Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

PHƯƠNG CÁCH CẦU NGUYỆN, KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

h1Kính thưa quý vị, thưa các bạn, Kinh Lạy Cha, ai cũng biết từ lớp giáo lý vỡ lòng, vì trước khi đến tuổi giáo lý, người Công giáo ấu thơ đã được cha mẹ, nhất là người mẹ truyền cho “bửu bối” đầu đời, đó là “KINH LẠY CHA”. Vâng, vì vậy Kinh Lạy Cha có thể nói là Lời Kinh sớm nhất, trước nhất, nên theo đó, quen thuộc nhất, dễ in sâu vào tâm trí nhất, nhưng, mấy ai hiểu sâu sắc nhất Lời Kinh Lạy Cha. Bởi vì, trong Kinh Lạy Cha dạy “yêu thương kẻ thù”, mặc nhiên, Kinh Lạy Cha cũng gồm tóm hai ý nghĩa căn bản, đó là “MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI”. Vâng, ”Yêu Người” ở đây không phải yêu thương chính ta mà thôi, mà là yêu thương “kẻ có nợ” chúng ta, nợ không phải là  “nợ tiền”, mà là những ai ”gây hại, làm hại” cho chúng ta. Không những “kẻ thù” ngoài ngõ, mà là chính những người thân trong gia đình, làm khổ nhau.

Trong ba điều vinh danh, tôn thờ Thiên Chúa tưởng chừng dễ hơn. Nhưng, việc tôn thờ Thiên Chúa luôn gắn liền với việc “sống đạo” với tha nhân. Tôn thờ Thiên Chúa luôn gắn liền với việc “yêu người” mới mang lại sự bình an đích thực. Nói như vậy, không phải “đặt” tha nhân trên Thiên Chúa hay “ngang bằng” Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng vâng Lời Thánh Ý Chúa Cha xuống thế làm Người, với tư cách “phàm nhân” tức Nhân Tính của Người, Người cũng “mong” cho Nước Cha mau hiển trị, có nghĩa là: mọi dân, mọi nước đều quy phục, tôn thờ Thiên Chúa, để hưởng nhờ ơn cứu độ.

Phần còn lại của con người chúng ta cầu xin cho ”lương thực đủ dùng”, không dư thừa, tích trữ. Vì, thời gian tập trung tạo ra của cải, vật chất dẫn đến dư thừa sẽ làm giảm đi việc tôn thờ Thiên Chúa. Nếu chúng ta biết cân bằng việc tôn thờ Thiên Chúa và việc tạo lập của cải vật chất, chúng ta sẽ trở nên kẻ khôn ngoan. Vì việc cân đối ấy sẽ dẫn đưa chúng ta theo đúng đường lối Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy. Vì, Chúa không dạy chúng ta bỏ việc cầu xin nhu cầu vật chất, chỉ cầu việc thờ phượng mà thôi, như thế không phù hợp với phần nhân tính phàm nhân.

Người Việt Nam có câu: “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, câu nầy có phù hợp với tinh thần Kinh Lạy Cha không? Thưa, về mặt vật chất, thì câu tục ngữ nầy có thể đúng, nhưng về mặt tinh thần, thì câu tục ngữ nầy làm cho con người sinh ra ích kỷ, như vậy, trái với tinh thần Kitô giáo. Câu tục ngữ trên đúng khi và chỉ khi, người ta nhận biết giá trị lao động, sự tiết kiệm và biết giúp đỡ người khác mà thôi.

Trở lại ý nghĩa Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy có 03 ý chính:

  • Thứ nhất: Phương cách cầu nguyện theo đúng Ý Chúa, mà chính Chúa Giêsu dạy.
  • Thứ hai: Sự kiên trì và khiêm tốn khi cầu nguyện.
  • Thứ Ba: Lòng nhân từ, tức Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Vì vậy, khi cầu nguyện, chúng ta luôn ý thức điều chúng ta “xin“, Cầu nguyện không hoàn toàn là ”xin ơn“, nhưng cầu nguyện theo tinh thần “KINH LẠY CHA” là “NÓI VỚI CHÚA và NÓI VỀ CHÚA“. Vâng, NÓI VỀ CHÚA, tức là “YÊU NGƯỜI”. Yêu người là tha thứ, và yêu mình có nghĩa là xin “cho hằng ngày dùng đủ”, tức “lương thực đủ dùng”, tức sự khiêm nhường, vì giàu có sinh ra tự kiêu, không có kẻ giàu khiêm nhường, trừ phi người ấy sống tinh thần “phúc âm”.

Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng, chính Chúa Giêsu đã giảng giải cụ thể, người đọc có thể hiểu ngay.

Bài đọc I hôm nay (St 18, 20-32) cho chúng ta thấy sự ”mặc cả” của tổ phụ Ápraham với Thiên Chúa cho dân thành Sôđôm. Sự kiên trì của Tổ phụ Ápraham nài nỉ Thiên Chúa, cho thấy từ cao đến thấp, Chúa cũng nhượng bộ ông, nhưng”LÒNG NHÂN TỪ “ của Thiên Chúa thì lớn hơn Ápraham gấp bội. Vì, Thiên Chúa nhìn thấy điều mà Tổ Phụ Ápraham không thấy được, sau cùng, dù lòng nhẫn nạị của người công chính, nhưng Ápraham không thể kiếm đủ mười người lành.Thiên Chúa đành phải xuống tay thi hành. Và rồi cũng chính như vậy, Thiên Chúa “Hứa“ ban Đấng Cứu Thế. Chúng ta thấy, qua lịch sử dân Thánh, Thiên Chúa luôn đồng hành và cao cả biết bao, khi Thiên Chúa “ ban“ Con Một cho thế gian là Đức Giêsu Kitô.

Bài đọc II, thánh Phaolo cho chúng biết qua thư Colose (Cl 2, 12-14), Đấng Cứu Thế sẽ là Hy Lễ trường cửu và duy nhất để đền bù tội lỗi chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được “xóa nợ” trần gian. Khi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa là chúng ta “mắc nợ”. Món nợ “ân tình” rất lớn đối với Thiên Chúa.

Vì, chúng ta không tự mình sinh ra, không tự mình có được sự sống, không tự mình duy trì và hiện hữu trên trần gian, mà là nhờ cha mẹ chúng ta, cha mẹ chúng ta lại nhờ ông bà chúng ta và như thế… như thế, sự sống được hiện hữu và tồn tại nhờ Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc.

Vậy, chúng ta luôn “mắc nợ” Thiên Chúa và “mắc nợ” tha nhân, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Đạo Công giáo dạy chúng ta tha nợ để khỏi mắc nợ “trần gian”. Khi, nói đến từ ”mắc nợ” đừng nghĩ đến giá trị tiền bạc, mà còn giá trị tinh thần nữa.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin tôn vinh, ngợi khen chúc tụng và cảm mến tri ân, vì chúa đã ban cho có loài người, có sự sống, có tình yêu, có ơn cứu độ của Đức Kitô, Ngôi Lời đã trở nên phàm nhân, hầu cứu độ phàm nhân. Xin cho con người mọi thời biết nhận ra” món nợ” ân tình của Cha mà đáp trả, hầu xứng đáng được gọi Cha là Thiên Chúa toàn năng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô trong sự hiệp nhất của Thần Khí đến muôn đời./. Amen

P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG