ĐẶC SẢN
Mỗi vùng, mỗi miền, mỗi nơi, mỗi dân tộc,… đều có loại đặc sản độc đáo mang sắc thái đặc trưng, không lẫn với các sản phẩm khác, ngay cả đối với mỗi người cũng có những món khoái khẩu khác nhau. Nói về sự ăn kiêng một cách khôi hài mà thú vị, Julia Child nhận định: “Chỉ nên ăn kiêng khi bạn chờ thịt chín”. Rõ ràng là việc ăn uống quan trọng lắm – không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với khẩu vị. Có câu nói rất riêng của một nhân vật trong một bộ phim Bắc Việt thế này: “Không thể hoãn lại cái sự sung sướng được”. Đúng vậy!
Các món ăn được gọi chung là ẩm thực – tức là chuyện ăn uống (ẩm: uống, thực: ăn). Thật kỳ lạ, ăn uống cũng có “đạo lý ăn uống”, có nét văn hóa đặc thù – gọi là văn hóa ẩm thực, và còn có cả một triết lý trong văn hóa ẩm thực. Ăn uống không chỉ là đưa thức ăn và thức uống vào miệng, là việc cần thiết để duy trì sự sống, mà còn thể hiện tính cách một con người. Tiền nhân dạy: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Xem ra việc “ăn uống” quá đơn giản mà lại khá nhiêu khê, và cũng vì phức tạp nên mới phải học – học để biết cách hành xử hợp lý nhất.
Cách ăn uống tiết lộ tính cách con người. Có thể nhờ ăn uống mà người ta thêm hiểu nhau, nhưng cũng có thể do ăn uống mà sinh hiềm khích nhau – thậm chí có thể hành hung nhau và có thể xảy ra án mạng. Vì sự sinh tồn, nghĩa là vì miếng cơm và manh áo, mà người ta có thể sát hại lẫn nhau. Chung quy thì chiến tranh xảy ra cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh giành sự sống lẫn nhau: Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Cái tôi to lớn nên sinh đủ thứ chuyện xấu xa.
Ẩm thực là vật chất nhưng cũng ảnh hưởng tinh thần và tâm linh. Chuyện ăn uống cũng có mức độ ảnh hưởng tương tự. Kinh Thánh nói về việc ăn uống: “Khi con ngồi ăn với kẻ có chức quyền, hãy để ý kỹ người đối diện. Nếu con vốn tham ăn, hãy đặt dao kề cổ. Đừng thèm thuồng cao lương mỹ vị của hắn, vì đó là thứ đồ ăn phỉnh gạt” (Cn 23:2-3). Còn ca dao Việt Nam cảnh báo: Miếng ăn là miếng tồi tàn – Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Vinh hay nhục có khi chỉ từ miếng ăn bé nhỏ mà thôi!
BÁNH NUÔI XÁC – MANNA
Chúng ta là hậu sinh, không hề biết loại đặc sản mà dân Israel đã từng ăn ròng rã suốt 40 năm hành trình qua hoang địa để tiến về Đất Hứa. Loại đặc sản đó như thế nào? Kinh Thánh mô tả: “Manna như hạt ngò và trông nó như nhựa hương” (Ds 11:7).
Trong thời gian miệt mài di chuyển qua sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Israel kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. Họ vất vả khổ sở, có lẽ vì sức người có hạn, thế nên họ đã trách móc các ông: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên NỒI THỊT và ĂN BÁNH thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải CHẾT ĐÓI cả lũ ở đây!” (Xh 16:3). Họ trách móc người khác và than thân trách phận chỉ vì thiếu thực phẩm, họ không thỏa mãn cái miệng, và cái bụng cứ reo hoài nên họ khó chịu. Chúa biết lắm, thế nên Ngài nói với ông Môsê: “Này, Ta sẽ làm cho BÁNH TỪ TRỜI mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không” (Xh 16:4). Có ăn là khỏe ngay, con người là thế!
Sau đó, Thiên Chúa còn nói thêm với ông: “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 16:12). Thích gì được nấy, thịt bánh đều có. Thật vậy, cứ chiều đến, chim cút bay đến rợp cả trại, còn buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. Rồi khi sương tan thì trên mặt hoang địa có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi dân Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Man hu?”, nghĩa là: “Cái gì đây?” (Xh 16:15a). Ông Môsê bảo họ: “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh chị em làm của ăn!” (Xh 16:15b). [Xin “mở ngoặc”: Loại bánh-từ-trời đó là Manna (tiếng Hê-brơ: מָן), còn được viết là Mana, hoặc al-Mann wa al-Salwa (tiếng Ả-rập: المَنّ و السلوى), tiếng Hy-lạp và Latin là Man hoặc Manna].
Ôi, thật lạ lùng thay việc Thiên Chúa làm để thỏa mãn lòng dân, và còn biết bao điều kỳ diệu khác mà hằng ngày Ngài vẫn làm vì chúng ta, cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải biết tự hứa: “Điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: Sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kỳ công Chúa đã làm” (Tv 78:3-4). Thánh Vịnh gia nhắc lại: “Chúa hạ lệnh cho mây tầng cao thẳm, lại truyền mở rộng cánh thiên môn; Người khiến manna tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ. Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực” (Tv 78:23-25). Thiên Chúa đại lượng và hào phóng, Ngài luôn chiều lòng chúng ta một cách hợp lý, cho dù đôi khi chúng ta rất ngỗ nghịch, bướng bỉnh, cao ngạo hoặc phản bội Ngài, nhưng Ngài vẫn im lặng và kiên trì chờ chúng ta “giác ngộ” mà chân nhận Ngài là Đức Chúa duy nhất – tức là xác định KHÔNG HỀ CÓ BẤT CỨ THẦN LINH NÀO KHÁC.
Chắc chắn như vậy. Nếu thế thì hãy nghe Thánh Phaolô khuyên nhủ: “ĐỪNG ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ” (Ep 4:17). Một khi đã thay đổi lối sống, chúng ta “phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, phải để Thần Khí đổi mới tâm trí, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4:22-24). Tuy nhiên, không thể “giả vờ” hoặc “ra vẻ” mà phải thay đổi từ đáy lòng, phải thay đổi theo ý Đức Kitô, phải “chết” cho con-người-cũ và “chết” cho tội-lỗi-của-chính-mình, tức là phải chịu đau đớn vì phải “banh da, xẻ thịt” của mình để sống theo lý tưởng Kitô. Khó lắm, đâu phải chuyện đùa. Nhưng thành tâm cố gắng và nhờ ơn Chúa, mọi thứ đều có thể, và sẽ ổn thôi.
Xác và hồn không thể tách rời. Xác khỏe thì hồn mạnh. Một tâm hồn lành mạnh ở trong một thân xác khỏe mạnh. Tinh thần yếu đuối sẽ khiến thể lý uể oải, lâu dần hóa bệnh tật. Đó là điều tất yếu, vì chúng liên quan lẫn nhau.
BÁNH DƯỠNG HỒN – THÁNH THỂ
Thân xác cần có lương thực để sống, linh hồn cũng vậy. Khi dân chúng thấy Đức Giêsu và các môn đệ đều không có ở đó, họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Ngài. Khi thấy Ngài ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (Ga 6:25). Tính thẳng thắn và thật thà, Ngài nói toạc móng heo luôn: “Thật, Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm Tôi KHÔNG phải vì các ông đã thấy DẤU LẠ, nhưng vì các ông đã được ĂN BÁNH NO NÊ” (Ga 6:26). Nghe rất “sốc”, rất đau, vì họ bị “chạm” vào chính “ý đồ” của họ. Trong chúng ta cũng có những người như vậy – nghĩa là vì chính sự ích kỷ của mình.
Vâng, sự thật vẫn thường phũ phàng như thế. Và có lẽ chúng ta cũng chẳng hơn gì dân Israel xưa. Liệu chúng ta đi hành hương có thực sự vì yêu mến Chúa, vì sùng kính Đức Mẹ hoặc các thánh, hay vì cái gì “khó nói” lắm? Người ta vẫn thường “rỉ tai” nhau: “Chỗ đó thiêng lắm, xin được nhiều ơn lắm”. Và rồi chúng ta cũng cố gắng đến để “được ơn” là chính. Nếu không được ơn thì sao? Liệu đức tin còn được vững vàng? Những người có “của ăn, của để” mới đủ “khả năng” đi hành hương các Thánh địa hoặc Linh địa, còn những người nghèo thì sao?
Nếu như vậy thì người nghèo chịu thiệt thòi quá. Họ được ít ơn hơn thì họ cũng khó vào Nước Trời hơn, nếu xét theo “nghĩa thực tế” đó! Đã từng có đoàn hành hương về Thánh địa Giêrusalem với chi phí tới 9 tỷ VNĐ, còn đến các linh địa trong nước cũng tốn kém lắm. Người nghèo có mơ cũng chẳng được, bởi vì họ lo kế sinh nhai hằng ngày còn “méo mặt” thì làm sao có dư tiền mà đi hành hương để “xin ơn” chứ? Nếu chỉ những ai đi hành hương mới được ơn thì Chúa không công bằng. Nhưng Ngài đâu có như vậy, chỉ tại chúng ta bắt Ngài như vậy thôi!
Liệu chúng ta đi làm việc thiện có vì yêu mến Chúa qua những anh chị em kém may mắn hơn mình? Liệu chúng ta thực sự làm việc tông đồ, tham gia các hội đoàn hoặc các nhóm đạo đức có thực sự hy sinh và chỉ vì muốn vinh danh Chúa hay không? Chắc chắn những câu hỏi đó “khó” trả lời lắm, và có lẽ chúng ta cũng đang có những tư tưởng phù phiếm! Có điều chắc chắn là Thiên Chúa không câu nệ hình thức như chúng ta tưởng hoặc cứ “suy bụng ta ra bụng… Chúa”. Thế thì “căng” thật!
Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Quý vị hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có LƯƠNG THỰC THƯỜNG TỒN đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6:27). Có lẽ họ không hiểu hết ý Ngài nên liền hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (Ga 6:28). Ngài trả lời ngay: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là TIN vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6:29). Không biết vì không hiểu hay cố ý không chịu hiểu mà họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6:30-31). Đức Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật quý vị, không phải ông Môsê đã cho quý vị ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha Tôi cho quý vị ăn BÁNH BỞI TRỜI, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, BÁNH ĐEM LẠI SỰ SỐNG cho thế gian” (Ga 6:32-33). Hai loại bánh đều từ trời, nhưng manna chỉ làm cho sống phần xác, Thánh Thể mới làm cho sống phần hồn.
Ôi chao, ý Ngài hoàn toàn khác hẳn, thảo nào…! Nếu chúng ta được trực tiếp đối thoại với Ngài lúc đó thì chắc chắn chúng ta cũng chỉ “như vịt nghe sấm” chứ hiểu gì nổi.
Thế nhưng đối với dân Israel lại khác, sau khi nghe Ngài nói đến “bánh đem lại sự sống” thì họ nói ngay: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Ga 6:34). Đức Giêsu bảo họ: “Chính Tôi là BÁNH TRƯỜNG SINH. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35). Lại nghe thấy “sốc” quá! Bánh gì kỳ lạ vậy chứ? Thế nên chúng ta đừng vội chê trách “người xưa”. Quả thật, nếu là chúng ta thì có lẽ Chúa Giêsu “không có đường về”. Cũng may là chúng ta “sinh sau, đẻ muộn”, được học hỏi và được lãnh nhận đức tin nơi Chúa Giêsu từ ngàn xưa truyền lại. Quả thật, so với dân Israel xưa thì chúng ta may mắn và diễm phúc lắm!
Thật vậy, ngày xưa dân Israel chỉ được ăn bánh-từ-trời là manna, loại đặc sản chỉ có thể nuôi sống phần xác; còn chúng ta ngày nay cũng được ăn bánh-từ-trời, nhưng đó là Bánh Trường Sinh, là chính Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, loại đặc sản nuôi sống phần hồn, là của ăn đàng trên suốt hành trình về Thiên Quốc vĩnh hằng.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, xin giúp chúng con xứng đáng lãnh nhận Bánh Trường Sinh là Thánh Thể Đức Giêsu Kitô, để được sự sống đời đời theo giao ước. Xin ban lương thực hồn xác cho những người nghèo khổ, thiếu thốn, những người chịu thủy hoạn và hỏa hoạn khắp nơi trên thế giới. Xin giữ gìn họ trung kiên trong đức tin và giúp họ cố gắng chịu đựng để đáng phần phúc mai sau. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU