CN 20ATN
Lòng tin của người đàn bà xứ Canaan
(Mt 15,21-28)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Chữa con gái bà người Canaan (Mt 15,21-28; Mc 7,24-30) Miền Tia, tháng 6 năm 29
21Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tia và Siđon. 22thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” 24Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi”. 25Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26Người đáp: “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. 27Bà ấy nói: “thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. 28Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.
1.Đây là dịp duy nhất Chúa ra khỏi địa giới Do Thái, cho biết Tin Mừng sẽ được rao giảng trên khắp thế giới
Rút lui lên đây vì cuộc đời sắp chấm dứt, Chúa muốn có thời gian để chuẩn bị cho mình và cho các môn đệ, tránh va chạm với kẻ thù. Trong Palestin, đi đâu dân chúng cũng tuốn đến dễ dàng… nhưng tại miền đất ngoại này Chúa cũng không thoát khỏi những nhu cầu của con người. Chắc bà này đã nghe về Chúa, nên đến… đầu tiên Chúa tỏ ra không chú ý, các môn đệ cũng thấy bà quấy rầy… nhưng rồi Chúa đón tiếp bà; bà là người ngoại, lại còn thuộc dòng Canaanite, là dân thù truyền kiếp với người Do Thái. Giosép nói ‘từ dòng dõi người Phoenicians thì Tyrians là dân rất mực ghét chúng ta’. Nên để ý Chúa không nói với giọng dửng dưng… danh từ chó con cũng không nhất thiết hàm ý khinh bỉ… nói với giọng điệu, nét mặt có thể bầy tỏ ý ngược lại, như khi gọi người yêu là ‘chó con’…[1]
2.Bà là người Hy Lạp, hiểu ngay ý của Chúa. Chuyện cho thấy
2.1.Bà yêu mến
Bengel nói ‘bà coi nỗi khốn nạn của con như của bà’. Với tình yêu bà đến với Chúa; với tình yêu, bà chấp nhận sự yên lặng của Chúa mà vẫn kêu van; với tình yêu bà sẵn chịu lời đáp cứng cỏi như từ chối của Chúa; với tình yêu bà thấy lòng thương cảm trong lời Chúa.
2.2.Bà tin
2.2.2.Niềm tin lớn dần nhờ tiếp xúc với Chúa. Đầu tiên bà kêu Chúa là Con vua Đavít, danh xưng thông dụng và theo nghĩa chính trị trần thế.
2.2.3.Tin thờ lạy; bắt đầu đi theo, rồi ‘đến bái lạy’.
2.2.4.Kiên trì hết sức…
2.2.5Bà còn được ơn vui tính.[2]
3.Tyrô và Sidon
Tyrô cách Capháccnaum 40 dặm về phía tây bắc. Tyrô nghĩa là Rạng Đá vì dọc bờ Địa Trung Hải cứ từng hai Tảng Đá nối nhau 3.000 bộ, làm thành bờ đê thiên nhiên; Tyrô là hải cảng thiên nhiên nổi tiếng nhất thời xưa, lại còn là đồn lũy có tiếng nữa…
Siđon cách Tyrô 26 dặm về phía đông bắc, 60 dặm cách hải cảng Caphácnaum. Cả hai thành phố thuộc người Phoenician này đều thuộc Syria, song độc lập và ganh đua nhau. Có vua riêng, thần riêng và tiền riêng. Họ làm bá chủ một miền rộng 20 dặm. Tây là ĐịaTrung Hải, đông hướng về Damascus. Sau cùng Siđon suy tàn, thua Tyrô , thoái hóa về luân lý. Lạ nhất là việc Chúa tới đất dân ngoại. Trước, Chúa tuyên bố không đồ ăn nào dơ, giờ Chúa lại ngầm ý không cho dân nào là dơ. Chúa tạm lánh lên đây, vì tại quê hương, Người bị tấn công khắp nơi: Kinh Sư, Biệt Phái cho là tội phạm vì phá luật lệ; Hêrôdê đe dọa; Nadarét coi Chúa là gương mù. Thời giờ của Người chưa đến, song thời giờ dành cho người ngoại đã đến. Tuy nhiên những thành phố này theo lý là thuộc Ítraen vì dưới thời Joshua, đất bị phân chia, và bộ lạc Asher ở (Gs 19,28-29). Và không bao giờ Ítraen đã thống trị tới đó. Thật lạ lùng: nơi khí giới không tới được thì tình thương lại tới được. Ítraen trần thế không khắc phục được dân Phoenicia thì Ítraen chính thật lại khắc phục. Chó là vật đáng khinh đối với người Hy Lạp; gọi đàn bà là chó, là khinh hết nổi (Mt 7,6; Ph 3,2; Rev 22,15). Đối với Do Thái, thì chó là dân ngoại… bà lại là người Hy Lạp (nt 177-179).[3]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho người Do Thái mà còn ban ơn cho cả dân ngoại. Người đàn bà Canaan là một người dân ngoại, đáng lẽ bà không được hưởng hồng ân Chúa ban vì Đức Giêsu chỉ muốn thi hành sứ mệnh của Ngài với dân Do Thái, nhưng Chúa không ngần ngại nhận lời cầu xin của người dân ngoại này.
Tại sao Chúa ban hồng ân cho bà ấy? Vì bà có một đức tin rất khiêm nhường và hoàn toàn trông cậy vào Chúa. Đức tin mạnh mẽ đã làm phát sinh lòng can đảm, khiêm hạ và kiên trì. Bà đã can đảm, bởi vì bà là người ngoại giáo mà dám đến xin phép lạ cho con mình.
Vào thời Chúa Giêsu người ngoại với người Do Thái không bao giờ liên hệ với nhau. Với người phụ nữ ngoại giáo, khoảng cách lại càng xa hơn, thế mà người phụ nữ này đã vượt qua mọi rào cản để đến với Chúa. Bà đã kiên trì và khiêm nhường xin cho được một ân huệ, bất chấp sự hững hờ của Chúa Giêsu.
Các Tông đồ muốn đuổi bà đi, và chính Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói hơi nặng lời: ”không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.
Bà sụp lạy trước mặt Ngài hơn lũ chó con nằm chờ chực vụn bánh từ trên bàn chủ rơi xuống,
nên không lạ gì bà đã thưa: ”thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những vụn bánh trên bàn rơi xuống”.
“Con cái” ở đây được hiểu về dân Do Thái, “chó con” được hiểu về dân ngoại. Chúa Giêsu dùng cách nói thông thường của người Do Thái chứ không có ý mỉa mai. Chúa dùng chữ “chó con” mà không dùng chữ “chó” xuông. “Chó Con” là giống nuôi trong nhà được vỗ về, còn chó chạy lang thang ngoài đường phố mới có nghĩa khinh bỉ. Và chính tiếng “chó con” này đã gợi cho bà một lời thỉnh cầu đầy khiêm nhường và tin tưởng.
”Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những vụn bánh từ trên bàn rơi xuống”.
Sở dĩ người đàn bà Canaan có lòng can đảm khiêm nhu và kiên trì như thế bởi vì bà rất thương yêu đứa con của bà. Yêu con tha thiết nên bà không thể nhẫn tâm ngồi nhìn ma quỷ hành hạ đứa con yêu quí. Yêu con tha thiết nên bà không ngần ngại đi tìm thầy tìm thuốc ở khắp mọi nơi,
kể cả những nơi bị coi là cấm kỵ. Yêu con tha thiết nên bà chấp nhận tất cả, bất chấp sự dửng dưng lạnh nhạt và ngay cả sự khinh khi nhục mạ nữa.
Tôi còn nhớ một câu chuyện xảy ra ở Đông Âu vào tháng 2 năm 2002: có hai mẹ con chưa thật sự thấu hiểu nhau. Đứa con gái 13 tuổi luôn cho rằng địa vị người mẹ thấp hèn, có người mẹ như vậy không thể ngẩng đầu lên nhìn ai được.
Một ngày kia, người mẹ rủ con gái đi trượt tuyết trên núi Alpes. Trong lúc trượt tuyết, do thiếu kinh nghiệm, hai mẹ con đã lạc đường, rồi một trận lở tuyết dữ dội xảy đến. Mẹ con họ chống chọi hai ngày hai đêm trên núi tuyết, mấy lần trông thấy trực thăng cứu hộ đang đi tìm họ, nhưng đều không thể phát hiện ra họ bởi vì cả hai mẹ con đều mặc bộ đồ màu trắng bạc như tuyết.
Cuối cùng, người con gái ngất đi do sức yếu, khi tỉnh dậy cô bé thấy mình đang nằm trong bệnh viện, còn người mẹ của cô đã qua đời.
Các bác sĩ nói với cô rằng, người mẹ đã dùng cả sinh mạng để cứu cô. Thì ra, người mẹ đã tự cắt động mạch lấy máu nhuộm đỏ một vùng tuyết trắng để các trực thăng cứu hộ phát hiện ra con gái mình.
Tình thương của người mẹ là như thế đó, và tình thương của người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Bà yêu thương đứa con nhỏ yếu đuối, không tự làm được gì để cứu mình, nên bà đã làm mọi cách để cứu đứa con của mình. Yêu con nên bà đã tin Chúa. Tin Chúa có quyền năng thống trị ma quỷ. Tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa. Tin Chúa có trái tim rộng mở sẽ không phân biệt người ngoại kẻ đạo. Yêu con nên bà đã tín thác vào Chúa. Bà tin chắc chắn Chúa sẽ cứu chữa con bà. Một đức tin mạnh mẽ đã làm phát sinh lòng can đảm, khiêm nhu và kiên trì và đức tin mạnh mẽ ấy đã khiến Đức Giêsu không thể từ chối. Tin và Yêu giống như chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Mở được cánh cửa Nước Trời. Mở được cả tâm hồn của Thiên Chúa. Đó chính là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ
[1] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.474
[2] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.475
[3] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.475