Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 17B TN

Bánh Hóa Nhiều

Ga 6,1-15b(Ga 6,1-15)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý           

Galilê dài 50 dặm từ bắc xuống nam, 25 dặm từ đông sang tây; có 204 thị trấn làng mạc, không nơi nào kém 15.000 dân, vì thế không có nơi yên tĩnh. Bên kia hồ, chỗ bề ngang rộng 8 dặm lại là nơi yên tĩnh. Bạn bè Chúa là dân chài, nên không khó để sang bên kia. Chính vì thế, Chúa muốn sang đó khi nghe tin Gioan đã chết.

1.Ba lý do để Chúa sang bên kia hồ để ở một mình

– Như một con người, Chúa muốn nghỉ ngơi

– Người không bao giờ hấp tấp để lao vào hiểm nguy

– Nhất là Thập Giá đã gần, Chúa muốn gặp Thiên Chúa trước khi đối diện với con người.

Chúa muốn nghỉ ngơi cho thể xác và sức mạnh cho linh hồn. Nhưng Chúa không được toại nguyện. Vì dễ thấy hướng con thuyền, nên khi Chúa tới bên kia, thì dân chúng đã vượt qua hồ để ở đó chờ Người. Nên Chúa đã chữa mọi người, và trước khi trời tối, Người đã cho họ ăn trước khi để họ ra về. Ít có những phép lạ mặc khải như phép lạ này.

2.Cả bốn Tin mừng đều kể (Mt 14,13; Mc 6,30; Ga 6,1). Phép lạ tỏ ra

2.1.Lòng thương cảm của Chúa

Thấy đám đông, Chúa chạnh lòng thương. Điều này thật tuyệt diệu. Người sang đây để tìm sự yên tĩnh nghỉ ngơi, thế mà lại gặp đám đông cần thiếu. Thật dễ khó chịu trong trường hợp như thế. Tại sao Người không có giờ riêng tư để nghỉ ngơi, sao cứ rầy rà mãi như vậy. Nhưng thay vì khó chịu, Chúa lại chạnh lòng thương.

Premanand, một Kitô hữu thượng lưu nổi danh, viết trong cuốn tự thuật của ông: ‘từ xưa đến nay, sứ điệp của Thiên Chúa cho thế giới không Kitô giáo vẫn là một, đó là Thiên Chúa săn sóc’. Thế nên, ta không bao giờ được quá bận đối với người khác, không bao giờ coi họ là quấy rầy. Premanand còn nói ‘kinh nghiệm riêng của tôi cho thấy bất cứ khi nào, một nhà truyền giáo, một tu sĩ đạo Ấn Độ tỏ dấu bất nhẫn, vội vàng, thì đều đánh mất cơ may, vì con chiên, tín hữu sẽ không bao giờ trở lại…’. Vì thế, đừng bao giờ đối xử với dân chúng với ánh mắt nhìn đồng hồ.

Premanad kể thêm ‘giám mục đầu tiên tại thủ đô Ấn Độ, chỉ vì hình thức sơ sót sao đó, không gặp Pandit Iswar Chandar Vidyasagar of Bengal mà bị thiệt hại. Pandit được cộng đồng Ấn Giáo ở Calcuta sai đến với mục đích thiết lập thân hữu với giám mục và Giáo Hội. Nhưng Vidyasagar, người sáng lập Đại Học Hindu ở Calcuta, nhà cải cách xã hội, nhà giáo dục thời danh, thất vọng trở về thành lập nhóm những người trí thức giầu có ở Calcuta chống lại giám mục và Giáo Hội, không cho Kitô giáo bành trướng. Câu nệ quá vào hình thức đã biến bạn thành thù’.

2.2. Chúa cho thấy mọi quà tặng đều từ Thiên Chúa

Chúa cho thấy mọi quà tặng đều từ Thiên Chúa ‘Người cầm lấy bánh, tạ ơn…’ đó là lời cảm tạ mọi gia đình Do Thái dùng. Người Do Thái nói ‘ai nhận mà không cảm tạ là ăn cắp của Thiên Chúa’. Thế nhưng, lời cảm tạ lại hiếm đối với nhau, càng hiếm đối với Thiên Chúa.

2.3.Vai trò của môn đệ ‘Chúa trao cho môn đệ và môn đệ trao cho dân chúng’

Chúa cần sự giúp đỡ của các môn đệ. Ngày nay Người vẫn còn cần: những bà mẹ nuôi con, những y tá chăm sóc bệnh nhân, những thiện nguyện chăm nuôi người vô gia cư… trong những ngày đầu tìm hiểu, Premanand gặp Bishop Whitley ở Ranchi. Ông kể ‘giám mục đọc Tin Mừng với tôi hằng ngày, đôi khi tôi đọc bằng tiếng Bengali với người và chúng tôi thảo luận bằng tiếng Bengali. Càng gần giám mục tôi càng thấy người mạc khải Chúa Kitô cho tôi. Việc làm, lời nói của người đã giúp tôi dễ hiểu những gì Chúa Kitô dạy, những gì tôi đọc trong Kinh thánh. Tôi có thị kiến mới về Chúa Kitô khi thấy tình yêu của Chúa, hy sinh và từ bỏ của Chúa trong đời sống hằng ngày của giám mục. Ngài là bức thư Chúa Kitô gửi cho tôi’. Chúa đòi ta giúp, bất kể nhiều ít, vì cũng như chỉ với 5 chiếc bánh… có thể dễ sợ và thất đảm trước đám đông như thế. Nhưng cũng có điều khác nâng cao lòng trí chúng ta. Khi Chúa bảo các ông cho đám đông ăn, các ông đáp chỉ có 5 cái bánh và hai con cá. Nhưng các ông cũng đem đến cho Chúa. Chúa Giêsu đã xếp đặt cho mỗi chúng ta một công việc là tỏ mình cho người khác, nhưng không đòi ta phải có những gì lớn lao. “Hãy đến với Thầy, dầu anh em không lớn lao. Cứ đến với Thầy, dầu anh em nghèo khó. Cứ đến như anh em có, Thầy sẽ làm anh em nên lớn”. Ít, luôn luôn là nhiều trong tay Chúa.

2.4.Chúa cho dư, nhưng không được hoang phí, phải thu góp những gì còn lại

Cũng nên nhớ phép lạ làm xưa, nay Chúa vẫn tiếp tục làm. Và Chúa ở đâu, ở đấy dân được no nê… – Chúa quan tâm đến người đói. Có lẽ thời giờ Chúa nói thì ít, mà thời giờ Chúa làm như chữa bệnh, lo cho người đói thì nhiều. – Nơi Chúa, luôn luôn có trợ giúp (Pl 4,19). Dân chúng thật sự như đoàn chiên không người chăn – Không biết đường – Không biết đồng cỏ – Không người bảo vệ.

Đây là phép lạ độc nhất, được bốn Phúc Âm thuật lại, hẳn phải có ấn tượng mạnh nơi các ông. Cỏ mọc nên phải là tháng Tư, và tháng đó, mặt trời thường lặn lúc 6 giờ, nên phép lạ xẩy ra khoảng chiều muộn. Dân ngồi từng hàng (giống những luống rau). Còn dư 12 thúng. 12 thúng đại diện 12 họ Ítraen. Hai cách phản ứng. – Cho họ về… không muốn trách nhiệm. – Chúa: các con phải cho họ ăn. Sao đủ vì ít bánh cá quá; với Chúa thì ít nhiều không quan trọng, mà là có lòng, quảng đại…

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, xin Thầy giải tán đám đông để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn, đây là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngòai tầm tay của các môn đệ, đây cũng là điều hợp lý. Tất cả đều hợp lý, nhưng lại không được Chúa chấp nhận. Chúa muốn các môn đệ phải nhận lấy trách nhiệm. Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Nhưng ở đây chúng con vỏn vẹn chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Vậy thì đem lại đây cho Thầy.

Có ít đóng góp ít, điều quan trọng là phải đóng góp phần của mình. Có ít đóng góp ít, điều quan trọng là phải bắt đầu.…và một phép lạ đã xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta phải xác nhận chắc chắn rằng: nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá của em bé kia, Chúa Giêsu vẫn có thể làm phép lạ cho hàng ngàn người ăn no nê.

Nhưng ở đây Chúa muốn cho mọi người thấy: việc hóa bánh ra nhiều không phát xuất từ số không, nhưng do sự chia sẻ đầu tiên, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhoi của một em bé. Em có thể giữ lại những chiếc bánh và mấy con cá cho riêng mình hay cho những người thân quen. Làm như thế thì chỉ một mình em hay một vài người được ăn, nhưng em đã trao tất cả cho Chúa và Ngài đã dùng quyền năng làm cho bánh và cá hóa ra nhiều cho hàng ngàn người cùng được ăn. Như vậy, năm chiếc bánh và hai con cá của em bé là biểu trưng cho sự cộng tác cần thiết để Chúa Giêsu làm phép lạ.

Anh chị em thân mến, trên vạn nẻo đường Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ những con người ấy. Chỉ cần một chút quảng đại hay một chút đóng góp của con người là đủ để Thiên Chúa thực hiện một phép lạ.

– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng sự đóng góp có thể là thời gian, sức khỏe, tiền bạc cho tha nhân, cho những người cần đến chúng ta.

– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là bớt đi một chút nóng giận, một chút ghen tương, một chút hận thù.

– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là một chút khiêm nhường, bớt đi những kiêu căng, tự mãn, những phách lối trong cuộc sống gia đình và xã hội.

– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là một chút kiên nhẫn, biết chờ đợi giờ của Chúa.

Một điều chắc chắn là ai trong chúng ta cũng mong muốn những phép lạ, bởi vì phép lạ luôn làm chúng ta ngạc nhiên, phép lạ luôn làm chúng ta phấn khởi, phép lạ luôn mang lại cho chúng ta những niềm vui.

Vậy tại sao chúng ta không chuẩn bị để mỗi ngày phép lạ đến với gia đình chúng ta?

Chắc chắn những phép lạ liên tục sẽ xảy ra trong gia đình chúng ta, trong xứ đạo chúng ta và trên quê hương thân yêu chúng ta.

Nếu trong gia đình, người cha biết đóng góp của mình

         Nếu trong gia đình, người mẹ biết đóng góp phần của mình

           Nếu trong gia đình, người con biết đóng góp phần của mình.

Đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua phép lạ với năm chiếc bánh và hai con cá Chúa đã cho năm ngàn người ăn no.

Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người. Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông.

Biết ông đang toan tính bỏ cuộc trở về đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: “ngươi đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? ngươi hãy ở lại đây và xin Chúa cho ngươi thêm lòng khiêm nhường…”

Được lời của sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững vàng rằng mỗi một giây phút qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN