Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

TÍCH LŨY

Tích LũyTích lũy là thu gom để chất chứa càng ngày càng nhiều thêm. Có nhiều dạng tích lũy: tích lũy của cải, kiến thức, kinh nghiệm, tinh thần, sức khỏe,… Tích lũy là quá trình lâu dài, khó chứ không dễ, thế nên rất cần lòng kiên trì.

Vạn sự khởi đầu nan. Khởi đầu là thời điểm quan trọng, cần dứt khoát và quyết tâm. Có lẽ vì thế mà người ta thường coi trọng ngày khai trương. Jim Rhon nhận xét: “Học tập là khởi đầu của giàu có. Học tập là khởi đầu của sức khỏe. Học tập là khởi đầu của tâm linh. Tìm kiếm và học hỏi là nơi điều kỳ diệu bắt nguồn”.

Hành trình lâu dài nên thường có những lúc gặp khó khăn. Như thế mới cần quyết tâm cao độ, và phải xác định rằng khó khăn là chướng ngại vật nhưng không thể cản bước tiến của chúng ta. Robert S. Schuller nói: “Rắc rối không phải biển báo cấm, chúng chính là những tấm biển chỉ đường”. Tuyệt vời lắm! Thật vậy, chí sĩ Phan Bội Chau đã đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. Hơn nhau ở chỗ là dám vượt qua khó khăn.

Có những thứ cần tích lũy trong một thời gian – có thể mau hoặc lâu, nhưng có những thứ phải tích lũy cả đời. Con người có hai phần là xác và hồn, việc tích lũy cũng có hai phần rạch ròi – không thể lo cho phần này và bỏ mặc phần kia. Chắc chắn “phần tốt nhất” đối với một Kitô hữu vẫn là cách tích lũy tâm linh.

Người ta tích lũy nhiều thứ tài sản trần gian nhưng lại quên tích lũy tài sản thiêng liêng, người ta cũng tìm kiếm các kho tàng trần thế nhưng lại quên tìm kiếm kho tàng trên trời. Một trong các kho tàng quý giá nhất chính là sự khôn ngoan: “Trí khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại” (Kn 3:15).

Miệng ăn, núi lở. Tất cả sẽ hết. Không hết thì cũng chẳng đem theo được khi chúng ta chết. Những gì chúng ta tích lũy sẽ để lại cho người khác sử dụng. Cũng vì cứ lo tích lũy mà nảy sinh xung đột, tranh giành, rồi sinh ra chiến tranh. Tiền tan, tình tàn. Rồi cả đôi bên đều đau khổ và mất mát. Hơn thua gì, lợi lộc gì?

Ông Cô-he-lét thật là dày dạn kinh nghiệm và cảm nghiệm sâu sắc: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời?” (Gv 1:2-3).

Tiền nhân đã nói: “Ky cóp cho cọp xơi”. Quả không sai. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, tối ngày cứ chạy theo đồng tiền. Tham thì thâm. Kinh Thánh xác định: “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoanhiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời? Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 2:21-23). Cách đặt vấn đề rất độc đáo và thú vị. Chí lý lắm!

Tiền chỉ là tờ giấy mỏng, nhưng nó có thể “cưa đứt” mọi song sắt của tất cả các cửa ở trần gian, kể cả “cửa tâm hồn”. Tiền có một sức mạnh hầu như bất khả kháng, người ta gọi đó là mãnh lực, thậm chí là ma lực. Tiền không có mùi nhưng “hương vị” của nó quyến rũ bất cứ ai. Dính vào nó thì khó gỡ lắm: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Thật vậy, tiền bạc làm người ta mất lương tri, mất tình nghĩa – kể cả tình ruột rà, nói chung là mất mọi thứ – mất trắng. Thế mà người ta vẫn không thoát khỏi “lưới dò” của tiền bạc, tôn giáo cũng chẳng thoát.

Ma quỷ rất ranh mãnh, lơ là một chút sẽ chết với nó ngay. Thật vậy, lịch sử xưa nay cho thấy rõ hệ lụy này. Tông đồ Giu-đa sẵn sàng bán Thầy không văn tự, nhiều cha mẹ bán con ruột của mình, chồng bán vợ, người ta dám bán cả đất nước, thậm chí là buôn thần bán thánh nữa,… Thiên hình vạn trạng. Bán để làm gì? Để lấy tiền!

Muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tiền bạc, chỉ có cách duy nhất là “bám chặt vào gấu áo Chúa Giêsu”. Áo Ngài có bị xé rách thì cứ giữ lấy miếng vải đó làm “bùa hộ mạng”. Chắc chắn ma quỷ sẽ sợ hãi “lá bùa” này. Bám vào Chúa sẽ có Chúa, có Ngài thì an tâm, an tâm thì vui sướng, vui sướng thì phải ca hát và chia sẻ niềm vui đó với người khác: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2).

