Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 19B TN

Bánh Hằng Sống

Ga 6,41-51b(Ga 6,41-51)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Ngữ Cảnh

Cũng như trong việc chữa lành người bất toại ở Ga 5, sang Ga 6, Đức Giêsu lấy sáng kiến nuôi đám đông (6,4-13). Và đám đông nhìn nhận việc nhân bánh ra lạ lùng là dấu chứng tỏ Đức Giêsu là vị ngôn sứ và vua của thời cánh chung mà con dân Israel hằng mong đợi (6,14-15). Kế đó, việc Đức Giêsu trên mặt biển sôi sục (6,16-19) và lời “Thầy đây (Egô Eimi, “Tôi là”)” để trấn an nhưng mang tính mạc khải cho các môn đệ đang sợ hãi (6,20; x. Xh 3,14) cho thấy thần tính của Người. Bài diễn từ kế đó cũng tập trung vào bản thân Đức Kitô (6,22-59). Trước tiên Đức Giêsu tỏ ra chính Người là “bánh ban sự sống” (6,35.48), là mạc khải của Thiên Chúa nhằm ban sự sống cho loài người, là bánh ban sự sống do Thiên Chúa Cha ban từ trời cho họ (6,32-33). Để được thứ bánh ban sự sống vĩnh cửu này, người ta phải tin vào Đức Giêsu, là Đấng Chúa Cha sai phái (6,29.35.40.47), và ăn thịt cùng uống máu Người (6,53.54.57.58).

Chính Bài diễn từ về Bánh ban sự sống có thể phân chia như sau:

            1.Chuyển tiếp vào “Bài Diễn Từ” (6,22-24);

            2.Mở đầu “Bài Diễn Từ” (6,25-34);

            3.Chính “Bài Diễn Từ” (6,35-50.51-59);      

            4.Phản ứng lại với “Bài Diễn Từ” (6,60-71).

2.Ý nghĩa bản văn

Đến đây, bên trong đám đông, bắt đầu xuất hiện những nhân vât đặc biệt. Nhóm đầu tiên là nhóm những người Do Thái. Chẳng lẽ tất cả những người làm thành “đám đông” lại không phải là Do Thái cả sao? Thế mà bên trong đám đông, tác giả Gioan lại phân biệt ra một nhóm riêng gọi là “người Do Thái”, và ngài coi đây là những người càm ràm (“xầm xì”) và không tin.

2.1.Người Do Thái xầm xì (41-42)

Phản ứng xầm xì của người Do Thái ở đây tương tự kiểu vấn nạn dân làng Nadarét đã nêu ra cho Đức Giêsu trong Tin Mừng Maccô 6,1-6. Phản ứng này còn khiến chúng ta nhớ lại quãng lịch sử xa hơn ngày trước: trong sa mạc Sinai, con cái Israel đã xầm xì để bày tỏ sự ngờ vực đối với Môsê: họ không tin vào sứ mạng của ông là do Thiên Chúa trao và khả năng của ông là cung cấp bánh và nước cho họ. Vẫn đi theo chiều hướng của tổ tiên, người Do Thái hôm nay xầm xì để nói lên sự hoài nghi của họ về tư cách và khả năng của Đức Giêsu.

Họ nhắc lại hai khẳng định của Đức Giêsu (c. 41): Người là bánh và Người từ trời xuống; đặc biệt họ nhấn mạnh tới điểm thứ hai. “Cái ông này”, ta biết rõ gốc gác, thế mà ông ta lại cho rằng mình có một sứ mạng và một xuất xứ thần linh (x. 7,27)! Quả thật, theo niềm tin dân gian Do Thái, Đấng Mêsia phải xuất hiện thình lình, mà không ai biết Người từ đâu đến. Dựa trên niềm tin này, người Do Thái nghĩ rằng họ hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ các khẳng định của Đức Giêsu.

2.2.Đức Giêsu kêu gọi tin vào Người (43-47)

Đức Giêsu liền can thiệp, nhưng Người không bao giờ trả lời câu hỏi về nguồn gốc của Người trên bình diện nhân loại. Đứng tại quan điểm thần học, Người cho biết “chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44). Người được Thiên Chúa sai đến (c. 44) và Người đến từ Thiên Chúa (c. 46), do đó Người có thể cho rằng Người từ trời xuống. Nếu người Do Thái thôi xầm xì, và để cho lòng họ mở ra với hoạt động của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lôi kéo họ đến với Đức Giêsu. Đây chính là lúc lời ngôn sứ Isaia được thể hiện: “hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Việc dạy dỗ này có một phương diện bề ngoài, theo nghĩa là nó được cụ thể hóa bởi chính Đức Giêsu đang đi lại giữa họ, và có một phương diện bên trong, theo nghĩa là Thiên Chúa hành động trong tim họ. Điều này cũng ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia. Sự thôi thúc bên trong này do bởi Chúa Cha sẽ làm cho họ có khả năng tin vào Người Con và như thế có sự sống đời đời.

2.3.Đức Giêsu mời gọi đón nhận Người là bánh trường sinh (48-50)

Các câu 48-50 là một đoạn theo cách hành văn đóng khung, vì các câu này nhắc lại phần mở của Bài diễn từ: Câu 48 cùng với c. 35 làm thành một câu đóng khung; cc. 49-50 nhắc lại các đề tài của cc. 31-33. Đám đông đã nêu ra cho Đức Giêsu gương của các tổ tiên họ đã ăn manna trong sa mạc, nhưng Đức Giêsu cho thấy rằng việc này đã không cứu được các tổ tiên họ khỏi chết. Kế đó, Người lại nhắc lại ý câu trích Kinh Thánh ở c. 31, Người nói rằng bánh đến thật sự từ trời là một thứ bánh không để cho người ta phải chết.

2.4.Bánh trường sinh chính là thịt Đức Giêsu (51)

Sau đó, Đức Giêsu chuyển sang một đề tài mới: bây giờ vấn đề không còn phải là tin vào Người để được sống đời đời nữa, mà là ăn thịt và uống máu Người (cc. 51.54). Lâu nay các tác giả vẫn coi đây là một gợi ý về Bí Tích Thánh Thể, nhưng ta có thể thấy nghĩa gần là “Đức Giêsu nêu bật giá trị của cái chết của Người trên Thập Giá”. Bởi vì chính là trong tư cách Con Người mà Đức Giêsu ban sự sống đời đời và Người lại trở thành Con Người đúng vào lúc cuối đời, vào Giờ của Người. Chính vì nhắm nối dài gợi ý về cái chết trên Thập Giá, tác giả dùng từ “thịt” (“Sarx”), thay vì dùng từ “thân thể” (“Sôma”). Bởi vì ý nghĩa căn bản và cũng là từ nguồn của thịt mà Con Người sẽ ban không phải là Bí Tích Thánh Thể mà là ân ban “chính mình” trong cái chết trên Thập Giá. Vậy tại Caphácnaum, khi nói đến “thịt để cho thế gian được sống”, là Đức Giêsu muốn nói là “bản thân Người (chịu sát tế) để cho thế gian được sống”.

2.5.Kết luận

Điều mà không một thứ bánh nào có thể cung cấp và không một lời hứa nào của con người có thể đạt tới, cho dù có xác tín đến đâu, Đức Giêsu có thể ban tặng. Người mạnh hơn cái chết và Người muốn đưa chúng ta đi qua bên kia cái chết. Phần chúng ta, điều này có nghĩa là chúng ta phải chạy đến với Người để có sự sống đời đời, cũng như chúng ta vẫn chạy đến với bánh trần thế, để có sự sống trần thế. Nhưng điều này cũng có nghĩa là các biên giới của cái chết đã bị đánh đổ. Cũng như trong bánh, chúng ta tìm được phương thế để tránh thoát cái chết và tiếp tục ở lại trong sự sống trần thế, thì cũng thế Đức Giêsu giúp chúng ta thắng vượt sự chết và đi vào sự sống vĩnh cửu. Vì bánh giữ cho tôi sống, tôi phải ăn bánh, chứ không chỉ nói suông về bánh; vì Đức Giêsu là bánh ban sự sống vĩnh cửu, tôi phải đón nhận Người, tin vào Người và “ăn thịt” của Người, chứ không chỉ bằng lòng với việc biết điều gì đó về Người hoặc nói về Người, dù sâu sắc.

3.Gợi ý suy niệm

3.1.Đức Giêsu đã thật sự cho đám đông được ăn no; nhưng biến cố này không có ý nghĩa tự nó, nó quy về một thực tại khác. Sự kiện Đức Giêsu có thể ban bánh và cho no thỏa về phương diện trần thế phải chứng minh rằng Người chính là bánh ban sự sống đời đời. Ở bên Người, chúng ta không được tìm cơm bánh vật chất; trái lại chúng ta phải nhận biết Người có thể và Người muốn ban cho chúng ta điều vô cùng to lớn hơn. Điều mà chúng ta đang tìm kiếm nơi Đức Giêsu và chúng ta phải nhận được từ nơi Người, có thể được tóm trong câu này: “chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35; x. 6,48.51).

3.2.Đức Giêsu đã ra sức soi sáng chúng ta và quy hướng sự chú ý của chúng ta vào ân ban cốt yếu của Người. Lương thực ban cho đám đông chỉ là một dấu chỉ. Chúng ta coi thường dấu chỉ này, nếu chúng ta dừng lại với các mối quan tâm tức thời và chờ đợi Người ban cho cơm bánh và sức khỏe; thật ra Người muốn ban nhiều hơn thế nữa. Khi nói “Tôi là bánh hằng sống”, Đức Giêsu đặt mình vào trong mạc khải của Thiên Chúa mà Môsê đã được thông dự vào khi được Thiên Chúa kêu gọi. Vào dịp đó, Thiên Chúa đã mạc khải tên của Ngài: “Ta là Đấng Ta là” (Xh 3,14). Thiên Chúa được xác định chủ yếu bằng sự kiện là Ngài hiện diện vì Dân Ngài. Khi tự giới thiệu mình như thế, Đức Giêsu nói rằng Thiên Chúa đang hiện diện nơi Người vì loài người và quan tâm đến chúng ta, đến đời sống chúng ta. Đức Giêsu hiện thân là hình thái mới và vĩnh viễn của sự hiện diện đầy uy lực và năng động của Thiên Chúa, không chỉ nhắm ban sự che chở và hướng dẫn, mà còn nhắm có sự hiệp thông riêng tư về sự sống. Đức Giêsu không chỉ muốn ban bánh, mà còn ban sự hiệp thông vĩnh cửu riêng tư về sự sống với Thiên Chúa.

3.3.Chúng ta lệ thuộc cơm bánh, để đảm bảo được sự sống của chúng ta. Không có sức lực đến từ cơm bánh, chúng ta không thể sống và làm được gì. Điều này không tùy thuộc ý chí chúng ta; nó là như thế. Do bản tính tự nhiên, chúng ta phải nhờ cơm bánh. Có cơm bánh, cũng có khả năng của cơm bánh là duy trì sự sống cho chúng ta. Nhưng đây chỉ là một khả năng giới hạn, vì cuối cùng chúng ta vẫn phải chết. Với công thức “Tôi là bánh hằng sống”, Đức Giêsu khẳng định rằng tương quan giữa bản thân Người với loài người cũng cùng một kiểu như tương quan giữa bánh và chúng ta. Đích thân Người, với tất cả những gì thuộc về Người, có thể ban cho chúng ta những gì bánh đưa lại cho chúng ta, nhưng không chỉ nhằm sự sống giới hạn, mà là sự sống vĩnh cửu vô biên.

3.4.Dây liên kết duy nhất đích thật với Đức Kitô là tin vào Người. Tôi tin vào Người khi tôi ký thác tất cả lòng trí tôi nơi Người, xác tín vào lời Người nói, xây dựng mọi sự dựa trên Người, nhắm mọi sự theo Người, liên kết đời tôi vào Người. Đức tin không phải là một xác tín về trí thức và một đoan chắc rằng một lời khẳng định hay một sự kiện nào đó là thật; đức tin là một thái độ chắc chắn và tin tưởng tỏ ra với Đức Giêsu, với ý thức trọn vẹn rằng Người là ai và với sự nhận biết đầy đủ về chân tính của Người. Đức tin là tương quan và dây liên kết người với người. Niềm tin vào Đức Giêsu đưa lại sự sống đời đời (6,47).[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

1.Bánh Hằng Sống

Từ xa xưa, con người đã mơ ước được sống trường sinh bất tử. Mỗi lần thấy một người thân chết, thì niềm mơ ước bất tử này càng ám ảnh con người dữ dội hơn. Vì thế chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu xuất hiện ở Palestine và bắt đầu nói về cuộc sống vĩnh cửu thì dân chúng liền ùa đến nghe Ngài nói.

Đám đông dân chúng Do Thái rất chú tâm đến vấn đề này vì kể từ thời Abraham và Môsê, họ triền miên sống trong mù mịt, chẳng  hiểu chút gì về những điều xảy đến cho những người đã chết. Họ tin rằng có một “thế giới của người chết”, nhưng họ chẳng có một khái niệm gì về thế giới ấy, vì thế, họ sẵn sàng đón nhận bất cứ tia sáng nào Chúa Giêsu soi dọi vào sự bí nhiệm này. Khi nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống… ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Bánh của Ta ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống”, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết. Nhưng còn có một cuộc sống mai hậu không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống trường sinh.

2.Bánh Hằng Sống chính là bí tích Thánh Thể

Khi nói về bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta phải hiểu cho đúng các từ «ăn» và «uống», «thịt» và «máu» theo nghĩa tâm linh. Ăn và uống vật gì là được nuôi dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính vật ấy. Thịt và máu một người nói lên chính bản thân hay bản chất người ấy. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu hiểu theo nghĩa tâm linh là được bổ dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính bản chất Đức Giêsu.

Bản chất của Đức Giêsu là điều cốt yếu và hết sức quan trọng để có thể «ăn» và «uống» Mình Máu Ngài. Trước tiên, Ngài chính là Thiên Chúa, là một vị thần linh. «Ăn» và «uống» Ngài chính là làm cho bản chất của Ngài thấm nhập vào bản chất của ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên như Ngài, nói cụ thể hơn là giống  như Ngài, trở nên một với Ngài.                             

Nghĩa là ta cũng trở nên thần linh, trở nên nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo. Để rồi cuối cùng trở nên đúng như Ngài đã nói: ai uống nước tôi cho, «nước» ở đây chính là bản thân Ngài, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời» (Ga 4,14). Lúc đó ta sẽ không còn khao khát một thứ gì nữa, nghĩa là được thỏa mãn mọi bề, được tràn đầy hạnh phúc, vì Ngài đã là tất cả rồi. Và mọi người sẽ thấy ở nơi ta một nguồn mạch tràn đầy sức sống, tình thương, khôn ngoan, can đảm, nghị lực… luôn luôn «vọt lên». Nhờ đó, chẳng những chính bản thân ta tràn đầy hạnh phúc, mà ta còn làm cho tất cả những người chung quanh ta hạnh phúc bằng sự dấn thân phục vụ không mệt mỏi của ta nữa.

3.Bánh Hằng Sống chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống… ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Bánh Ta ban là chính Thịt Ta để cho thế gian được sống”. Có lẽ chúng ta vẫn chưa xác tín vào lời của Chúa. Chúng ta vẫn chưa tin đủ mỗi khi chúng ta rước lễ, chính là lúc chúng ta rước Mình và Máu Chúa. Thì đây là một bằng chứng cụ thể để củng cố đức tin của chúng ta nơi bí tích Thánh Thể.

Năm 700, tại tu viện thánh Longino ở Lanciano, nước Ý. Cha Basiliô, đã dâng Thánh Lễ nhưng lại hoài nghi về mầu nhiệm Chúa biến bánh rượu nên Mình Máu Thánh Chúa, thì Chúa đã làm một phép lạ như một bằng chứng cụ thể về phép Thánh Thể, được gọi là phép lạ Lanciano. Sau khi cha Basiliô truyền phép, Bánh đã trở nên Thịt và Rượu đã trở nên Máu, còn được cô đọng đến ngày nay. Một cuộc khảo sát khoa học được thực hiện vào năm1971 cho biết, thịt đây là một thớ thịt từ trái tim, máu là máu của  một người thuộc nhóm máu AB (vết máu trên chiếc khăn liệm Turin cũng thuộc nhóm máu AB).

Ngày nay, Thịt và Máu Chúa được lưu giữ trong hào quang qúi giá gọi là Hào Quang phép lạ Thánh Thể Lanciano, có từ năm 1713 và thánh đường thánh Phanxicô, nơi lưu giữ, trở nên một trung tâm hành hương về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.[2]

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban đức tin cho chúng con. Amen.

 Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

https://catechesis.net/ga-6-41-51-toi-la-banh-hang-song-tu-troi-xuong/

[2] Carroll Cruz, Eucharistic Miracles

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN