Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI Thường niên, năm C, của LM Antôn Nguyễn văn Độ

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI Thường niên, năm C, của LM Antôn Nguyễn văn Độ

Cầu nguyện và làm việc

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM – C

(Lc 10, 38- 42)

7-21-2019 11-19-06 AMCầu nguyện và hoạt động là hai việc không thể thiếu trong đời sống người kitô hữu chúng ta. Người kitô hữu đích thực là người có đời sống cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa. Người cầu nguyện đích thực thì không thể chỉ cầu nguyện mà không hành động. Cầu nguyện mà không hoạt động thì không phải là cầu nguyện thật. Vì thế cầu nguyện và hoạt động luôn hiệp nhất với nhau một cách sâu xa trong đời sống người kitô hữu chúng ta.

Abraham và Sara

      Abraham và Sara là đại diện cho đời sống người kitô hữu trong cầu nguyện và hành động. Vừa thấy khách quí, Abraham ra đón rước vào nhà và sấp mình xuống cầu nguyện, rồi mang nước và bánh cho khách. Abraham không có làm một mình mà còn gọi Sara cộng tác làm bánh, còn ông đi bắt bê non làm thịt (x. St 18,), mỗi người mỗi việc để khách vui lòng, chủ và khách gặp nhau vang lên tiếng cười giòn giã.

Sara là vợ của Abraham mà ba tôn giáo độc thần là Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo, đều nhận ông là cha của họ trong đức tin. Nếu thế, Sara, người phụ nữ xinh đẹp này đã đồng hành với Abram, cũng là “Mẹ trong đức tin”, bởi bà cũng quyết định rời bỏ thành Ur xứ Canđê (thuộc Iraq ngày nay) đến định cư tại đất Canaan.

Sara có một vai trò quan trọng. Tên của bà được nhắc đến bảy lần là bằng chứng (x. St 18, 1-15 ). Con số bảy trong Kinh Thánh có ý nghĩa là tràn đầy. Vì Abram sẽ trở thành Abraham khi Thiên Chúa chỉ ra một sự thay đổi về sứ vụ, Sarai, có nghĩa là “công chúa của tôi” trở thành Sara, nghĩa “công chúa”. Sara sẽ không còn là của riêng Abraham nữa. Bà có một sứ mệnh mà Thiên Chúa đã ủy thác cho trong tương quan với Abraham. “Tôi sẽ chúc lành cho bà mẹ của các dân tộc và các vua“.

    Tiếng cười vang dội sau bữa ănBởi một trong ba vị khách loan báo rõ ràng rằng bà sẽ là mẹ của nhiều dân tộc mặc dù son sẻ. Nghe tin ấy Bà cười phá lên. Vì dưới cái nhìn của chính bà thì lời hứa này là không thể. Dù vậy bà vẫn đặt tên cho con trẻ là Isaac, có nghĩa là “Anh cười.” Isaac là con của tiếng cười, con của những điều không thể. Thiên Chúa hứa ban cho bà khả năng sinh nở và Ngài trung thành với lời hứa. Đây là kết quả của cầu nguyện và hoạt động song hành với nhau.

Marta và Maria

Tin Mừng thánh Luca chương 10, nói về hai chị em Marta và Maria quê tại Betania. Cứ sự thường, thái độ của Marta và Maria được người ta qui chiếu về hai cách sống là : chiêm niệm và cầu nguyện, ơn gọi của người Kitô hữu. Thánh sử Luca miêu tả họ như sau : Maria ngồi dưới chân Chúa “lắng nghe lời Người”, trong khi Marta bận rộn với việc phục vụ (x. Lc 10,39-40), bận tới độ hướng tới Chúa Giêsu và nói: “Lậy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm gì sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với” (Lc 10, 40). Nhưng Chúa Giêsu quở trách dịu dàng : “Marta, Marta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi, là con hãy nghỉ ngơi, và ngay cả điều quan trọng nhất, con hãy nghỉ ngơi bên cạnh Thày, chiêm ngắm Thầy và nghe Thầy nói” (Lc 10, 41).

Chính lời trên của Chúa Giêsu làm nảy sinh những khuynh hướng khác nhau. Có người cảm thấy tiếc cho Marta, vì Maria đã để Marta làm mọi việc, còn cô ngồi vui vẻ trò chuyện với Chúa Giêsu, thì lại được khen là người khéo chọn ” phần tốt nhất “. Vậy là việc Marta làm chưa phải là tốt nhất.

Khuynh hướng khác cho rằng, Chúa Giêsu không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Marta khi Người nêu bật hành vi của Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người“. Chúa Giêsu không làm một cuộc so sánh về hai thái độ của Marta và Maria. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên tâm sự. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Chúa không chê hoạt động, lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại, Người chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria để nói lên thái độ cơ bản con người phải có đối với Thiên Chúa.

Ðiều quan trọng trước hết là hiểu rằng ở đây không phải là sự chống đối giữa hai thái độ: lắng nghe lời Chúa, chiêm niệm, và phục vụ tha nhân một cách cụ thể. Đây không phải là hai thái độ chống đối nhau, nhưng trái lại, chúng là hai khía cạnh không bao giờ tách rời nhau, chung sống trong sự hiệp nhất và hài hòa sâu xa, bởi chúng có cùng nòng cốt đối với cuộc sống kitô của chúng ta làm nên người tín hữu trọn hảo.

Áp dụng

Chúa Giêsu muốn nói gì vậy? Ðiều duy nhất cần lo lắng ấy là gì?

Chúng ta phải phối hợp và áp dụng cả đời sống của Marta và Maria. Phần lớn trong chúng ta, được Thiên Chúa đã kêu gọi sống như “Marta”. Nhưng cũng đừng quên rằng Chúa muốn chúng ta ngày càng như “Maria”. Đời sống và sức mạnh của người kitô hữu chỉ có thể bền vững và triển nở nếu kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, lắng nghe Lời Chúa, tránh những tiếng ồn ào và tẻ nhạt che giấu sự hiện diện của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “chọn phần tốt hơn” và không để cho bất cứ ai lấy mất. Đừng quên rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì chúng ta có thể làm, nhưng là Lời Chúa soi sáng đời sống chúng ta, và do đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà việc chúng ta làm chất chứa tình yêu.

Một lời cầu nguyện mà không đưa tới hành động cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh tật, cần giúp đỡ, người anh em đang gặp khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi và không trọn vẹn. Nhưng đồng thời trong việc phục vụ Giáo hội khi người ta chỉ chú ý tới việc làm, đặt trọng lượng nơi các sự vật, nhiệm vụ, cơ cấu, mà quên đi trọng tâm là Chúa Kitô, không dành thời giờ cho việc đối thoại với Chúa trong lời cầu nguyện, thì có nguy cơ phục vụ chính mình chứ không phục vụ Thiên Chúa nơi người anh em cần sự giúp đỡ.

Thánh Biển Ðức tóm gọn kiểu sống mà thánh nhân chỉ cho các tu sĩ của người trong hai từ “ora et labora” “cầu nguyện và làm việc”. Chính từ việc chiêm niệm, làm nảy sinh tương quan tình bạn với Chúa nơi chúng ta.

Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhớ chúng ta rằng : Chúa có nhiều điều để nói với chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ. Vậy, hãy tìm kiếm, những khoảnh khắc của sự thinh lặng và bình an đến gặp Chúa Giêsu, và với Chúa, chúng ta gặp được chính mình. Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta phải chọn “phần tốt nhất” (Lc 10,42). (Trích thông điệp : Giáo Hội sống từ Thánh Thể).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của sự lắng nghe và phục vụ, xin dậy chúng con suy niệm trong lòng Lời của Chúa Giêsu Con Mẹ và cầu nguyện với lòng trung thành, để luôn chú ý tới các nhu cầu của tha nhân cách cụ thể hơn. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …