Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 16B TN

“Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”

Mc 6,30-34a(Mc 6,30-34)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

  1. Ngữ cảnh

Đức Giêsu đã gọi Nhóm Mười Hai và sai đi từng hai người một (6,7.12). Bản văn hôm nay tường thuật việc các ông trở về báo cáo công việc đã làm với Thầy. Để chu toàn được sứ mạng Đức Giêsu giao là loan báo Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa và đuổi được ma quỷ, các ông phải chấp nhận định mệnh của Gioan Tẩy Giả (đó là lý do khiến tác giả đã tháp truyện Gioan bị trảm quyết vào giữa đoạn văn về sai phái đi và trở về báo cáo kết quả; x. 6,17-29).

Trong đoạn văn này, chúng ta gặp lại những yếu tố quen thuộc: Đức Giêsu là Thầy nhắc nhở các môn đệ (c. 31), rút về nơi thanh vắng (1,35.45), đám đông kéo tới, chiếc thuyền (2,2; 3,7t.20; 4,1t). Sự kiện cả Nhóm không có giờ ăn uống đã được nói đến ở 3,20.

Nếu đặt bản văn này trong tác phẩm Maccô, ta thấy đây chính là phần mở cho biến cố Đức Giêsu làm cho bánh hóa nhiều mà nuôi đám đông dân chúng (6,34-44).

2.Ý nghĩa của bản văn

2.1.Đức Giêsu và các tông đồ (30-32)

Cần phải hiểu cách thức Đức Giêsu xử sự với dân chúng trong quan hệ với sự ân cần Người tỏ ra với các môn đệ.

Trong Tin Mừng Maccô, quan hệ của Đức Giêsu với đám đông dân chúng luôn luôn xảy ra có sự chứng kiến của Nhóm Mười Hai hoặc của một vài người của Nhóm. Song song với việc giảng dạy cho dân chúng, Đức Giêsu có dành cho Nhóm Mười Hai một lối giảng dạy riêng (4,1-34; x. cc. 10-25.34).

Kể từ sau khi các môn đệ đi sứ vụ trở về (6,30), Đức Giêsu đã làm một loạt những hành vi và ban những lời giảng dạy dành riêng cho họ. Nếu Đức Giêsu có giảng dạy và nuôi dưỡng đám đông, thì theo Tin Mừng II, dấu lạ này lại được dành cho các môn đệ, chỉ có điều là họ không hiểu thôi (6,52). Nếu Đức Giêsu có tranh luận về sự thanh sạch của lương thực và về truyền thống với người Pharisêu (7,1-16), chính là để soi sáng cho các môn đệ đang ở riêng một nơi (7,17-23). Vào cuối phần đoạn nói về các cuộc hoá bánh ra nhiều, những lời Người trách các môn đệ (8,14-21) chứng tỏ đấy là một mạc khải được dành riêng cho các ông. Câu truyện Đức Giêsu chữa một người mù (8,22-26) được đặt giữa những lời trách mắng này và lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”, sẽ là một bước dứt khoát hướng về chỗ hiểu biết Người chính xác hơn.

2.2.Đức Giêsu và đám đông dân chúng (33-34)

Theo Mc, Đức Giêsu có sức thu hút phi thường đối với dân chúng ngay khi Người xuất hiện (1,33). Người có rút lui vào nơi thanh vắng cũng không tránh khỏi dân chúng (1,45). Dân chúng từ khắp nơi tuốn về, chen chúc, xô đẩy Người, khiến Người không còn thì giờ để ăn uống với môn đệ nữa (2,2.13; 3,7-9.20; 5,21.24; 6,54-56; 9,15; 10,1.46). Dọc theo quyển Tin Mừng, ta thấy dân chúng luôn luôn tỏ ra có thiện cảm với Người, cho đến khi họ bị các thượng tế lèo lái trong cuộc xử án tại toà Philatô (15,11). Không bao giờ Đức Giêsu xua đuổi họ, cho dù đôi khi Người tìm cách tránh họ (7,24.33; 9,30). Có khi Người còn gọi họ lại (7,14; 8,34). Sự hiện diện hoặc vắng mặt của đám đông không phải là không có ý nghĩa. Theo Maccô, cách thức Đức Giêsu đối xử với đám đông biểu lộ một phương diện cốt yếu thuộc sứ mạng Người. Đó đặc biệt là trường hợp ở đây, khi mà đám đông kéo đến bất ngờ, và Đức Giêsu thì muốn tránh.

2.3.Kết luận

“Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” là hoạt động Thiên Chúa đang được thể hiện giữa loài người hôm nay. Tin Mừng này nhắm đạt đến mọi người, nhờ sứ vụ các tông đồ. Xuyên qua sứ vụ này, chính lòng thương xót của Đức Kitô, đức ái của Người, chiếu cố đến mọi người. Khi suy gẫm về sự hiệp nhất giữa Đức Giêsu và các môn đệ ở thời kỳ khai nguyên Tin Mừng, Maccô chạm đến thực tại sâu xa của Giáo Hội, trách nhiệm của Giáo Hội, đòi hỏi mà Giáo Hội phải đáp ứng bằng sứ vụ loan báo Tin Mừng.

3.Gợi ý suy niệm

3.1.Các Tông Đồ “tụ họp” chung quanh Thầy và đánh giá về công việc với Người chính là hình ảnh của cộng đoàn vẫn liên lạc thường xuyên với Đức Chúa của mình. Người ta có thể làm một công việc mà trước đó không xác định được là việc gì chăng? Và khi đã làm xong công việc được giao phó, người ấy lại không phải đến gặp ông chủ vào báo cáo về công việc đó sao? Đây là một lưu ý được gửi đến cho cộng đoàn Kitô hữu: coi chừng có thể lấy những quyết định mà không quy chiếu về Lời của Thầy. Bất cứ khi nào cộng đoàn Kitô hữu lấy các quyết định mà không quy chiếu về Tin Mừng, họ rất có thể sẽ theo lôgích loài người và chỉ nhìn công việc dưới những nhãn hiệu như là uy tín, thành công và danh giá.

3.2.Khi khuyên các môn đệ đi đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi, Đức Giêsu đã làm một cử chỉ rất nhân bản, Người đã tỏ ra là một vị Thầy quan tâm đến mọi phương diện thuộc đời sống các môn đệ: có phương diện thiêng liêng, và cũng có những nhu cầu thể lý. Đấy là một tấm gương cho tất cả những ai có trách nhiệm về những người khác. Ngoài ra, trong Cựu Ước, lòng từ bi thương xót là một phẩm tính của Thiên Chúa; qua thái độ của Đức Giêsu, ta thấy được lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với loài người. Bất cứ ai có vai trò “mục tử” (cha xứ, bề trên, cha mẹ…) đều được mời gọi bắt chước Đức Giêsu về phương diện này.

3.3.Đức Giêsu thương xót đám đông, và việc Người đã làm là ngồi xuống, lắng nghe họ và cố gắng hiểu các vấn đề của họ, rồi dùng thì giờ mà giảng dạy họ. Khi đưa Nhóm Mười Hai vào sứ vụ này, Đức Giêsu đã thật vất vả mới mở mắt các ông ra được, thì chắc hẳn không người môn đệ nào hôm nay muốn thực tập đời Tông Đồ mà lại miễn chuẩn cho mình khỏi phải ở với Đức Giêsu, nhìn ngắm Người, bước theo Người và cứ thường xuyên bị Người ngăn cản trong những kế hoạch theo lô-gích loài người.[1] 

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Số người mắc bệnh thần kinh ngày nay càng ngày càng nhiều. Và một trong những lý do đưa đến căn bệnh đó là nếp sống càng ngày càng ồn ào xô bồ. Ngoài đường thì tiếng xe, tiếng máy, tiếng người ồn ào; trong nhà thì các thứ tiếng nói, tiếng hát, tiếng nhạc từ các máy radiô, tivi, cassette; rồi còn những tiếng khác từ các rạp hát, các loa phóng thanh … ở giữa bao nhiêu là tiếng động ồn ào đó, con người ngày nay như bị quay cuồng, bị phân tâm, bị trống rỗng. Thần kinh thì căng thẳng, và nội tâm thì nghèo nàn. Ðể thoát ra khỏi bầu khí ồn ào cẳng thẳng đó hầu tìm lại phần nào yên tĩnh, trầm lặng, nội tâm… người ta đã tìm đến với Yoga, với Thiền, với những phương pháp dưỡng sinh… tất cả những cố gắng và những sáng kiến vừa kể trên cũng là một phản ứng tất nhiên của con người để quân bình lại cuộc sống đã quá ồn ào và bất ổn. Như thế, chúng ta thấy được rằng một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lặng là điều rất cần thiết cho con người. Nó cần thiết vừa để cho thân xác nghỉ ngơi, vừa để cho tinh thần con người thư giãn, vừa để cho trí óc con người sáng suốt nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm và rút ưu khuyết điểm để định hướng cho cuộc sống trong giai đoạn tới.

Sau khi các tông đồ đi hoạt động truyền giáo trở về, Ðức Giêsu đã bảo các ông chèo thuyền qua phía bên kia hồ, yên tĩnh hơn để tĩnh dưỡng thân xác và tâm hồn “các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”.
Lời khuyên của Chúa Giêsu ngày nay vẫn được những bậc tu hành, các giám mục, linh mục, tu sĩ, đặc biệt coi trọng. Hằng năm, hàng tháng các vị đó vẫn có những cuộc tĩnh tâm, có khi kéo dài một tháng, có khi một tuần, có khi một ngày, hay ít ra cũng một buổi. Trong thời gian đó, các ngài cầu nguyện, kiểm điểm đời sống và định hướng hoạt động cho những ngày sắp tới. Còn đối với giáo dân, cuộc sống với miếng cơm manh áo khiến chúng ta không có nhiều thời giờ rãnh rỗi để làm những cuộc tĩnh tâm như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng quên rằng yên tĩnh là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, cuộc sống càng ồn ào chừng nào thì nhu cầu yên tĩnh càng cần thiết chứng ấy. Cho nên dù bận rộn, thỉnh thoảng chúng ta cũng hãy cố gắng đi tìm một chút yên tĩnh cho tâm hồn mình.[2]

Và sau đây là một số những mẫu gương cụ thể: trong tờ báo New York Times gần đây đã viết về những thương gia trong thành phố New York như sau: “các doanh nhân đã xoay sang việc cầu nguyện bởi vì họ mong muốn xây dựng một tình bằng hữu với những người đồng nghiệp và qua đó, họ có thể thông cảm với nhau những khó khăn trong công việc hằng ngày.”

Ông Uynliam Phinlơ, một doanh nhân thành đạt, lúc đầu sống rất chật vật và nghèo khổ, sau làm nghề viết báo, rồi mở nhà in, lợi nhuận hàng năm thu vào rất nhiều. Ông viết một quyển sách kể về những kinh nghiệm của đời ông. Ngay trang đầu tiên có những dòng chữ sau: “có bao giờ các bạn đã thử sống một mình trong căn phòng, không đọc sách báo, không nghe radiô hay ca nhạc, không xem tivi, không làm gì hết, một mình với những ý tưởng để suy nghĩ. Các bạn cứ thử xem, một chiều im lặng, mình với mình thôi, sẽ giúp cho các bạn biết mình, biết người, và chắc chắn các bạn sẽ thành công”.

Cũng trong một ý hướng như bài báo trên, một nhân viên ban chấp hành đã nói lên trong một cuộc họp hằng tuần tại Chase Manhattan Plaza: “đây là chỗ để tôi đến và lấy lại nguồn sống. Nếu tôi không thể đến đây được thì tôi không biết tôi sẽ có thể làm được gì không.”

Và có câu chuyện kể rằng: “một nhà thám hiểm nọ đi lạc trong sa mạc, chuyển từ nơi này đến nơi kia, nhìn hết hướng nay đến hướng khác, ở đâu ông cũng chỉ thấy toàn cát với cát. Ông lê gót trong tình trạng tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông không còn đủ sức đứng lên, ông không còn đủ sức chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được về sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận ra được đó la tiếng chảy róc rách của một con suối từ xa vọng lại. Như sống lại từ cõi chết, ông xác định nơi xuất phát của tiếng suối, ông dùng hết nguồn năng lực còn lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi gặp được dòng suối.

Cuộc sống chúng ta thật quả bận rộn và ồn ào, khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa. Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Chính sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra được tiếng của Thiên Chúa như “dòng suối róc rách” trong cảnh ồn ào của cuộc sống hôm nay”.[3]

Đó chính là điều Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ và cũng nhắc nhở chính chúng ta,

những người đang hiện diện trong thánh đường này: “các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long – https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-cn-16-tn-b/

[2] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

[3] Sống theo Thần Khí, Cứu Thế Tùng Thư, trg.259-260

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …