Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XIX Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XIX Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

(Ga 6, 41-51)

 

Trong bài đọc 1 hôm nay, điều làm cho chúng ta ngạc nhiên trước tiên là tại sao một tiên tri lớn như Elia lại cầu xin cho mình được chết đi. Nếu đọc kỷ chúng ta thấy lời cầu xin ấy có lý do của nó: tiên tri đang chịu khổ cực vì đứng về phe Chúa. 

Vào thời đó dân Israel vừa thờ thần Baal vừa thờ Thiên Chúa. Hoàng hậu Izơbel là người hỗ trợ cho việc thờ thần Baal nên tạo điều kiện cho việc thờ cúng ấy lan rộng. Chính do vậy mà, theo lời Kinh thánh giải thích, nước Israel bị hạn hán trầm trọng. Tiên tri Elia đề nghị một buổi lễ cầu mưa để làm cho ra lẽ : ai là Thiên Chúa thật: thần Baal hay Giavê Thiên Chúa. Kết quả là bên thần Baal cầu xin trong vô vọng : không có lửa từ trời xuống thiêu đốt lễ vật và dĩ nhiên cũng không có mưa, trong khi đó, bên Giavê Thiên Chúa có Elia làm đại diện thì thắng lớn: lửa từ trời xuống thiêu đốt lễ vật và sau đó là trận mưa lớn. 

Qua hành động đó, Elia chứng tỏ cho dân chúng thấy rằng Giavê Thiên Chúa là Thiên Chúa chân thật và tiên tri Elia động viên dân chúng giết sạch những tiên tri của thần Baal, tổng số ước chừng 450 người. Sau vụ đó, Hoàng hậu Izơbel thề đe dọa đến tính mạng tiên tri Elia nên ngài phải chạy trốn. Người chiến thắng lớn, người đem lại vinh quang cho Thiên Chúa thì giờ đây phải chịu khổ sở cùng cực trong sa mạc nên tiên tri xin Chúa cho chết. 

Bài đọc 1 cho chúng ta thấy, nhờ bánh và nước của thiên thần mà Elia có thể đi một mạch đến Horeb, núi của Thiên Chúa. Bánh mà tiên tri Elia ăn chính là lương thực dành cho người lữ hành. Trước khi ăn, Eila cảm thấy chán nãn, thất vọng, chỉ muốn chết. Vậy mà sau khi ăn hai đợt bánh, tiên tri như được thêm sức để tiếp tục cuộc hành trình.

Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu chính Ngài là Bánh bởi trời. Chúa Giêsu nói: “Ta là bánh Hằng sống bởi trời mà xuống”… “Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh nầy thì khỏi chết.” Qua những lời đó Chúa Giêsu cho thấy có hai thứ bánh : có thứ bánh làm cho con người sống qua ngày nhưng rồi cũng chết; có thứ bánh làm cho con người được sống đời đời. Chúa Giêsu muốn nói rằng có thứ bánh làm cho con người được sống, nhưng có thứ bánh làm cho con người được sống đời đời. 

Mới nghe qua Phúc âm chúng ta tưởng chừng như Chúa Giêsu coi nhẹ lương thực vật chất nuôi sống thân xác con người nhưng nhấn mạnh đến bánh ban sự sống đời đời là chính Ngài vì Chúa Giêsu nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ sống đời đời.” Chỗ khác Chúa Giêsu nói: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (c.27). Thực ra không hẳn coi nhẹ lương thực vật chất như thế, vì những lời Chúa Giêsu nói hôm nay tiếp sau phép lạ làm bánh ra nhiều, mà chúng ta nên nhớ Chúa Giêsu làm phép lạ vì thương dân đang đói. Như thế việc làm đó chứng tỏ bánh nuôi sống thân xác là điều gì hết sức thiết yếu và Chúa Giêsu không hề coi nhẹ bánh vật chất ấy. Vấn đề là không được chỉ đi tìm bánh vật chất mà thôi và đó là trường hợp những người sau khi ăn bánh : họ tìm Chúa để được ăn bánh vật chất luôn mãi. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu muốn tránh nguy cơ đi lệch chương trình của Thiên Chúa nên Ngài nhấn mạnh đến một thứ bánh khác làm cho người ta được sống đời đời đó là chính Ngài. Chúa Giêsu nói : “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời.” (cc. 63-66).

Người môn đệ Chúa Giêsu đừng quên sự sống đời đời. Cái giá mà Chúa Giêsu đã phải trả để người tín hữu đạt được sự sống đời đời, chính là cuộc thương khó và sự chết của Chúa. Khi nhắc tới phải “ăn Thịt và uống Máu” Ngài, Chúa Giêsu chắc chắn muốn nhắc tới Bí tích Thánh Thể vì trong bữa Tiệc ly, chính Ngài cầm bánh và nói “Nầy là Mình Ta” và cũng chính Ngài cầm lấy chén rượu và nói: “Nầy là Máu Ta”. Chúa Giêsu dạy chúng ta hiểu ăn thịt và uống máu Đức Giêsu được thực hiện dưới hình bánh hình rượu. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu yêu cầu ta tưởng nhớ đến Chúa đã trải qua con đường thập giá. Vì thế đến với Bí tích Thánh Thể chính là cách làm cho người tín hữu đón nhận cái giá Chúa Giêsu đã trả để được sống đời đời. Sự sống ấy chính là dự phần vào sự sống của Chúa Cha do Chúa Giêsu mang lại: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (c.57). 

Chúa Giêsu là Bánh từ Trời xuống ban sự sống đời đời cho những người đến với Ngài. Cuộc sống của Kitô hữu chúng ta là cuộc lữ hành trần gian. Điều chắc chắn là chúng ta cũng cần của ăn vật chất hằng ngày để sống, để phát triển. Thế nhưng nếu chúng ta chỉ chuyên chăm đi tìm của ăn vật chất như người Do thái xưa thì chúng ta hãy nghe lời nhắc bảo của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay hãy cố gắng đi tìm của ăn cho được sống đời đời.

Nhìn cuộc sống ngày nay, chúng ta thấy rằng không thiếu những Kitô hữu chỉ lo đi tìm của ăn vật chất, chỉ lo đi tìm của cải vật chất. Không thiếu những Kitô hữu than rằng vì bận rộn công việc làm ăn nên họ không còn thời gian đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, không có thời gian đi lễ ngày Chúa Nhật. Những lời than phiền đó cho thấy đi tìm của cải vật chất là bận tâm lớn nhất trong cuộc đời họ và như thế bài Phúc âm hôm nay là lời nhắc nhở họ hãy nhớ đến của ăn ban sự sống đời đời là chính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Của ăn vật chất rồi sẽ qua đi, chỉ có của ăn thiêng liêng mới đem lại sự sống đời đời.

Lời nhắc nhở ấy cũng cần đối với chúng ta, những người tham dự thường xuyên Bí tích Thánh Thể vì rước lễ nhưng chưa hẳn đã đem lại cho đương sự niềm vui được sống đời đời. Chúa Giêsu là Bánh Ban sự Sống nghĩa là Chúa Giêsu trở nên lương thực cho chúng ta những người lữ hành ở trần gian. Khi hưởng dùng lương thực mà Thiên Chúa ban, chúng ta biết rằng mình được bảo đảm ơn cứu độ và sự bảo đảm nầy do lời hứa của Đức Giêsu.

Xin Chúa dạy cho chúng ta biết yêu mến Bí tích Thánh Thể, vì nhờ việc thường xuyên rước lễ mà chúng ta nhận được sức mạnh có thể giúp chúng ta vượt qua những gian thử thách của cuộc sống.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

1B

Tài Liệu Học Tập Lòng Chúa Thương Xót số 05/2024