Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXI TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXI TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

ĐƯỜNG HẸP

Đường HẹpĐường hẹp là đường không rộng, đường nhỏ, có thể khó đi hoặc dễ đi. Đường hẹp sao lại dễ đi? Thông thường, đường hẹp không dễ đi, nhưng đường hẹp dễ đi vì ít người đi, không chen lấn. Đường hẹp muốn nói ở đây là đường tâm linh, dài thăm thẳm, hun hút, có lúc dễ đi, có lúc khó đi, thậm chí còn quanh co và gồ ghề. Người ta cũng không thích đi vào loại đường hẹp này, nhưng dễ đi hay khó đi còn tùy cách đi của người đi vào.

Cuộc đời của mỗi người như một con đường, nhưng với các dạng khác nhau. Cuộc đời là đường chạy marathon dài vô tận, nếu không cố gắng thì chúng ta sẽ bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích; cuộc đời là đường chạy vượt rào, nếu không cố gắng thì chúng ta không thể vượt qua bất kỳ rào cản nào; cuộc đời là đường chạy nước rút, nếu không cố gắng thì chúng ta sẽ là người chạy cuối cùng; cuộc đời là đường chạy tiếp sức, biết giúp đỡ nhau thì chúng ta sẽ chiến thắng. Kể ra cũng nhiêu khê dữ nghen!

Không nhiêu khê thì đâu có là cuộc đời. Khó, khổ, thế mới đáng khen. Trong bài “Ngục Trung Thư”, danh sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. Hơn nhau là thế! Thật vậy, Henry David Thoreau (1817-1862, văn sĩ, thi sĩ, sử gia và triết gia người Mỹ) cũng đã chân thành nhắn nhủ và động viên: “Hãy theo đuổi con đường mà bạn có thể đi với tình yêu và lòng tôn kính, dù nó có HẸP và QUANH CO đến mức nào”.

Trình thuật Is 66:18-21 là phần đầu của “Diễn Từ Cánh Chung”, nhưng là phần cuối của sách Isaia. Thiên Chúa tuyên phán: “Còn Ta, Ta BIẾT RÕ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc: Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tu-van, Gia-van, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc”.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8; Tv 89:36; Tv 99:5 & 9; Is 6:3; Br 4:22; Hs 11:9; Am 4:2; 1 Pr 1:16), Ngài cũng là Đấng thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6). Ngài không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai (Gc 1:13). Chúng ta không thể hiểu thấu sự tốt lành của Ngài.

Như lời mặc khải, Đức Chúa tiếp tục tuyên phán: “Giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa – đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà – về trên núi thánh của Ta là Giêrusalem. Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi”. Đó là quá trình Thiên Chúa biến đổi mọi thứ để tạo nên trời mới, đất mới – nơi chỉ có những thánh nhân vì chính Ngài là Đấng Thánh.

Thật vậy, nếu không tinh tuyền, chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa, sức phàm nhân không thể chịu nổi – tức là phải chết, như Ngài đã có lần nói với ông Môsê: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33:20).

Thế nhưng, nếu kiên trì đi hết con đường hẹp, phàm nhân sẽ trở thành thánh nhân và có thể chiêm ngắm Tôn Nhan Thiên Chúa mà không phải chết – tức là được trường sinh bất tử. Tác giả Thánh Vịnh kêu gọi mọi người cùng ca tụng Thiên Chúa: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Alleluia” (Tv 117:1-2).

Thánh Phaolô xác định: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2:4). Đó là chân lý. Thánh Vịnh 117 cũng đề cập điều này. Đây là Thánh Vịnh ngắn nhất trong số 150 Thánh Vịnh, chỉ có hai câu ngắn. Tuy nhiên, trong đó lại chứa đựng cả Đại dương Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa.

Đường hẹp dẫn tới đường rộng thênh thang. Thuốc đắng lại khả dĩ trị bệnh. Thánh công nào cũng phải trải qua nhiều khổ luyện. Hạnh phúc nào cũng cần phải có vị đắng của hy sinh và vị mặn của nước mắt. Cái khó ló cái khôn, chứ không “bó” cái khôn. Đó là tiêu chuẩn tuyệt đối. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” (Dt 12:5-7).

Về việc giáo dục trong gia đình, người Việt cũng có câu nói tương tự: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Tất nhiên câu này phải được hiểu ở nghĩa tương đối, không thể hiểu theo nghĩa đen và tuyệt đối. Không ai muốn bị sửa trị, nhưng có vậy mới thành nhân. Thánh Phaolô giải thích thêm: “Ngay lúc bị sửa dạy thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành” (Dt 12:11-13).

Trình thuật Lc 13:22-30 cho biết rằng, đang khi trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Ngài: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”. Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Chúa Giêsu luôn “chơi sốc”, ai cũng thích đi đường rộng, đường thoáng, đường trải hoa, đường trải thảm, thế mà Ngài lại bảo phải đi đường hẹp. Ui da, “căng” thật đấy!

Căng thì căng thật đấy, có căng mới thẳng, nhưng không bị đứt. Chúa Giêsu giải thích rằng khi chủ nhà đã khoá cửa mà chúng ta còn đứng ở ngoài, gõ cửa, xin vào, thì chủ nhà sẽ bảo là không biết ai từ đâu đến. Lúc đó, chúng ta dẫn chứng là từng được ăn uống trước mặt chủ nhà và cũng đã từng được nghe chủ nhà giảng dạy trên các đường phố. Nhưng chủ nhà vẫn nhất quyết là không biết chúng ta từ đâu đến. Chủ nhà chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta là người không thích đi vào đường hẹp, chính Ngài sẽ nói thẳng với chúng ta: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”. Ôi, thật là đáng kinh sợ biết bao!

Mọi người đều có loại thập giá riêng của mình, Chúa biết sức ai thế nào thì trao cho loại thập giá vừa sức ngưới ấy: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13). Chắc chắn là vậy, vì Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, biết trước cả những gì chúng ta chưa nghĩ tới.

Có một đoàn người đi qua một khu rừng rậm, có nhiều thú dữ, mà đường đi khó khăn lắm. Ai cũng cố gắng vác thập giá của mình mà đi, người nhanh kẻ chậm, nhưng không một ai than thở điều gì. Trong số đó có một người cảm thấy thập giá của mình vừa dài vừa nặng, chỗ thì trơn, chỗ thì ráp, kê vai vào chỗ nào cũng khó, thế là anh ta quyết định cưa bớt cho khỏi dài, rồi lại đẽo bớt cho nhẹ hơn. Khi đến một thung lũng, mọi người đều dùng thập giá của mình làm cầu để đi qua. Ai cũng qua được hết, chỉ còn lại anh ta cứ loay hoay mãi mà không thể nào bắc thập giá qua thung thũng để làm cầu đi qua. Cuối cùng, đêm tối phủ xuống, tiếng thú dữ bắt đầu gầm rống vang cả khu rừng…

Số phận anh ta thế nào thì không nói cũng biết. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói về số phận đời đời của những người chiều xác thịt như anh chàng kia: “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.

Cuối trình thuật Tin Mừng hôm nay là một câu quan trọng và đáng lưu ý: “Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13:30). Kiểu hoán vị như thế này thực sự đáng để mỗi chúng ta phải “giật mình” mà xét mình một cách nghiêm túc – ít nhất là từ hôm nay, ngay lúc này!

Đề cập con-đường-hẹp-đau-khổ, văn thi sĩ Clive Staples Lewis (Anh quốc) chia sẻ cảm nhận: “Thiên Chúa thầm thì với chúng ta khi chúng ta vui, nhưng Ngài nói to trong lương tâm của chúng ta khi chúng ta đau khổ”. Như vậy, chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa chỉ vì chúng ta không muốn nghe hoặc cố ý làm ngơ mà thôi.

Các thánh là những người “ngược đời” nên các ngài yêu quý đau khổ và nói nhiều về đau khổ, nghĩa là các ngài thích đi vào Đường Hẹp. Thánh Phanxicô Assisi lý giải: “Tôi hy vọng rất nhiều về cái hay, cái tốt. Vì vậy mà tất cả đau khổ đều là dễ thương”. Thánh Vinh-sơn Phaolô (Vincent de Paul) so sánh: “Một người càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói”. Thánh Aloisiô Gonzaga: “Người nào muốn yêu mến Thiên Chúa nhưng lại không muốn vì Ngài mà chịu đau khổ thì không thể yêu Ngài cách chân chính”.

Còn Thánh Teresa Hài Đồng (Thérèse Martin de Lisieux) can đảm xác định: “Tôi thích sự đơn điệu của sự hy sinh vô danh tới mức xuất thần. Nhặt một cây kim vì yêu mến cũng có thể hoán cải một linh hồn. Tôi thích hy sinh thầm lặng để cứu các linh hồn. Tôi thấy được trong nỗi đau khổ thầm lặng có sự đau khổ cứu độ, chính đau khổ là việc tông đồ của tôi. Tôi đi tu Dòng Kín để cứu các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục. Tôi muốn dùng Nước Trời của tôi để làm những điều tốt lành trên thế gian”.

Nhờ ơn Chúa, Đường Hẹp sẽ trở nên Đại Lộ cho những người can đảm vượt qua chính mình. Đặc biệt là khi người ta đi vào đường hẹp, tâm hồn được mở rộng. Đức tin được chứng tỏ rõ nét trong nỗi đau khổ tột cùng, chứ không thể chứng minh bằng lời nói suông. Thánh nhân điển hình là Thánh Gióp, trong đau khổ tột cùng mà “ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (Gióp 1:22). Đó mới là đức tin đích thực, đức tin có hành động cụ thể, nếu không thì đó chỉ là đức tin “chết” (Gc 2:17 và 16).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết đón nhận mọi sự với cả sự ý thức và niềm tín thác vào Ngài, xin cũng giúp con hành động vì yêu mến Ngài để sinh ích lợi cho các linh hồn và cho chính con nữa. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …