(GV 1,2;2,21-23; Cl 3,1-5;9-11; Lc 12,13-21)
“Anh em phải coi chừng
Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”.
Tin Mừng Luca 12,13-21:
Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? “15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!18 Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Suy Niệm:
Dụ ngôn người phú hộ ngu dại, tham lam, ham mê của cải vật chất, coi tiền bạc là mục đích của cuộc đời… dạy chúng ta bài học rất thực tế: tiền bạc, của cải vật chất không bảo đảm sự sống đời đời cho ta. Tất cả đều mau qua! Vì thế, Chúa kêu gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời, sự khôn ngoan đích thực là biết sử dụng của cải đời này để phục vụ, để mai sau được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền càng nhiều càng tốt. Nhưng tiền bạc chỉ là phương tiện tốt để phục vụ xã hội. Lòng tham lam tiền bạc, coi tiền bạc là mục đích, cứu cánh thì sẽ gây nhiều bất an trong cuộc sống. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta nhiều bài học cụ thể.
Bài đọc I, sách Giảng Viên dạy: Tất cả mọi sự kể cả tiền bạc đều mau qua, không có gì tồn tại mãi ở cõi đời này: “Phù hoa nối tiếp phù hoa. Trần gian tất cả chỉ là phù hoa”.
Thánh Phaolô khuyên tín hữu Colosê: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự”.
Phải ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa,còn các sự khác Ngài sẽ ban cho chúng ta”.
Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải dư giả mà mạng sống được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Người phú hộ trong dụ ngôn chỉ biết tích lũy của cải cho mình, chỉ biết hưởng thụ mà không biết chia sẻ cho anh em, coi đời này là thiên đàng tại thế… Đức Giêsu khiển trách người phú hộ: “Đồ ngốc, đêm nay anh chết, tiền bạc, của cải sẽ về tay ai” và Ngài kết luận “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.
Thiên Chúa muốn con người được an vui hạnh phúc, Ngài dựng nên vạn vật vũ trụ cho con người được hưởng dùng. Đức Giêsu không đề cao tiền bạc, cũng không khinh rẻ tiền bạc. Ngài muốn chúng ta phải có thái độ khôn ngoan khi sử dụng tiền bạc theo ý của Chúa là phục vụ Chúa và anh em.
Tiền bạc rất cần thiết cho đời sống con người và cho xã hội. Nhưng nó là con dao 2 lưỡi, lợi hại tùy theo mỗi người sử dụng nó vừa giúp chúng ta sống tốt, tạo điều kiện tốt cho chúng ta tiến thân: học hành, làm việc, hoạt động xã hội… Nhưng nếu ta tham lam, tôn thờ tiền bạc, ăn uống say sưa, hút xách… thì nó trở thành ông chủ xấu đưa tới những việc làm tiêu cực: tham nhũng, hối lộ, bất công, chơi bời, trác táng… Điều mà Chúa muốn chúng ta sử dụng tiền bạc đời này một cách hợp tình hợp lý để làm giàu cho đời sau, mua lấy bạn hữu, mua lấy Nước Trời, tích lũy những của cải thiêng liêng. Thánh Phaolô nói với Timôtê: “Chúng ta đã chẳng mang gì vào thế gian và chúng ta cũng sẽ không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi thế gian” (1Tm 6,7).
Vua Fréderic nước Đức giàu sang, quyền thế, khi gần chết đã để lại di chúc thật kỳ lạ: “Khi trẫm băng hà, các khanh hãy đặt ta vào quan tài và để 2 bàn tay ra ngoài”. Mọi người đều ngạc nhiên thắc mắc: Tại sao vật? Đức Vua nói: “Trẫm muốn dạy cho thần dân của ta một bài học: uy quyền, giàu có, sang trọng như ta, khi chết chỉ còn lại 2 bàn tay trắng, không đem được gì theo mình, chỉ còn tội phúc…”
Người khôn ngoan thật là người biết sử dụng tiền bạc của cải vật chất theo đúng ý Chúa: phục vụ Chúa và anh em để mua lấy Nước Trời mai sau.
Cuộc đời Kitô hữu chỉ có ý nghĩa khi biết sống chuẩn bị bước vào cuộc sống đời sau thật tốt đẹp để được hưởng hạnh phúc với Chúa.
LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM