CN 15A TN
Người Gieo Giống
(Mt 13,1-23)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Người đi gieo (Mt 13:1-9;Mc 4:1-9;Lc 8:4-8) Caphácnaum, tháng 10 năm 28
Đây là hình ảnh bất cứ ai tại Palestin cũng hiểu. Thực tế, ở đây, Chúa Giêsu nói những điều bây giờ, tại đây mà chỉ đến ở kia và lúc đó. Bản Xét Lại dịch mơ hồ: “một người gieo đi gieo…”. Bản Hy Lạp không phải là “một người gieo” mà là “người kia đi gieo”. Thực sự có thể là khi đang dùng thuyền làm bục gần bờ để giảng cho dân chúng, Chúa Giêsu thấy người gieo trên ruộng, nên nói “Hãy xem người gieo kia…”. Người bắt đầu bằng một hình ảnh cụ thể trước mắt.
1.Tại Palestin có hai cách gieo
1.1.Bằng tay như thường thấy
Cách này mà gặp gió mạnh, hạt giống có thể không rơi vào luống mà vào lối đi.
1.2.Buộc bao hạt giống có lỗ thủng ở sau con lừa
Cách thứ hai, nhàn hạ hơn và cũng thường dùng. Người ta buộc bao hạt giống có lỗ thủng ở góc trên lưng lừa, rồi dẫn lừa đi trên luống. Cách này cũng thế, hạt giống gặp gió có thể bay đi; hơn nữa lừa bước đi dùng mạnh, hạt giống càng tuôn hơn… lối đi giữa các luống là những lối đi Chúa nói đến. Đất sỏi đá là đất có nhiều đá, trên mặt chỉ có lớp đất mỏng, rất thường tại Palestin.
Đất gai là đất đánh lừa.
Đất này coi ra sạch, vì người ta chỉ cày lên một lần. Cày một lần là lật đất lên, cỏ bị chôn xuống, gốc rễ cỏ còn đó, sẽ mọc lên. Với đất như vậy thì hạt giống có thể mọc, nhưng không thể sống với đầy cỏ mọc lên làm ngẹt. Đất tốt là đất chẳng những cầy, còn bừa, làm sạch cỏ.[1]
2.Dụ ngôn nhắm vào hai loại người
2.1.Những người nghe
Thường những nhà chú giải cho rằng các câu 18-23 không phải lời của Chúa, mà là chú giải của những nhà giảng thuyết trong Giáo Hội thời xưa, nhưng thực sự không đúng. Vì những lời chú giải đó không giữ luật dụ ngôn; dụ ngôn không có nhiều chi tiết như vậy, và nhiều chi tiết quá đối với những người nghe lần đầu tiên ấy. Nếu thực sự Chúa Giêsu chỉ vào một người đang gieo thì coi như đó là một chất vấn đúng. Và trong bất cứ biến cố nào, lời giải thích đồng hóa những đất khác nhau với những người nghe khác nhau vẫn có vị trí trong tư tưởng của Giáo Hội, và chắc phải do nguồn gốc thế giá. Nếu vậy thì tại sao lại không do chính Chúa Giêsu? Nếu ta cho dụ ngôn là lời cảnh cáo đối với những người nghe, điều đó nghĩa là có những cách nghe lời Chúa khác nhau và hoa quả cũng tùy thuộc vào người nghe. Số phận của lời nói luôn luôn tùy thuộc người nghe. Như có người nói: “hậu quả của lời nói dỡn chơi không lệ thuộc vào lưỡi người nói, mà lệ thuộc vào tai người nghe”. Lời nói chơi sẽ thành công nếu nói với người có óc hài hước sẵn sàng mỉm cười. Lời nói chơi sẽ thất bại khi nói với người không có tính hài hước, không muốn chơi đùa.[2]
Vậy ai là những người nghe và được cảnh cáo trong dụ ngôn?
Đó là:
2.1.1.Những người bịt tai
Bịt tai vì thành kiến. Thành kiến là những bức tường ngăn cách, là những cánh cửa đóng kín. Với những ngăn cách, cửa đóng kín, sự thật không thể được đón nhận. Vì kiêu căng. Những người kiêu căng cho họ là những người biết quá đủ, không cần biết thêm, không cần phải học hỏi. Vì sợ sự thật mới, không muốn thám hiểm. Những người này chỉ muốn yên thân, không muốn bị khuấy động; đôi khi vì cuộc sống vô luân. Đây là những người sợ sự thật vì sự thật kết án những gì họ ưa thích, những gì họ đang làm. Họ không muốn nghe và nhận biết sự thật vì sự thật kết án họ. Vì không ai mù như những người cố tình không muốn xem.
2.1.2.Những người trí khôn nông cạn
Đây là những người không thể suy nghĩ và suy nghĩ đến nơi. Họ có thể nghe đấy nhưng rồi cũng quên đấy. Họ chỉ theo thời. Họ hồ hởi đón nhận sau một vài thành công, nhưng khi công việc trở nên khó khăn, họ bỏ ngay không nghĩ ngợi. Họ bắt đầu khởi công, nhưng không bao giờ hoàn tất. Không ai thành công với cuộc sống dựa trên những cảm xúc. Kitô giáo có những đòi hỏi, và phải trực diện trước khi được chấp nhận. Người Kitô hữu không chỉ có những đặc ân mà còn có những trách nhiệm.
2.1.3.Những người bận rộn quá nhiều công việc
Đặc tính của cuộc sống thời nay là càng ngày càng bôn ba vội vã. Họ bận quá không có giờ cầu nguyện, không có giờ học hỏi lời Chúa. Họ tham gia nhiều hội đoàn, làm nhiều công việc bác ái quá đến quên Đấng mà mọi tình yêu và mọi phục vụ hướng về. Bận quá đến nỗi mệt mỏi không muốn làm gì. Không phải những công việc rõ ràng xấu mới nguy hiểm mà cả những việc tốt cũng nguy hiểm, vì ‘điều tốt thứ yếu luôn là kẻ thù của cái tốt nhất’. Có thể họ không phải là những người cố tình bỏ cầu nguyện, bỏ Kinh Thánh, bỏ Giáo Hội; họ vẫn nghĩ đến những điều đó, nhưng cuộc sống bận rộn quá đến nỗi không bao giờ nghiêm chỉnh thực hành điều gì.
2.1.4.Những người như những thửa đất tốt
Như đất tốt, trí khôn họ luôn luôn sẵn nghe. Họ luôn muốn học hỏi, sẵn sàng nghe. Họ không kiêu căng, không quá bận. Họ hiểu biết, suy nghĩ ý nghĩa quan thệ gì đối với mình; họ đem hiểu biết thành hành động. Người thực sự nghe là người lắng nghe, hiểu và vâng lời.[3]
2.2. Những người giảng
Dễ thấy có lúc các môn đệ phải thất vọng vì với họ, thì Chúa Giêsu là tất cả, là Đấng tuyệt hảo hơn hết, mà Người lại không mấy thành công. Hội Đường đóng cửa không đón tiếp, giới lãnh đạo chính thống gay gắt chê trách, tỏ vẻ muốn diệt trừ Người. Thật ra, dân chúng kéo đến nghe Người giảng thì đông, nhưng ít kẻ thực sự thay đổi; rất nhiều người đến để xin ơn, nhưng sau khi được, thì lại ra đi không lời cảm tạ. Rất nhiều người chỉ đến với Chúa để được ơn. Trước mặt các môn đệ, hình như Chúa Giêsu chỉ khơi lên sự chống đối nơi giới lãnh đạo Giáo Hội, Người chỉ là hình ảnh chóng qua nơi đám đông. Vì thế, các môn đệ có thất vọng thì cũng là tự nhiên.
2.2.1.Vậy thì dụ ngôn nói gì với những người rao giảng đang thất vọng?
Đó là chắc chắn mùa gặt sẽ tới. Đây là bài học chóp đỉnh của dụ ngôn, hạt giống sẽ nẩy mầm. Có hạt rơi bên đường, có hạt rơi giữa bụi gai, có hạt rơi nơi sỏi đá… nhưng có những hạt sẽ nẩy mầm, đem lại mùa màng. Chẳng người nào đi gieo mà lại trông mong mọi hạt sẽ nẩy mầm; họ biết rõ có những hạt sẽ bay đi… dầu vậy họ không hề thất vọng, không đi gieo. Ngược lại,
2.2.2.Họ vẫn can đảm đi gieo và đi gieo
– Khi đi gieo, họ không biết họ làm gì, hay không biết sẽ kết quả ra sao
H.L.Gee kể chuyện: trong cộng đồng ông, có ông già tên Tôma, sống cô độc. Ông sống lâu hơn đồng bạn, nên ít người biết đến ông. Khi Tôma chết, Gee nghĩ sẽ ít người đi đưa nên ông quyết định đi đưa. Hôm đó, trời giá rét nên có ít người. Khi tới cổng nghĩa địa, một người lính đang chờ. Người đó là một sĩ quan, nhưng lon sĩ quan khuất trong áo choàng. Người lính đi theo đến huyệt. Đến trước nấm mộ, anh giơ tay chào như chào một ông vua. Gee cùng đi với người lính, chẳng may cơn gió thổi mạnh làm banh áo choàng, Gee mới thấy đó là một thiếu tướng. Thiếu tướng nói với Gee ‘ông có thể ngạc nhiên. Xưa, Tôma là thầy dạy tôi trong những ngày Chúa Nhật; tôi là đứa trẻ hỗn xược, làm phật lòng ông rất nhiều. Tôi không hề biết ông đã làm gì cho tôi, nhưng tôi mắc nợ mọi cái với ông, nên nay tôi đến tiễn biệt ông’. Toma không biết ông ta làm gì, nhưng nay đã thấy kết qủa. Người giảng cũng thế.
– Khi gieo, người gieo không cần thấy kết quả sớm
Thiên nhiên không bao giờ vội vàng. Phải lâu năm hạt giẻ mới thành cây; hạt giống gieo vào lòng người, càng lâu hơn. Có khi hạt giống gieo vào lòng con trẻ mãi tới già mới đâm chồi nẩy mầm. Thời nay, ta mong tìm kết quả mau chóng, nhưng khi gieo ta phải kiên nhẫn hy vọng, mùa gặt chỉ đến sau đó cả năm trời. [4]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúng ta cần ghi nhận là dụ ngôn về người gieo giống không phải là một bài học về nông nghiệp, cũng không không phải là nói chuyện đất đai, nhưng chính là nói về hạt giống và những mảnh đất đón nhận hạt giống.
Qua bài Tin Mừng thánh Matthêu chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã phân chia thành bốn loại đất mà người nông phu gieo hạt giống vào. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho bốn thái độ của con người trước Lời Chúa :
– Đất vệ đường: những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị qủi dữ cướp đi.
– Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không qúi chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.
– Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng đã để các đam mê của cải xác thịt bao phủ tâm hồn họ. Chúng như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết nghẹt.
– Đất tốt: những người nghe Lời Chúa, rồi ghi sâu vào tâm hồn và tích cực đem ra thi hành trong cuộc sống.
Theo Mark Link, để trở thành mảnh đất tốt, có ba bước trong việc lắng nghe Lời Chúa, mỗi bước một tiến hơn :
– Bước thứ nhất là nghe Lời Chúa. Chúng ta có thể gọi đây là bước của trí não. Bước này bao hàm việc chăm chú lắng nghe, đọc và giải thích Kinh Thánh.
– Bước thứ hai là trân trọng tích giữ Lời Chúa. Bước này có thể được gọi là bước của trái tim, bao hàm việc ghi sâu vào lòng lời ta vừa nghe, và suy nghĩ xem có cách nào áp dụng lời ấy vào cuộc sống và làm sao để lời ấy biến cuộc sống của chúng ta nên tốt đẹp hơn. Bước thứ hai này không nhất thiết xẩy ra tại nhà thờ. Nó có thể khởi sự tại nhà thờ nhưng thường kéo dài suốt tuần lễ sau khi chúng ta suy nghĩ Lời Chúa đã nghe hôm Chúa nhật.
Bước thứ ba là đem Lời Chúa ra thực hành. Nếu chúng ta gọi bước thư nhất là của “trí não”, bước thứ hai là của “trái tim”, thì chúng ta có thể gọi bước thứ ba là bước của “linh hồn”. Bước này bao hàm tác động lên những gì trí óc chúng ta lãnh nhận và con tim chúng ta tích chứa giữ gìn.
Điều Chúa muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay là: Nước Trời là một quà tặng biếu không cho con người, nhưng cũng là một thực tại được ẩn dấu, bởi vì nhiều người sẽ thất bại, không đón nhận Nước Trời.
Không phải bởi vì Thiên Chúa hẹp hòi hay không công bằng, không muốn ban tặng Nước Trời cho họ, nhưng chính họ phải tự đánh giá lại chính mình, xem cách sống và những tìm kiếm của mình trong khi theo đuổi những thực tại khác nhau trong đời sống.
Đứng trước quà tặng này, con người cần phải có nhiều cố gắng mới có thể đón nhận. Như những người khôn ngoan biết suy tính, những người môn đệ của Chúa cần phải biết chuẩn bị chính mình, hiểu biết những trở ngại nào làm cho mình không thể đón nhận Nước Trời, hay những trở ngại làm cho hạt giống Nước Trời không thể phát triển nơi chính mình. Những mảnh đất trổ sinh nhiều bông hạt là những người « biết lắng nghe Lời Chúa». Họ được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và lần hồi phát sinh hiệu quả. Hiệu quả phát sinh cũng không phải là đồng đều giống nhau nơi những mảnh đất khác nhau, có nơi thì sinh một trăm, có nơi sáu mươi, có nơi ba mươi.
Thiên Chúa không đòi hỏi mọi mảnh đất đều phải sinh hoa quả gấp trăm mà chỉ quan tâm đến sự phát sinh hoa quả của những mảnh đất khác nhau. Điều quan trọng là sự phát sinh hoa trái của mảnh đất, chứ không phải là số lượng.
– Nếu chúng ta là những mảnh đất tốt, chúng ta hãy cám tạ Thiên Chúa và làm cho hạt giống được gấp trăm như trong bài Tin Mừng.
– Nếu chúng ta là những mảnh đất xấu thì chúng ta phải biến những mảnh đất xấu thành những mảnh đất có thể cày cấy được.
– Nếu chúng ta là những mảnh đất chai cứng bên vệ đường thì phải nỗ lực biến nó thành những mảnh đất xốp.
– Nếu chúng ta là những mảnh đất có nhiều sỏi đá, thì chúng ta phải biết thu gom sỏi đá lại, tức là phải cất đi những chướng ngại vật như: sự lười biếng, thờ ơ, các thành kiến, khuynh hướng xấu trong tâm hồn.
– Nếu chúng ta là những mảnh đất có nhiều gai góc thì phải làm sạch cỏ rác để hạt giống có thể phát triển, tức là làm cho tâm hồn thanh thỏa, không còn những bồn chồn lo lắng về những sự ở đời như thú vui xác thịt, danh vọng, của cải vật chất, vì những cái đó là những gai góc bóp chết Lời Chúa.
Nếu chúng ta tích cực làm việc như thế, chắc chắn mảnh đất chúng ta sẽ sinh lợi như lời Chúa nói: hạt được một trăm,hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ
[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.358
[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.359
[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.260
[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.361