Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVI thường niên – năm A (bài 2), của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVI thường niên – năm A (bài 2), của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Lòng Chúa Cao Cả Hơn Lòng Chúng Ta

(Mt 13, 24 – 43)

h6_resizeTất cả chúng ta đều cần đến lòng nhân từ, thương xót và thứ tha thứ của Thiên Chúa, nhất là xin Ngài loại trừ sự dữ, sự tội và sự chết, nhất là kẻ xấu ra khỏi chúng ta. Nhưng lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta.

Với dụ ngôn tự sự “Người Gieo Giống” Chúa nhật tuần trước phác họa hình ảnh Một Thiên Chúa là Cha nhân lành, hào phóng đối với nhân loại khi gieo chính Lời cứu độ là Chúa Giêsu, Con Một Ngài xuống trần gian. Ngài gieo không tiếc xót, không tính toán, không loại trừ, gieo cả nơi sỏi đá, gai góc, cả lối mòn cũng không bị lãng quên. Thiên Chúa gieo vãi khắp nơi không biết mệt mỏi, bất kể ngày đêm, dù có nhiều người thờ ơ, từ chối và ít người đón nhận, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ gieo, gieo trên người công chính cũng như kẻ bất lương.

Với dụ ngôn “Cỏ Lùng”. Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ cũng như dân chúng về lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với thế nhân có đủ hạng người, lành cũng như dữ. Đôi lúc thấy, sự dữ, kẻ dữ lấn án người lành, và cũng dễ thấy, người lành thánh ao ước có được một thiên đàng ngay trên trần thế, nên muốn Thiên Chúa diệt sạch kẻ ác ra khỏi thế gian. Lời thân thưa và tiếp đến là lời cầu xin của người đầy tớ với ông chủ trong dụ ngôn là một bằng chứng : “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruống ông sao ? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có? ” (Mt 13, 27) Nhiều người hôm nay vẫn hỏi Chúa : Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên mọi sự trong đó có con người, và Ngài đã chẳng thấy mọi sự đều tốt đẹp đó sao ? Vậy, sự dữ, người gian ác do đâu mà có ? Và họ khơi lên ước muốn trừng phạt : “nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ” (Mt 13, 28).

 “Cỏ lùng” tiếng Do Thái, có gốc từ chữ “Satan” và nói đến việc chia rẽ. Tất cả chúng ta đều biết rằng quỷ dữ là người gieo cỏ lùng: luôn tìm cách gây chia rẽ con người với nhau, chia rẽ trong gia đình, hội đoàn, giáo họ, giáo xứ, quốc gia và dân tộc. Những người đầy tớ muốn nhổ cỏ xấu đi ngay lập tức, nhưng ông chủ ngăn cản vì sợ rằng khi nhổ cỏ lùng thì nhổ nhầm cả lúa. Bởi cỏ lùng, khi lớn lên, trông rất giống lúa tốt, nên dễ gây nhầm lẫn. Quỷ Dữ đến trong đêm để gieo cỏ lùng, trong đêm tối, trong sự hỗn loạn… Nơi đâu không có ánh sáng, quỷ sẽ đến để gieo cỏ lùng. Kẻ thù này rất tinh khôn: hắn gieo sự xấu vào giữa điều tốt, để chúng ta không thể nào tách biệt rõ ràng, nhưng Thiên Chúa sẽ làm điều đó.

Ông chủ trong dụ ngôn thật nhân hậu tuyệt vời, ông thận trọng thẳng thừng nói: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta” (Mt 13, 29-30).

Thiên Chúa của chúng ta là một người cha đầy lòng trắc ẩn, “Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung” (Kn 12, 16). Ngài luôn chờ đợi và chờ đợi với con tim rộng mở để đón chào, và tha thứ cho người có tội, kẻ gian ác muốn ăn năn. Ngài luôn tha thứ, nếu đến với Ngài… Chúa dạy : “ Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối” (Kn 12, 19). 

Thái độ của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu rằng sự dữ không phải là điểm đầu và điểm kết. Có cái gì đó hơn thế nữa: nhờ niềm hy vọng đầy tình thương mến của Thiên Chúa mà chính cỏ lùng, là những con tim xấu xa, ngập tràn tội lỗi có thể trở nên hạt giống tốt. Vì lòng trắc ẩn không phải là làm ngơ trước sự xấu; hay là lẫn lộn giữa tốt và xấu!

Trước cỏ lùng đang hiện diện trên thế giới, cụ thể hơn, sống chung với kẻ vô đạo, kẻ gian ác, chống lại sự thiện, người môn đệ Chúa được mời gọi bắt chước Chúa, hy vọng với niềm tin vào chiến thắng chung cuộc của sự Thiện, là chính Thiên Chúa.

Thật vậy, chỉ trên mặt đất này mới có chỗ cho lúa và cỏ lùng mọc lên, chỉ trong cuộc sống nhân trần mới có bột cần chất men, nên ở trên Thiên Đàng, chỉ có Thiên Chúa là tất cả mọi sự trong mọi người.

Thánh Augustinô quan niệm : “Chính Giáo Hội là một cánh đồng có lúa và cỏ lùng, có kẻ xấu và người tốt đều chung sống với nhau, là nơi để chúng ta bắt chước gương nhẫn nại của Chúa. Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải hóa hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại”.

Vì thế, trước sự hiện hữu của cái ác, thái độ của các môn đệ Chúa Kitô là gì nếu không phải là kiên nhẫn với sự hiện hữu của cái ác trên thế giới.

Việc cần làm là tích cực gieo quanh chúng ta thật nhiều hạt tốt và gìn giữ chúng cho đến mùa thu hoạch như là (cầu nguyện, tĩnh tâm, việc lành phúc đức, giúp đỡ tha nhân…)

Tiếp đến là phải hành động với sự khôn ngoan, thận trọng khi đối đầu với sự ác, đồng thời cầu xin Chúa Thánh Thần giúp sức cho, vì: “Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta”(Rm 8, 26).

Sau cùng, cần phải vững tin, hy vọng và sống bác ái; nghĩa là chinh phục cái ác bằng việc làm tốt, theo lời khuyên của thánh Tông đồ Phaolô: “Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12, 21).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG