(Kn 9,13-18; Pl 9,10-17; Lc 14,25-33)
“Ai không vác Thập Giá mình mà đi theo Tôi,
thì không thể làm môn đệ Tôi được”.
Tin Mừng Luca 14,25-33:
25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Suy Niệm:
Theo Tin Mừng Luca, có rất nhiều người cùng đi với Đức Giêsu lên thủ đô Giêrusalem. Họ có quan niệm về một Đấng Messia chính trị. Họ muốn thấy Đức Giêsu lên Giêrusalem thiết lập một vương quốc để đánh đuổi quân Rôma ra khỏi Israel; giải phóng đất nước, đem lại chủ quyền, độc lập, tự do, hạnh phúc cho quê hương. Họ cùng đi với Chúa, nhưng không đồng quan điểm với Ngài. Chúa Giêsu đã nói với họ:
“Ai đến với tôi không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,25-26).
Đức Giêsu đã xác định lại vai trò cứu thế của Ngài: Đấng Messia tôi tớ phải chết thay cho muôn người, qua thập giá đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Người môn đệ của Đức Kitô là người đi theo Chúa cũng phải đi vào con đường Đức Giêsu đã đi: con đường hy sinh từ bỏ, quên mình, con đường thập giá, sống như Đức Kitô đã sống.
- Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu phải có một tình yêu đặc biệt đối với Đức Kitô, một tình yêu trỗi vượt hơn tất cả, yêu mến Ngài hơn những gì mình tha thiết, thân thương nhất. Chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả chính mạng sống mình nữa, nghĩa là yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33).
- Người môn đệ chân chính của Đức Kitô là người sẵn sàng từ bỏ ý riêng, hy sinh và vác thập giá hằng ngày của mình để đi theo Chúa Giêsu.
“Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,26).
Người môn đệ là người đi theo Đức Kitô, coi Chúa Giêsu là lý tưởng sống của mình. Sống như Chúa Giêsu đã sống: hy sinh, phục vụ trong yêu thương và phúc lợi của mọi người, vì phần rỗi của anh em. Tất cả vì lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
Quyết định đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa là một điều vô cùng quan trọng, nghiêm túc và nhiều khó khăn, thử thách… nên cần phải cân nhắc, suy tính cẩn thận như người dự tính xây tháp canh, như ông vua sắp đem quân đi giao chiến với quân thù, để đi đến một sự lựa chọn, quyết định dứt khoát đồng hành với Đức Kitô trong ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô: hy sinh từ bỏ mọi sự, vác thập giá theo Chúa, để qua thập giá mới đạt được vinh quang phục sinh.
Cuộc hành trình theo Chúa là sự từ bỏ liên tục, là cuộc chiến đấu lâu dài đầy gian khổ để chọn lựa: lựa chọn điều tốt và từ bỏ điều xấu. Từ bỏ điều xấu là điều đương nhiên phải làm như ăn chơi trụy lạc, hưởng thụ, ma túy, cờ bạc, nhậu nhẹt. Hơn nữa nhiều khi phải từ bỏ những điều tốt để làm những điều tốt hơn: từ bỏ cuộc sống gia đình để đi tu, chọn nghề phù hợp với đức tin, chọn bạn đời lý tưởng. Từ bỏ đang xem phim hay, để đọc kinh tối với gia đình, dậy sớm để đi tham dự thánh lễ. Như thế cuộc đời là cuộc chiến đấu không ngừng. Tất cả đều phải trả giá mắc!
Giới Tử Thôi người nước Tần là tôi trung của công tử Trùng Nhĩ, đời Xuân Thu chiến quốc, đói khát, thiếu thốn, gian khổ. Giới Tử Thôi hy sinh cắt thịt đùi của mình nấu canh cho công tử Trùng Nhĩ ăn. Về sau Trùng Nhĩ khôi phục sự nghiệp làm vua nước Tần. Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, không hề kể công ngày xưa. Quả là người tôi trung hết lòng với vua. Thật đáng khâm phục.
Nếu đặt nền tảng trên tình yêu, làm mọi sự với lòng yêu mến, thì sự hy sinh, từ bỏ thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn. Người mẹ thức suốt đêm chăm sóc con đau bệnh, người mẹ cảm thấy vui, không ngại đau khổ. Người cha làm việc cực nhọc vất vả để có tiền phục vụ gia đình. Người cha không nề hà khó khăn, trái lại vui vì lợi ích của con cái.
Trong cuộc hành trình theo Chúa, làm môn đệ Chúa, người Kitô hữu thường cảm thấy nặng nề, khó khăn bởi thiếu lòng yêu mến. Nếu chúng ta có tấm lòng yêu mến đối với Chúa, thì mọi sự sẽ trở nên nhẹ nhàng. Tình yêu giúp ta vui nhận thập giá, hy sinh, từ bỏ và vui bước theo Chúa và cảm thấy hạnh phúc được làm con Chúa, làm người Kitô hữu, làm môn đệ Chúa.
LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM