(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13-Mt 6,9-15)
“Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Tin Mừng Luca 11,1-13:
1 Ngày kia,Chúa Giê-su cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông.”2 Người nói với các ông:
“Khi các con cầu nguyện, hãy nói: “Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sang. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.”
Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: “Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh,6 vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy”; Vàtừ trong nhà có tiếng người ấy đáp: “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được” Thầy bảo các con, dù người ấy không dậy vì tình bạn để để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kiamà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho.10 Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
Người Cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó bò cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người “
Suy Niệm:
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời kinh của Chúa Giêsu “Kinh Lạy Cha” và cho chúng ta lời khuyên khi cầu nguyện phải kiên trì trong niềm tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa “Hãy xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa sẽ mở cho”.
Chỉ có hai Thánh sử Matthêu và Luca ghi lại lời kinh của Chúa Giêsu. Bản kinh Lạy Cha chúng ta đọc trong Thánh lễ và bản văn tường thuật của Mt 6,9-15, có sự khác biệt với Lc 11,2-4. Tin mừng Matthêu được viết cho Kitô hữu gốc Dothái, Matthêu nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu là sự hoàn tất của Thánh Kinh và thánh kinh là những biến cố lịch sử của dân Dothái; Thánh sử Luca viết cho các kitô hữu gốc dân ngoại, đa số là thành phần nghèo, bị bỏ rơi trong xã hội. Do đó lời kinh ngắn và dễ hiểu, ít chi tiết hơn. Hơn nữa lời kinh có vẻ gần gũi và chính xác với những lời rao giảng của Chúa Giêsu. Thánh Luca nhấn mạnh đến tình thương của Thiên Chúa đối với mọi người, không phân biệt Dothái hay dân ngoại. Tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương.
Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba “Cha ơi” (Rm 8,14-15). Đây là chân lý mặc khải căn bản cho niềm tin Kitô giáo: Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Đức Giêsu muốn chúng ta kính mến và tôn thờ Thiên Chúa với tình thương của người con thảo, tương quan phụ tử. Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay “Kinh Lạy Cha” là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất, bởi lời kinh phát xuất từ trời, nên được gọi là lời kinh của Chúa.
Sách GLHTCG số 2761 dạy “Kinh Lạy Cha” là bản tóm tắt toàn bộ tin mừng, là lời cầu nguyện tuyệt hảo, kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm bài giảng trên núi (Mt 5,7) và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện (GLHTCG số 2761).
Thánh Thomas Aquinô gọi: “Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất”. Tertuliano nói “Kinh Lạy Cha là bản văn tóm tắt toàn bộ Tin mừng”. Tin mừng về Thiên Chúa là Cha và chúng ta có thể nài xin cùng Ngài tư cách là con.
Qua “lời kinh của Chúa” chúng ta tìm thấy những tâm tình cầu nguyện mẫu mực:
1.Tâm tình thờ phượng và tạ ơn
Khi chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên trời” chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, là Đấng Tối Cao. Chúng ta được gọi là con trong gia đình của Thiên Chúa do tình thương vô điều kiện của Chúa dành cho ta. Vì thế tâm tình của ta là tâm tình biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa suốt đời “Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa”.
- Tâm tình cầu xin.
Đối tượng của lời cầu xin của chúng ta được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: danh Cha cả sang, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện, và sau cùng mới là nhu cầu của cuộc sống “hôm nay lương thực hằng ngày”.
- Tâm tình sám hối và tha thứ.
Chúng ta nhìn nhận những thiếu sót tội lỗi của mình và cần đến lòng thương xót nhân từ của Thiên Chúa “và tha nợ chúng con”. Đồng thời phải tha thứ lỗi lầm cho anh em như điều kiện để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12; Lc 6,36).
- Quyết tâm xa tránh tội lỗi.
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Tâm hồn cầu nguyện đích thực phải dẫn đến việc canh tân đời sống, sửa sai để trở nên tốt hơn, như thánh Têrêxa Avila đã nói:
“Cầu nguyện mà không dẫn đến sự thay đổi đời sống thì chưa phải là lời cầu nguyện thành thật” (Mt 7,21).
Tiếp theo lời cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy một nguyên tắc căn bản: Phải cầu nguyện kiên trì và liên tục (1 Tx 5,17; Lc 6,12;18,1) với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
“Cứ xin thì sẽ được,Cứ tìm thì sẽ thấy, Cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).
Cầu nguyện có một sức mạnh vô biên như lời thánh J.M.Vianney:
“Tôi biết có một quyền lực nào đó còn mạnh hơn cả Thiên Chúa: cầu nguyện. Một người cầu nguyện làm cho Thiên Chúa phải nói có, khi Ngài nói không”.
(Thí dụ: Trường hợp Abraham, Môsê)
Thánh Gioan Chrysostome đã nói về sức mạnh của sự cầu nguyện: “Thiên Chúa điều khiển thế giới, nhưng lời cầu nguyện điều khiển Thiên Chúa”.
Sự quan trọng của việc cầu nguyện được Giáo Hội nhấn mạnh trong sách GLHTCG (số 2558-2865):
“Càng cầu nguyện càng có sức mạnh. Càng ít cầu nguyện càng càng ít sức mạnh và không cầu nguyện thì chẳng có chút sức mạnh nào”.
Thánh Têrêxa Avila nói:
“Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”.
Nhà bác học Ampère nói:
“Bạn ơi ! chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”.
Như thế “Ai biết cầu nguyện, người đó biết sống và sống thánh thiện”.
Sống tinh thần kinh Lạy Cha là hết tình yêu mến Chúa, chu toàn bổn phận hiếu thảo của người con đối với Thiên Chúa là Cha và yêu thương tha thứ cho anh em. Như thế chúng ta sẽ tạo được tương quan tốt với Chúa và mọi người.
LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM