Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 18BTN

Bánh Trường Sinh

Ga 6, 24 – 35b(Ga 6,24-35)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

  1. Các ngươi lại chỉ nghĩ đến bánh (Ga 6,22-27)

Khi thấy chỉ có thuyền các môn đệ đi và thuyền đó không có Chúa, dân chúng lân la bên bờ hồ, tưởng rằng Chúa còn chần chừ đâu đó. Nhưng chờ đợi một hồi mà không thấy Chúa, họ hiểu là Chúa không còn ở đó, lại có mấy thuyền đến từ Tibêria, nên họ liền xuống, đi thẳng đến Caphácnaum, và ngạc nhiên thay, họ đã thấy Chúa ở đó. Họ hỏi, nhưng Chúa không trực tiếp trả lời. Đây không phải là thì giờ để nói về những chuyện như thế. Nên Chúa nói thẳng đến điều Người muốn dậy. “Các ngươi đã thấy những điều lạ lùng. Các ngươi đã thấy ơn thánh Chúa nuôi đám đông. Các ngươi phải nghĩ đến Thiên Chúa, Đấng đã làm những việc đó. Thế nhưng các ngươi lại chỉ nghĩ đến bánh”. Tựa như Người nói “không thể nghĩ đến linh hồn khi chỉ nghĩ đến dạ dầy”. Gioan Kim Khẩu nói ‘con người gắn chặt vào những cái ở đời’. Đây là những người mà mắt không hề rời khỏi những ngõ ngách đời này để nhìn tới những gì đời sau.

Lần kia, Napoleon nói chuyện với cận thần trong đêm tối, bên cửa sổ. Nhìn bầu trời, Napoleon hỏi vị cận thần ‘có thấy những vì sao li ti kia?’ cận thần đáp ‘không’, Napoleon nói ‘đó là điều khác giữa khanh và ta’. Người chỉ nhìn đất, mới sống có một nửa. Người sống với viễn ảnh, nhìn thấy chân trời, thấy các vì sao, mới là người thực sự sống trọn vẹn. Chúa mới đưa ra đòi hỏi trong một câu “đừng hoạt động vì những của ăn hay chết, nhưng hãy hoạt động cho của ăn đời đời’.

Isaia đã hỏi xưa “sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị” (55,2). Có đói phần xác, có đói tinh thần. Vào những năm 60 sau Chúa, xã hội Rôma xa hoa tột độ. Có những bữa tiệc với óc chim công, lưỡi họa mi; giữa các món có những thuốc xổ để có thể ăn tiếp. Có những áo cưới trị giá 432.000 bảng anh. Lý do là vì lòng khao khát không gì có thể thỏa mãn. Vì thế họ phải thử hết thứ này đến thứ khác. Như Matthew Arnold đã viết: “trong phòng khách mát lạnh với cặp mắt mệt mỏi, Người Rôma quí phái ham hố lái xe hung bạo trên đường Appian; Ăn uống lễ lạy, uống mạnh rồi ăn chay; Đầu đội các thứ triều thiên lộng lẫy; thật là những giây phút vô dụng…”[1]

  1. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn sự đói khát của linh hồn

Ở đây, Chúa nói về những người Do Thái muốn thỏa mãn những khao khát thể lý. Họ đã nhận được bữa cơm no nê không tốn phí, giờ đây lại muốn nữa. Nhưng có thứ đói khát chỉ có Người mới thỏa mãn được. Đó là đói khát sự thật, sự thật của Thiên Chúa, đói khát sự sống, chỉ trong Người mới có sự sống dồi dào, đói khát tình yêu, chỉ nơi Người mới có tình yêu thắng vượt tội lỗi và sự chết. Chỉ có Chúa Giêsu có thể thỏa mãn sự đói khát lòng trí và linh hồn của con người… Tại sao? Trong câu “Thiên Chúa đã đặt con triện của mình trên Người” có nhiều ý nghĩa. H.B.Tristram trong Eastern Custom in Bible Lands có đoạn rất hay về con triện thời xưa. Đó không phải là chữ ký, nhưng là con triện. Những tài liệu buôn bán và chính trị có con triện đóng với nhẫn đóng dấu. Con triện có giá trị trong những di chúc; con triện trên bao, bảo đảm đồ chứa trong bao. Tristram nói khi ông đi đường xa, ông làm hợp đồng với những người tùy thuộc, có đóng triện. Con triện làm bằng đồ gốm, kim khí hay đồ trang sức. Trong bảo tàng viện bên Anh có những con triện của hầu hết các vua Assyrian. Con triện đóng vào đất xét rồi đất xét dính vào tài liệu. Pháp sư nói: “con triện của Thiên Chúa là sự thật”. Sách Talmud nói ‘ngày kia, đang khi Hội Đường họp (gồm những người chuyên luật); họ khóc, họ cầu nguyện, ăn chay, thì một cuốn sách nhỏ từ không rớt xuống. Họ mở ra thì trong đó chỉ có một chữ ‘Ameth’ nghĩa là sự thật. Pháp sư nói ‘đó là con triện từ Thiên Chúa’. Ameth gồm ba chữ Do Thái: aleph là vần đầu trong alphabet, min là vần giữa, và tau là vần cuối. Có nghĩa Thiên Chúa là đầu, là giữa và là cuối của cuộc đời. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu có thể thỏa mãn sự đói khát trường cửu của con người. Người là con triện của Thiên Chúa. Người là sự thật nhập thể của Thiên Chúa, mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn sự đói khát của linh hồn. [2]

3.Công việc phải làm là tin Đấng Thiên Chúa đã sai (Ga 6,28-29)

Khi Chúa nói về ‘công việc của Thiên Chúa’, người Do Thái hiểu ngay là những công việc tốt. Họ thâm tín rằng ai sống tốt sẽ được Thiên Chúa thương. Họ phân ra ba hạng người: người tốt, người xấu và người ở giữa (người làm một việc tốt nữa thì thành người tốt). Họ hiểu tốt, xấu theo số công việc. Vì thế khi hỏi Chúa, họ hy vọng Người sẽ ra số những công việc phải làm… Chúa đáp không theo số, mà là phải ‘tin’, câu nói thật cô đọng. ‘Công việc tốt là tin Đấng Thiên Chúa đã sai’. Phaolô cũng nói công việc Thiên Chúa muốn là đức tin. Thế thì tin là gì? Tin là thân mật với Chúa, thành bạn hữu, không sợ sệt, mà biết Người như một người Cha, như người bạn; tín thác, vâng lời, suy phục Người. Tin vào Chúa Giêsu là tin điều Người nói: Thiên Chúa là Cha chúng ta, chỉ thương yêu, chỉ tha thứ, không còn thù địch… sự liên hệ mới đó phát sinh một cuộc sống mới. Đó là vì ta biết Thiên Chúa là Đấng nào, ta phải đáp lại như thế.[3] 

4.Sự đáp lại nhằm ba hướng, mỗi hướng phù hợp với điều Chúa Giêsu dạy về Thiên Chúa

1.Thiên Chúa là tình yêu

Ta phải yêu thương và phục vụ đồng loại tương xứng với tình yêu và phục vụ Thiên Chúa, cũng như tha thứ tha nhân tương xứng với sự tha thứ Thiên Chúa đã tha thứ cho ta.

2.Thiên Chúa là thánh

Đời sống ta phải thánh tương xứng với sự thánh của Thiên Chúa.

3.Thiên Chúa khôn ngoan

Đời sống chúng ta phải suy phục và tín thác hoàn toàn tương xứng với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bản tính cuộc đời người Kitô hữu là mối thân tình mới với Thiên Chúa, mối thân tình Người ban và được Chúa Giêsu mặc khải, mối thân tình phát sinh lòng phục vụ, sự trinh trong và tín thác phản ảnh Thiên Chúa. Đó là công việc Thiên Chúa muốn và ban khả năng cho ta để thực hiện.[4]

5.Không phải ông Môsê đã cho các ông… mà chính là Cha tôi (Ga 6,30-34)

Đây là lời suy luận theo cách riêng của người Do Thái. Chúa Giêsu vừa tuyên bố một điều trọng đại “… không phải ông Môsê đã cho các ông… mà chính là Cha tôi…” Công việc đích thực của Thiên Chúa là tin vào Người. Người Do Thái nói “phải, xưng mình là Đấng Thiên Sai, hãy chứng minh đi”. Họ còn đang nghĩ đến phép lạ bánh hóa nhiều, nghĩ đến manna trong sa mạc. Họ khó liên kết hai sự việc. Manna luôn luôn được coi là bánh của Thiên Chúa (Tv 78,24; Xh 16,15), mà khi Đấng Thiên Sai đến, Người sẽ lại ban cho. Manna là việc lớn thời Môsê, nên Đấng Thiên Sai phải làm gì lớn hơn. “Vị cứu tinh thứ nhất ra sao thì vị cứu tinh sau cùng sẽ như thế; vị cứu tinh thứ nhất đã có manna thì vị cứu tinh sau cùng cũng phải có manna. “Các ông không thấy manna bây giờ, nhưng sẽ thấy manna sau này”. “Manna sẽ ban cho ai? Sẽ ban cho người công chính vào thời sau này. Những ai tin sẽ là người xứng đáng được ăn”. Họ tin rằng một cái bình manna được dấu trong hòm bia ở Đền Thờ đầu tiên xưa, khi Đền Thờ bị phá, Giêrêmia đã đem giấu đi, và khi Đấng Thiên Sai đến sẽ đem tới. Nói cách khác, người Do Thái muốn thách Chúa làm như thế. Chúa đáp cho biết: không phải Môsê cho manna; manna không phải bánh thật mà chỉ là hình bóng bánh thật.[5]

  1. Chính tôi là bánh trường sinh (Ga 6,35-40)

Đây là một trong những đoạn lớn nhất trong Tin Mừng thánh Gioan và thực sự của cả Tân Ước. Trong đó có hai dòng tư tưởng lớn ta phải học hỏi

6.1.Chúa muốn nói gì khi tuyên bố “chính tôi là bánh trường sinh”

Người có ý nói:

– Bánh duy trì sự sống, không bánh không thể tiếp tục sống.

– Sự sống là gì? Sự sống là cái gì hơn là hiện hữu, vật lý, thể lý. Và ý nghĩa thiêng liêng mới của sự sống là gì?

– Sự sống thật là mối liên hệ mới với Thiên Chúa, đó là tín thác, vâng lời, yêu mến như đã nói.

– Mối liên hệ đó chỉ có thể có bởi Chúa Giêsu. Ngoài Chúa Giêsu, không thể có mối liên hệ đó.

– Nghĩa là không có Chúa Giêsu, có thể có hiện hữu nhưng không có sự sống.

– Nên, nếu Chúa Giêsu là cốt cán của sự sống thì nói được Người là bánh sự sống. Sự đói khát của con người sẽ chấm dứt khi biết Chúa Giêsu và nhờ Người, biết Thiên Chúa. Linh hồn bất an sẽ được bình an, con tim đói khát sẽ được thỏa mãn.

6.2. Đoạn này cho thấy những chặng đường của người Kitô hữu

– Nhìn thấy Chúa Giêsu. Ta thấy Người trong những trang trong Tân ước, trong lời dạy dỗ của Giáo Hội, đôi khi như mặt đối mặt.

– Sau khi thấy Chúa Giêsu, chúng ta đến với Người. Ta không nhìn Người như một anh hùng ở xa, một hình ảnh trong sách vở, nhưng là một người cụ thể có thể tới gặp được.

– Tin vào Chúa. Nghĩa là nhận Chúa như một thẩm quyền tối hậu về Thiên Chúa, về con người và cuộc đời. Nghĩa là không phải đến với Chúa chỉ vì thích thú, hay người ngang hàng, mà cốt yếu là suy phục Người.

– Diễn tiến này ban cho ta sự sống. Nghĩa là ban cho ta mối liên hệ mới và đáng yêu với Thiên Chúa, Thiên Chúa nên bạn thiết của ta.

– Điều có thể này là nhưng không và phổ quát. Lời mời tới mọi người. Bánh sự sống là cho hết mọi người.

– Con đường duy nhất dẫn đưa tới mối liên hệ đó chỉ có thể qua Chúa Giêsu. Không có đường nào khác.

– Đàng sau toàn diễn tiến đó, là Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho những ai đến với Chúa Giêsu. Thiên Chúa không những cung cấp mục đích, Người còn đánh động lòng trí con người để con người khao khát Chúa. Người còn hoạt động trong lòng con người để cất đi những phản loạn, những kiêu căng. Ta không hề đi tìm Người nếu Người đã không tìm ta trước.

– Vẫn còn một điều có thể từ chối lời mời của Thiên Chúa, đó là cứng đầu thách thức. Phân tách sau cùng thì sự coi thường của con người có thể làm Thiên Chúa bất lực. Sự sống là nhận lãnh hay từ chối.[6]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta phải đặt trong bối cảnh của nó. Ðó là thời kỳ Ðức Giêsu đang được quần chúng ngưỡng mộ nhất: Ngài đi đâu dân chúng cũng đông đảo ùa theo đến đó, thậm chí họ còn muốn tôn Ngài lên làm vua khiến Ngài phải trốn đi. Nhưng họ cũng vẫn tìm ra được chỗ Ngài và sáng hôm sau lại ùa tới vây quanh Ngài và vấn đề đuợc đặt ra ở đây là tại sao quần chúng ùa theo Ngài như thế?

Thưa vì lợi lộc vật chất: Chúa đã chữa nhiều bệnh tật: mù, què, câm, điếc, cả kẻ chết Ngài cũng làm cho sống lại. Hơn nữa, Ngài lại vừa mới làm một phép lạ bánh hóa nhiều.

Chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá mà làm cho năm ngàn người ăn no. Chắc là họ nhủ thầm: giá mà có ông này bên cạnh ta mãi thì ta chẳng bao giờ sợ đói khát, cũng chẳng cần phải làm lụng cực nhọc mà vẫn luôn no đủ. Chính vì nghĩ như thế, cho nên họ mới định tôn Ngài lên làm vua. Ðức Giêsu biết ý họ nên trốn đi. Nhưng sáng hôm sau gặp lại họ, Ðức Giêsu nói thẳng với họ: “các ngươi tìm ta là vì đã được ăn no”. Rồi Ðức Giêsu muốn đưa họ lên cao hơn, Ngài nói “các ngươi hãy tìm của ăn không hư nát”.

Năm 1885 Vincent van Gogh đến viện bảo tàng Amsterdam để được ngắm một họa phẩm nổi tiếng của họa sĩ Rembrandt, bức “Cô Dâu Do Thái”. Sau khi ngắm xong, Van Gogh thố lộ: “tôi thà giảm thọ 10 năm để được ngồi hai tuần trước bức danh họa này, chỉ cần ăn bánh mì khô thôi cũng được. Thực ra, thứ mà tôi đói nhất không phải là thức ăn mà là hội họa. Mỗi khi tôi có tiền tôi liền đi săn tìm các mẫu vẽ cho tới khi nhẵn túi”.
Không phải chỉ cơ thể mới biết đói, mà con tim và tinh thần cũng biết. Cơm bánh không thể nào thỏa mãn cơn đói của con tim và tinh thần. Nuôi sống một người không giống như nuôi một con vật, chỉ cần cho nó ăn no. Chúng ta là người, chúng ta không chỉ có một thứ đói mà có hàng trăm thứ đói. Ngoài cơm bánh ra chúng ta còn đói rất nhiều thứ:
– Đói được người ta tôn trọng: không ai muốn bị coi là đồ bỏ; ai cũng muốn có người khác trọng mình, ít ra là một người.
– Đói được người ta chấp nhận: nếu không ai chấp nhận chúng ta thì chúng ta không sao thể hiện chính mình được.
– Đói những tương giao: không được tương giao với người khác thì chúng ta sẽ trở nên cô độc buồn sầu.
– Đói nguồn động viên: không có gì động viên chúng ta thì chúng ta giống như những cánh buồm không gió.
– Đói niềm tin: ai cũng cần đức tin hay ít ra là một số điều mình tin tưởng. Nếu không thì dòng đời chúng ta bị trôi dạt như những con thuyền không định hướng.
– Đói hy vọng: bao lâu con người còn hy vọng thì còn có thể làm được nhiều việc vì một khi đã mất hy vọng thì mất tất cả.
– Đói tình yêu: nếu cơn đói này được thỏa mãn thì hầu hết những cơn đói khác sẽ biến mất.
Và còn một thứ đói nữa, sâu xa nhất, hàm chứa trong mọi cơn đói khác, kể cả đói tình yêu: đó là đói sự sống đời đời.[7] Và như trong bài một hôm nay, sách Xuất Hành còn nhắc lại việc Thiên Chúa ban manna từ trời rơi xuống nuôi dân Do Thái suốt quãng đường đi về Đất Hứa và trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho dân Do Thái biết manna mà Thiên Chúa ban cho cha ông họ trong sa mạc chưa phải là bánh thật mà chỉ là biểu tượng cho thứ bánh mà Thiên Chúa sẽ ban cho loài người. Bánh thật ấy là Bánh Hằng Sống.

Đức Giêsu đã khẳng định rằng bánh ấy chính là Ngài, khi Ngài nói với họ: “chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”(Ga 6,35). Đó chính là bí tích Thánh Thể mà mà Chúa Giêsu muốn giới thiệu với chúng ta hôm nay.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy 

[1] Lm Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 450-451

[2] Lm Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 451-452

[3][3] Lm Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 452

[4] Lm Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 452-453

[5][5] Lm Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 453

[6] Lm Giuse Phạm văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Một, trg. 454-455

[7] Viết theo Flor McCarthy

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …