CN 22A TN
Con Đường Khổ Giá
(Mt 16,21-27)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Lại nói về thương khó (Mt 20:17-19; Mc 10:32-34; Lc 8:31-34) Épraim, tháng 3 năm 30
17Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: 18”Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, 19sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy”.
1.Đây là lần thứ ba Chúa cảnh báo các môn đệ là Người đang đi trên đường tới Thập Giá (Mt 16:21; 17:22-23)
Máccô và Luca thêm những chi tiết cảm động, cho rằng vào dịp này giữa các môn đệ có sự căng thẳng, cảnh báo trước một thảm kịch sắp tới. Maccô nói ‘Người dẫn đầu… các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi…’ (Mc 10,32). Các ông không hiểu những gì sẽ xẩy ra, nhưng qua con người của Chúa, các ông có thể thấy cuộc vật lộn trong linh hồn Người. Luca cũng thế, nói ‘Đức Giêsu kéo riêng nhóm Mười Hai ra và nói với các ông…’ để cố giúp các ông hiểu những gì đang chờ (Lc 18:31-34). Đây là màn thứ nhất, quyết liệt, trong thảm kịch không thể tránh. Chúa Giêsu tự ý và sáng suốt lên Giêrusalem để gặp Thập Giá. Đau khổ của Chúa Giêsu là đau khổ riêng biệt duy nhất, đó là sự đau khổ mà trái tim, đầu óc, thân xác đều phải chịu, không nơi nào thoát. Người đã bị phản bội vào tay các tư tế và Kinh Sư. Ở đây người ta thấy sự thương khó của Chúa. Trái tim Chúa vỡ toang vì sự bất trung của các bạn thân. Chúa ‘bị kết án tử hình’, một cách bất công rất khó vác. Chúa bị quân lính Rôma nhạo cười. Rồi những hèn hạ xỉ nhục. Chúa bị đánh đòn. Không hình khổ nào trên thế giới sánh được với những trận đòn của người Rôma; và đó là sự đau khổ thể xác. Sau hết Chúa bị đóng đanh, đau khổ sau cùng là sự chết. Tựa Chúa Giêsu chồng chất trên mình mọi đau khổ thể lý, cảm xúc, tâm hồn của thiên hạ. Cả lúc đó, Chúa vẫn chưa yên lặng; Người còn cho biết niềm xác quyết về sự Sống lại. Bên kia bức màn đau khổ là vinh quang. Bên kia Thập Giá là Triều Thiên. Bên kia sự thất bại là vinh thắng khải hoàn. Bên kia cái chết là sự sống.[1]
2.Bỏ Thầy chúng con biết theo ai
Mc 10:28-31: Phêrô suy nghĩ, không thể nín lặng. Thấy anh thanh niên bỏ đi, không theo Chúa, Phêrô nói ngay: chúng con bỏ mọi sự theo Thầy… Chúa đáp:
2.1.Không ai bỏ mọi sự theo Thầy mà không được thưởng
Không ai bỏ mọi sự theo Thầy mà không được thưởng… vào đạo có thể mất nhà, bạn bè, thân thuộc… nhưng được lời lãi lớn lao hơn. Phaolô là chứng nhân: gia đình thóa mạ trước mặt, từ bỏ. Nhưng ngược lại ông được từng đô thị, thành phố, từ Âu sang Á… ông nói mẹ của Rufus tốt như mẹ ông (Rm 16:13), Onesimus như con sinh từ dạ (Pl 10). Khi Egerton Young lần thứ nhất giảng cho dân Da đỏ ở Saskatchewan, Canada. Ông giảng ‘Thiên Chúa là cha…’ ý tưởng mới mẻ, làm say mê dân chúng vì xưa nay họ chỉ nghe biết Thiên Chúa qua sấm sét, bão tố… nghe xong, người chủ già nói với Young “tôi nghe ông nói Thiên Chúa là ‘Cha chúng ta?’, phải; ‘Người là cha ông?’, phải; ‘và Người cũng là cha tôi?’, đúng thế, nghe vậy, mặt ông già bỗng sáng lên, đôi tay giơ cao ‘vậy thì ông và chúng tôi là anh em!’ [2]
2.2.Nhưng Chúa thêm: bắt bớ sẽ đến
Nhưng Chúa thêm: bắt bớ sẽ đến. Không có ‘hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’. Cho biết Chúa ngay thẳng; Người không hề bảo theo Người là con đường dễ dãi, mà là con đường khó khăn khổ cực đắt giá. Chúa không bao giờ hối lộ để người ta theo mình. Ngược lại Người thách đố. Tựa Chúa nói ‘Phải, bạn sẽ được thưởng nhưng bạn sẽ được thưởng lớn hơn nếu bạn tỏ ra xứng đáng. Người không gọi người ta nhận phần thưởng đời này mà phần thưởng đời đời.
2.3.Và người trước hết sẽ nên sau hết, người sau hết sẽ nên trước hết
Lời Chúa là một cảnh cáo cho Phêrô, vì có thể lúc đó, Phêrô cậy mình có công, tưởng mình sẽ được phần thưởng khá. Phải nhớ, Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, nên thưởng phạt của Người rất công minh chính trực, trong khi con người chỉ xét bề mặt, khiếm diện đủ điều. Nên sẽ có người trước hết lại nên rốt hết, và có người sau hết lại nên trước hết…[3]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Văn sĩ Công giáo người Anh, tên là Gilbert Chesterten, trong cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu Trời Và Thập Giá”, đã kể câu chuyện sau đây: “tôi biết có một người thù ghét thập giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều bị xé nát. Ngay cả cây thập giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách để giựt đứt và liệng đi. Ông bảo rằng thập giá là biểu tượng của sự dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
Một ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình ảnh của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gẫy thập giá và liệng xuống. Sự thù hằn đối với thập giá không mấy chốc đã làm ông điên loạn.
Rồi một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiếc ban công gỗ biến thành một dãy thập giá.
Rồi trước mặt ông, đàng sau ông nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt, ông cầm gậy đập phá tất cả những cây thập giá ấy.
Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù thập giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, ông ta đành phải dùng lửa để tiêu hủy. Thế là ngọn lửa bốc cháy thiêu rụi toàn bộ căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác ông trôi lềnh bềnh trên sông”.
Trong Tin Mừng hôm nay sau khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ cuộc tử nạn thập giá của Ngài, và Ngài mời gọi: “ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
“Bỏ mình, vác thập giá mà đi theo Thầy” là những yếu tố làm nên cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu.
Những điều kiện Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ cũng là những điều kiện được đề ra cho chúng ta hôm nay:
“Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Thập giá mình đó là thập giá của một kiếp người,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị chống đối và hiểu lầm,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị sự bỏ rơi và phản bội,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị thất bại và oan ức,
Thập giá mình tức là thập giá khi chúng ta bị nhục nhã và cô đơn.
Thập giá là tất cả những gì chúng ta ước mong mà không đạt được.
Thập giá là tất cả những gì chúng ta không mong muốn mà nó cứ lù lù xông
vào cuộc đời chúng ta.
Tóm lại, thập giá là tất cả những gì xảy đến với chúng ta mà chúng ta không
muốn chấp nhận.
Cũng như nhân vật trong câu chuyện trên, nếu chúng ta không chấp nhận thập giá, thì chúng ta sẽ tiêu diệt chính cuộc đời chúng ta, vì chính những thập giá làm nên cuộc đời chúng ta. Chúng ta từ chối chúng, tức là chúng ta từ chối chính cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy Chúa nói với chúng ta: “ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.
Theo Chúa là phải vác thập giá. Chúa không miễn trừ cho chúng ta và chúng ta cũng không thể tránh né, nên cách tốt nhất là chúng ta chấp nhận nó như có câu chuyện kể rằng:
Một hôm, đạo sĩ Makia đưa anh Intyra đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành một căn phòng riêng.
Căn phòng dừng chân đầu tiên là của vị thần Maida, bấy giờ đạo sĩ giới thiệu với Intyra: đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi sự đau khổ khỏi thế giới con người, nhưng Intyra tắc đầu và xin được sang căn phòng khác.
Rồi đến vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu: đây là nữ thần Jupia giúp con người tránh được đau khổ, nhưng Intyra ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác.
Cuối cùng hai người đến trước một vị đang bị treo trên thập tự và đạo sĩ chậm rãi trả lời: “đây là Đức Giêsu Kitô “. Với chút xúc động lộ trên gương mặt, Intyra xin đạo sĩ chỉ thêm để có thể làm môn đệ của người bị treo trên thập tự.
Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi: “này anh, anh làm tôi thắc mắc, hai vị thần anh gặp lúc đầu, một vị thì cất đi sự đau khổ, còn một vị thì giúp tránh khỏi đau khổ, nhưng anh lại không thích vị nào cả.
Thế thì tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của một vị chịu chết cách nhục nhã trên thập tự như vậy?”
Intyra giải thích: hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là lời hứa không tưởng, người ta không thể cất đi được những đau khổ trên trần gian này, và dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống kiếp người hèn nhát. Dù tránh né, thì người ta cũng chẳng thể nào tránh né hết đau khổ, vì tránh được đau khổ này thì lại gặp một đau khổ khác. Chính vì vậy Chúa nói với chúng ta: “ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Theo Chúa là phải vác thập giá. Chúa không miễn trừ cho chúng ta và chúng ta cũng không thể tránh né, cho nên tốt nhất là đón nhận nó. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ
[1] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.223
[2] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.223
[3] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.224