Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII QUANH NĂM, NĂM C, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

(Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24; Lc 14,1.7-14)

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống

Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

        tải xuống (4)  Tin Mừng Luca 14,1.7-14:

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

“Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó”

12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

          Suy Niệm:

          Bài Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh những người biệt phái. Nhận thấy những người biệt phái ham danh vọng, địa vị cao trong xã hội, thích được người khác ca tụng, thích ăn trên ngồi trước, ham chức quyền. Đức Giêsu đã thuật lại dụ ngôn về những người được mời dự tiệc cưới để dạy bài học khiêm nhường và lòng bác ái vô vị lợi, là những điều kiện để được tham dự tiệc Nước Trời:

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống

Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

“Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó , tàn tật, què quặt, đui mù, ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ…”

  1. Sống khiêm nhường:

Khiêm nhường là đức tính của một con người trưởng thành nhân cách.

Người khiêm nhường là người biết nhìn nhận sự thật về Thiên Chúa, về anh em, về mình, nên không bao giờ kiêu căng, tự cao, tự đại. Người khiêm nhường biết nhận ra khuyết điểm của mình để khắc phục sửa sai.

Trong cách ứng xử, người khiêm nhường nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với người. Người khiêm nhường luôn biết đề cao cái tốt của anh em và thận trọng khi phê phán nhược điểm của anh  em mình.

Người khiêm nhường là người ăn nói nhã nhặn, nhún nhường “kính trên nhường dưới”, không cậy tài giỏi hay giàu sang mà khinh khi người khác.

Đối với Chúa, người khiêm nhường luôn nhìn nhận sự giới hạn, bất toàn, yếu đuối, lỗi lầm của mình để cậy dựa và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, luôn ý thức tất cả là ân huệ Chúa ban và luôn qui hướng về vinh quang Thiên Chúa “Ad majorem Gloriam Dei”. Người khiêm nhường thật sẵn sàng chấp nhận mình phải nhỏ bé đi để Chúa được lớn lên (Ga 3,30). Sách Huấn Ca trong bài đọc I đã nhắn nhủ: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Chúa”.

  1. Phục vụ anh em vô vị lợi.

           Điều nổi bật trong cuộc đời của Đức Giêsu là phục vụ người nghèo, đau khổ, bệnh tật, một cách vô vị lợi. Những người này là đối tượng của công trình cứu độ và Đức Giêsu đã yêu thương họ một cách đặc biệt. Chính Ngài đã đồng hóa mình với anh  em nghèo khổ “cho anh  em bé nhỏ một chén nước lã là cho chính Ngài”. Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu nói rất cụ thể: “Khi đãi tiệc hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế ông mới thật có phúc”.

           Người đời thường đối xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, theo óc tính toán, có đi có lại, hòn đất ném đi, hòn chì ném lại. Ai cũng muốn người khác đáp đền công lao của mình. Đời là như thế!

           Đức Giêsu dạy chúng ta làm ơn và phục vụ không cần người khác đền đáp, không cần bảng ghi công, vì chính Thiên Chúa sẽ đền đáp, trả công cho ta, đáp lễ cho ta vào “ngày các kẻ lành sống lại”. Đó là lòng bác ái, phục vụ vô vị lợi mà Chúa muốn dạy chúng ta hôm nay.

  1. Đức Giêsu đã làm gương về sự khiêm nhường và phục vụ:
  • “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
  • “Đức Giêsu Kitô vốn là Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ… Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-9).
  • “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
  • Đức Giêsu đã phục vụ trong khiêm hạ khi Ngài rửa chân cho các tông đồ nơi nhà tiệc ly và hy sinh cho tha nhân (Mt 19,14).

          Theo Thánh Inhatio, Đức Khiêm Nhường là nền tảng xây dựng các nhân đức khác. Thánh  Giacôbê nói: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6).

          Thánh Augustinô nói: “Kiêu ngạo biến các thiên thần thành ma quỉ. Khiêm nhường làm cho con người thành các thiên thần. Sự khiêm nhường hay kiêu ngạo sẽ quyết định chúng ta là con cái Thiên Chúa hay con cái thế gian”.

          Thánh Phêrô đã nhắn nhủ: “Anh  em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5).

          Samuel Moorse người phát minh ra điện tín đã nhận được rất nhiều giải thưởng, nhưng ông luôn cho mình là bất xứng với những lời khen tặng. Ông nói:

          “Tôi được hân hạnh đóng góp vào nền văn minh của nhân loại, nhưng không phải vì tôi tài giỏi hơn kẻ khác, mà chỉ là vì Thiên Chúa muốn ban quà tặng này cho nhân loại, nên khi đến lúc, Ngài muốn tỏ bí mật này cho con người, Ngài đã thương bày tỏ cho tôi”.

          Biết nhìn nhận tất cả những gì mình có là do Thiên Chúa ban, chứ không phải do công lao, tài ba của mình. Đó là người khiêm nhường thật.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Xem thêm

St. THOMAS

Suy niệm Tin Mừng KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ,Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – 03/7, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

TRỞ LẠI VỚI CỘNG ĐOÀN “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong …