Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXI TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXI TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

 

Trung Ngôn Nghịch Nhĩ

 

Nam B - TN - CN 21 - TrungNgon NghichNhiCâu thành ngữ “trung ngôn nghịch nhĩ” (Hán-Việt) bắt nguồn từ câu chuyện được ghi chép lại trong Sử Ký Tư Mã Thiên (*), trong giai thoại thứ 55 về quân sư tài ba Trương Lương (262-189 trước công nguyên). Ý nói rằng những lời khuyên chân thành thường nghe không thuận tai và khiến người ta khó chấp nhận.

Đời nhà Hán (năm 206 trước CN đến năm 23 sau CN), Hán cao tổ Lưu Bang sống xa hoa với hàng ngàn cung phi mỹ nữ. Phàn Khoái khẩn thiết tấu trình: “Tâu bệ hạ, ngài thấy trong cung có vô số châu báu và hàng nghìn mỹ nữ. Tất cả những thứ này chính là điều đã làm nhà Tần suy vong. Thần mong bệ hạ lập tức trở về doanh trại, bệ hạ không thể ở lại trong cung”.

Tuy nhiên, Lưu Bang bỏ ngoài tai những lời can gián của Phàn Khoái. Nghe vậy, Trương Lương vẫn dám nói thẳng: “Tần vương sống xa hoa, hung bạo và hủ bại. Đó là lý do dân chúng nổi dậy lật đổ ông ta và đánh bại quân Tần. Bệ hạ vừa mới lật đổ một Tần vương hung bạo bức bách dân chúng”. May thay, Lưu Bang đã nhận ra sai lầm mà quay về doanh trại và chấn chỉnh cách sống.

“Trung ngôn nghịch nhĩ” nghĩa là lời nói ngay thẳng thì nghe chướng tai. Người ta cũng nói “thuận ngôn nghịch nhĩ”, và được Việt hóa thành “nói thật mất lòng”. Vâng, thuốc đắng dã tật (có người nói là giã, đã, đả). Người dám nói thật là người can đảm, nhưng phải khôn ngoan để phân định nên nói lúc nào, nơi nào và với ai. Nói không đúng lúc, không đúng chỗ và không đúng người sẽ phản tác dụng. Tuy nhiên, phải nói thật vì công ích chứ không để chứng tỏ “bản lĩnh” của mình, và có thể lợi bất cập hại.

Một hôm, ở Si-khem, ông Giô-suê quy tụ mọi chi tộc Ít-ra-en, đồng thời triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ hiện diện trước nhan Thiên Chúa. Ông Giô-suê nói với toàn dân: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ, hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24:15).

Tự do là điều Thiên Chúa cho chúng ta “tùy ý”, được toàn quyền sử dụng. Rất thoải mái, nhưng phải khôn ngoan mới biết sử dụng đúng đắn. Thật ra gọi là tự do nhưng chính sự tự do cũng có giới hạn nhất định của nó. Cái khó là ở chỗ đó.

Thật may là dân không có ý như ông Giô-suê nghĩ. Họ đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24:16-18).

Ước gì tất cả chúng ta, những người đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, trở nên con cái của Thiên Chúa, sẽ biết quan tâm như ông Giô-suê và dân Ít-ra-en xưa, để có thể kiên trì giữ vững đức tin cho đến hơi thở cuối cùng. Có lẽ lúc này chúng ta có thể lặp lại câu ca dao Việt Nam: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, thì tôi vẫn vững như kiềng ba chân”. Cũng có thể coi chiếc kiềng-ba-chân đó là Tin-Cậy-Mến, ba đức đối thần cần thiết lắm.

Ngày xưa, nhiều lần có những lúc nổi lên các bè rối, tà thuyết. Ngày nay không thấy các dạng tương tự, nhưng vẫn luôn có những “làn sóng” nguy hiểm hơn sóng thần, bởi vì càng văn minh hiện đại thì người ta càng tinh vi trong cách chối bỏ Thiên Chúa. Từ nghi ngờ đến chối bỏ đức tin không xa bao nhiêu, có thể chỉ như một làn ranh mong manh mà thôi!

Vì thế, chúng ta luôn phải tự nhủ: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa” (Tv 34:2-3a), đồng thời vì yêu thương mà nhắn nhủ với người khác: “Xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên” (Tv 34:3b).

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn chạnh lòng thương những người hèn mọn, thấp cổ, bé miệng, “họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn” (Tv 34:18). Thật vậy, “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 34:19), còn người công chính, “khi gặp nhiều nỗi gian truân, Ngài giúp họ luôn thoát khỏi” (Tv 34:20). Có được một vị Thiên Chúa như vậy thì làm sao có thể rời xa? Chỉ có những kẻ khờ dại hoặc ngu xuẩn mới có mưu đồ phản loạn, muốn chống lại Ngài, muốn chối bỏ Ngài!

Tác giả Thánh Vịnh minh chứng: “Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy. Quân gian ác chết vì tội ác, kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân. Chúa cứu mạng các người tôi tớ, ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ” (Tv 34:21-23).

Ai cũng đã từng được Chúa cứu thoát nhiều lần, bằng cách này hay cách khác, kể cả những người chưa chân nhận Ngài và tôn thờ Ngài. Chính Ngài đã xác định: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta” (Ga 10:27). Nghe và sống Lời Chúa là chứng tỏ niềm tin vào Ngài, là sống đạo. Sống đạo từ đâu? Từ chính việc tu thân và ngay tại gia đình mình.

Trình thuật Ep 5:21-32 là lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô về việc “gia đình sống đạo” theo tinh thần Kitô giáo giữa đời thường: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau”. Tùng phục nhau không phải theo hệ lụy chủ nhân với tôi tớ, mà đơn giản là lắng nghe nhau, vâng lời nhau, yêu thương nhau, và phục vụ nhau.

Trước tiên, Thánh Phaolô nói về hệ lụy phu thê: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Rất chi tiết và chí lý, vì vợ chồng tuy hai mà một, họ không còn là hai mà chỉ là một mà thôi (x. Mt 19:6).

Thánh Phaolô phân tích và dẫn chứng: “Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh”. Và ông kết luận: “Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng”. Nói chung, dù là ai cũng phải tôn trọng nhau, đặc biệt là vợ chồng – những người luôn ở bên nhau cả tinh thần và thể lý. Có tôn trọng nhau mới biết yêu thương nhau và phục vụ nhau theo lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô.

Người Anh có thành ngữ: “A friend in need is a friend indeed – Khi hoạn nạn mới biết bạn thật”. Người bạn thật không chỉ ở bên ta khi ta gặp khó khăn, mà còn dám nói thật mà không sợ ta mất lòng.

Trình thuật Ga 6:61-70 là phần cuối của diễn từ mà Đức Giêsu đã giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um. Sau khi nghe Ngài nói chính Ngài là Bánh Trường Sinh và phải ăn uống Thịt Máu Ngài để được sống dồi dào, người Do Thái lùng bùng lỗ tai. Ngay cả nhiều môn đệ của Ngài còn nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. Ôi chao, các môn đệ còn như vậy huống chi người ta! Ngài biết tỏng là các môn đệ cũng đang xầm xì về vấn đề ấy, nên Ngài bảo họ: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”.

Và Ngài nói thẳng: “Nhưng trong anh em có những kẻ không tin. Xấu hổ quá! Mắc cở hết sức! Mang tiếng là theo Thầy, được Thầy mở lòng trí và được thụ giáo bao điều hay lẽ phải, thế mà lại bị Thầy trách nặng nề như vậy. Sự thật mãi là sự thật, không thể biện hộ, và đừng tưởng mình “ngon lành” hơn người khác. Chúa Giêsu nói sự thật rành rành ra đó đấy thôi!

Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Ngài, vì Ngài thấu suốt mọi sự. Rồi Ngài nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Ngài nữa. Họ chịu không nổi vì “choáng”, vì nghe toàn là những lời “khó lọt lỗ tai”, thôi thì đành “bỏ của chạy lấy người” vậy.

Tùy. Không ép. Hoàn toàn tự do mà. Ngài biết có những người mạnh miệng nhưng nhát đảm, chết khiếp trước khi chết thật, thế nên Ngài hỏi thẳng Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ui da! Thầy ơi là Thầy, răng mà hỏi chi khó rứa hỉ? Có lẽ ai cũng ngại trả lời nên ông Simôn Phêrô liền gãi đầu và đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Một câu xác định và tuyên tín mạnh mẽ, “bù lỗ” lần ông hồ nghi nên suýt chết đuối trên biển và bị Thầy chê là kém tin (Mt 14:25-31), và lần ông dám cản bước Thầy nên bị rủa là Satan (Mc 8:33).

Đức Giêsu đặt vấn đề: “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ!”. Ngài muốn nói về Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Ngài. Chắc chắn lúc đó nhìn Chúa Giêsu “thấy thương” lắm, vì mặt Ngài buồn rõ nét nhưng chưa đến lúc tiện nói ra!

Thật không dễ để có thể bình thản sống theo câu “trung ngôn nghịch nhĩ”. Phải thực sự can đảm lắm. Học giả Tuân Tử (313-235 trước CN, Trung Hoa) đã phân định rạch ròi ba loại người chúng ta thường gặp trong cuộc sống: “Người chê ta mà chê đúng, đó là THẦY của ta; người khen ta mà khen đúng, đó là BẠN của ta; còn những kẻ nịnh bợ ta chính là KẺ THÙ của ta vậy”. Thầy – Bạn – Kẻ thù, các khoảng cách rất nhỏ. Cẩn tắc vô ưu!

Có một tư tưởng hay trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử (551-479 trước CN) đáng để chúng ta cùng suy tư: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi – Ba người cùng đi, có một người là thầy ta; còn các khuyết điểm của họ, hãy lấy đó làm gương mà hoàn thiện chính mình”.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết chân thành đón nhận những ý kiến xây dựng của mọi người, dù họ già hay trẻ, để con có thể rút kinh nghiệm mà cố gắng hoàn thiện dần dần. Xin tha thứ tội-nhân-con, lạy Chúa, và ban tràn đầy Thần Khí Chúa để làm con nên mới từng ngày. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Bộ Sử Ký của sử gia lỗi lạc Tư Mã Thiên (135-86 trước công nguyên) gồm hơn 130 thiên, ghi lại giai đoạn lịch sử từ năm 2600 đến năm 86 trước công nguyên.

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …