Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVII Thường Niên, năm B, của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVII Thường Niên, năm B, của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 17 TN B

2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15

CHIA SẺ TẤM BÁNH TÌNH NGƯỜI

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 6,1-15.

ga6115A(1) Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển hồ Ti-bê-ri-a. (2) Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. (3) Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. (4) Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do thái. (5) Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-lip-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” (6) Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. (7) Ông Phi-lip-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. (8) Một trong các môn đệ là ông An-rê, anh ông Si-mon Phê-rô, thưa với Người: (9) “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu ?”. (10) Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta nằm ngả xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. (11) Vậy Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. (12) Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (13) Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. (14) Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” (15) Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

  1. Ý CHÍNH: Đức Giê-su chứng tỏ là Mô-sê Mới khi làm phép lạ nhân năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi dân chúng ăn no, giống như trong thời kỳ Xụất hành, Mô-sê đã làm phép lạ nuôi dân Ít-ra-en trong sa mạc bằng man-na từ trời rơi xuống. Phép lạ nhân bánh ra nhiều là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Đức Giê-su sẽ thiết lập trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua trước cuộc khổ nạn.
  2. CHÚ THÍCH:

– C 1-4: + Biển hồ Ga-li-lê: Gọi là Ga-li-lê vì Biển Hồ này nằm ở xứ Ga-li-lê, miền Bắc nước Pa-lét-ti-na. Cũng gọi là Biển hồ Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1), vì vào năm 26 vua Hê-rô-đê An-ti-pa đã cho xây thành phố Ti-bê-ri-a ở gần Biển Hồ này, rồi người ta dùng tên thành đó để gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Ngoài ra, Biển Hồ còn có tên là Ghen-nê-xa-ret (x. Lc 5,1). + Sắp đến lễ Vượt Qua là dại lễ của người Do thái: Lễ Vượt Qua kỷ niệm việc dân Do thái được thóat khỏi ách nô lệ cho dân Ai Cập, và được trở về miền Hứa Địa là xứ Ca-na-an (x. Xh 3,17), nơi Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham và dòng dõi đến muôn đời (x. St 12,1).

– C 5-7: + Người hỏi ông Phi-lip-phê: Sở dĩ Phi-lip-phê được Đức Giê-su hòi vì ông là người dân địa phương. + Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?: Qua câu này, ta thấy Đức Giê-su việc rao giảng Tin Mừng, còn quan tâm cả đến nhu cầu thể xác của đám đông dân chúng và tìm cách đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy. + Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi: Thời kỳ Xuất hành, Đức Chúa đã nhiều lần thử thách sự trung thành của dân Ít-ra-en, xem họ phản ứng thế nào khi gặp những hoàn cảnh khó khăn. (x. Xh 16,4;17,1-7). Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi hỏi Phi-lip-phê kiếm đâu ra bánh cho đám đông, Đức Giê-su muốn thử xem ông có tin vào quyền năng của Người trong hoàn cảnh khó khăn này không ? Còn Người thì đã dự tính sẽ làm gì rồi. + “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút: 200 đồng là một số tiền lớn, tương đương với 200 ngày công lao động, vì lương công nhật thời bấy giờ là một đồng (x. Mt 20,2.9).

– C 8-9: + An-rê anh ông Si-mon Phê-rô thưa với Người: An-rê có lần đã dẫn đưa em mình là Si-mon đến giới thiệu với Đức Giê-su (x. Ga 1,42). Lần này ông cũng đã phát hiện ra một em bé trai có mang thực phẩm theo và dẫn em đến giới thiệu với Đức Giê-su. + “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá: Bánh lúa mạch là loại bánh mì rẻ tiền, làm bằng lúa mạch, là thức ăn dành cho gia súc. Đây là bánh của những người thật nghèo. Cá của em nhỏ mang theo là loại cá nhỏ ướp muối. Vì thời đó người ta chưa có phương tiện bảo quản cá tươi lâu được. Cá muối là món ăn bình dân của dân chài lưới ven bờ Biển Hồ. + “Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !”: Nói lên sự bất lực của các tông đồ trước nhu cầu lớn lao của dân chúng đang đói và cần được ăn no.

– C 10-11: + Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi: Nằm ngả xuống hay ngồi xuống cách thoải mái là tập tục nằm nghiêng khi ăn uống của vùng Cận Đông. Theo Mác-cô, việc người ta ngồi thành từng nhóm một trăm hay năm mươi (x Mc 6,40), không những tiện lợi cho việc phân phát bánh theo thể thức Mô-sê đã làm trong cuộc Xuất Hành (x. Xh 18,21.25), mà còn nói lên tinh thần hiệp thông phải có, khi tham dự bữa tiệc Thánh Thể sau này (x. 1 Cr 11,18-21). + Chỗ ấy có nhiều cỏ: Đất có nhiều cỏ cho thấy khi ấy đang trong mùa xuân, là thời gian mừng lễ Vượt Qua của Đạo Do thái. Cây cỏ xanh tươi gợi lên hình ảnh Đức Giê-su là vị Mục tử nhân lành (x. Ga 10,11). Người dẫn đàn chiên Ít-ra-en Mới đi đến cánh đồng cỏ xanh tươi, để họ được ăn uống no nê và được sống dồi dào (x. Tv 23,1-3; Ga 10,10). + Vậy Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó: Trong Tin Mừng Nhất Lãm (gồm 3 Tin Mừng của Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca), Đức Giê-su trao bánh và cá cho môn đệ để họ đi chia cho dân chúng (x. Mt 14, 19; Mc 6,41; Lc 9,16). Còn trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su tự phân phát bánh đã được nhân ra nhiều cho dân chúng. Việc Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát là những cử chỉ Người sẽ làm trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua để thiết lập bí tích Thánh Thể (x Mt 26, 26). Như vậy, phép lạ nhân bánh ra nhiều này là hình bóng của bí tích Thánh Thể sau này.

– C 12-13: + No nê: Theo Hy ngữ cổ, từ “no nê” chỉ việc cho súc vật ăn rơm. Khi dùng cho người thì có nghĩa là ăn no đến phát ngán !  + “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”: Tạo sao có nhiều miếng bánh thừa như vậy ? Theo phong tục Do thái, khi ăn tiệc người ta có thói quen để lại chút gì cho các tôi tớ phục vụ bàn ăn. Số bánh thừa là mười hai giỏ đầy do mười hai tông đồ thu lượm.

– C 14-15:  + Hẳn ông này là vị Ngôn sứ: Vị Ngôn sứ nói đây đã được Mô-sê đề cập đến như sau: “Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi rằng: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ giống như ngươi, để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì ta truyền cho người ấy “ (Đnl 18,17-18). + Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình: Người Do thái đang bị người Rô-ma cai trị và họ khao khát trông mong Đấng Thiên Sai đến để làm vua của họ và cầm quân giải phóng họ khỏi ách đô hộ. Họ đã nhiều lần khởi nghĩa và đều bị quân Rô-ma đàn áp giết hại rất dã man. Đức Giê-su hiểu rõ sứ mạng của Người không nhằm làm vua trần thế như ước muốn của người Do thái, nên Người đã lánh lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa.

4.CÂU HỎI:

1) Xưa vào thời kỳ Xuất Hành, Mô-sê đã nuôi dân Ít-ra-en trong suốt thời gian đi trong sa mạc 40 năm để về Đất Hứa, bằng Man-na từ trời rơi xuông, thì nay Đức Giê-su làm gì để nuôi dân Ít-ra-en Mới trên đường lữ hành về Đất Hứa Thiên Đàng đời sau ?

2) Tại sao Biển Hồ được mang tên là Ga-li-lê hay Ti-bê-ri-a ?

3) Lễ Vượt Qua là lễ của đạo Do thái hay đạo Công giáo ? Kỷ niệm biến cố nào trong lịch sử Ít-ra-en ?

4) Tại sao Đức Giê-su lại hỏi Phi-lip-phê chổ để mua bánh cho dân chúng ? Chúng ta có thể rút ra bài học gì qua câu hỏi của Người ? Đức Giê-su hỏi Phi-lip-phê nhằm mục đích gì ?

 

II.SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Người hỏi Phi-lip-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”(Ga 6,5).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) PHẢI THỂ HIỆN ĐỨC ÁI CÁCH CỤ THỂ:

Năm 1634, Thánh Vinh Sơn họp một số các bà đạo đức để cùng nhau sống đức bác ái theo Lời Chúa dạy. Các bà ngồi lại với nhau bàn cãi để tìm ra phương cách họat động. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp bàn sôi nổi mà kết quả chẳng đi đến đâu. Một hôm, trong lúc họ đang bàn cãi, thì thánh Vinh Sơn từ bên ngoài bước vào phòng họp, trên tay mang theo một vật được gói trong tấm khăn vải. Ngài đặt chiếc gói xuống giữa bàn họp. Thì ra đó là một bé gái mới sinh được khỏang ba ngày, bị bỏ lại bên cạnh đống rác mà ngài mới lượm được. Thánh nhân nói: “Các bà muốn làm việc bác ái thì đừng nói nhiều nữa mà hãy làm những việc cụ thể. Các bà hãy bắt tay làm việc nuôi trẻ bị bỏ rơi này ngay đi !”. Dòng Bác Ái Vinh Sơn ra đời từ ngày đó.

2) QUẢNG ĐẠI CHIA SẺ TẤM BÁNH TÌNH NGƯỜI:

Có hai anh em nhà kia áo quần rách nát đang dùng cây sắt bới móc đống rác ở bãi rác trung chuyển cạnh một con đường nhỏ. Bỗng mắt hai đứa sáng lên khi thấy một miếng bánh kem từ trong chiếc xe hơi đậu gần đó vất xuống lề đường. Thằng anh vội chạy đến nhặt lên, nhưng chiếc bánh đã bị lấm đất không thể ăn được. Đứa em gái nuốt nước miếng nói với anh: “Anh phải thổi cho cát bẩn bay đi đã rồi anh em mình mới có thể ăn được”. Thằng anh liền phùng má thổi mạnh vào chiếc bánh cho đất cát bay ra. Nhưng cát bẩn đã dính sâu vào bánh, thổi thế nào cũng không chịu văng ra. Con em  sốt ruột cũng ghé miệng thổi và lỡ tay đụng vào tay của anh khiến chiếc bánh bị rơi tòm xuống chiếc rãnh hôi hám ven đường. Thằng anh tiếc của trách em gái: “Tại em đó. Em đã  đụng vào tay anh làm cho chiếc bánh bị rơi xuống cống rồi. Bây giờ lấy gì ăn đây ?”. Nhưng rồi khi thấy vẻ mặt buồn bã của em, nó liền an ủi em: “Ừ, lỗi tại anh! Nhưng may là kem vẫn còn dính vào tay anh nè. Cho em mút kem trong ba ngón, còn anh chỉ mút hai ngón còn lại thôi!”

Câu chuyện nói trên không biết thực hư đến đâu? Nhưng câu chuyện cũng cho thấy trong đời thường có những người giàu vất bỏ đồ ăn đi. Còn nhiều kẻ nghèo lại phải bòn nhặt những miếng bánh ấy. Là tín hữu môn đệ Đức Giê-su, chúng ta cần làm gì cụ thể để giúp những người nghèo khổ bất hạnh trong xã hội hôm nay?

3) TÌNH YÊU THỰC SỰ THỂ HIỆN QUA HÀNH ĐỘNG QUẢNG ĐẠI CHIA SẺ:

Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã kể lại câu chuyện cảm động này: Một lần kia có một người đàn ông đến tìm tôi và nói: “Thưa Mẹ, có một gia đình Ấn Giáo, 8 đứa con, đã nhịn ăn mấy ngày rồi. Xin Mẹ cho họ một cái gì đi”. Tôi liền lấy ít gạo rồi theo ông đến thăm gia đình ấy. Khi tới nơi, tôi thấy rõ hình ảnh cơn đói hằn trên những khuôn mặt trẻ thơ gầy guộc. Tôi trao gạo cho bà mẹ. Bà chia số gạo tôi mang tới thành hai phần, và đi ra ngoài. Khi trở về, tôi bèn hỏi: “Chị đi đâu vậy?” Chị đáp: “Họ cũng đói lắm”. Họ đây là một gia đình Hồi giáo hàng xóm bên kia đường, và cũng đông con như nhà chị. Điều làm tôi cảm động không phải là việc chị đem cho gạo, mà chuyện chị ta biết họ đang đói. Vì biết thế, nên chị đã muốn chia sẻ phần gạo ít oi của mình cho họ. Tình yêu cảm thông chia sẻ ấy của chị thật đẹp và cụ thể biết bao!

4) PHÉP LẠ NHÂN RỘNG TÌNH NGƯỜI CỦA MẸ TÊ-RÊ-SA CA-QUÝT-TA:

Ngày kia có một phụ nữ trung niên đến với những người nghèo khổ tại Ấn Độ. Nhìn thấy tình cảnh bi đát của họ, bà tự nhủ: Mình phải làm một điều gì đó mới được. Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn dơ dáy. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm đám con nít đem về dạy dỗ chúng. Bà dùng căn nhà cũ ấy làm phòng học dù không có lấy một chiếc bàn, một chiếc ghế. Bà dùng sàn nhà làm bảng viết. Đó là phương thế bà đã sử dụng để chiến đấu chống lại sự nghèo dốt. Và đó cũng là câu trả lời cụ thể nhất mà bà có thể thực hiện để giúp đỡ người nghèo. Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ trung niên này? Hiện nay, bà đã có tám mươi trường học được trang bị đầy đủ. Năm trăm nhà phát chẩn lưu động hiện đại. Bảy mươi bệnh viện cho người cùi. Ba mươi nhà chăm sóc kẻ hấp hối. Ba mươi viện chăm sóc những trẻ em bị bỏ rơi và hơn bốn mươi ngàn người tình nguyện trên khắp thế giới sẵn sàng cộng tác với bà. Người phụ nữ đó không ai khác hơn chính là mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta.

Mẹ Tê-rê-sa đã trao cho Chúa bánh và cá là số tiền ít oi ban đầu của bà để Người nhân chúng gia tăng lên gấp bội vượt quá mọi điều mẹ mơ ước.

 

 

  1. THẢO LUẬN: Chúng ta cần làm gì để giúp người nghèo đói có đủ cơm ăn áo mặc, người đau liệt có thuốc men chữa trị, trẻ em mồ côi được quan tâm chăm sóc, anh em dân ngoại được nghe giảng Tin Mừng để tin theo Chúa được hưởng ơn cứu độ?
  2. SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su như Mô-sê Mới, đã nhân bánh ra nhiều, bánh Man-na Mới là Thánh Thể, lương thực nuôi dưỡng đức tin của dân It-ra-en Mới là Hội Thánh, trên đường lữ hành qua sa mạc trần gian để về Đất Hứa Nước Trời đời sau. Qua trình thuật phép lạ này, chúng ta có thể rút ra được một số bài học về cách thức thể hiện đức tin giữa đời thường như sau:

1) Trách nhiệm cộng tác trong sứ vụ cứu độ loài người:

Dĩ nhiên một mình Đức Giê-su cũng có thể làm được phép lạ ban bánh từ trời để nuôi đám đông dân chúng đang đói, giống như Đức Chúa đã ban Man-na từ trời để nuôi dân Ít-ra-en thời kỳ Xuất Hành. Nhưng hôm nay Đức Giê-su còn muốn các môn đệ cộng tác với Người trong sứ mệnh cứu nhân độ thế của Người, nên đã nói với Phi-lip-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”  Phi-lip-phê cho thấy sự bất lực của mình trước nhu cầu lớn của đám đông: “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Tuy nhiên Đức Giê-su biết Người sắp phải làm gì. Người biết rõ khả năng giới hạn của môn đệ, nhưng Người lại muốn các ông cộng tác với hết khả năng của mình.

Cha Gio-an Ma-ri-a Vi-an-ney cũng đã kể một câu chuyện cho biết lý do tại sao con người cần cộng tác với Chúa trong sứ vụ cứu nhân độ thế:

Một buổi chiều nọ, Chúa Giê-su và ông Phê-rô cùng rảo bước trên con đường làng. Hai vị gặp một người nông dân đang đánh chiếc xe bò cũ kĩ. Chiếc xe chở nặng và đã bị sa lầy trong đống bùn. Người nông dân này khá đạo đức: Ông bước xuống xe, sấp mình sát đất và xì xụp khấn cầu Chúa giúp đưa chiếc xe ra khỏi vũng lầy. Ông cứ cầu khẩn mãi, mà chiếc xe vẫn đứng nguyên tại chỗ. Bấy giờ Đức Giê-su liền nói với Phê-rô “Thôi chúng ta hãy đi. Cứ mặc kệ hắn”. Khi Thầy trò đến cuối làng, lại cũng gặp một tình huống tương tự. Lần này gã đánh xe bò là một thanh niên khuôn mặt bặm trợn. Khi xe bị sa lầy, anh ta liền nhảy xuống xe và ra sức đẩy chiếc xe ra khỏi vũng lầy, miệng không ngớt văng tục chửi thề. Nhưng Đức Giê-su lại bảo Phê-rô: “Con hãy đến phụ giúp hắn một tay”. Rồi nhờ được trợ giúp, anh thanh niên đã sớm đẩy được chiếc xe bò ra khỏi vũng lầy. Về đến nhà, Phê-rô hỏi lý do tại sao Chúa lại không giúp người có lòng đạo đức cầu xin Chúa mà lại giúp kẻ ăn nói bặm trợn, thì Người đã trả lời như sau: “Ta không giúp những kẻ ỷ lại, mà chỉ giúp những ai biết cố gắng làm việc”.

Câu chuyện cho thấy: Chúa ban cho mỗi người chúng ta trí khôn để suy nghĩ, tay chân để làm việc và thêm nhiều tài năng khác nữa để sử dụng. Dù sức ta yếu đuối, nhưng nếu ta thành tâm vừa làm việc vừa cầu nguyện, thì Chúa sẽ ban ơn trợ giúp như Người đã hứa giúp Phao-lô chống lại cơn thử thách cám dỗ của ma quỷ: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

2) Chúa cần ta cộng tác với Người trong việc ban ơn cứu độ loài người:

An-rê đã đưa một em bé đến và thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu ?”. Tuy nhiên, Đức Giê-su chỉ cần thiện chí của ông, thể hiện qua việc ông đi tìm kiếm và đã dẫn một em bé có mang theo bánh và cá đến với Người. Từ số bánh và cá ít oi này, Đức Giê-su đã nhân ra nhiều cho năm ngàn người ăn no mà còn dư được 12 thúng bánh vụn.

Đức Giê-su đã không biến hoá thành một đống bánh và cá để cho người ta đến lấy. Người đã trao bánh và cá cho các môn đệ để các ông này đến chia sẻ cho từng nhóm người hiện diện. Rồi người nhận được bánh và cá lại tiếp tục bẻ ra và chia sẻ cho người bên cạnh. Ngày nay Chúa cũng muốn chúng ta thể hiện đức Tin bằng hành động bác ái cụ thể tuỳ theo khả năng của mình, như lời Chúa trong thư Gia-cô-bê: “Ai bảo rằng mình có đức Tin mà không hành động theo đức Tin thì nào có lợi ích gì ? Đức Tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”. Nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi ích gì?  Cũng vậy, đức Tin không có hành động thì quả là đức Tin chết” (x. Gc 2,14-17). Vậy trong những ngày này, chúng ta sẽ làm gì thể hiện đức Tin để phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh và bị bỏ rơi… ở gần ngay bên chúng ta?

3) Tiết kiệm trong cách chi dùng:

Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”.

Ngày nay nhân lọai vẫn tồn tại hai lọai người là người giàu có dư dật và kẻ nghèo khó túng thiếu như người ta thường nói: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra !”. 80% của cải trên trái đất đang nằm trong tay 20% người giàu. Còn hơn 700 triệu người không đủ cơm ăn áo mặc và một phần ba trẻ em ở lục địa đen (Phi châu) đang bị suy dinh dưỡng cần được trợ giúp. Qua việc ra lệnh cho môn đệ thu lại những miếng bánh thừa, Đức Giê-su muốn các tín hữu chúng ta hãy biết trân trọng của cải Chúa ban, mà chúng ta chỉ được trao quyền quản lý. Cần phải chi tiêu tiết kiệm để có điều kiện chia sẻ cho những người nghèo khó hơn mình. Vậy trong những ngày này tôi sẽ làm gì để dành tiền giúp đỡ các anh chị em nghèo khó đang ở gần bên nhà mình? 

4) Đừng bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ tha nhân:

Vào một đêm đông lạnh giá. Một lão ăn mày đến gõ cửa nhà một người giàu có trong làng. Khi thấy lão ăn mày đang đứng co ro run rẩy trong chiếc áo lá rách tả tơi đứng trước nhà. Dù biết lão đang bị lạnh, nhưng ông đã không cho lão vào nhà sưởi ấm để tránh bị phiền hà, mà chỉ cho ít tiền lẻ để lão mau rời sang nhà khác.

Hôm sau, người ta đã phát hiện một thi thể chết đang nằm dưới đống tuyết ở đầu làng. Người bị chết rét không ai khác hơn là lão ăn mày mới đến ăn xin trong làng. Nghe tin về cái chết thương tâm của lão ăn mày, ông nhà giàu đã bị lương tâm cáo trách vì đã bỏ qua cơ hội cứu giúp một người nghèo khổ sắp chết.

Bỏ lỡ cơ hội làm việc thiện chính là thiếu sót phổ biến của nhiều người trong chúng ta. Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều cơ hội để giúp đỡ tha nhân. Đừng bỏ lỡ cơ hội khi ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi bất hạnh của tha nhân gặp phải trong cuộc sống.

5) Cần đáp ứng nhu cầu của tha nhân cả về thể xác cũng như tâm hồn:

Con người cần có của ăn vật chất để duy trì và phát triển về thể xác, nhưng cũng cần của ăn thiêng liêng để giúp họ nhận được ơn cứu độ của Chúa. Của ăn thiêng liêng đó chính là Lời Chúa và Thánh Thể Chúa.

Mỗi lần dự lễ, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa trong phần phụng vụ Lời Chúa, và dọn mình đón nhận Mình Thánh Chúa trong phần Phụng Vụ Thánh Thể. Sau Thánh lễ, chúng ta hãy mang Chúa đến chia sẻ cho tha nhân trong gia đình, khu xóm, trên đường phố và nơi sở làm… để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian như Chúa đã trao cho Hội Thánh trước khi lên trời.

5.LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết quảng đại, biết mở rộng con tim để giúp giải quyết những khó khăn bất hạnh của tha nhân. Phần đóng góp của chúng con có thể chỉ tầm thường nhỏ bé. Chẳng hạn như nở một nụ cười cảm thông với người đau khổ, trao một ly nước lã hay một chén cơm cho người đói khát, một manh áo cũ cho người không có áo che thân, một lời động viên an ủi cho người đang bị hiểu lầm và đối xử bất công, một sự khoan dung tha thứ cho kẻ đang thù ghét làm hại chúng con… Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa trong sứ vụ cứu rỗi anh em. Xin cho chúng con mỗi ngày làm vui lòng một người, mỗi ngày làm ít nhất một việc thiện…, để trở thành tông đồ giáo dân nhiệt thành, làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.   

HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN