Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVI Thường Niên, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVI Thường Niên, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XVI QUANH NĂM

(Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34)

 

“Đức Kitô, vị Mục Tử nhân từ”

 

7-15-2018 9-04-47 AMTin mừng Marcô 6, 30-34:

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm:

Lòng nhân từ của Đức Kitô, vị mục tử được biểu lộ qua việc quan tâm, chăm sóc các tông đồ đi truyền giáo về và nhất là qua lòng trắc ẩn xót thương dân chúng đi theo Ngài: “Họ như bầy chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều”.

Mục tử và đàn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Do Thái là dân du mục. Trong cựu ước, các ngôn sứ thường dùng hình ảnh người mục tử để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Do Thái.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy Thiên Chúa hết lòng yêu thương chăm sóc dân, Ngài lên án những mục tử xấu và hứa ban cho dân những mục tử tốt lành để lãnh đạo dân: “Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng, họ sẽ chăn dắt chúng”. Hơn nữa, Thiên Chúa còn hứa ban cho dân một vị mục tử xuất thân từ dòng tộc David, để lãnh đạo dân Ngài trong công bình chính trực, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng. Đó là Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành mà các tiên tri đã loan báo. Lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu.

Bài Tin mừng hôm nay biểu lộ tâm tình của Đức Kitô mục tử:

– Ngài quan tâm, chăm sóc tới cuộc sống của các tông đồ. Sau cuộc hành trình truyền giáo mỏi mệt, vất vả, trở về với những thành công phấn khởi, Đức Giêsu truyền cho các ông phải đi nghỉ để bồi dưỡng sức khỏe, tìm nơi yên tĩnh để khỏi bị dân chúng quấy rầy, cần có thời giờ để cầu nguyện, để tĩnh tâm: “Anh em hãy lánh riêng ra đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Với con tim mục tử, Chúa Giêsu chia sẻ, cảm thông những vất vả quan tâm đến sức khỏe con người của các ông hơn là công việc làm. Thầy trò cần có thời gian bên nhau, cho nhau để sống tình thầy trò, tâm sự, trao đổi với nhau những kinh nghiệm truyền giáo. Nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để làm việc hữu hiệu hơn, lâu dài hơn. Muốn đi xa, phải luôn dừng lại để nghỉ ngơi lấy sức. Muốn hoạt động tông đồ tốt, cũng phải năng tĩnh tâm, tĩnh dưỡng tâm hồn. Thời gian hồi tâm, thinh lặng, suy nghĩ rất cần thiết, hữu ích và quan trọng.

“Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn”. Tâm tình mục tử nơi Đức Giêsu biểu lộ qua lòng thương xót trong khi Chúa rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Cảm thương số phận của đàn chiên không người chăn. Mạng sống đàn chiên tùy thuộc vào người chăn. Chiên mà không có người chăn thì mạng sống sẽ bị đe dọa, nguy hiểm, không biết đi về đâu, không ai hướng dẫn, không ai tựa nương.

Chúa Giêsu rất nhạy cảm trước khổ đau của con người. Thấy đám dan bơ vơ, đói khát lời Chúa, không ai quan tâm. Chúa Giêsu đã hy sinh không đi nghỉ chung với các tông đồ, Ngài đích thân ở lại với họ và tiếp tục giảng dạy cho họ nhiều điều. Ở đây thánh sử Marcô không ghi lại những điều Chúa Giêsu dạy. Nhưng thánh sử Luca 9, 10-11 ghi rõ: Ngài tiếp đón họ, nói cho họ về nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa. Chính việc giảng dạy “nhiều điều này” đã chứng thực Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn biểu lộ lòng thương xót của Chúa để dạy chúng ta biết cảm thông, động lòng trắc ẩn trước nhu cầu của anh em như Chúa Giêsu, chúng ta biết hy sinh ý riêng để phục vụ mọi người, lo cho việc chung, lo cho phần rỗi của anh em.

Tìm nơi thanh vắng để cầu nguyên, thinh lặng là điều cần thiết cho người tông đồ, cho người tu sĩ. Thời gian tĩnh dưỡng, tĩnh tâm cầu nguyện và suy nghĩ, thẩm định lại những biến cố, những công việc đã làm để sống việc tông đồ đạt kết quả tốt hơn và đời sống đạo đức tiến bộ hơn. P. Doncour đã quả quyết: “Không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm mình trong thinh lặng và cầu nguyện”.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …