Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 21A TN

Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống

(Mt 16,13-20)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Mt 16,13-20cPhêrô tuyên xưng (Mt 16,13-16; Mc 8,27-30; Lc 9,18-21) Xêdarê Philipphê, tháng 7 năm 29

13Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “người ta nói Con Người là ai?” 14Các ông thưa: “kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. 15Đức Giêsu lại hỏi: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. 16Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Một lần nữa Chúa lánh ra ngoài, lên miền Xêdarê Philipphê cách hồ Galilê 25 dặm. Xêdarê Philipphê là lãnh thổ thuộc Philipphê, không thuộc quyền Hêrôđê Antipa, là nơi yên tĩnh. Phần lớn dân chúng không phải là Do Thái. Và ‘giờ của Người’ đang sắp tới, nên Chúa muốn xem có ai hiểu Người.

1.Xêdarê Philippê là vùng

1.1.Phảng phất bầu khí tôn giáo khắp nơi với hơn 14 đền thờ dâng kính thần Baal Syrian cổ xưa.

1.2.Không chỉ có những thần Syri mà gần đó còn có một đồi lớn, bên trong có một hang động lớn, thẳm sâu mà người ta nói là nơi thần Pad, thần Thiên nhiên đã sinh ra; vì thế Xêdarê Philipphê từ đầu có tên là Panias, ngày nay gọi là Banias. Thần thoại về các thần Hy Lạp cũng tập trung chung quanh Xêdarê Philipphê.

1.3.Hơn nữa, hang động trên cũng là nguồn ngọn của sông Giođan. Gioxép nói ‘đây là động tuyệt đẹp, dưới có hốc sâu, dốc kinh khủng, đầy nước lặng. Bao trùm bên trên là núi rộng, dưới là hang cùng những nguồn nước chẩy ra sông Giôđan’.

1.4,Ngoài ra, Hêrôđê Cả còn xây một đền thờ lớn bằng đá cẩm thạch trắng xóa thờ thần Xêda. Gioxép viết ‘tại nơi đã đặc biệt, Hêrôđê còn trang hoàng thêm đền thờ khác thường dâng kính Xêda’… Sau, Philipphê, con Hêrôđê, còn trang hoàng, làm đẹp hơn nữa và đổi tên Panias thành Xêdarê và thêm tên mình là Philipphê. Sau cùng Hêrôđê Agrippa gọi nơi đó là Nêrônêa ghi nhớ hoàng đế Nêrô. Nhìn từ xa, đền thờ nguy nga, sáng chói cũng cho ta liên tưởng đến quyền lực của Lamã. Chính tại đây, giữa các đền thờ thần Syri, thần Hy Lạp, lịch sử Do Thái, chốn sang trọng của đền Xêdarê, thì người thợ mộc không nhà không cửa, dõng dạc hỏi người ta nghĩ mình là ai, (là Con Thiên Chúa). Không nơi nào trang trọng để Chúa ý thức và tỏ thần tính của mình hơn nơi này. Dân chúng nghĩ Chúa là Gioan Tiền Hô. Không phải chỉ có Hêrôđê nghĩ thế mà nhiều người khác cũng nghĩ thế. Là Êlia.[1]

2.Nghĩ Chúa là Êlia, họ ám chỉ về Chúa hai điều

– một, Người là một trong những tiên tri lớn nhất;

– hai, Người là Đấng Tiền Hô cho Đấng Thiên Sai (Ml 4,5).

Ngày nay người Do Thái vẫn còn chờ Êlia trở lại trước khi Đấng Thiên Sai đến; vì thế, họ vẫn để một ghế trống cho Êlia khi mừng lễ Vượt Qua! Là Giêrêmia. Vì dân chúng tin rằng trước khi đi đầy, Giêrêmia đã lấy ‘hòm bia’ và ‘bàn dâng hương’ trong Đền Thờ đem dấu trên núi Nebo. Trước khi Đấng Thiên Sai đến, ông sẽ trở lại, đem ‘hòm bia, bàn dâng hương’ cùng với vinh quang Thiên Chúa đến cho dân. (2Mcb 2,1-12). Étra (2Er 2,18?) cũng nói ‘để giúp các ngươi, Ta sẽ sai các tôi tớ ta là Isaia và Giêremia đến’. Truyền thuyết kể vào thời Macabê, ‘trước khi đánh nhau với Nicano, đại tướng Do Thái là Onia, nguyên thượng tế, được thị kiến. Ông đang cầu xin để chiến thắng, thì một người tóc bạc, uy nghiêm sáng láng, hiện ra, một ông già tóc bạc rất uy nghi sáng láng hiện đến. Onia lên tiếng nói ‘đây là người yêu mến anh em, hằng cầu nguyện nhiều cho dân chúng và thành thánh, nghĩa là Giêrêmia, tiên tri của Thiên Chúa’. Rồi, từ tay phải, Giêrêmia trao cho Giuđa một thanh gươm bằng vàng. Khi trao gươm, ông nói: ‘Hãy nhận lấy thanh gươm thánh này. Đó là món quà Thiên Chúa ban. Nhờ nó, ngươi sẽ đánh tan quân địch’ (2Mcb 15,1-14). Giêrêmia cũng được gọi là vị tiền hô cho Đấng Thiên Sai và là đấng trợ lực cho dân trong thời khốn khó. Khi dân chúng đồng hóa Chúa Giêsu với Elia và Giêrêmia, thì theo ánh sáng họ nhận được, họ đã tôn vinh Chúa lên địa vị cao, vì hai đấng không là ai khác ngoài vị tiền hô và Đấng xức dầu của Thiên Chúa. Khi hai đấng đến là dấu Nước Chúa đã đến gần. Sau khi nghe dân chúng trả lời, Chúa mới hỏi các môn đệ: ‘còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Một phút yên lặng, các môn đệ bối rối, không biết dùng lời gì. Phêrô, đại diện các môn đệ, mới thưa.[2]

 

3.Nên biết ba thánh ký thuật lại lời Phêrô hơi khác

– ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16,16). ‘

– Thầy là Đấng Kitô’ (Mc 8,29), vắn nhất.

– ‘Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa’ (Lc 9,20), rõ nhất

Đấng Thiên Sai (Do Thái) hay Đấng Kitô (Hy Lạp) là một, cũng như Đấng được xức dầu.[3]

4.Đoạn này cho ta hai sự thật lớn

4.1.Cốt cán, lời tôn xưng của Phêrô là lời mà con người dù thượng trí đến đâu cũng không phát biểu được. Napoleon quả quyết về Chúa ‘Tôi biết về con người, nhưng Chúa Giêsu Kitô thì hơn một con người’.

4.2.Khám phá ra Chúa Giêsu phải là việc cá nhân.

‘Con, các con’ bảo Thầy là ai? Chúa đã hỏi Philatô ‘Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?’ (Ga 18,34). Biết Chúa Giêsu không thể là cái biết vay mượn, biết theo người khác, biết về Chúa. Có thể biết về Chúa Kitô về mọi mặt, có thể tóm tắt giáo lý của Chúa, vẫn chưa hẳn là Kitô hữu. Biết Chúa thì khác với biết về Chúa.[4]

17Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. 20Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô (Mt 16,17-19).

5.Đây là một trong những đoạn sóng gió trong Tân Ước cho những nhà chú giải

Khó đọc với tâm trí bình tĩnh, không thành kiến. Vì Công Giáo Rôma nhìn nhận Giáo Hoàng là nền của Giáo Hội. Công Giáo chủ trương Phêrô được trao quyền nhận hay loại bỏ một người khỏi thiên đàng; Phêrô có quyền tha hay không tha tội. Vì thế, Phêrô là giám mục của Rôma, rồi từ đó, quyền lực truyền xuống cho các giám mục tại Rôma. Ngày nay, giáo hoàng là đầu của Giáo Hội và là giám mục Rôma. Lập trường đó không thể được đối với phái Tin Lành. Tin Lành và Công Giáo không tìm ý nghĩa của lời Chúa, mà chỉ cố định trong lập trường của mình, và nếu được, còn triệt tiêu nhau. Ta hãy cố gắng tìm hiểu ý nghĩa thực của lời Chúa.[5]

6.Rõ ràng nói ‘ai là đá’ là lời khen lớn nhất

Lời Chúa có gì như chơi chữ. Hy Ngữ Peter là Petros, và rock là petra. Tên Phêrô bằng tiếng Aramaic là Kephas và cũng có nghĩa là rock. Với tuyên xưng cao cả của Phêrô, Chúa mới nói “anh là petros, và trên petra này Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta”. Bảo Phêrô là ‘tảng đá’ là một lời khen phi thường. Nói ‘Phêrô là tảng đá’ không có gì lạ đối với Do Thái. Pháp Sư đã nói Ápraham là đá. Cựu Ước nói Chúa là núi đá (Đnl:32,4.31; 1Sm:2,2;22,2.32; Tv:18,3;91,1; 22,32;17,18,27, 30,61,70,88,91,93,144; Is 24,33).).

6.1.Âutinh nói đá chính là Chúa Giêsu. Tựa Chúa nói ‘anh là Peter, và trên Ta như đá, Ta sẽ xây Hội thánh Ta…’

6.2.Đá là sự thật này: ‘Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống’. Chân lý lớn lao này đã được mặc khải cho Phêrô và chân lý đó là nền tảng của đức tin, và niềm tin của Giáo hội.

6.3.Đá là đức tin của Phêrô. Trên đức tin của Phêrô, Giáo hội được xây.

6.4.Tốt nhất. Đá là chính Phêrô với nghĩa riêng biệt ‘ông không phải là viên đá, trên đó Giáo Hội được xây, đá đó là Thiên Chúa. Ông chỉ là viên đá đầu tiên trong ngôi nhà Giáo Hội’. Nói khác ‘Phêrô là phần tử thứ nhất (đầu tiên), và theo nghĩa đó, giáo hội được xây trên ông. Phêrô là người đầu tiên khám phá Chúa Giêsu là ai, người thứ nhất, do đức tin, thấy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Để giúp hiểu hơn, nên nhớ về giáo hội. Tân Ước dùng đi dùng lại hình ảnh ‘tòa nhà’ để nói về Giáo Hội với những cái nhìn khác nhau và mục đích khác nhau.[6]

7.Ở đây, Phêrô là nền với nghĩa Phêrô là người mà trên đó Giáo Hội được xây lên, vì ông là người thứ nhất khám phá ra Chúa Giêsu là ai

7.1.Chỉ có ý nói giáo hội khởi đầu với Phêrô, theo nghĩa đó thì Phêrô là nền, và danh dự đó không ai lấy khỏi Phêrô

Đọc Êphêsô, ta thấy Phaolô gọi các tiên tri, tông đồ là nền của giáo hội. Nghĩa là, nói theo kiểu loài người, thì Giáo Hội lệ thuộc vào những công việc của họ, những chứng cứ họ làm, lòng trung thành của họ. Cũng trong Êphêsô, ta thấy Chúa Giêsu là đá góc, là sức gắn bó giữ giáo hội thành một, không có Người, giáo hội sẽ tan và sụp đổ ‘còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu’ (Ep 2,20). Phêrô cũng nói mọi kitô hữu là những viên đá sống động xây nên Giáo Hội (1Pt 2,4-8).

Trong thư gửi Côrintô, Phaolô nói chỉ có Chúa Giêsu Kitô là nền (1Cr 3,11). Tân Ước dùng hình ảnh ‘tòa nhà’ với nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng tựu trung chỉ có Chúa Kitô là nền và là keo giữ cho giáo hội nên một. Chúa xây Giáo Hội trên Phêrô, không có nghĩa là Giáo Hội lệ thuộc vào Phêrô như lệ thuộc vào Người hay vào Thiên Chúa. Chỉ có ý nói giáo hội khởi đầu với Phêrô, theo nghĩa đó thì Phêrô là nền, và danh dự đó không ai lấy khỏi Phêrô.

7.2.Do đó nói được rằng: Phêrô là nền tảng của giáo Hội với nghĩa Phêrô là người thứ nhất, đầu tiên của cộng đoàn những ai khám phá ra Chúa Giêsu Kitô là Chúa, và Thiên Chúa là đá trên đó Giáo Hội được xây

Điểm thứ hai là chính danh từ Giáo Hội (Ekklesia); Giáo Hội ở đây thường cho ta cảm tưởng sai về ý nghĩa. Chúng ta thường hiểu giáo hội là một định chế hay một tổ chức với những tòa nhà, văn phòng, cùng những sinh hoạt, hội họp… danh từ Chúa Giêsu dùng là quahal, danh từ hay dùng trong Cựu Ước, có nghĩa là cộng đoàn Ítraen, cuộc hội họp dân Chúa. Nên điều Chúa nói với Phêrô là con là khởi đầu của Ítraen mới, dân Thiên Chúa mới, đoàn thể mới của những ai tin vào danh ta”. Phêrô là người đầu tiên, thứ nhất của cộng đoàn những ai tin Chúa Kitô. Không phải là giáo hội theo nghĩa nhân loại, càng không phải là Giáo Hội với nghĩa là định chế, tổ chức. Điều khởi đầu với Phêrô là cộng đoàn những ai tin vào Chúa Giêsu, chứ không vào bất cứ giáo hội nào. Cộng đoàn của toàn thể những ai tin và yêu mến Chúa. Do đó nói được rằng: Phêrô là nền tảng của Giáo Hội với nghĩa Phêrô là người thứ nhất, đầu tiên của cộng đoàn những ai khám phá ra Chúa Giêsu Kitô là Chúa, và Thiên Chúa là đá trên đó giáo hội được xây.[7]

8.Cửa hỏa ngục’là hình ảnh không dễ hiểu

8.1.Có thể là một pháo đài; vì trên đỉnh Hebron nhìn xuống Xêdarê, ngày nay còn vết tích một lâu đài đồ sộ đổ nát, thời xưa rất kiên cố hùng vĩ. Có thể Chúa nghĩ giáo hội Người như là một pháo đài như thế.

8.2.Richard Glover nói, xưa người phương đông thường coi ‘cổng’ là một nơi, nhất là tại các thị trấn, làng mạc nhỏ, những kỳ mục, lãnh đạo hội họp bàn luận để xét xử (Đnl 21,19; 25,7), nghĩa là nơi công quyền, cửa quyền.

8.3.Nếu trở lại với ý nghĩa là ‘đá, trên đó Giáo Hội được xây lên, là niềm xác tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống’, thì ta thấy rằng Hỏa Ngục (hades) không phải là nơi để phạt mà là nơi người Do Thái cho là để giam giữ mọi người chết, là tù ngục. Cổng là giam giữ, là đóng, là điều khiển. Nhưng có một Đấng mà cửa đó không thể giam giữ, đó là Chúa Giêsu Kitô. Người đã phá cửa đó. “Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi… cái chết” (Cv 2,24); “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát” (Cv 2,27). Rõ ràng là chỉ về sự Sống Lại vinh thắng. Không khác Chúa nói ‘con đã khám phá ra Ta là Con Thiên Chúa hằng sống, thì sẽ tới lúc Ta bị đóng đinh, nhưng cửa Hỏa Ngục sẽ bất lực không giam giữ Ta được. Cửa hỏa ngục không phá Ta được’.[8]

9.Muốn theo nghĩa nào tùy ý, nhưng đều ám chỉ giáo hội vững bền, không thể phá được. Phêrô là

9.1.‘Chìa khóa’ Nước Trời.

9.1.1.Trước hết đây là một thứ quyền riêng đặc biệt như Pháp Sư nói ‘chìa khóa sinh nở, chìa khóa mưa móc, chìa khóa sống lại là thuộc quyền Thiên Chúa’.

9.1.2.Trong Tin Mừng, câu này thường gắn liền với Chúa Giêsu. Sách Khải Huyền nói về Chúa Kitô Phục Sinh ‘Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ’ (Kh 1,18); ‘Đấng giữ chìa khóa vua Đavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được’ (Kh 3,7).

9.1.3.Tất cả hình ảnh và cách dùng trên đều dựa vào Isaia (Is 22,22). Phêrô sẽ là quản lý nhà Chúa như Eliakim xưa. Vào ngày Ngũ Tuần, Phêrô đã mở cửa cho 3.000 linh hồn (Cv 2,41), cho Cornelius (Cv 10), chủ tọa công đồng Giêrusalem, nhận những người ngoại (Cv 15,14).

9.2.Phêrô có quyền ‘cầm buộc và cởi tháo’

Richard Glover nói điều đó có nghĩa là Phêrô có quyền buộc tội trong lương tâm con người, có quyền cởi tội bằng cách nói với con người về tình yêu, lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Đây là tư tưởng hay, nhưng còn gì hơn nữa. ‘Tháo cởi, cầm buộc’ là những câu rất quen thuộc với người Do Thái. Thông thường, người Do Thái nào cũng hiểu là ‘cho phép và cấm đoán’. Cầm buộc là cấm; cởi tháo là cho phép. Phêrô là quản gia nhà Chúa, có trách nhiệm nặng nề, phải làm những quyết định có ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Giáo Hội; là người hướng dẫn, cai quản Giáo Hội sơ khai. Và những quyết định của Phêrô quan trọng đến nỗi ảnh hưởng tới các linh hồn đời này và đời sau. Các chương đầu Công Vụ cho thấy điều đó. Lc 9,18-22: đây là lúc quyết tử trong đời Chúa. Người hỏi khi đang trực tiếp đi Giêrusalem (Lc 9,51). Người biết hết những gì sẽ xảy ra, đang chờ đợi. Người muốn biết có ai hiểu thực sự Người là ai. Với câu đáp của Phêrô, Chúa biết mình sẽ không thất bại. Nhưng vẫn chưa trọn vì các ông trông mong thống trị địa cầu. Từ đây Chúa phải uốn nắn các ông. – Biết về Chúa Giêsu không đủ. Chúa không hỏi người ta nghĩ, mà ‘con’ nghĩ Thầy là ai. Phaolô không nói ‘tôi biết tôi tin gì’ mà nói ‘tôi biết tôi tin vào ai’ (2Tm 1,12). – Chúa nói ‘thầy phải lên Giêrusalem để chết’; ‘phải’, ‘phải’ ở nhà Cha (Lc 2,49) ‘phải giảng nước trời’ (4,43), ‘phải đi đường hôm nay, ngày mai và ngày mốt’ (13,33). Nhắc đi nhắc lại ‘phải’ đi đến thập giá (9,22;17,25; 24,7). Xêda Philipphê hoàn toàn ở ngoài Galilê. Đây là miền có bầu khí linh thiêng đặc biệt. Các thần Hy Lạp: Baan là nơi sinh ra thần Baan, chúa của thiên nhiên, từ đây có suối dẫn xuống sông Giodan. Trên đồi xa xa có đền thờ óng ánh sáng ngời Philipphê xây kính thần Xêda. Thiên nhiên với tôn giáo, đời với đạo của Palétin, tất cả quyện nhau, với các thần Hy Lạp cổ điển. Cũng gần hết đoạn đời, Chúa mới thử xem các môn đệ có ai hiểu.[9]

Giữa bầu khí ấy, Phêrô tỏ ra hiểu “Thầy là…” Do Thái quan niệm

1,Trước khi Đấng Thiên Sai đến thì có thời gian khốn khó. Xem 4 Étra 9,3.

2.Trong thời hỗn loạn đó thì Êlia đến.

3.Sau Êlia, Đấng Thiên Sai sẽ đến.

4.Các nước liên minh chống lại Đấng Thiên Sai (coi 4 Étra 13,33-35).

5.Tất cả đều chiến bại (4Er 12,32-33; Enoch 52,7-9).

6.Thời trùng tu Giêrusalem (Enoch 90,28-29).

7.Từ các nơi tản mác, Do thái qui tụ về.

8.Palestin là trung tâm thế giới, tất cả phải quy phục.

9.Thời thái bình, vàng son.[10]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, sau lời tuyên xưng của thánh Phêrô:

Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu liền khen thưởng thánh Phêrô : ”Phêrô, con là Đá trên Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.

Con là Đá: Đá ở đây vừa là tảng đá vừa là tên mới của Simon. Trong Kinh Thánh, khi trao nhiệm vụ đặc biệt cho một nhân vật nào thì Thiên Chúa thường đổi tên cho người đó (St 17,5-15. 35,10 . Tv 13,16. 2V 23,34) . Quả vậy, khi đổi tên Simon là Phêrô, tức là Đá, Chúa có ý chỉ Phêrô  sẽ là Đá Tảng vững chắc, trên đó Người sẽ xây Hội Thánh của Người và Chúa còn hứa với thánh Phêrô: quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi. Như vậy Phêrô là một tảng đá, một tảng đá chắc chắn, bền vững và kiên cố.  

Phi hành gia James Irwin, lái chiếc phi thuyền Apolo 15 sau khi đã đáp xuống mặt trăng, ông đào được một tạ đá đưa về trái đất, và ông đem đi khắp thế giới để nói về sự thành công vĩ đại của khoa học không gian ngày nay.

Ngày 8 tháng 3 năm 1973, James Irwin đã nói chuyện tại rạp Thống Nhất ở Sàigòn như sau :

Có ba loại đá tượng trưng cho ba lãnh vực :

  1. Đá mê tín của những người bạc nhược, không tận dụng khả năng của mình, mà chỉ tin vào sức thần thiêng giải quyết trong mọi lãnh vực cuộc sống. Loại đá mê tín này khiến nhiều người lầm lẫn, vì tin rằng cứ rờ vào là khỏi bệnh tật, thoát hoạn nạn, hết rủi ro, được bình an!
  2. Đá nguyệt cầu (đá lấy từ mặt trăng) tượng trưng cho tài khéo của khối óc và nỗ lực làm việc của con người cộng tác với ơn Chúa.

Sự thành công này, nhiều người đã quá cao vọng, đi đến chỗ cực đoan và kiêu ngạo, tưởng khoa học sẽ giải quyết thoả đáng mọi khát vọng của con người ! Nhưng nếu có ai tài giỏi hơn tôi khi ngồi vào phi thuyền đi vào không gian, mới thấy con người quá nhỏ bé, so với quyền lực của vũ trụ, và số phận người ta quá mỏng manh như bong bóng xà phòng trong không khí ! Do đó phải biết rằng khoa học không bao giờ làm ra được cái máy nói dối, chỉ những kẻ phủ nhận Thiên Chúa mới nói dối mà lại cho là khôn ngoan!

  1. Đá Kitô. Ngồi vào phi thuyền mới thấy con người không thể cậy dựa hoàn toàn vào sức mạnh của phàm nhân. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này chỉ còn trông cậy vào sự nâng đỡ của Thượng Đế cho con người một niềm tin, niềm phó thác và sự bình tĩnh, bởi vì

 “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139/138, 7-10).

Do đó ơn Chúa phù trợ giúp cho chuyến bay của tôi được thành công rực rỡ là tôi tin vào Đức Kitô, vì nếu Ngài ngoảnh mặt đi trong chốc lát là tôi chết ngay (Tv 104/103,29)! Vậy ngồi ở trong phi thuyền nếu biết tin vào Đức Kitô để đi đến nơi an toàn, thì người ở trong Hội Thánh tin vào Đức Kitô, chắc chắn được Ngài trợ giúp, điều chỉnh cách sống Đạo, mới có thể bay về tới thiên cung, nơi mọi người tin Chúa đang mong chờ![11]

Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hỏi: “người ta bảo Thầy là ai?”

Đây là câu hỏi thứ nhất, nhưng là câu hỏi phụ. Câu hỏi thứ hai quan trọng: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ và cũng là câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta. Nó chất vấn mỗi người chúng ta hôm nay hơn bao giờ hết.

Phải, đối với tôi, Đức Giêsu Kitô là ai? Nếu chúng ta chỉ lặp lại lời của Phêrô thì quá dễ:

“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Điều quan trọng là Đức Kitô Hằng Sống đó đối với chúng ta như thế nào.

Chúng ta hãy nhìn vào phi hành gia James Irwin diễn tả ra sao: khi bay vào không gian ông cảm thấy con người quá nhỏ bé, so với quyền lực của vũ trụ, và số phận người ta quá mỏng manh như bong bóng xà phòng trong không khí! Do đó, ông chỉ biết trông cậy và phó thác  nơi Chúa và ông đã mượn thánh vịnh 139 để nói lên tâm tình của mình:

 “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,

lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?

Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,

nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,

đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139/138, 7-10).

Và nếu Ngài ngoảnh mặt đi là tôi biến tan ngay trong cuộc sống này (Tv 104/103,29)!

Niềm tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống là như thế đó.

Kính thưa anh chị em,

Ước gì cuộc đời mỗi người chúng ta trở thành một câu trả lời sống động cho Chúa Giêsu, cho anh chị em và cùng với anh chị em, trả lời cho xã hội hôm nay rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Quyền Năng, Ngài đã làm người và đang ở giữa chúng ta. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.513

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.514

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.525

[4] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.515

[5] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.516

[6] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.516

[7] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.517

[8] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.517-518

[9] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.518-519

[10] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.519

[11] Câu chuyện của Lm Giuse Đinh Quang Thịnh,  truyện góp nhặt trg.63-64

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN