Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVI, NĂM A CỦA TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVI, NĂM A CỦA TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

 

NƯỚC TRỜI

(Mt 13, 24 – 43)

Kinh Thưa quý vị, thưa các bạn! Chủ đề Lời Chúa Chúa Nhật XVI thường niên (A) hôm nay được nói về Nước Trời thông qua ba dụ ngôn. Vậy, Nước Trời là gì và ở đâu? Thưa, có thể nói ngay rằng: Nước Trời chính là giáo hội của Chúa Kitô ngay tại trần gian nầy. Vì, nếu nói Nước Trời là Thiên Đàng thì không đúng, vì sao? Thưa vì nếu nói Nước Trời là Thiên Đàng thì không thể có ba dụ ngôn hôm nay, hay nói cách khác rằng, nếu Nước Trời là Thiên Đàng thì Chúa Giêsu không dùng dụ ngôn mà giảng dạy. Điều nầy được dẫn chứng ngay là: “Nước Trời ví như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào lúa, rồi đi mất” (c 24 b- 25).

Rõ ràng, nếu “Nước Trời” là Thiên Đàng thì “quỷ“ không thể nào vào được, mà gieo điều xấu. Vì rõ ràng, như Chúa Giêsu đã giải nghĩa: “Kẻ gieo hạt gống tốt là Chúa Giêsu. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế . Thợ gặt là các thiên thần (c 37 -39).

Vậy, theo đó, Nước Trời chính là “Hội Thánh của Chúa Kitô ngay tại trần thế nầy” Điều nầy không thể phủ nhận.

Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một “Nước Trời“. Như vậy, những ai đón nhận Lời Chúa, tức hạt giống tốt, thì sẽ trở nên con cái của Nước Trời. Và tất nhiên kẻ thù của con cái “Nước Trời” đó là ma quỷ. Qủy đối đầu với Chúa Giêsu, vì không thần phục bản tính làm Người của Chúa, nên nó trở nên thù địch của Người.

Ý nghĩa thứ hai là: Từ đó chúng ta thấy, Hội thánh tại thế luôn bị bách hại, khốn đốn, vì “cỏ lùng”. Vì vậy, phần tử xấu trong Giáo Hội không phải là không có, đủ mọi thành phần, đủ mọi  tầng lớp. Nam, ph , lão, ấu. Nên chi, khi ở trong giáo hội có những chuyện nầy chuyện khác xảy ra, chúng ta phải nhớ ngay đến Lời Chúa hôm nay.

Vì vậy, Đoạn Tin Mừng hôm nay, chính là sự triển khai cho Đoạn Tin Mừng tuần trước, bởi vì “Nhân và Quả tùy địa lợi”, đó là hợp với luật tự nhiên và siêu nhiên. Và chúng ta cũng hiểu được tại sao? Trong Giáo Hội của Chúa Giêsu tại trần thế nầy chưa hoàn toàn tốt cả. Vì rõ ràng ”Nước Trời“ là trên đường lữ thứ trần gian, trên hành trình tiến về Nhà Cha. Vì thế, chúng ta đừng thắc mắc khi thấy có những phần tử mang “danh Kitô hữu”, nhưng chưa tốt, đó là ”cỏ lùng”.

Như vậy, “Nước Trời” là “Hội Thánh tại thế”, chứ không phải “Nước Trời” là Nước ở trên Trời như chúng ta nghĩ đó là Thiên Đàng. Thiên Đàng là nơi không có “bóng dáng” ma quỷ. Nơi đó, chỉ toàn là một đặc tính duy nhất, đó là “Tình yêu“ của Thiên Chúa ngự trị.

Trong ba dụ ngôn: cỏ lùng, hạt cải, và men trong bột đều nói về “Nước Trời”. Nhưng, chúng ta thấy trong dụ ngôn “cỏ lùng”, sự kiên nhẫn và tình yêu của Thiên Chúa đối với người tốt và kẻ xấu trong Giáo Hội của Ngài. Điều đó không có nghĩa là “cỏ lùng”, tức kẻ xấu không bị trừng trị thích đáng. Vì sự công bằng của Thiên Chúa dựa trên sự công chính của Ngài. Lúc đó, không còn thì giờ của kiên nhẫn, của tha thứ, mà là thì giờ của luận phạt theo sự công thẳng công chính.

NƯỚC TRỜI THEO DỤ NGÔN HẠT CẢI :

Hạt cải là hạt giống bé nhỏ, yếu đuối, đơn sơ : Tượng trưng sự nhỏ bé, sự thật thà, sự trung tín, sự khiêm tốn trong Giáo Hội. Như gương các thánh đã đi, đó là gương Tin Mừng. Hầu hết các thánh đã trung thành với con đường “ hạt cải ”. đặc biệt, qua tấm gương nhỏ bé mà ”vĩ đại” của chị thánh Têresa Hài Đồng Giêsu. Từ sự nhỏ mọn yếu đuối hằng ngày, nhưng chúng ta biết thánh hóa bằng Tin Mừng thì nó sẽ lớn mạnh, tức sự khiêm tốn bao giờ cũng mạnh mẽ và uy dũng hơn sự tự cao, tự đại.

NƯỚC TRỜI THEO DỤ NGÔN MEN TRONG BỘT:

Dụ ngôn nầy cho chúng ta sự biết làm gương sáng cho người khác. Công bằng, bác ái đối với tha nhân sẽ như “nắm men” vùi trong bột. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói lung lay, gương lành mới lôi kéo”. Hay là “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Khởi đi từ bài đọc I (Kn 12 , 13. 16 -19), chúng ta thấy Thiên Chúa vô cùng nhân từ, nhưng rất mực công bình, không thích dùng quyền lực. Nhưng sẽ hạ bệ những kẻ ngông cuồng, vì Ngài là Thiên Chúa. Chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng đối xử ôn hòa, khiêm nhu, nhẫn nại, không thích dùng quyền lực, nhưng Ngài không nhu nhược.

Và như vậy, bài đọc II (Rm 8, 26 -27) thánh Phao-lô khuyên chúng ta hãy để cho Thần Khí Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho hợp lẽ. Điều đó có nghĩa là, sự phó thác cho Thần Khí là điều hợp lẽ, vì chúng ta sẽ trở nên nhỏ bé, thì Thiên Chúa càng yêu thương chăm sóc. Theo đó, muốn trở nên con cái “Nước Trời”, thì phải kêu xin và để cho Thần Khí Thiên Chúa giúp đỡ.

Như vậy, theo lời kết: Trong ba dụ ngôn trên, chúng ta thấy, Nước Trời là Hội Thánh tại thế cùng chung với người tốt, lẫn kẻ xấu. Nhưng, bổn phận của chúng ta là: KHIÊM TỐN, NHỎ BÉ, TỰ HẠ và làm GƯƠNG SÁNG bằng CÔNG BÌNH và BÁC ÁI với tha nhân. Chính là chúng ta trở nên Lúa Tốt, Hạt Cải và Men, Muối, Ánh sáng cho trần gian, hầu xây dựng Nước Trời là Hội Thánh Chúa Kitô ngay tại trần gian nầy.

Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết sống khiêm tốn và công bình, bác ái, để trở nên men, muối ánh sáng cho trần gian. Hầu xừng đáng được làm con cái “Nước Trời“./. Amen.

22/07/2014

Phêrô Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN