Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

 Ai là người anh em tôi (Lc 10,25-37)

samaritanoTrong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai thái độ giữ luật:

– Một là của thầy Tư Tế và thầy Lêvi, tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước.

Theo họ, trong lề luật, không có khoản nào qui định cụ thể phải cứu giúp người trong hoàn cảnh như thế này cả. Trái lại, có những khoản qui định cụ thể về luật ô uế: «Tư Tế thì không được đến gần người chết, và không được làm cho mình ra ô uế, dù vì cha hay vì mẹ mình» (Lv 21,11).

Như vậy, nếu mình không cứu người ấy thì mình chẳng lỗi luật, còn nếu đụng đến người ấy mà lỡ người ấy chết trên tay mình, thì mình ra ô uế, không được tế lễ hay ăn bánh thánh.

Thái độ lãnh đạm của họ đối với người bị nạn quả là có lý vì họ nghĩ: điều quan trọng là làm theo Lề Luật, chứ không phải là làm theo sự đòi hỏi của tình yêu.

– Thái độ thứ hai là của người Samari, tượng trưng cho những người không sống theo Lề Luật:

Theo họ, những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Do đó, thấy người bị nạn thì người Samari tốt lành này động lòng thương,

lương tâm và tình thương đồng loại đã thúc đẩy anh ta cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn, bất chấp nạn nhân là người Do Thái, thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc anh.[1]

Giờ đây chúng ta cùng nhau đọc lại dụ ngôn người Samari nhân hậu, xuyên qua hai thái độ giữ luật trên:

Tại một khúc đường vắng từ Giêrusalem đến Giêricô có một khách bộ hành bị bọn cướp xông ra trấn lột hết tiền bạc của cải, lại còn đánh người ấy trọng thương nằm thoi thóp, nửa sống nửa chết giữa quảng đường hoang vắng.

Thế rồi, một tia hy vọng loé lên trong đầu nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang từ xa đi tới.

Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh.

Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường.

Một lát sau, có một thầy Trợ Tế đi qua, niềm hy vọng của nạn nhân lại được bùng lên nhưng rồi vụt tắt, vì thầy Trợ Tế chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh. Có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn ẩn náu đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia…

Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp từ xa vẳng lại. Người thứ ba xuất hiện, một người dân Samari. Ôi thôi! Chẳng hy vọng gì nơi hạng người nầy, vì hạng người này xưa nay vẫn mang tiếng là lai căng và rối đạo!

Thế nhưng thật bất ngờ, người Samari cho lừa dừng lại, bước xuống, cúi mình trên nạn nhân, cảm thương con người xấu số.

Có thể giờ nầy vợ con ông ta đang nóng lòng mong đợi ở nhà,

có thể bọn cướp còn đang lai vãng đâu đây lại xông ra để cướp, để giết hại ông như chúng đã gây ra cho người xấu số, lại phải mất công, bỏ việc vì nạn nhân nầy… nhưng thôi, đành phó mặc… Thương người như thể thương thân, phải tìm cách cứu sống anh ta trước đã.

Thế là người Samari vội mở hành trang lấy cồn, lấy rượu rửa sạch vết thương, băng bó những vết thương còn rỉ máu, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay ngược đường trở về quán trọ. Đến nơi, ông ta lo liệu cơm nước thuốc men, săn sóc nạn nhân như cho người thân yêu của mình.

Sáng hôm sau, vì công việc khẩn trương, ông phải vội lên đường. Nhưng trước khi ra đi, ông ta dốc hết túi tiền, trao cho chủ quán với lời căn dặn: “Xin ông vui lòng chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, nếu còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông”.[2]

Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi nhà thông luật, ai trong ba người là người anh em của người bị rơi vào tay kẻ cướp?

Người thông luật trả lời: Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy.

Và Chúa Giêsu bảo ông và giờ đây Chúa Giêsu cũng nói với từng người một trong chúng ta đang hiện diện nơi đây: Con hãy đi và làm như vậy.

LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

[1] JKN, CN 14 TN

[2] Lm. Ignatio Trần Ngà, CN 14 TN

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …