Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 19A TN

Chúa Đi Trên Biển

Mt 14,22-33b(Mt 14,22-33)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Chúa đi trên biển (Mt 14,22-23; Mc 6,47-52; Ga 6,16-21) Hồ Galilê, tháng 3 năm 29

(Ga 6,16-21) 16Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, 17rồi xuống thuyền đi về phía Caphácnaum bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giêsu chưa đến với các ông. 18Biển động, vì gió thổi mạnh. 19Khi đã chèo được năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. 20Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” 21Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. 446 • Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh O.P. Mt 14, 22-27. 22Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. 23Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình. 24Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. 27Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

1.Bỗng gió bão nổi lên, các môn đệ đang ra sức chống lại

Bài học trong đoạn này rất rõ, nhưng những gì xẩy ra lại không rõ. Trước hết hãy xem cảnh tượng. Sau khi nuôi dân chúng, Chúa bảo các môn đệ đi. Matthêu nói Người ‘bắt’ các môn đệ đi. Vừa nghe, ta thấy tại sao lại ‘bắt’. Chúa bắt vì theo Gioan, thì dân chúng muốn tôn Người làm vua (Ga 6,15). Đây là một hoàn cảnh tế nhị, phiền phức, nguy hiểm, vì môn đệ có thể liên lụy. Sau khi các môn đệ ra đi, Chúa, một mình lên núi cầu nguyện, lúc đó trời đã tối. Đó cũng chính là lúc các môn đệ đang ở giữa hồ. Bỗng gió bão nổi lên, các môn đệ đang ra sức chống lại. Và lúc coi như vô phương thì Chúa hiện đến. Người đi phía trước con thuyền sang phía bên kia. Mátthêu cho biết khi nuôi đám đông, Người bảo họ ngồi trên cỏ xanh. Vì thế, ta biết lúc đó là mùa xuân, gần lễ Vượt Qua, giữa tháng Tư. Nếu vậy thì đó là ngày trăng tròn vào khoảng 3 giờ sáng. Có điều khó hiểu là câu 25-26 nói hai lần đến Chúa đi trên mặt biển. Trong bản Hy Lạp, đi trên mặt biển, lại dùng hai lời khác nhau. Câu 25 thì nói epi tèn thalassan, tương tự như nói lướt trên (over) mặt biển. Câu 26 lại nói epti tès thalassès, nghĩa là đi trên (on) mặt biển, giống như trong câu 1 chương 21 của Gioan, có nghĩa là đi trên mặt biển. Hơn nữa, từ đi trong câu 25 và 26 là peripatein có nghĩa là đi bộ.[1]

2.Sự thật là cả hai lối giải thích đều đúng

Một là phép lạ nói về việc Chúa đi trên mặt nước. Hai là diễn tả thuyền các môn đệ bị gió đánh bạt vào phía bắc bờ hồ, mà Chúa bất thần từ trên núi đến đi trên sóng nước làm các ông hoảng sợ. Bất kể lối giải thích nào thì ý nghĩa cũng rõ ràng. Đó là khi các môn đệ cần thì Chúa đến. Trong cuộc sống, mỗi khi cần, Chúa đến! Âutinh nói “Chúa tới, đi trên sóng gió; đặt mọi hỗn loạn cuộc đời dưới chân, người Kitô hữu còn sợ gì?” Bão gió thành yên lặng; hỗn loạn thành yên hàn trật tự; điều không thể làm, làm được, điều không thể kham, kham được. [2]

 

Phêrô thưa: “thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. 30Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” 31Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu ma kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?” 32Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. 33Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”

3.Không đâu tỏ tính khí Phêrô cho bằng ở đây

3.1.Phêrô hành động theo bản năng

Theo bản năng thì hấp tấp, không suy nghĩ, nên sa đi ngã lại. Sau này cũng thế, ông quả quyết sẽ trung thành với Chúa không lay chuyển, vậy mà ông đã chối Chúa ba lần (Mt 26,33-35). Nhưng còn nặng hơn nữa là hành động của Phêrô hoàn toàn do con tim thúc đẩy, nên dù vài lần sa ngã, lòng ông vẫn đúng hướng và bản năng của ông luôn luôn là vì yêu.

3.2.Theo bản năng nên Phêrô hay sa ngã, nhưng rồi lại hối hận

Chúa hay nói phải suy đi nghĩ lại trước khi hành động (Lc 9,57-58; Mt 16,24-25). Chúa hoàn toàn chân thật đối với con người. Người luôn luôn bảo họ hãy xem những khó khăn đi theo Người trước khi sống cuộc đời người Kitô hữu. Phần lớn những sa ngã là vì hành động vì cảm xúc mà không tính đến cái giá phải trả.

3.3.Nhưng sau cùng Phêrô không thất bại vì ông bám chặt vào Chúa Kitô

Có thể nói sau mỗi lần sai lỗi, Phêrô lại gắn bó với Thầy hơn. Như có người đã nói, người thánh không phải là người không bao giờ sa ngã, mà là người mỗi lần sa ngã lại chỗi dậy. Những lần sa ngã chỉ làm Phêrô yêu mến Chúa Giêsu hơn. Những câu sau cùng bao hàm một sự thật trường cửu lớn. Đó là khi Chúa lên thuyền, gió bão liền yên lặng. Đâu có Chúa, đấy có bằng an.

Olive Wyon, trong cuốn Consider Him, trưng thư của thánh Phanxicô đờ Xan. Thánh Phanxicô quan sát một người kín nước. Ngài thấy mỗi lần kín nước, trước khi đổ nước tới mép thùng, cô bỏ vào thùng một miếng gỗ. Lần kia, thánh nhân đến hỏi, người kín nước đáp như lẽ đương nhiên ‘ô, để nước khỏi sánh’. Sau này, viết cho một người bạn, thánh nhân kể chuyện này và thêm: “nên khi lòng bạn buồn bã giao động, hãy bỏ Thập Giá đem lại bình an, thanh thản và yên lặng vào.[3]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Sau khi dân chúng được ăn no nê bởi phép lạ hóa bánh ra nhiều (14,13-21), “Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng” (c.22). Người muốn các ông rời xa khung cảnh “huy hoàng” của một phép lạ cả thể, và rời xa đám đông đang phấn khích vì phép lạ đó. “Giải tán xong, Người lên núi cầu nguyện.

Khi Đức Giêsu đang cầu nguyện một mình trên núi, thì chiếc thuyền của các môn đệ “đã ra xa bờ, bị sóng đánh vì ngược gió” (c.24). “Vào khoảng canh tư, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (c.25). Nhưng các môn đệ không tin vào quyền năng và phẩm tính thần linh của Chúa Giêsu, nên khi “thấy Người đi trên mặt biển, các môn đệ hoảng hốt bảo nhau: ‘ma đấy!’ và sợ hãi la lên” (c.26).

Họ không nhận ra Đức Giêsu và vì thế, họ từ chối sự hiện diện của Người bên cạnh họ. Họ nghĩ đó là ma! “Đức Giêsu liền bảo các ông: “cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (c.27).

 “ Phêrô liền thưa với Người: “thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Phêrô có vẻ tin vào Đức Giêsu. Nhưng đó là tin vào quyền năng của Đức Giêsu chứ không phải tin vào tình yêu của Người. Ông muốn được “đi trên mặt nước” tức là muốn được tham dự phẩm tính thần linh của Đức Giêsu.

“Đức Giêsu bảo ông: “cứ đến!” Chúa không từ chối Phêrô, trái lại, còn mời ông thực hiện ước muốn của ông. Vì thế, Đức Giêsu không ngần ngại bảo ông Phêrô đi trên mặt nước mà đến với Người. Vậy “ Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu”, nhưng thấy gió thổi thì ông đâm hoảng sợ. “Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (c.31).

Có câu chuyện kể rằng: một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: “lạy Chúa”.

Bốn bề thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.”

Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế.”

“Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.”

Tiếng ấy trả lời: “được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.” Người vô thần thất vọng thốt lên: “buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao !”

Cũng như Phêrô, người vô thần này có vẻ tin vào Chúa. Nhưng đó là lòng tin vào quyền năng làm những sự lạ lùng của Chúa, chứ không phải là lòng tin vào tình yêu của Người. Hơn nữa lòng tin của ông chỉ là lòng tin vụ lợi. Tin vào Chúa bởi vì đang rơi vào con đường cùng, nghĩa là bí quá nên phải tin vào Chúa. Tin vào Chúa, nhưng vẫn còn nghi ngờ, không dám buông tay ra, như vậy chưa tuyệt đối tin vào Chúa.

Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước và cứu Phêrô cho khỏi bị chìm, nói lên quyền năng vô biên của Chúa. Trong cuộc sống bình yên và nhất là trong trong những lúc gặp gian nan thử thách, Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Chúa sẵn sàng ban ơn phù trợ và cứu giúp khi chúng ta kêu cầu.  Để bảo đảm cho cuộc sống, chúng ta hãy luôn ngước mắt nhìn lên Chúa, đừng nhìn xuống, đừng cậy dựa vào mình hay vào người khác mà chỉ cậy nhờ ơn Chúa phù giúp.

Lạy Chúa xin nhìn đến đức tin yếu kém của chúng con. Xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.

 Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.446

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.446

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập một.447

Xem thêm

Ga 15,9-17b

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 6B PS Giới Răn Mới (Ga 15,9-17) I.TÀI LIỆU GỢI Ý Giới Răn Mới …