Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 21B TN

Bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai

Ga 6,54a.60-69a(Ga 6,54a.60-69)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Ngữ cảnh

Với bản văn hôm nay, độc giả đi tới đỉnh cao của Diễn Từ về Bánh Trường Sinh, đỉnh cao của cuộc “khủng hoảng” báo trước cuộc Thương Khó của Đức Giêsu: các thính giả phản ứng lại các lời của Đức Giêsu; họ bị đặt trước một chọn lựa là tin hoặc không tin vào Người.

Thứ lương thực lạ lùng và Bài Diễn từ về Bánh ở đây khác các dấu lạ và các diễn từ khác của Đức Giêsu do sự kiện là trong vấn đề này, các môn đệ lấy lập trường. Tại đây Đức Giêsu đã mạc khải các ân ban đặc biệt của Người và các ân ban này chính là thịt máu của Người. Các môn đệ của Người chia rẽ về điểm này: bỏ đi vì không thể chấp nhận các lời Đức Giêsu nói, hoặc ở lại với Người, vì tin rằng chỉ Người mới có “những lời đem lại sự sống đời đời”.

2.Ý nghĩa của bản văn

2.1.Những môn đệ bỏ đi (60-66)

Phần lớn các môn đệ không thể chấp nhận được các lời Đức Giêsu đã nói, đến mức không còn có thể lắng nghe được nữa. Và thật sự các lời của Đức Giêsu không thể chịu nổi, nếu Người chỉ là một người phàm. Các lời Đức Giêsu đã nói quả không thể chấp nhận được, nếu người ta chỉ đón nhận theo cảm xúc và hời hợt, nếu người ta chỉ để ý đến các chi tiết chứ không thấy bối cảnh tổng quát. Đức Giêsu tìm cách cung cấp cho các môn đệ một điểm hỗ trợ hầu có thể hiểu, nhưng Người cũng nói rõ ra lý do đích thực của phản ứng khó chịu của họ: họ thiếu đức tin.

Trước hết, Người nhắc các môn đệ nhớ rằng Người không nói như một người thường, nhưng như là Con Người, đã từ Thiên Chúa mà đến và sẽ quay về với Thiên Chúa. Trong bài Diễn Từ về Bánh Trường Sinh, Đức Giêsu đã nhiều lần nêu bật điều này là Người được Thiên Chúa cử đến và có sự sống phát xuất từ Thiên Chúa (x. Ga 6,27.57). Điều kiện tiên quyết để hiểu được các lời của Đức Giêsu, đó là hiểu và nhìn nhận bản thân Người.

Thế rồi Đức Giêsu đi vào một điểm đặc biệt trong Bài Diễn Từ. Các môn đệ dường như cảm thấy bị vấp phạm nhất về sự kiện Người ban thịt làm của ăn và máu làm thức uống. Đức Giêsu đảm bảo với họ rằng nếu đi từ “thịt” hiểu là con người phàm trần – kể cả nhân tính của Đức Giêsu – người ta chẳng có gì để mong đợi, vì “thịt” thì hư hoại và tiến về cái chết; đi từ “thịt”, ta không thể chờ đợi sự sống bất hoại. Sự sống này chỉ đến từ Thánh Thần, từ quyền lực không bao giờ cạn kiệt ban sự sống của Thiên Chúa (x. Ga 3,6). Nhưng Đức Giêsu cũng nhấn mạnh rằng toàn thể các lời Người là Thần Khí và sự sống (= Thần Khí ban sự sống). Người không chỉ trình bày một vài suy tư về Thánh Thần và sự sống, về quyền lực không bao giờ cạn kiệt ban sự sống của Thiên Chúa và về sự sống bất hoại, nhưng Thần Khí và sự sống hiện diện trong chính các lời nói của Người và Người cho một chứng minh rõ ràng nhất về điểm này. Kể cả các lời Người nói về thịt và máu Người là Thần Khí và là sự sống, theo nghĩa là các lời ấy nói về Đấng không chỉ là thịt, mà là Ngôi Lời trở thành xác thịt (x. 1,14). Người ta chỉ hiểu Đức Giêsu đúng đắn nếu để ý đến chuyện Người là ai và bản chất các lời Người nói là thế nào. Nhưng người ta lại đáp lại bằng sự thiếu lòng tin, sự từ khước, sự ngờ vực đối với Người và đối với lời Người.

Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa (x. 6,37-44); nhưng đồng thời vẫn còn nguyên trách nhiệm của những người không tin và xa lìa Đức Giêsu. Nhiều môn đệ lãnh trách nhiệm này khi “rút lui, không còn ở với Người nữa” (c. 66).

2.2.Nhóm Mười Hai ở lại (67-69)

Mẩu đối thoại của Đức Giêsu với nhiều môn đệ đã khởi đầu bằng lời phản đối của họ và bằng cách họ đánh giá các lời của Người theo cảm xúc. Bây giờ Đức Giêsu ngỏ lời với nhóm thứ ba bên trong đám đông, Nhóm Mười Hai, một nhóm rất gần gũi với Người, nhưng cũng bị cám dỗ, bị lay động, bị thách thức bởi những lời đòi hỏi của Người. Mẩu đối thoại của Người với Nhóm Mười Hai bắt đầu bằng một câu hỏi Người đặt ra: “cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Câu hỏi này không hề có đặc tính gây hấn, như thể Đức Giêsu muốn nói: “anh em cứ việc bỏ đi!”, trái lại câu hỏi này hàm chứa một lời mời ở lại. Đức Giêsu đặt câu hỏi và để cho các môn đệ tự do quyết định. Nhưng Người không rút lại bất cứ điều gì Người đã nói. Simôn Phêrô đã nhân danh nhóm (“chúng con”) nói lên một câu trả lời có suy ngẫm và nêu ra ba lý do khiến các ông ở lại với Đức Giêsu chứ không đi theo đa số: “thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).

2.2.1.Lý do thứ nhất là một suy tư sáng suốt

Chúng con không thể bỏ đi kiểu mù quáng. Khi bỏ đi, chúng con cần phải biết chúng con muốn bỏ ai, và gặp được điều gì tốt hơn và thuyết phục hơn nơi người nào. Chỉ đơn giản bỏ đi thì không có ý nghĩa”. Suy tư này giúp tránh những quyết định vội vã, theo tình cảm. Bởi vì không tìm được một vị thầy nào dứt khoát khá hơn, thì khôn ngoan là ở lại với Đức Giêsu.

2.2.2.Lý do thứ hai nhắc đến đặc tính của các lời Đức Giêsu

Chính Người đã nói: “lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống” (6,63). Bây giờ Phêrô chấp nhận điều ấy: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68). Ông đã hiểu rằng ân ban cao trọng nhất của Đức Giêsu là sự sống đời đời và nhận biết rằng Đức Giêsu nói về điều đó trong tư cách đáng tin nhất; Đức Giêsu không chỉ nói về điều đó, Người còn mang sứ điệp chắc chắn về sự sống đời đời và mở đường vào sự sống đó.

2.2.3.Lý do thứ ba liên hệ đến việc nhận biết bản thân Đức Giêsu

Phêrô nói về con đường giúp nhận biết như thế và nói về nội dung của nhận thức này. Nhóm Mười Hai đã ký thác và tín nhiệm hoàn toàn vào Đức Giêsu. Trên nền tảng của thái độ này, các ông đã hiểu và nhận biết rằng Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c. 69)“Thánh” chính là điều thuộc về Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, điều này có nghĩa là Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và được kết nối với Thiên Chúa trọn vẹn. Chính vì Đức Giêsu có một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, mà Người có những lời ban sự sống vĩnh cửu, và do đó, thật là điên rồ nếu xa lánh Người.

Qua câu trả lời ấy của ông, Phêrô đề cập đến ba chủ đề lớn của Tin Mừng IV:

            – (1) “sự sống đời đời” (36 lần; các Tin Mừng Nhất Lãm: 14 lần);

            – (2) “tin” (98 lần; toàn bộ Tân Ước còn lại: 145 lần);

            – (3) “[nhận] biết” (56 lần; các Tin Mừng Nhất Lãm: 58 lần).

Lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu cũng chính là lời tuyên xưng tình yêu đối với Người.

2.3.Kết luận

Các lập trường đã rõ, các phe đã được xác định. Giuđa và những người Do Thái có thể chuẩn bị vụ xét xử Đức Giêsu. Trong thực tế, chính Con Người mới sắp xử dân bị Thiên Chúa loại trừ, ngay giữa niềm hân hoan của Lễ Lều và lễ Cung hiến Đền Thờ, là hai ngày lễ quy tụ Dân Thiên Chúa (Ga 7–10). Các môn đệ của Đức Giêsu cũng sẽ “bị xét xử”: các hoàn cảnh sống của Đức Giêsu buộc các ông phải chọn lựa dứt khoát. Chỉ có một trong hai cách: bỏ đi hoặc ở lại với Đức Giêsu.

3.Gợi ý suy niệm

  1. Khi suy niệm bản văn Ga6,60-69, người tín hữu hôm nay không được phép bằng lòng với việc trách móc nhóm môn đệ đã bỏ đi hoặc khen ngợi Nhóm Mười Hai vẫn còn ở lại. Làm như thế là quên mất rằng chính mình cũng là một môn đệ, là một trong Nhóm Mười Hai. Do đó, họ phải tự hỏi: quan niệm của tôi về Đức Giêsu lâu nay như thế nào? Tôi đang đặt những niềm chờ mong gì nơi Người? Tại sao tôi còn ở lại với Người? Những câu hỏi này bắt tôi phải ra khỏi tình trạng nửa vời để dứt khoát chọn Đức Giêsu.
  2. Người ta không thể nhận biết Đức Giêsu từ xa, nhưng chỉ khi ở gần; và người ta cũng không thể nhận biết Đức Giêsu khi dựa trên sự lãnh đạm, sự chỉ trích và kiêu ngạo, nhưng chỉ nhờ tin tưởng hoàn toàn vào Người. Phêrô không nhắc lại một trong các danh hiệu quen thuộc của Đức Giêsu; ông không nhấn mạnh trên tầm quan trọng của Người đối với loài người, nhưng ông xác định được về Người nhờ dựa trên tương quan của Người với Chúa Cha.
  3. Chúng ta không được lãnh nhận Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể rồi lại đi tìm các thú vui riêng cho mình; nếu chúng ta chỉ nghĩ đến mình, chúng ta không thật sự tin vào Đức Kitô. Đức Giêsu biết khó khăn này, nên Người mời chúng ta đi vào thế giới của Thánh Thần. Nếu chúng ta đặt sự chọn lựa của chúng ta trên nền tảng là logic người phàm, chúng ta sẽ thất vọng. Chỉ khi nào chúng ta có thể lắng nghe tiếng gọi của Chúa Cha, khi nào chúng ta để cho Thần Khí thúc đẩy, chúng ta mới có thể hiểu và chọn Đức Kitô.
  4. Có thể nói hoạt cảnh ngắn trong đó Phêrô xuất hiện ra như là người phát ngôn của Nhóm Mười Hai là phương tiện giúp tác giả suy tư về Nhóm Mười Hai. Tác giả ghi nhận rằng Nhóm Mười Hai đã được Đức Giêsu chọn (Ga6,70), dù không cho biết vào dịp nào và trong những hoàn cảnh nào. Do sự trung tín của họ với Đức Giêsu, Nhóm Mười Hai ở vào thế tương phản với những môn đệ đã sa sút. Không giống với các môn đệ đã bỏ đi, Nhóm Mười Hai ở lại với Đức Giêsu. Tuy nhiên, tương lai còn đó để Nhóm Mười Hai xác nhận sự chọn lựa của các ông: cuộc Thương Khó của Đức Giêsu sẽ là biến cố tối hậu bắt các ông phải minh định lập trường của mình.[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Bốn bài giảng liên tiếp về Bánh Hằng Sống của Đức Giêsu đã tạo ra nhiều phản ứng nơi những cử tọa Do Thái.

– Khi Chúa Giêsu tiết lộ cho họ biết Ngài có Bánh Hằng Sống, ăn vào sẽ không đói khát nữa, họ bèn xin Ngài cho họ thứ bánh đó.

– Tiến thêm một bước, Ngài cho họ biết Bánh đó chính là Ngài từ trời xuống, họ có phản ứng chống lại ngay vì họ cho rằng Ngài chỉ là con ông Giuse, một bác thợ mộc ở Nazareth, làm sao lại có chuyện đó được ? 

 – Rồi trước lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”

thì không những đám dân chúng mà nhiều người trong số các môn đệ đã phản ứng như những người Do Thái: ”lời này chướng tai quá! ai mà nghe nổi”(Ga 6,60)?

Cho nên nhiều môn đệ, tuy được sống gần Ngài một thời gian, cũng rút lui, từ giã Chúa như Phúc Âm đã ghi lại: ”từ bấy giờ, có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Chúa Giêsu nữa”(Ga 6,66). 

Họ đã theo Ngài một thời gian, đã tin, đã trở thành môn đệ, nhưng họ không thể đi tới cùng, vì lời nói của Ngài: ”Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”.

Đứng trước sự tan rã bi đát đó, Chúa Giêsu quay về Nhóm Mười Hai, những người được coi là thân tín nhất, Ngài nói: ”cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không”? 

Thánh Phêrô đã thay mặt cho cả Nhóm nói lên thái độ của họ: ”lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên  Chúa“ (Ga 6 , 70).

Đây là cách Gioan nhắc lại lời của Phêrô tại Xêdarê Philipphê (Mc 8,27; Mt 16,13; Lc 9,18). Chính trong một hoàn cảnh như thế, người ta đã thấy lòng trung thành của Phêrô. Đối với Phêrô, có một điều thật đơn giản là chẳng còn có ai đáng cho ông đi theo hơn là Chúa Giêsu. Với ông, chỉ có Ngài mới có lời đem lại sự sống đời đời. Lòng trung thành của Phêrô căn cứ trên mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Có nhiều điều Phêrô không hiểu, ông cũng bối rối, lạc lõng như bất cứ ai khác. Nhưng nơi Chúa Giêsu có một cái gì khiến ông sẵn sàng hy sinh tính mạng.

Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai?

Cha Thành Tâm đã suy diễn câu nói bất hủ của thánh Phêrô thành một bài thánh ca:

“Bỏ Ngài con biết theo ai” với những lời lẽ như sau:

– Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cách chim bơ vơ trong khung trời lộng gió.

– Bỏ Ngài con sẽ theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi.

– Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một con thuyền lao đao trên biển cả mênh mông.

– Bỏ Ngài con biết theo ai, thuyền buông lái biết trôi về đâu?

– Bỏ Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ.

– Và bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cuộc hành trình cô đơn, buồn bã.

Quả thực, không có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ như một con thuyền lênh đênh trên biển cả. Không có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ cô đơn buồn chán.

Trong lúc cô đơn buồn chán, chúng ta thường chạy đến với người này người nọ, nhưng cũng chẳng giải quyết được gì để rồi cuối cùng đưa chúng ta đến thất vọng. Thất vọng lại càng làm cho chúng ta cô đơn buồn chán hơn. Chắc chắn chúng ta chúng ta cứ phải loay hoay mãi trong cô đơn, buồn chán và thất vọng bao lâu chúng ta chưa chạy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thánh Thể.

Nhưng đến với Ngài bằng cách nào đây?

Nói tới đây tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng: khi còn ở tiểu chủng viện, trong kỳ hè, được cha linh hướng nhắc nhở. Mỗi ngày phải chầu Thánh Thể ít nhất 30 phút.

Quả thực ban đầu khi bước vào nhà thờ là ngó đồng hồ ngay. Ba mươi phút sao mà nó lâu thế. Rồi cứ thế, kỳ hè này qua đi, rồi lại một kỳ hè nữa lại tới. Cứ cố gắng tập dợt, để rồi tới một ngày nào đó nó đã trở thành những giây phút cần thiết cho cuộc sống. Có lần tự nhiên trước khi đi ngủ sực nhớ lại hình như mình còn quên một điều gì đó, thì ra chính là chưa dành 30 phút trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ những giây phút như thế tâm hồn tôi luôn được nâng đỡ, ủi an để vượt qua được những quãng đời gian khổ trong cuộc sống. Ước gì trong cuộc sống, chúng ta luôn lập lại lời của thánh Phêrô: ”lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Vì Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy 

[1] Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
https://catechesis.net/ga-654a-60-69-bo-di-hoac-o-lai/ 

 

Xem thêm

SHEEP LOST

Suy niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

MỘT ĐỜI TÌM KIẾM “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”. Alexander …