Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XIX thường niên năm – A, của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XIX thường niên năm – A, của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

An Tâm Vì Luôn Có Chúa

(Mt 14, 22 – 33)

h1_resizeChúa nhật vừa qua, chúng ta nghe thánh Matthêu thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều (x.Mt 14, 13-21), tiếp theo là biến cố Chúa biến hình trên núi (x.Mt 17, 1-9) và hôm nay chúng ta nghe tiếp Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (x.Mt 14, 22-33).

Êlia và Phêrô là hai nhân vật nổi bật của tuần này. Êlia chứng kiến ba sự kiện trên trái đất là gió bão, động đất và lửa, Thiên Chúa đều không hiện diện ở đó. Giữa sức mạnh của vũ trụ với tiếng gió hui hui, Êlia phải học phân định để nghe thấy lời trong thinh lặng, hay trong chính bản thân mình (x.1 V 19, 9a. 11-13a).

Trước khi đề cập đến Phêrô, chúng ta không thể không nói đến các môn đệ được Chúa Giêsu giục xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước (14, 22), còn dân chúng, những người Do thái được giải tán, theo một nghĩa nào đó, họ là “những người ở bên này”. Việc các môn đệ phải “sang bờ bên kia”, nghĩa là các ông phải vượt qua những thực tại hữu hình, tạm thời của thân xác, bước sang sự vĩnh cửu vô hình. Dĩ nhiên, các ông không thể cập bờ bên kia trước Chúa Giêsu; các ông phải trải qua kinh nghiệm không có Thầy, họ không thể tới bến bình an.

Có chuyện gì mà Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải xuống thuyền? Phải chăng là để chống lại cơn cám dỗ và các tình huống khó khăn? Chắc chắn có một cơn giống tố trong lòng các ông và ở biển hồ Galilêa. Vì chưa hiểu dấu chỉ phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên các ông đã theo dân chúng muốn tung hô Chúa làm vua! Giờ đây họ cảm thấy thế gian sợ hãi và xao xuyến biết bao!

Người lên núi cầu nguyện một mình” (Mt 14, 23). Người cầu nguyện cho ai? Chắc chắn là cho dân chúng vừa giải tán, sau khi đã được ăn bánh no nê, họ không biết phải làm gì. Chúa Giêsu cũng cầu cho các môn đệ, ở giữa biển khơi đang bị kiệt sức bởi sóng đánh vì ngược gió khỏi mọi sự dữ. Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha mà các môn đệ không bị chìm vì sóng to gió lớn.

Còn Phêrô, được Chúa Giêsu mời gọi bằng kinh nghiệm đức tin. Ông xin Thầy cho được đi trên mặt nước (x.Mt 14, 28). Chúa Giêsu đã ban cho ông quyền đi trên biển. Biển, tượng trưng cho mãnh lực của sự dữ và sự chết; Chúa Giêsu đi trên mặt biển, là đi trên sự chết, thể hiện sự chiến thắng của Người trên sự dữ và sự chết. Toàn bộ mầu nhiệm Phục sinh là ở chỗ Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và biển cả. Theo quan niệm của người Do thái, biển là sào huyệt của sự chết. Đi trên biển là liều chết. Chính sự rủi ro này mà khi Phêrô đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu, xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước (Mt 14, 29), là ông giẫm chân trên sự chết. Nên không có lạ, khi ông nghi ngờ.

Chỉ khi Phêrô tin và phó thác vào Thầy, ông mới có thể đi trên mặt nước. Ông bị chìm xuống lúc ông nghi ngờ. Thấy gió mạnh, ông sợ, sự sợ hãi trước tai ương của thế gian này lại giúp cho ông tin vào quyền năng của Thầy. Chính lúc ông thôi tin vào Chúa, ông mất quyền đi trên biển, và chìm xuống. Khi đi được trên mặt nước chứng tỏ Phêrô tin, lúc chìm xuống cho thấy ông không tin. Thật là đức tin ngược đời, vì chính lúc ông không cậy dựa vào Chúa, ông bị chìm, ông lại kêu Chúa cứu.

Với lời kêu cứu của Phêrô: “Lạy Thầy, xin cứu con!” (Mt 14, 30) Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ và lời. Người giơ tay nắm lấy ông và trách: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” (Mt 14, 31). Khi gió thổi mạnh, nỗi sợ hãi và nghi ngờ về quyền năng của Chúa đột nhập vào Phêrô, một con người yếu lòng tin. Cứu ông lên khỏi nước, Chúa Giêsu dạy ông rằng, tình thầy trò không phải là đức tin của người môn đệ, nhưng là lòng trung thành của Thầy. Cảnh tượng trên phơi bày sự cao cả cũng như thấp hèn của người môn đệ. Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14, 32-33). Quả thật, niềm tin vào Con Thiên Chúa chỉ có được sau một hành trình dài của đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trên biển: Thầy đây, đừng sợ. Ma đâu có xương có thịt như Thầy có đây, cũng là lời Chúa nói với các ông sau khi Chúa phục sinh Tại sao các con run sợ, tại sao các con nghi ngờ chính Thầy đây, hãy xem tay chân Thầy đây. Hai khung cảnh khác nhau về thời gian nhưng đều có một điểm chung là run sợ, kém lòng tin và nghi ngờ, cả hai lần Chúa Giêsu đều khẳng định chính Thầy đây mà (x. Lc 24; Mt 14).

Ở cuối trình thuật, các môn đệ được mô tả là những người tin khi sấp mình xuống thờ lạy Chúa. Còn Phêrô, mỏng giòn, yếu đuối, Chúa Giêsu lại trao Giáo hội cho ông. Chúa Giêsu sẽ đồng hành cùng Giáo hội. Như Phêrô, người yếu tin, chúng ta cần có bàn tay của Chúa kéo chúng ta lên, bước vào con thuyền Giáo hội để sang bờ bên kia.

Phần chúng ta, nếu một ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu buộc chúng ta xuống thuyền; từ bờ bên này sang bờ bên kia không thể không có sóng gió. Và khi chúng ta thấy những khó khăn, vất vả, mệt nhọc giữa đời vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy vững tin rằng, Con Thiên Chúa sẽ đi trên mặt nước đến gần chúng ta, giơ tay kéo chúng ta lên; Chúa chỉ mong đợi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.

Lạy Mẹ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để giữa bao bận tâm, lo lắng, khó khăn giữa biển cả cuộc đời đang làm chúng con giao động, chúng con vẫn nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu, Con Mẹ: Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ! (Mt 14, 27) Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …