CN 17A TN
Kho Báu Trong Ruộng
(Mt 13,44-52)
Kho báu trong ruộng thời Chúa Giêsu
Người Do Thái thời Chúa Giêsu hẳn không xa lạ gì với khái niệm kho tàng chôn giấu trong lòng đất.
Lịch sử nước Palestina từng ghi nhận nhiều bước xâm lăng của các đế quốc Babylon, Assyria, Ba Tư, Hy Lạp, Rôma và nhiều sắc tộc khác.
Không những thế, nội chiến cũng thường xuyên xảy ra. Trên dải đất từng bị mất đi chiếm lại nhiều lần như thế, chuyện chôn giấu tài sản là việc đương nhiên đối với dân thời lọan.
Thế nhưng làm sao tránh khỏi trường hợp chủ nhân không may mất mạng trên đường di tản, hay có người không thể nhớ ra chỗ chôn giấu, hoặc vùng đất bị giặc chiếm đóng lâu ngày.
Điều này khiến cho không ít người tình cờ đào được những kho tàng quí báu ngay trên mảnh đất nhà mình. Và theo luật thời đó, ai làm chủ vùng đất nào sẽ được quyền sở hữu mọi thứ nằm trong vùng đất đó.
Đức Giêsu dùng khái niệm thông thường này để nói về Nước Trời: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó”.
Điều quan trọng là người này đã thấy đó là một kho tàng, mà kho tàng này thật quí giá, nên anh mới đem bán hết tài sản để mua thửa ruộng đó. Nếu anh không thấy được giá trị của kho báu, chắc chắn anh đã không làm như vậy.
2.Những bước đi cần thiết để chiếm được kho báu
2.1.Chúng ta coi thường vì không biết giá trị đích thực của kho báu
Người ta có kể lại câu chuyện như sau: Vincent Van Gogh là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Một hôm ông bệnh nặng và phải đi bác sĩ. Sau một thời gian điều trị lâu dài, ông khỏi bệnh, nhưng vì không có tiền trả cho bác sĩ, nên Van Gogh đã cố gắng vẽ một một bức tranh để tặng bác sĩ. Nhưng bác sĩ này không thích hội họa nên cũng chẳng biết thưởng thức bức tranh. Ông dùng bức tranh đó làm tấm chắn cửa sổ. Với thời gian, nắng mưa đã làm cho bức tranh ấy hư hao dần và cuối cùng đã mục nát.
Về sau, người ta thu thập những bức tranh của Van Gogh. Mỗi bức trị giá hàng trăm ngàn đôla. Nhưng có một bức tranh không thể tìm được, đó chính là bức tranh Van Gogh đã tặng cho vị bác sĩ. Một bức tranh vô giá, nhưng nó đã thành vô giá trị đối với vị bác sĩ này.
2.2.Khi đã nhận ra kho báu phải biết buông bỏ những giá trị khác không quí bằng giá trị của kho báu
Muốn bắt khỉ, người ta cho quả táo vào cái lu, miệng nhỏ, chỉ để vừa tay con khỉ thò vào, đầu kia gắn vào gốc cây, rồi người ta ngồi rình chờ. Khỉ đến thấy quả táo ngon thì thò tay vào lấy nhưng không rút tay ra được vì vướng miệng ống. Muốn rút tay ra được thì phải buông quả táo ra, nhưng con khỉ không biết buông quả táo ra mà cứ nắm chặt lấy nó mà la hét. Người ta chỉ việc đến tóm cổ chú khỉ.
Con khỉ thật dại dột, không biết buông quả táo ra để có thể rút bàn ta ra khỏi lu mà cứ khư khư giữ lấy quả táo thì không bao giờ có thể rút tay ra được. Con khỉ không biết bỏ cái nhỏ mà chọn lấy cái lớn, không biết bỏ quả táo đi mà giữ lấy bản thân.
2.3.Điểm cuối cùng là quyết tâm theo đuổi
Đức Hồng y Martini thường kể lại câu chuyện sau đây: Có người đến gặp một vị ẩn tu trong sa mạc và hỏi:”Thưa cha, cha là người có nhiều kinh nghiệm, xin cha giải thích cho con rõ, tại sao có nhiều người trẻ vào tu trong sa mạc này, nhưng sau đó lắm người lại bỏ về, và có ít người bền đỗ”.
Khi ấy, vị ẩn tu mới trả lời:” Chuyện này giống như chuyện một con chó đuổi theo con thỏ, vừa đuổi vừa sủa inh ỏi. Nhiều con chó khác nghe nó sủa và thấy nó chạy, liền chạy theo. Chẳng bao sau những con chó này đều mệt lả và ngừng lại. Chỉ có con chó đầu tiên lúc nào cũng tiếp tục chạy cho đến khi bắt được con thỏ.”
3.Điểm quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay “ai là người chỉ cho chúng ta biết kho báu đó là Nước Trời”
Để nhận ra kho báu phải có người chỉ dẫn đưa đường qua câu chuyện “Ngọc bích nhà họ Hòa”.
Nước Sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hoà là nói dối, sai chặt chân trái.
Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa là nói dối, sai chặt nốt chân phải.
Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hoà thưa:”Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là “Ngọc bích họ Hòa”.[1]
Chúa Giêsu là người thợ ngọc trong câu chuyện. Chính Chúa Giêsu đã nhập thể, nhập thế và bằng cái chết của Người, Người đã mạc khải cho chúng ta Nước Trời chính là một kho báu quí giá nhất trên thế gian này.
Lạy Chúa Giêsu,
Nước Trời là một kho báu tuyệt vời đang ẩn giấu trong những dụ ngôn trong Tin Mừng, nhưng tiếc thay, chúng con chẳng hay biết nên đã tỏ ra dửng dưng, hờ hững với kho báu ấy. Xin cho chúng con biết giá trị của Nước Trời để rồi quyết tâm khám phá cho bằng được và sẵn sàng đầu tư không quản ngại phí tổn về thời giờ và công sức để chiếm được kho báu ấy, vì một khi sở hữu được kho báu vô giá ấy, cuộc đời chúng con sẽ được cải thiện, xã hội sẽ hạnh phúc và tương lai của nhân loại sẽ bừng sáng. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, trg. 144