Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXI Thường niên, năm B, của Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXI Thường niên, năm B, của Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

(Ga 6, 54a-69)

 

Qua đoạn tin mừng thánh Gioan hôm nay, chúng ta thấy diễn ra cảnh Chúa Giêsu bị dân chúng và môn đệ từ chối. Dân chúng mặc dầu được ăn bánh no nê nhờ phép lạ hoá bánh ra nhiều, đã từ khước việc chấp nhận lời dạy của Đức Giêsu sau đó. 

Đức Giêsu cố ý khơi dậy nơi họ ý muốn làm công việc Thiên Chúa muốn họ làm, đó là tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến (c.29), tức là đón nhận Người mang đến cho họ bánh của Đức Khôn Ngoan là Lời Chúa. Người nói với họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (c.35). 

Căng thẳng lên tới tột đỉnh khi Đức Giêsu tuyên bố “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (c.51). Thịt nói đây là “sarx” trong Hy ngữ, cũng được dùng trong câu “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Tức là trọn con người cụ thể của Đức Giêsu được ban cho thế gian để thế gian được sống. Nhưng khi giảng dạy trong hội đường, Caphácnaum, Đức Giêsu lại còn nói: “Nếu các ông không ăn thịt Con Người các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (cc.53-56) 

Chính câu nầy làm cho họ xầm xì phản đối vì họ không chấp nhận Người là bánh từ trời xuống, mà chỉ kể Người là ông Giêsu, con ông Giuse mà thôi (cc.41-42). Diễn từ về bánh hằng sống kết thúc bằng sự khủng hoảng công khai. Sau “người Do thái” là những người đầu tiên bỏ đi, đến lượt “nhiều môn đệ” của Đức Giêsu xầm xì và đả kích Người giống như con cái Israel trong thời kỳ băng qua sa mạc vào đất hứa. Dân chúng và ngay giữa các môn đệ của Đức Giêsu đã xảy ra một phân rẽ giữa kẻ không tin và người tin. Họ nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà tiếp tục nghe nổi?”

Trước tình hình đó Đức Giêsu không làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng, nhưng còn đặt ra cho những người nghe mình một câu khó trả lời. Ngài nói vói họ: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? thế anh em thấy Con người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Tác giả Tin Mừng viết tiếp: “Từ lúc đó, rất nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Ngài nữa”.

Chính lúc đó mà hầu như mọi người bỏ rơi mình, Đức Giêsu quay sang “nhóm mười hai” (hạt nhân của một dân mới) là tên mà Tin Mừng thứ bốn gọi lần đầu tiên. Đức Giêsu vẫn muốn họ được tự do nói lên chọn lựa của mình. Cho nên Người đã nêu thẳng vấn đề, thúc ép họ phải có một chọn lựa dứt khoát: hoặc bỏ đi, hoặc ở lại theo Người cho tới lễ vượt qua của Người. Chúa Giêsu nói :”Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?”.

Simon-Phêrô nhân danh “nhóm mười hai” (ông xưng hô ở ngôi nhất số nhiều) tuyên bố sự gắn bó của các ông với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và biết rằng chính Thầy là Đấng của Thiên Chúa”.

Thánh Phêrô bắt đầu:”Chúng con biết đi với ai?”. Tác giả Tin Mừng đặt trên môi Phêrô động từ “đi” là động từ đã được dùng trước đó để chỉ sự “rất nhiều môn đệ” bỏ rơi Thầy. Rõ ràng ngược lại với đám đông môn đệ đó, “nhóm mười hai” đã ở lại và dấn thân theo Thầy Giêsu của mình. Lời tuyên xưng của Phêrô tuy đại diện cho nhóm Mười Hai. Tuy nhiên ngay cả nhóm thân cận nhất này của Chúa Giêsu, vẫn không vắng bóng Giuđa là kẻ phản bội, là người đã nộp Chúa. Điều đó như nhắc bảo chúng ta phải biết luôn thức tỉnh, “vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1P 5,8) 

Dù sao chính việc mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của Phêrô đã làm tan biến mọi do dự nếu có nơi nhóm Mười Hai. Đức tin mà Phêrô tuyên xưng không phải là việc gắn bó với những chân lý trừu tượng, nhưng với con người Đức Giêsu: ” bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Lời Chúa Giêsu là “sự sống đời đời”, là lời đem lại cho nhân loại sự sống đời đời. Thánh Phêrô chấp nhận tất cả nội dung giảng dạy của Chúa Giêsu, cho dù lời giảng dạy đó có hơi khó nghe, hay không thể chấp nhận được. 

Chắc chắn khi tuyên xưng những lời đó, Phêrô chưa hiểu hết ý nghĩa trọn vẹn những lời Đức Giêsu, nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là ông tín nhiệm vào con người Đức Kitô, “là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, nghĩa là Đấng mang trong mình một cái gì đó Thánh thiện của chính Thiên Chúa. Phêrô đã tin tưởng vào những điều chính yếu nhất, đó là sứ điệp của Chúa Giêsu đem lại sự sống đời đời”.

Ngày nay Giáo hội phải đương đầu với những cơn khủng hoảng nơi các gia đình, nơi các linh mục, nơi các người trẻ, nhiều người đã rời bỏ Giáo hội. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu đặt ra cho chúng ta một câu hỏi tương tự: Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao ? Câu hỏi về bản chất Con người của Đức Kitô, câu hỏi về bản chất đi theo Chúa Giêsu của Người kitô hữu chúng ta. 

Lời đáp trả của Phêrô cho thấy lòng trung thành được căn cứ trên mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu. Có nhiều điều Phêrô không hiểu, nhưng nơi Chúa Giêsu có một cái gì khiến ông sẵng sàng hy sinh tính mạng. Nói cho cùng, Kitô giáo không phải là một triết lý mà chúng ta phải chấp nhận hay một lý thuyết buộc chúng ta phải trung thành. Nó là sự đáp ứng cá nhân với Chúa Giêsu, đáp ứng tình yêu mà Đức Kitô dành cho chúng ta. Chính tình yêu đó làm cho chúng ta giống Phêrô không còn chọn lựa nào khác. Chính vì cảm nghiệm được tình yêu mà nhiều người đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì. Chính vì cảm nghiệm được tình yêu mà nhiều người đã dâng hiến cuộc đời làm nhân chứng cho Tin Mừng mà Thế giới đang mong đợi. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì chúng ta để chúng ta được sống đời đời. Xin cho chúng ta biết trung thành theo Chúa như Thánh Phêrô.

Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN