Tỉnh thức trong niềm tin và hy vọng
Suy niệm Chúa nhật thứ XIX thường niên – Năm C
(Lc 12,32-48)
Nếu như Lời Chúa Chúa nhật trước nhắc nhở chúng ta đang khi sinh sống ở trần gian đừng quên nghĩ đến tương lai và định mệnh cuối cùng của mình, thì Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tỉnh thức trong niềm tin và hy vọng. Thái độ trên được Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn khác nhau để diễn tả như : dụ ngôn mười cô trình nữ đi đón chàng rể, kẻ trộm đến ban đêm, người đầy tớ tỉnh thức chờ… ông chủ đi khuya về… Đây là thái độ nội tâm căn bản của đời sống người kitô hữu.
Trong Cựu Ước, thái độ này được diễn tả qua các nhân vật chính như Abraham, nghe Chúa gọi, ông liền lên đường ngay; Samuel nghe Chúa gọi lúc đang ngủ đêm, liền thưa : Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.
Trong Tân Ước, chúng ta đọc được thái độ này qua hai tiếng xin vâng của Đức Maria, qua thái độ của Thánh Giuse mau mắn nhận Đức Maria về nhà làm bạn mình; qua thái độ của các Tông Đồ, vừa nghe tiếng Chúa gọi, liền bỏ mọi sự theo người… Đó là những tâm hồn tỉnh thức trong tin tưởng cậy trông, họ luôn nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống.
Abraham là người đầu tiên có một đức tin như vậy, thật xứng đáng là cha đẻ của những kẻ có lòng tin. Abraham tin vào lời Chúa hứa và ra đi, chẳng hiểu sẽ đi đến chỗ nào, nhưng chắc chắn Chúa sẽ đưa Abraham đến vùng đất màu mở, và ở đó, ông sẽ trở thành cha của một dân tộc, ông sẽ có con đàn cháu đống. Chính niềm tin đã đưa ông lên đường; và cũng chính niềm tin đã khiến ông không dừng lại lấy nơi nào làm quê hương không phải là nơi Chúa sẽ chỉ cho. “Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập” (x. Dt 11, 1-2; 8-19).
Thái độ trên cũng là kinh nghiệm của con cái Israel. Họ được cứu thoát là nhờ nghe lời ông Môsê khuyên bảo (x. Xh 12,21-28) tin và trông đợi vào Chúa. Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu muốn khuyên chúng ta hôm nay (x. Lc 12,32-48).
Nhìn vào đời sống thường nhật, phải nói là chúng ta dường như đang hy vọng trong niềm tin và tỉnh thức đấy chứ. Bởi chúng ta đang vội vã lăng xăng, đang xử dụng cặp mắt, đôi chân, đôi tay và các quan năng để làm những công việc chúng ta cho là đem lại nhiều lợi ích nhất cho phần rỗi cuộc đời cứu cảnh của ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Vậy, phải chăng chúng ta thức mà không tỉnh, sẵn sàng mà không có chuẩn bị. Tiên vàn, hãy tỉnh thức, trung tín và khôn ngoan (x. Lc 12,32-48).
Vậy tỉnh thức như thế nào, có phải rằng cứ thức suốt không ngủ sao? Chúa Giêsu khuyên chúng ta : “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Các con hãy sẵn sàng”(x. Lc 12, 36). Đây không phải thức suốt không ngủ, càng không phải là chờ đợi cách thụ động : “Đầy tớ trung tính và khôn ngoan” là đầy tớ “khi chủ về còn thấy làm việc”, nghĩa là đang hăng say làm nhiệm vụ ông chủ đã trao phó cho, không gì khác là phục vụ trong yêu thương, theo gương của chủ mình . Vậy, “Ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy” (x. Lc 12, 42-43).
Tỉnh thức ở đây là đừng ngủ mê, phải tỉnh táo và phân định. Ở đời có những bóng đêm ru ta ngủ say, khiến ta không gặp được Chúa. Có bóng đêm của tội lỗi, của danh vọng, ru ta ngủ sâu trong tội, ngủ quên vinh quang Nước Trời. Có những bóng đêm của xác thịt, ích kỷ đưa ta vào giấc mộng của lạc thú, chỉ biết sống cho mình, chìm đắm trong giấc mộng làm cho niềm tin của ta phai mờ, mất lẽ cậy trông.
“Thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” là tư thế của người có chủ đích đợi chủ đi ăn cưới về bất cứ lúc nào : “chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”, anh vẫn trung tín luôn sẵn sàng làm theo ý chủ. Đây là hình ảnh lý tưởng của sự thức tỉnh trong tình yêu.
Tỉnh thức là bắt tay vào hành động, không phải chỉ có ngồi và chờ, nhưng phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Phải luôn trong tư thế sẵn sàng làm việc. Tại sao vậy? Thưa! Vì người đầy tớ không hề mảy may biết được lúc nào, giờ nào ông chủ trở về. Sự xuất hiện của ông bất thình lình đến độ như tên trộm.
Chúa như ông chủ đi vắng, Ngài trao cho ta toàn quyền khi vắng nhà. Người giao cho ta sức khỏe, điều kiện, khả năng để ta phát triển về nhiều mặt. Thức tỉnh là nhận ra ý Chúa trong những dấu chỉ của thời đại.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tỉnh thức, để chúng con có thể chờ đợi Chúa với sự kiên trì trong niềm tin yêu. Xin đốt lên trong lòng chúng con chính ngọn lửa hy vọng đang đợi Chúa không hề tắt, để chúng con gặp được Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