“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”
(St 18,1-10; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)
Tin Mừng Luca 10,38-42:
38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! “41 Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Suy Niệm:
Thánh sử Luca thuật lại câu chuyện hai chị em Martha và Maria đón tiếp Chúa vào nhà mình để nói lên thái độ đích thật của người môn đệ của Chúa Giêsu. Thánh Luca chỉ nói là: “Đức Giêsu vào làng kia” (Lc 10,38). Thánh sử Gioan thì nói ”Đức Giêsu đến làng Bêtania” (Ga 12,1) một làng nhỏ gần Giêrusalem. Tại đây Đức Giêsu đã được hai chị em Martha và Maria tiếp đón ân cần. Mỗi lần Chúa Giêsu xuống Giuđêa loan báo tin mừng. Ngài thường đến tạm trú tại gia đình này.
Hai chị em đã tiếp đón Chúa Giêsu mỗi người một cách. Martha thì lo dọn bữa cơm trưa để đãi Chúa. Cô bận bịu, tất bật vì công việc bếp núc… muốn phục vụ Chúa thật tốt. Maria thì ngồi bên Chúa lắng nghe Ngài nói. Cách tiếp khách tốt nhất và tạo sự thân thiện là biết lắng nghe. Theo Thánh Luca, Maria ngồi bên chân Chúa là vị trí của một người môn đệ (Lc 8,35) và thái độ “lắng nghe Lời Chúa” là bổn phận đầu tiên của người môn đệ đích thực.
Theo các nhà chú giải Thánh Kinh; Martha là biểu tượng của người hoạt động, phục vụ hết mình. Maria là người cầu nguyện, suy niệm, tiếp xúc thân mật với Chúa. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria. Lời Chúa quan trọng hơn mọi âu lo trần tục “Maria đã chọn phần tốt nhất sẽ không bị ai lấy đi”. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Chỉ có một điều cần thiết là nghe và giữ lời Thiên Chúa”.
Hoạt động và cầu nguyện phải đi đôi với nhau. Cầu nguyện là linh hồn của lao động. Lao động là kết quả của việc cầu nguyện. Thánh Phaolô dạy chúng ta phải biết thống nhất đời sống cầu nguyện và hoạt động. Mọi hoạt động đều được soi dẫn bằng lời Chúa, bằng sự cầu nguyện:
“Ai biết cầu nguyện là người đó biết sống và sống thánh thiện”.
Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện và bất cứ làm công việc gì Chúa Giêsu cũng cầu nguyện với Thiên Chúa để mọi việc làm của Ngài đều làm theo ý Thiên Chúa và được hướng dẫn bởi Thiên Chúa.
Mẹ Têrêsa Calcutta trước khi phục vụ các bệnh nhân, những người phong đang hấp hối. Mẹ và các nữ tu phải cầu nguyện trước Thánh Thể một giờ để kín múc nơi Chúa: tình yêu, sức mạnh, can đảm và nhiệt tình tông đồ.
P.Graef đã nói rất hay: “Hoạt động mà không cầu nguyện là thiếu nguyên tác căn bản. Cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”.
Fréderic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viên đại học. Một hôm anh vào thánh đường cổ ở Paris để tìm một chút thanh thản tâm hồn. Anh thấy một người cầu nguyện thật sốt sắng. Nhận ra đó là nhà bác học Ampère. Anh theo nhà bác học về đến nhà. Nhà bác học hỏi:
- Anh bạn trẻ, tôi có thể giúp anh giải bài toán vật lý nào không?
- Con là sinh viên văn khoa, con dốt toán lắm! cho con hỏi Thầy một câu liên quan đến đức tin.
- Anh lầm rồi! Đức tin là môn yếu nhất của tôi.
- Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi và cảm động trả lời: “Con ơi! Chúng ta chỉ vĩ đại, khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”.
Qua lời Chúa hôm nay, Ngài muốn dạy chúng ta những bài học thực hành:
- Mỗi khi làm bất cứ công việc gì chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban ơn để hoàn thành tốt mọi công việc. Sau khi hoạt động mệt nhọc, cần có sự hồi tâm, bình lặng, nghỉ ngơi kết hiệp với Chúa qua việc chầu Thánh Thể, suy niệm Lời Chúa.
- “Maria đã chọn phần tốt nhất”. Chúa Giêsu muốn chúng ta khi hoạt động tông đồ cần phải dành ưu tiên cho đời sống nội tâm là lắng nghe lời Chúa vì lời Chúa là sự sống.
- Gia đình Bêtania của Martha và Maria đã trở nên mái ấm cho Chúa Giêsu và các tông đồ. Các bậc cha mẹ làm thế nào để gia đình mình thành mái ấm luôn luôn có Chúa hiện diện, sống trong tương quan tốt và thân mật với Chúa qua việc cầu nguyện sớm hôm và suy niệm Lời Chúa.
LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM