Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVI TN, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVI TN, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

(Mc 6, 30-34)

Theo những tin tức gần đây thì hình như con số các linh mục gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Á. Tin đó quả thật là tin mừng cho Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng làm cho chúng ta băn khoăn : không biết các linh mục ấy có thực sự là những mục tử theo lòng Chúa mong ước không?

Băn khoăn đó là có cơ sở, vì bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Giêrêmia tạo nên cho chúng ta sự băn khoăn đó. Thiên Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mác và xâu xé đàn chiên Ta.” Như vậy nhận xét đầu tiên của chúng ta là có những mục tử không ích lợi cho đoàn chiên của Chúa. Họ cũng là người được Chúa đặt lên coi sóc đàn chiên, nhưng không làm đúng chức năng của mình. Thay vì phục vụ dân Chúa, thay vì hợp nhất dân Chúa, những mục tử xấu nầy khai thác, bóc lột đàn chiên và làm cho đàn chiên tan nát. Chính vì thế Thiên Chúa sẽ sai những chủ chăn khác “để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không con thiếu thốn gì nữa.” 

Qua những lời đó chúng ta thấy chính Thiên Chúa chăn dắt dân, vì thực ra dù có những mục tử nhân loại nhưng chính Thiên Chúa là Đấng sắp xếp mục tử cho đoàn chiên, chính Thiên Chúa là Đấng đánh giá các mục tử là tốt hay xấu và chính Thiên Chúa là Đấng thay thế các mục tử xấu bằng các mục tử tốt. Thiên Chúa phán : “Ta sẽ qui tụ phần còn lại của đàn chiên Ta… Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số.”

Như thế vấn đề là tuy có mục tử, nhưng họ không phải là mục tử và vì thế đàn chiên bơ vơ. Bài Phúc âm hôm nay cho thấy cảm nghiệm của Chúa Giêsu về điều đó. Phúc âm ghi lại : “Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn và Người dạy dỗ họ nhiều điều.” Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những luật sĩ, không thiếu những bậc thầy trong dân Israel, thế nhưng đàn chiên Chúa vẫn không có người chăn dắt, những con chiên của Chúa vẫn bơ vơ lạc lõng.

Nhận xét đó cũng cho thấy không thiếu những mục tử giả, những mục tử bị lên án và rồi Thiên Chúa trao đàn chiên của Ngài cho những mục tử mới. Chúa Giêsu chính là vị mục tử mới đó và Chúa Giêsu sai các mục tử khác là các Tông đồ ra đi rao giảng và làm theo như lời Chúa Giêsu chỉ dạy như những mục tử mới. 

Vì thế, nếu Chúa Giêsu là mục tử chân thật thì Ngài là gương mẫu của những mục tử khác. Nói như thế có nghĩa là nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu mà chúng ta phân biệt được ai là mục tử giả ai là mục tử thật. Hôm nay, chúng ta thử làm việc đó qua bài Phúc âm mà chúng ta vừa mới nghe.

Người mục tử phải giống như Đức Kitô, phải là người có con tim biết rung cảm. Đây không phải là thứ tình yêu ủy mị, nhưng đây là tình yêu đến từ Thiên Chúa. Người mục tử nắm bắt được nhu cầu của đàn chiên, nắm sự thiếu thốn của đàn chiên để rồi từ đó tìm cách giúp đàn chiên nhận được tin mừng Nước Thiên Chúa, để đi trong đường lối của Thiên Chúa, và sống thân mật với Thiên Chúa.

Người mục tử chân thật là người biết sống thân mật với Đức Kitô, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với Đức Kitô. Người mục tử chân thật là người chăm lo cho đàn chiên, cho công việc rao giảng đến mức quên cả việc nghỉ ngơi, quên đi sức khoẻ của chính mình. Bài Phúc âm thuật lại, sau khi đi rao giảng, các Tông đồ vui mừng thuật lại cho Chúa Giêsu những gì đã xảy ra mà quên rằng họ cần phải nghỉ ngơi đôi chút. Chính Chúa Giêsu là người nhắc cho họ nhớ đến việc căn bản nầy. Ngài lo cho họ, không những về tinh thần mà còn cả đời sống vật chất.

Đồng thời, việc lui vào nơi vắng vẻ còn có thể hiểu theo nghĩa tượng trưng. Chúa Giêsu mời gọi các mục tử sau nhưng công việc cho nước Chúa, cần đi vào nơi vắng vẻ, là nơi không bị những người khác quấy rầy, là nơi thinh lặng hoàn toàn để cho những thành công của công việc lắng xuống, để cho những thất bại, chán nãn mà các mục tử gặp phải tan biến đi. Ở nơi thanh vắng đó, các Tông đồ có dịp nhìn rỏ hơn công việc mình đã làm và ý thức rằng mình đang làm việc cho Thiên Chúa để rồi nhờ đó các mục tử lại tiếp tục ra đi với tinh thần mới, không bị vinh quang làm mờ mắt, không bị thất bại làm nhụt chí.

Bài dọc hai nhắc cho chúng ta nhớ rằng tin mừng mà Đức Giêsu rao giảng là tin mừng bình an vì Thánh Phaolo viết : “Nơi Người (tức là nơi Đức Kitô) mối thù nghịch đã bị tiêu diệt và Người đã đến loan báo tin mừng bình an cho anh em.” Tin mừng bình an vì nhờ tin mừng đó mà chúng ta đến với Thiên Chúa Cha trong một Chúa Thánh Thần.

Rao giảng tin mừng là bản tính của Giáo Hội vì thế mội người chúng ta cách nầy cách khác được mời gọi rao giảng tin mừng. Dĩ nhiên việc rao giảng ấy tùy theo bậc sống nên có nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên mỗi khi chúng ta giúp đỡ người khác sống Lời Chúa, mỗi khi chúng ta hướng dẫn người khác làm điều thiện, giúp đỡ người khác sống bình an… là chúng ta đã thể hiện phần nào đó nhiệm vụ mục tử của Chúa Giêsu. Ngược lại khi chúng ta làm gương xấu cho người khác, tức là khi vì chúng ta mà người khác trở nên xấu hơn, khô khan nguội lạnh hơn, thì một cách nào đó chúng ta thuộc về nhóm mục tử xấu những người làm tan nát đàn chiên Chúa.

Báo chí đưa tin hằng ngày những tệ nạn xã hội, những điều xấu đang lan tràn trong nơi chúng ta sinh sống. Điều đó không làm chúng ta có cái nhìn bi quan về nơi chúng ta sống nhưng thúc đẩy chúng ta nhớ rằng : Kitô hữu chúng ta cần phải nổ lực hơn nữa để rao giảng điều tốt lành, cần phải cố gắng hơn nữa để làm gương sáng. Ngày xưa Chúa Giêsu là mục tử chân thật đã sai các Tông đồ ra đi rao giảng, thì ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta tiếp tục con đường đó. Nếu trong cả cuộc đời, chúng ta chỉ giúp được một người sống tốt hơn thì điều đó cũng làm chúng ta được vui mừng.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm để cộng tác vào công việc phục vụ Nước Chúa.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …