CHÚA GIÊSU ĐI TRÊN MẶT BIỂN
MÀ ĐẾN VỚI CÁC MÔN ĐỆ
(Mt 14, 22- 33)
Thưa quý vị, thưa các bạn, cuộc sống trần thế của con người nhân thế, như một biển khơi, chúng ta sống trên trần gian khác nào chúng ta đang đi trên biển, nếu như chúng ta không tin vào Thiên Chúa, thì cuộc đời chúng ta chắn chắc sẽ chìm, chìm vì bởi đủ mọi thứ, chìm vì chính những nhu cầu, những công việc, những ích kỷ, những mưu mô xảo quyệt, nói chung sẽ bị chìm vì tội lỗi của chúng ta. Vâng, nếu Thiên Chúa không ban chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu- Kitô đến trần gian để cứu độ chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ bị chìm, chìm đời đời và chìm trầm luân.
Tin mừng hôm nay (Mt 14, 22 -33) cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về câu chuyện có thật chứ không phải dụ ngôn, đó là: “Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”.
Hình ảnh của Tin Mừng hôm nay cho thấy biển mà thánh Phê-rô sắp chìm là biển thật, theo nghĩa đen, còn biển trần gian theo nghĩa bóng mà con người nhân thế chúng ta đang sống là chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Xét theo hiện tượng vật lý, người đời mang một trọng lượng nhất định, năng hơn không khí, vì vậy, khi xuống nước không có sức hút và lực đẩy, thì tự nhiên chúng ta sẽ bị chìm. Đó là hiện tượng tự nhiên. Vì vậy, khác với hiện tượng tự nhiên là “HIỆN TƯỢNG SIÊU NHIÊN”, hiện tương siêu nhiên phải được xảy ra với siêu nhiên.
Theo đó, việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ là Chúa biểu lộ Thiên Tính cho các môn đệ biết Người là Con Thiên Chúa.
Vâng, như chúng ta biết, cuộc đời trần thế nặng nề đủ mọi chuyện chẳng khác nào “tảng đá”, vì vậy nó dễ chìm. Vì vậy, trang Tin Mừng hôm nay rất thiết thực và gần gũi với nhân thế, đặc biệt là người tín hữu.
Đức Phật nói: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả”, vì “Cuộc đời là bể (biển) khổ ”. Các nhạc sĩ cũng viết: “Cuộc đời là sóng gió, còn ta là con thuyền”. Đạo Cao Đài, họ gọi chiếc quan tài là “thuyền”. Vâng, biển cuộc đời và đời sống của từng cà nhân trên trần gian, chính là một biển cả. Cụ Nguyễn Du cũng đã viết: “ Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Nhưng, Đạo Công giáo không bi lụy với đau khổ, không oán thán đau khổ, trái lại, chấp nhận đau khổ, vì đau khổ là Thập giá, Chúa Giêsu nói: ”Ai không từ bỏ mình, vác thập già mình hằng ngày mà theo Ta, thì không xứng đáng làm môn đệ Ta” . Đau khổ của người Công giáo là một hồng ân, chứ không phải là “án phạt”, bởi vì, chính Chúa Giêsu đã gánh lấy đau khổ cho chúng ta.
Qua Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy khi các môn đệ thấy Chúa đi trên mặt nước, thì các ông hoảng sợ la lên “Ma đấy!”, Chúa Giêsu bảo: ” Chính Thầy đây, đừng sợ!”.
Vâng, thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đã dùng câu Lời Chúa hôm nay mà củng cố đức tin cho mọi Kitô hữu. Vâng, “Đừng sợ”, nhưng, phải có Thầy Chí Thánh Giêsu, nếu không chắc chắn chúng ta sẽ “bị chìm”. Có Chúa trong cuộc đời là một điều hạnh phúc thật sự, từ đó chúng ta “đừng sợ” đau khổ vì chúng ta có Chúa Giêsu.
Thánh Phê-rô sắp bị chìm vì thiếu lòng tin vào Chúa, nhưng ông đã biết kêu cầu Chúa “Thầy ơi, xin cứu con!”. Chúa Giêsu liền đưa tay ra cứu lấy Phê-rô.
Phê-rô vừa được Chúa đưa lên núi Thánh, được thị kiến Dung Nhan Thần Tính của Thầy Chí Thánh, bây giờ lại được chúng kiến Thầy đi trên mặt nước, lại xin Thầy cũng cho mình đi trên mặt nước, nhưng ông lại yếu tín, liền bị Chúa quở trách: “Sao kém tin thế!”. Như vậy, thánh Phê-rô thực sự rất yếu đuối, nhưng ngài được giao là Tông Đồ trưởng, bởi vì, Chúa không xét theo giới hạn của Phê-rô, nhưng dựa vào “Lòng Thương Xót” vô biên của Thiên Chúa.
Vì vậy, khi đặt Phê-rô là “ĐÁ”, điều đó nghĩa là: ”Chúa muốn xây dựng trên thánh Phê-rô một lòng khiêm nhường như đá, một lòng cứng rắn như đá, một lòng sắt son, chung thủy như đá, và một lòng tin mạnh mẽ như đá”.
Và như vậy, thánh Phê-rô có sức nâng dậy Hội Thánh của Chúa ngay tại trần gian. Đặc tính của đá thật là đáng ca ngợi, Thiên Chúa tạo thành loài người bởi bụi tro, là đất, nhưng, đặt chân lý Tin Mừng trên đá, vâng đó không phải là một mầu nhiệm sao!
Phê-rô là đá nhưng Phê-rô không bị chìm, vì Phê-rô có Chúa Giêsu, Đấng “CỨU“ mọi linh hồn.
Như chúng ta biết mọi tu luật của các dòng tu đều căn cứ vào đặc tính của ”ĐÁ”, không phải chỉ sự cứng rắn không thôi, mà chính là sự khiêm nhường, bên cạnh sự vững bền, sự cứng rắn, sự hiên ngang, đá mang đặc trưng của sự khiềm nhường muôn thuở.
Chẳng vậy, mà chúng ta thấy người có công xây dựng nhà thờ Đá Phát Diệm – Ninh Bình là cha Phê-rô Trần Lục, một con người Linh mục đa tài, đã chiêm niệm về đặc tính của đá, nên chi, đã để lại cho đời một di tích thờ phượng, đồng thời là một danh thắng đáng ca ngợi muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ, xin thương cũng đi trên cuộc đời của mỗi người Kitô hữu, để sóng gió cuộc đời họ được lặng yên vì có Chúa, và xin cho họ nhận ra chỉ có Chúa mới làm được điều đó mà thôi./. Amen.
P.Trần Đình Phan Tiến