Vui mừng thì nhớ đừng ngủ quên trong chiến thắng, đừng ỷ lại mà làm cho con tim xơ cứng, đừng bắt Thiên Chúa phải lên tiếng nhắc nhở như Ngài đã cảnh báo dân Israel xưa: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:8-9).

Con người rất yếu đuối, thế nên luôn phải tự cảnh giác. Lý do đơn giản là “cái tôi” lúc nào cũng rình vùng lên, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, với bất cứ ai. Cứ biện hộ với những cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, GIÁ MÀ,… thì tiêu đời thôi. Tại sao vậy? Đó là kiêu ngạo, không phục thiện!

Thánh Phaolô vừa khuyên nhủ, vừa phân tích, vừa nhắc nhở: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:1-5). Ui da, thảo nào Chúa Giêsu bảo chúng ta là “vốn là những kẻ xấu” (Mt 7:11).

Vì chúng ta xấu xa nên mới “tham”, vì tham mà hóa “sân” khi không thỏa mãn, và rồi cứ miệt mài trong cõi “si”. Thật không dễ để vượt ra khỏi “tam độc” đó. Và Thánh Phaolô lại tiếp tục khuyến cáo: “Anh em ĐỪNG nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng CHỈ CÓ Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3:9-11).

Trình thuật Lc 12:13-21 cho biết lời cảnh báo về động thái “tích lũy của cải”. Cuộc sống mà cứ “bóc ngắn, cắn dài”, vung tay quá trán, cứ “xả láng sáng về sớm”, không lo tích cốc phòng cơ thì không được. Chắc chắn Thiên Chúa không cảnh báo dạng “tích lũy” này, vì đó là tiết kiệm, mà tiết kiệm là “đức tính tốt”, và hẳn là Ngài không ngăn cản mà lại khuyến khích.

Thiên Chúa cảnh báo là đừng tích lũy của cải vật chất theo kiểu tham vọng, mê tiền bạc, thực dụng đến nỗi bất chấp mọi thứ. Kiểu tích lũy này sẽ gây xung đột và tranh chấp. Rất nguy hiểm. Thế nên Ngài mới cảnh báo chúng ta phải cẩn trọng và cảnh giác!

Một hôm, có người trong đám đông đề nghị với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Ngài hỏi lại: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”. Rồi Ngài nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Thảo nào người ta bảo rằng “người giàu cũng khóc”. Khóc nghĩa là khổ. Giàu sang mà sao lại không vui? Vì không có hạnh phúc, giàu vật chất mà nghèo tinh thần, nghèo lòng thương xót.

Rồi Ngài nói với họ dụ ngôn này: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!”. Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”.

Dụ ngôn này gợi nhớ thi sĩ ngụ ngôn La Fontaine (1621-1695, Pháp). Ông có truyện thơ “Con Ve và Con Kiến” (được dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra Việt ngữ năm 1928). Chuyện kể rằng Ve suốt ngày cứ rong chơi, ca hát, chẳng lo gì cho tương lai, còn Kiến luôn cần mẫn làm việc. Mùa đông đến, Ve không còn đồ ăn nên phải sang vay Kiến, nhưng Kiến hỏi Ve làm gì khi trời nắng ráo, Ve vẫn sĩ diện và chảnh chọe trả lời: “Tôi ca hát đêm ngày, thế thì thiệt gì bác?”. Kiến thản nhiên nói: “Trước chú vui ca hát, giờ thử múa coi đi!”. Nói như vậy, Kiến cũng ngụ ý nói với Ve rằng: “Đúng là đồ ngốc!”.

Còn đối với đại gia kia, Thiên Chúa nói thẳng: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, số phận cũng như thế đó. Chúng ta cũng có những lúc lo tích trữ, không chỉ vật chất mà còn các thói hư và tật xấu khác, đôi khi chúng ta còn “hãnh diện” vì đã lừa được người này, bịp được kẻ khác, sỉ nhục được người nọ. Và cứ thế, “vốn tích lũy” khá nhiều khiến chúng ta bị “khóa chặt” trong vòng xoáy tam độc Tham-Sân-Si. Chúa Giêsu cũng đã hoặc đang nguyền rủa chúng ta là “đồ ngốc”.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, con thực sự là một kẻ ngu ngốc, xin Ngài mau phá ngu đời con. Xin giúp con biết chuyển hướng trước khi quá muộn, để con có thể tích lũy chút việc lành – mặc dù nhỏ mọn – để kịp trong Giờ Thương Xót của Ngài, trước khi Thẩm Phán Công Minh tái lâm. Con chân thành tạ ơn và cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …