thì mọi sự đều có thể nếu chúng ta muốn đến với Người. Xin cho Kitô hữu chúng ta ý thức mình phải là người biết nghe và nói lời Đức Kitô để thế giới được tràn ngập Lời Chúa.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …